Biên giới Việt Nam- Campuchia

Dây là biên giới Việt Nam-Campuchia ở Đồng Tháp

Nguyễn văn Tiến

Đại học Luật Tp.HCM

Hình đi hội thảo ở Nha trang

Tôi đang ngồi giữa một bên là một bên là biển và một bên là trường đại học Nha trang

đồng tháp quê hương miền Tây

mời bạn cùng uống cà phê với chúng tôi

Hình kỷ niệm 15 năm thành lập ĐH Luật TPHCM

Mời bạn tham khảo một thoáng về gian hàng trưng bày của khoa Luật Dân sự

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

ÁN DÂN SỰ

Ai trả tiền, vàng “lỡ” nộp thi hành án? Bị đơn đã thi hành án xong, sau đó bản án được cấp giám đốc thẩm lật lại. Tòa xử bị đơn thắng kiện nhưng không giải quyết phần tài sản đã thi hành án khiến họ thắng mà vẫn mất tiền… Bà Đặng Thị Ba (ngụ ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) giờ đang phải đi giữ trẻ, các con bà phải đi làm thợ hồ để phụ mẹ kiếm tiền đóng lãi cho chủ nợ vì họ đã vay 202 triệu đồng để thi hành án (THA), nếu không sẽ mất nhà. Nay tòa xử lại cho bà thắng kiện nhưng số tiền đã nộp để THA thì không được hoàn trả do tòa không đề cập trong bản án mới. Thắng kiện, vẫn mất 202 triệu đồng Chuyện của bà Ba bắt đầu từ năm 1993, khi bà được cha dượng viết giấy tay cho mảnh đất có diện tích 72 m2 ở địa chỉ trên (có xác nhận của ban nhân dân ấp). Sau đó, bà Phượng (em cùng mẹ khác cha với bà Ba) được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy đỏ cho mảnh đất rộng 282 m2 bao trùm luôn cả phần nhà đất của bà Ba mà bà Ba không hề hay biết. Năm 2008, bà Phượng kiện ra TAND huyện Nhà Bè tranh chấp quyền sử dụng đất với bà Ba. Xử sơ thẩm, TAND huyện Nhà Bè bác đơn của bà Phượng, công nhận quyền sử dụng đất cho bà Ba. Bà Phượng kháng cáo. Tháng 3-2009, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên bà Ba thua kiện và phải chịu án phí hơn 10 triệu đồng. Đồng thời, tòa cho bà Ba sử dụng nhà đất nói trên nhưng phải trả cho bà Phượng 247 triệu đồng. Sau đó, Chi cục THADS huyện Nhà Bè đã kê biên căn nhà của bà Ba. Bà Ba phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để THA hòng giữ lại căn nhà làm nơi trú ngụ cho tám con người. Bà đã THA 202 triệu đồng (gồm hơn 10 triệu đồng án phí và 190 triệu đồng cho bà Phượng). Tháng 12-2011, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm theo hướng hủy án, giao cho TAND TP.HCM xử phúc thẩm lại. Sau đó, Tòa Dân sự TAND Tối cao họp giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị. Tháng 1-2013, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần hai đã bác yêu cầu của bà Phượng, công nhận quyền sử dụng đất cho bà Ba. Tòa tuyên bà Ba được liên hệ với cơ quan chức năng để làm giấy tờ nhà đất, đồng thời kiến nghị UBND huyện Nhà Bè điều chỉnh diện tích đất trong giấy chứng nhận đã cấp cho bà Phượng. Bà Ba đến Chi cục THADS huyện Nhà Bè xin nhận lại 202 triệu đồng đã “lỡ” nộp THA trước đó. Chi cục từ chối hoàn trả với lý do trong bản án phúc thẩm mới, TAND TP.HCM không hề đề cập đến số tiền này dù trước khi xử phúc thẩm lần hai, tòa có hỏi về việc THA và Chi cục đã thông báo tình hình. Bà Ba ấm ức: “Nhận kết quả giám đốc thẩm, rồi được TAND TP.HCM xử phúc thẩm lại, cả nhà tôi mừng rớt nước mắt. Vậy nhưng thắng kiện rồi mà tôi vẫn bị mất tiền. Làm sao để tôi lấy lại được số tiền đó bây giờ?”. Mất hơn 16 lượng vàng vì tòa thụ lý sai Một trường hợp tương tự là bà Võ Thị Ngọc Tuyết (ngụ phường 4, thị xã Vĩnh Long). Theo một bản án phúc thẩm năm 2000, TAND tỉnh Vĩnh Long xử cho bà Tuyết được quyền sở hữu căn nhà của người cha để lại với điều kiện phải thanh toán giá trị phần thừa kế cho ba anh em khác. Sau đó, bà Tuyết đã THA xong cho hai người anh. Riêng phần của người em gái trị giá hơn 33 lượng vàng thì người này không yêu cầu THA. Bốn năm sau, hai chị em bà mới giao nhận hơn 16 lượng vàng (một nửa số vàng mà bản án tuyên). Năm 2006, người em kiện ra TAND thị xã Vĩnh Long yêu cầu bà Tuyết trả số vàng còn lại. Bà Tuyết từ chối trả vì cho rằng sau ba năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, người em không yêu cầu THA nghĩa là đã từ bỏ quyền lợi. Phía VKS thị xã Vĩnh Long cũng kiến nghị tòa trả đơn kiện cho người em vì quyền lợi của người em đã được TAND tỉnh giải quyết xong từ năm 2000. Tuy nhiên, với quan điểm là bà Tuyết mới chỉ trả một nửa số vàng nên người em có quyền đòi tiếp một nửa còn lại, TAND thị xã Vĩnh Long đã thụ lý vụ án. Năm 2007, tòa này và TAND tỉnh Vĩnh Long lần lượt xét xử, buộc bà Tuyết phải trả cho người em hơn 16 lượng vàng. Sau đó, cơ quan THA đã kê biên căn nhà của bà Tuyết. Một tuần sau khi bà Tuyết THA xong thì chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng đình chỉ vụ án. Tháng 9-2010, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã ra quyết định hủy hai bản án trên. Hồ sơ vụ án được giao về TAND thị xã Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long) giải quyết lại. Đầu năm 2011, TAND TP Vĩnh Long đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, hoàn trả tiền tạm ứng án phí cho người em. Tuy nhiên, số tiền án phí gần 5 triệu đồng bà Tuyết nộp theo bản án phúc thẩm thì tòa không nói đến. Vì vậy, VKS TP Vĩnh Long đã kháng nghị quyết định trên. Bà Tuyết cũng kháng cáo vì ngoài án phí phúc thẩm, bà còn phải THA hơn 16 lượng vàng, nay bà yêu cầu trả lại vàng cho bà. Tháng 5-2011, TAND tỉnh Vĩnh Long đã sửa một phần quyết định đình chỉ của tòa sơ thẩm, tuyên hoàn trả cho bà Tuyết gần 5 triệu đồng tạm ứng án phí. Thế nhưng 16 lượng vàng mà bà Tuyết đã THA và có yêu cầu đòi lại thì tòa không nhắc tới. Tháng 8-2012, bà Tuyết gửi đơn ra TAND tỉnh yêu cầu TAND TP Vĩnh Long bồi thường thiệt hại nhưng bị TAND tỉnh trả lại đơn kiện. Theo tòa này, khoản 4 Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự gây ra trong trường hợp ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án”. Tòa này cho rằng quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao chỉ tuyên hủy hai bản án, giao hồ sơ cho tòa xử sơ thẩm lại chứ không xác định thẩm phán có hành vi “biết rõ là trái pháp luật nhưng vẫn ban hành quyết định”. Hiện nay cũng chưa có một văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận thẩm phán có hành vi trên nên chưa đủ điều kiện để TAND tỉnh thụ lý, giải quyết bồi thường theo yêu cầu của bà Tuyết… Bà Tuyết than thở: “Tôi phải đi vay nóng khắp nơi để THA hơn 16 lượng vàng, con tôi phải dở dang việc học. Nay không ai trả lại vàng cho tôi dù vụ án đã được đình chỉ. Không lẽ không có ai chịu trách nhiệm giải quyết cho tôi?”.