Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

BỘ DÂN LUẬT 1972-Q3

QUYỂN III
Nói về di sản


THIÊN THỨ NHẤT
Tổng tắc
Điều thứ 498 – Di sản được truyền cho ai là do luật pháp định hay là do ý muốn của người quá cố.
Di sản của mỗi người được khai phát do sự mệnh chung của người ấy.
Điều thứ 499 – Di sản khai phát kể vào ngày mệnh chung và ở nơi cư sở cuối cùng của người mệnh một, nếu không biết cư sở ở đâu thì kể là tại nơi cư ngụ cuối cùng.
Điều thứ 500 – Trong trường hợp nhiều người thừa kế lẫn nhau cùng chết trong một tai biến, nếu không có bằng chứng là người nào chết trước người nào chết sau, thì không ai được thừa kế ai, và di sản của người nào sẽ được truyền riêng cho thừa kế của người ấy.
Điều thứ 501 – Muốn được hưởng di sản, phải hiện sống vào ngày di sản khai phát.
Cũng được coi là đầy đủ tư cách được hưởng di sản nếu mới thành thai vào ngày ấy, miễn là phải sống khi lọt lòng.
Điều thứ 502 – Bị coi là bất xứng thừa hưởng di sản:
1) Người nào bị kết án vì đã cố sát hay thanh toán người để lại di sản hay ông bà, cha mẹ của người này;
2) Người nào bị kết án vì đã vu cáo người mệnh một hay ông bà cha mẹ của người này về một trọng tội;
3) Người thừa kế trưởng thành biết sự cố sát người mệnh một mà không tố giác.
Nhưng sự tố giác đó không thể viện ra nếu kẻ sát nhân là tôn ti thuộc trực hệ của ngừơi thừa kế, hay tôn thuộc của hàng tôn ti đó, hay người phối ngẫu, anh chị em ruột, cô chú bác cậu dì, cháu trai cháu gái ruột của người thừa kế.
Điều thứ 503 – Một thừa kế còn có thể bị truất quyền do chúc thư của người mệnh một để lại có viện dẫn lý do.
Điều thứ 504 – Ngươi thừa kế bất xứng hay bị truất quyền phải hoàn lại hoa lợi đã hưởng thụ từ ngày di sản khai phát.
Điều thứ 505 – Người bất xứng hay bị truất quyền được coi như không bao giờ là thừa kế.
Tuy nhiên, phần di sản mà đáng lẽ người ấy được hưởng sẽ truyền cho con cháu, dẫu rằng ngừơi quá cố còn thừa kế khác ngang hàng với người bất xứng hay bị truất quyền, trừ phi chính các con cháu này cũng bất xứng hay bị truất quyền.
Trong bất cứ trường hợp nào, người thừa kế bất xứng hay bị truất quyền không được hưởng, đối với phần di sản do con mình được truyền thụ như trên, quyền hưởng dụng mà luật pháp dành cho cha mẹ như định tại điều 274.
Điều thứ 506 – Ai cũng có quyền khước từ di sản, không người nào bị bó buộc phải nhận, dầu là ti thuộc trực hệ.
Đìêu thứ 507 – Sự khước từ không thể suy đóan, mà phải khai với lục sự tòa sơ thẩm nơi di sản khai phát, để làm biên bản trong một quyển sổ riêng lưu giữ tại phòng lục sự.
Điều thứ 508 – Năng quyền khước từ chỉ có thể sử hành trong hạn một năm kể từ ngày người muốn khước từ biết là di sản đã khai phát, sau đó sẽ không còn quyền khước từ nữa.
Trong trường hợp người thừa kế bậc nhất khước từ, người thừa kế bậc tiếp sau cũng có một thời hạn một năm để khước từ kể từ ngày khước từ của người thứ nhất.
Điều thứ 509 - Thừa kế nào đã chấp nhận di sản một cách minh thị hay mặc nhiên rồi thì không còn có thể khước từ.
Sự chấp nhận là minh thị khi nào người thừa hưởng lấy danh nghĩa hoặc tư cách là người thừa kế trong một công hay tư chứng thư.
Sự chấp nhận là mặc nhiên khi nào người thừa hưởng có một hành vi mà đương nhân chỉ có thể làm với tư cách là thừa kế mà thôi.
Điều thứ 510 – Người khước từ coi như không bao giờ là thừa kế.
Tuy nhiên, di sản mà đáng lẽ người khước từ được sẽ truyền cho con cháu trừ phi chính các người này hưởng cũng khước từ.
Đọan 3 điều 505 cũng được áp dụng cho trường hợp khước từ.
Điều thứ 511 – Nếu do sự khước từ mà người thừa kế làm thiệt hại cho các chủ nợ của mình, những người này có thể trong thời hạn một năm kể từ ngày khước từ xin tòa hủy bỏ sự khước từ ấy tới giới hạn trái quyền của họ. Ngoài ra sự khước từ vẫn giữ nguyên hiệu lực đối với ngừơi thừa kế đã khước từ.
Điều thứ 512 – Không ai được khước từ hoặc sử dụng những quyền lợi thuộc một di sản chưa khai phát dẫu rằng có sự ưng thuận của người sẽ để lại di sản.
Điều thứ 513 – Thừa kế được thừa hửơng di sản kể từ ngày di sản khai phát, dầu là đã chấp nhận di sản sau ngày đó hay đã để qua thời hạn khước từ.
Điều thứ 514 – Thừa kế nào đã tẩu tán hay giấu giếm tài vật gì thuộc một di sản sẽ không còn được khước từ di sản ấy; sự khước từ dầu có làm cũng vô hiệu quả, đương sự vẫn là thừa kế và ngoài ra không được dự vào sự phân chia những tài vật đã bị tẩu tán hay giấu giếm.

THIÊN THỨ II
Nói về di sản không di chúc

CHƯƠNG THỨ NHẤT
Các thừa kế chính thức
Điều thứ 515 – Di sản không di chúc được truyền cho cá thừa kế theo thứ tự sau đây, ngoại trừ quyền lợi của người phối ngẫu vị vong sẽ nói tới trong chương III.
Điều thứ 516 – Các con của ngừơi mệnh một được hưởng di sản trai gai đều nhau.
Con cháu chính thức hay chính thức hóa của những ngừơi con đã chết trứơc sẽ thay vào những người này nhận phần di sản mà đáng lẽ họ được hưởng nếu còn sống khi di sản khai phát.
Đặc biệt, con cháu của ngừơi đồng tử trong trường hợp định ở điều 500, cũng được thay thế người này để hưởng di sản của người đồng tử kia.
Điều thứ 517 – Nếu ngừơi mệnh một không có con cháu, di sản về cha mẹ được hưởng ngang nhau. Nếu chỉ còn một người cha hay mẹ, người này được hửơng tất cả di sản.
Điều thứ 518 – Nếu ngừơi mệnh một không có con cháu, cha mẹ, di sản sẽ thuộc về ông bà nội và anh chị em, chia theo nhân xuất.
Nếu không còn ông bà, anh chị em sẽ hưởng tất cả di sản. Nếu không có anh chị em, di sản sẽ thuộc về ông bà được hưởng ngang nhau, hay về một trong hai người, nếu ngừơi kia đã chết.
Các con cháu chính thức hay chính thức hóa của anh chị em đã chết trước sẽ thay thế các người này nhận lãnh di sản mà đáng lẽ họ được hưởng nếu còn sống khi di sản khai phát.
Điều thứ 519 – Anh chị em thừa hửơng di sản nói tại điều trên sẽ được chia phần đều nhau nếu họ là anh em cùng cha cùng mẹ với người chết; nếu là anh chị em cùng cha cùng mẹ hay cùng mẹ mà khác cha, thì chỉ được hưởng phân nửa của mỗi người kia.
Chỉ có anh chị em đối lẫn nhau mới được viện dẫn điều khỏan trên để đòi chia phần hơn kém, các thừa kế khác là ông bà không thể vì lẽ gì đòi hơn là phần chia theo nhân xuất như định tại điều 518.
Điều thứ 520 – Đặc biệt anh chị em ngoại hôn của người mệnh một cũng được hửơng như anh chị em chính thức như nói tại hai điều trên.
Điều thứ 521 – Nếu người mệnh một không có con cháu, cha mẹ, ông bà nội và anh chị em hay con cháu của các ngừơi này, di sản sẽ thuộc về tôn thuộc trực hệ bên nội gần nhất.
Nếu không còn tôn thuộc, cô chú bác ruột sẽ được hửơng di sản mỗi người một phần bằng nhau, nếu cô chú bác ruột đã chết thì con chính thức hay chính thức hóa sẽ được hưởng thay.
Điều thứ 522 – Nếu không có những thừa kế trên đây, di sản sẽ được truyền cho họ ngoại theo thứ bậc: trước hết các tôn thuộc trực hệ, ngừơi gần nhất lọai những người xa hơn; rồi đến cậu dì, bác trai bác gái ruột, sau đến anh chị em con cô con cậu ruột và con dì con già ruột.
Những thân quyền đồng bậc sẽ theo số người mà hưởng mỗi ngừơi một phần bằng nhau.
Điều thứ 523 – Nếu không có thừa kế nào được hưởng di sản theo luật định như trên, lại không còn người phối ngẫu vị vong và các thừa kế ngoại hôn mà quyền lợi sẽ được quy định tại các chương sau, di sản do quốc gia được thủ đắc làm tư sản.
Điều thứ 524 – Trước khi chấp hữu di sản, các thừa kế hàng hệ và quốc gia phải được một án văn cho doãn chấp. Án văn này do tòa án nơi di sản khai phát tuyên, sau khi đơn xin doãn chấp đã được trích đăng vào Công báo và 2 tờ báo được phép đăng những bố cáo pháp định, và sau khi đã nghe kết luận của công tố viện.
Điều thứ 525 – Đối với di sản của người đứng nuôi, con nuôi và các ti thuộc trực hệ chính thức hay chính thức hóa có tất cả các quyền lợi của con chính thức như đã dự liệu tại các điều 257 và 262.

CHƯƠNG THỨ II
Các thừa kế ngoại hôn
Điều thứ 526 – Con ngoại hôn được thừa hưởng di sản của cha mẹ nếu tử hệ đã được xác nhận hợp lệ do sự tự ý thừa nhận hay do phúc quyến của tòa, ngoại trừ trường hợp đã dự liêu ở điều 224.
Tuy nhiên, con ngoại hôn không thể đòi quyền lợi gì trong di sản của thân nhân của cha mẹ chúng.
Điều thứ 527 – Ngoại trừ phải tôn trọng quyền lợi của người phối ngẫu vị vong như được dự liệu tại chương III, con ngoại hôn được hưởng trong di sản của cha mẹ tất cả các quyền lợi của con chính thức như quy định tại chương I.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ còn để lại con chính thức thì con ngoại hôn chỉ được một phần bằng nửa phần của con chinh thức mà thôi.
Điều thứ 528 – Nếu ngừơi con ngoại hôn đã chết trước, con cháu chính thức hay chính thức hóa sẽ thay thế để hưởng những quyền lợi như trên.
Điều thứ 529 – Những điều trên đây không áp dụng cho con ngoại tình hay con loạn luân. Những ngừơi con này chỉ được cấp dưỡng như dự liệu tại điều 239.
Điều thứ 530 – Ngoại trừ quyền lợi của người phối ngẫu vị vong quy định tại chương III, di sản của người con ngoại hôn không có con cháu sẽ truyền cho người cha hay người mẹ mà phụ hệ hay mẫu hệ đã được xác nhận hợp pháp. Nếu tử hệ đã được xác nhận đối với cả hai cha mẹ, di sản sẽ chia đôi, mỗi người nhận một nửa.
Điều thứ 531 – Nếu không còn cha mẹ, di sản sẽ truyền cho anh chị em chính thức và con ngoại hôn của ngừơi mệnh một theo cách thức định tại các điều 519 và 520.

CHƯƠNG THỨ III
Quyền lợi của người phối ngẫu vị vong
Điều thứ 532 – Khi vợ hoặc chồng mệnh một, khối tài sản phu phụ sẽ phân chia ngay theo hôn ước. Nếu không có hôn ước, người phối ngẫu vị vong lấy lại tài sản riêng của mình và được chia phân nửa tài sản chung, tài sản còn lại là di sản của người quá cố.
Điều thứ 533 – Người quan phu hay người quả phụ nếu không bị ly thân lỗi về phần mình do một bản án đã trở thành chung quyết, được hưởng những quyền lợi như sau trong di sản của người phối ngẫu mệnh một:
1) Nếu hai vợ chồng có con chung, không cứ số con là bao nhiêu, người phối ngẫu vị vong sẽ được một phần bằng kỷ phần của mỗi người con, nhưng không được quá ¼ di sản.
2) Nếu hai vợ chồng không có con, song người mệnh một có để lại con ngoại hôn hay con riêng chính thức, người phối ngẫu vị vong sẽ được hưởng một phần bằng kỷ phần của một người con chính thức, nhưng cũng không được quá ¼ di sản.
Sự giới hạn như trên cũng được áp dụng trong trường hợp ngưới mệnh một có con riêng mà lại có cả con chung.
Điều thứ 534 – Nếu người quá cố không có con mà chỉ có cha mẹ, ông bà hay tôn thuộc trực hệ khác, nội cũng như ngoại, anh chị em chính thức hay ngoại hôn, hoặc con cháu chính thức hay chính thức hóa của những người này, người phối ngẫu vị vong sẽ được hưởng ½ di sản.
Điều thứ 535 – Nếu người quá cố chỉ còn thừa kế hàng hệ xa hơn là anh chị em hay con cháu của những người này, người phối ngẫu vị vong được hưởng ¾ di sản.
Điều thứ 536 – Nếu người quá không để lại thừa kế nào, người phối ngẫu vị vong sẽ được hưởng toàn bộ di sản.
Điều thứ 537 – Các thừa kế trên đây lúc nào cũng có quyền đòi chia di sản của người mệnh một, quyền lợi của người quan phu hay quả phụ không cản trở được sự phân chia ấy.

CHƯƠNG THỨ IV
Tố quyền truy sách di sản
Điều thứ 538 – Tố quyền truy sách di sản là tố quyền dành cho một người xin công nhận tư cách thừa kế của mình để đòi những quyền lợi trong một di sản hiện do một người khác cũng nhận là thừa kế chiếm giữ.
Điều thứ 539 – Tố quyền ấy phải sử hành trong hạn năm năm từ ngày người đã kiện được biết di sản bị người ta chiếm giữ.
Điều thứ 540 – Nếu tố quyền được chuẩn chấp, người chấp hữu phải trao hoàn di sản cho người thừa kế chân chính theo những điều kiện định tại các điều 1451, 1452 và 1453 tùy theo người ấy ngay tình hay gian tình.
Tuy nhiên, những sự giao ước của những người đệ tam đã ngay tình và không có lỗi mà ký kết với người chấp hữu, sẽ vẫn được lưu giữ.

CHƯƠNG THỨ V
Thanh tóan và phân chia di sản
Điều thứ 541 – Không người nào bó buộc phải ở trong tình trạng vị phân và thừa kế nào cũng có quyền đòi phân chia di sản mặc dầu mọi giao ước trái lại.
Tuy nhiên, các thừa kế có quyền thỏa thuận chỉ định sự phân chia trong một thời hạn tối đa năm năm, nhưng hết thời hạn này giao ước đình chỉ có thể lại được tái tục.
Điều thứ 542 – Chủ nợ của một thừa kế có thể nhân danh thừa kế ấy xin phân chia di sản.
Điều thứ 543 – Trong chế độ cộng đồng tài sản, người chồng có thể không cần sự tham dự của người vợ xin phân chia di sản do vợ được hưởng nếu tài sản được chia sẽ thuộc khối tài sản cộng đồng.
Đối với tài sản được chia sẽ là của riêng của vợ, chồng chỉ có thể xin chia huê lợi của di sản mà thôi.
Điều thứ 544 – Theo lời yêu cầu của thừa kế hay của trái chủ của người mệnh một, hoặc tự động nếu có thừa kế vắng mặt, vị thành nêin hay bị cấm quyền, thẩm phán hòa giải hay chánh án tòa sơ thẩm tại địa phương không có tòa hòa giải có quyền truyền niêm phong di sản nếu xét là cần thiết do một mệnh lệnh được tạm thi hành.
Sự niêm phong cũng như sự gỡ niêm phong và lập bản kê khai tài sản, có thể được phụ trách bởi chính thẩm phán hòa giải hay một Chưởng khế hoặc một chức dịch được chỉ định tại mệnh lệnh.
Điều thứ 545 – Tố quyền xin phân chia di sản thuộc thẩm quyền tòa án nơi di sản khai phát.
Tuy nhiên, nếu di sản gồm có bất động sản không thuộc quản hạt tòa án ấy mà được truyền phát mại để phân chia, việc phát mại có thể tùy tiện thực hiện trước tòa án hay tại phòng Chưởng khế nơi bất động sản tọa lạc.
Điều thứ 546 – Các đương sự nếu đều thỏa thuận xin chia có thể cùng đứng một đơn chung. Nếu đơn được tòa án chuẩn chấp toàn vẹn, án văn sẽ không được phép kháng cáo.
Điều thứ 547 – Nếu có thừa kế phản đối việc phân chia hay nếu không có sự thỏa thuận về cách thức phân chia, tòa án sẽ quyết định. Nếu truyền phân chia, tòa sẽ cử một Chưởng khế hay một nhà chuyên môn để phụ trách việc phân chia.
Nếu có thừa kế vằng mặt vì không biết rõ ở đâu hay không tiếp xúc được và không để lại người đại diện, tòa sẽ cử một chưởng khế hay một người đáng tin cậy để đại diện người vắng mặt trong thủ tục phân chia và bảo vệ quyền lợi của ngừơi đó.
Điều thứ 548 – Mỗi thừa kế đều có quyền đòi kỷ phần của mình bằng hiện vật về động sản cũng như về bất động sản.
Nếu có tài sản không phân chia được theo bản thể, thì sẽ được truyền đem đấu giá phát mại công khai trong bản án cho phép phân chia.
Đối với bất động sản, việc phát mại được làm trước tòa hay tại văn phòng một chưởng khế được chỉ định. Giá đặt sẽ được tòa án ấn định theo sự chỉ dẫn của các đương sự hoặc tự quyết sau khi đã truyền giám định nếu cần.
Điều thứ 549 – Trước khi di sản đem phân chia, các thừa kế kể cả người phối ngẫu vị vong, phải giao hòan lại những của tặng giữ đã nhận của người mệnh một, trừ phi chứng minh là đã được cho riêng không phải giao hoàn.
Của di tặng được suy đoán là cho riêng không phải giao hoàn, trừ phi định khác tại chúc thư.
Tuy nhiên, người thừa kế có quyền giữ lại vật tặng dữ hay di tặng, nếu khước từ di sản.
Tùy ý người thụ tặng, sự giao hoàn được thi hành theo bản thể hay bằng cách khấu trừ của giao hoàn và vào phần được chia.
Điều thứ 550 – Tài vật thuộc di sản sẽ được chia thành lô.
Có bao nhiêu chi được thừa hưởng, di sản sẽ được chia thành từng ấy phần, phần của mỗi chi sẽ lại chia đều cho mỗi ngành của chi ấy; và mỗi ngành có bao nhiêu người sẽ lại chia đều theo nhân xuất.
Điều thứ 551 – Nếu có sự dị nghị về việc phân lô, chưởng khế hay người được giao phó công việc phân chia sẽ làm phúc trình đầy đủ và đệ nạp cùng với các tài liệu tại phòng lục sự để tòa xét xử.
Điều thứ 552 – Nếu không có sự dị nghị về sự phân chia hay sau khi dị nghị đã được tòa án giải quyết, việc phân cấp các lô sẽ được thực hành theo sự thỏa thuận của các thừa kế.
Nếu không có được sự thỏa thuận, sẽ bắt thăm để phân cấp.
Trong trường hợp có thừa kế vị thành niên, bị cấm quyền, thất tung hoặc vắng mặt mà không để lại người đại diện, sẽ bắt buộc phải bắt thăm.
Sau khi bắt thăm, các thừa kế có đủ năng cách vẫn có thể thỏa thuận đổi lẫn phần cho nhau.
Điều thứ 553 – Biên bản phân chia sẽ đệ nạp tại phòng lục sự, một bản sao sẽ được nhập vào hồ sơ xin phân chia để tòa đang đường chuẩn y.
Các bằng khoán về tài sản nào sẽ được giao liền cho ngừơi thừa kế được chia tài sản ấy. Sở điền thổ được triệu dụng sẽ chiếu theo biên bản phân chia và án văn chuẩn y sang tên bất động sản cho càc thừa kế phần người nào cho người ấy. Các người hay các cơ quan trì thủ giá tiền bán đấu giá các động sản hay bất động sản cũng chiếu theo đó để trả tiền cho các thừa kế, phần người nào ngừơi ấy lãnh.
Điều thứ 554 – Các thừa kế cũng cò thể thỏa thuận phân chia không cần phải xin chia trước tòa nhưng phải làm công chính chứng thư mỗi thừa kế giữ một phần.
Nếu có thừa kế vị thành niên hay bị cấm quyền, giám hộ phải được sự chấp thuận của hội đồng gia tộc về các điều kiện chính của sự phân chia dự định. Ngoài ra, trong trường hợp này, chứng thư phân chia còn phải được tòa duyệt y.
Điều thứ 555 – Chủ nợ của các thừa kế có quyền dự kiến việc phân chia để tránh sự gian lận. Nếu mặc dầu có sự dự kiến, việc phân chia lại cứ được thực hiện ngoài sự hiện diện của họ, các chủ nợ có thể xin tiêu hủy nhưng phải có điều kiện là đã có sự gian lận làm hại đến quyền lợi của họ.
Điều thứ 556 – Giữa các ngừơi dự chia, sự phân chia chỉ có thể tiêu hủy trong hạn hai năm kể từ ngày thành tựu, vì lý do các người tham dự vô năng cách, vì có bạo hành hay khi trả khiến thiếu sự tự do thỏa thuận, và vì các thể thức luật định đã không được tôn trọng.
Điều thứ 557 – Mỗi thừa kế được kỷ phần nào do sự phân chia hoặc do sự mua đấu giá được, sẽ coi như đã thừa hưởng riêng mình và ngay từ khi di sản khai phát, những tài sản thuộc kỷ phần ấy, ngược lại, người ấy coi như không bao giờ có quyền gì đối với các tài sản khác.
Điều thứ 558 – Các thừa kế có nghĩa vụ bảo đảm lẫn nhau về sự quấy nhiễu và truất đọat là nguyên nhân đã có từ trước kia phân chia, trừ phi được miễn trừ trong giấy tờ phân chia hoặc nếu có sự truất đoạt là do lỗi ngừơi bị truất.
Nghĩa vụ bồi thường của mỗi ngừơi thừa kế là tùy theo tỷ lệ phần của ngừơi ấy được hưởng trong di sản.
Nếu có người thừa kế nào vô tư lực, thì phần bồi thường mà đáng lẽ người ấy phải gánh sẽ do các thừa kế khác, kể cả ngừơi bị quấy nhiễu hay truất đọat chia nhau cùng chịu.
Điều thứ 559 – Trừ khi đã khước từ, tất cả các thừa kế kể cả người phối ngẫu vị vong phải gánh chịu những công nợ của di sản tùy theo tỷ lệ kỷ phần của mỗi người được hưởng.
Các thừa kế chỉ phải thanh toán công nợ của di sản tới giới hạn kỷ phần được hưởng mà thôi.
Điều thứ 560 – Người thừa kế được chia một bất động sản bị để đương hay thế chấp mà phải trả nợ quá tỷ lệ phải chịu như nói ở điều trên, sẽ có quyền đòi các thừa kế khác hòan trả mỗi người nhiếu hay ít tùy theo kỷ phần của mình.
Nếu có ngừời nào vô tư lực cũng áp dụng cách thức như quy định tại điều 558.
CHƯƠNG THỨ VI
Phân sản do tôn thuộc
Điều thứ 561 – Ngay khi còn sinh thời cha mẹ và các tôn thuộc trực hệ khác có đủ năng cách pháp lý có thể quyết định phân chia tài sản của mình cho con cháu và người phối ngẫu để những người này được lãnh phần ngay.
Điều thứ 562 – Sự phân sản phải làm dưới hình thức công chính chứng thư.
Chứng thư do người tôn thuộc cùng ký với ngừơi phối ngẫu nếu có, và các ngừoi thụ hưởng nếu đã thành niên.
Nếu có người vị thành niên hay bị cấm quyền mà được đặt dứoi quyền giám hộ của người khác hơn là người tôn thuộc đứng phân sản thì giám hộ cũng ký vào chứng thư.
Có bao nhiêu ngừơi thụ hưởng cũng sẽ làm thành bấy nhiêu bản mỗi ngừơi giữ một, tuy nhiên sự khiếm khuyết thể thức này sẽ không là một nguyên nhân vô hiệu, nếu không phải là cố ý để làm thiệt hại đến quyền lợi của người nào.
Điều thứ 563 – Kỷ phần của ngừơi thụ hưởng còn vị thành niên hay bị cấm quyền sẽ được giao cho giám hộ quản trị.
Điều thứ 564 – Sự phân sản lúc nào củng có thể bị hủy bỏ bởi ngừơi tôn thuộc, trừ phi ngừơi thụ hưởng đã thực sự được lãnh nhận kỷ phần của mình.
Điều thứ 565 – Ngoại trừ trường hợp hương hỏa để được giao cho một người không phải là thừa kế phụng tự theo luật định, không thừa kế nào được quyền khiếu nại về sự phân sản do tôn thuộc quyết định, nếu đã ký vào chứng thư hay đã chấp nhận.
Điều thứ 566 - Tuy nhiên, nếu tất cả di sản đã được phân chia mà có thừa kế bị bỏ sót hay bị truất quyền không có lý do thì thừa kế ấy có thể xin tiêu hủy sự phân chia trước tòa.
Điều thứ 567 – Nếu sau khi phân chia ngừơi tôn thuộc có thêm con khác mà đến khi mệnh một lại không còn đủ tài sản để cho những ngừơi con này được hưởng một phần tối thiểu bằng phần nhỏ nhất trong chứng thư phân sản, thì sự phân sản có thể bị tiêu hủy do lời yêu cầu của những ngừơi con này.
Để ngăn chặn tố quyền ấy, những ngừơi con đã lãnh phần trước có thể để chung trả cho các ngừơi sinh sau một phần bằng với phần nhỏ nhứt trong chứng thư phân sản.
Điều thứ 568 – Nếu người tôn thuộc mệnh một còn để lại tài sản những ngừơi con sanh sau sự phân sản cũng sẽ được một phần như trên. Còn lại bao nhiêu sẽ đem chia tất cả các thừa kế theo như luật định.
Điều thứ 569 – Nếu ngừơi tôn thuộc không có thêm con sau ngày phân sản và khi mệnh một còn để lại tài sản chưa chia, những tài sản này sẽ đem phân chia như luật định.

THIÊN THỨ III
Nói về di sản có chúc thư

CHƯƠNG THỨ NHẤT
Về các điều kiện chúc thư
Điều thứ 570 – Ngừơi thành niên không bị cấm quyền hoặc vị thành niên đã thóat quyền hay đã đủ 18 tuổi đều có thể làm chúc thư để xử trí tài sản của mình theo ý muốn sau khi mệnh một, nhưng về của hương hỏa nếu chính mình là thừa tự thì phải giao lại của ấy cho ngừơi được hưởng theo luật định.
Điều thứ 571 – Lúc lập chúc, tinh thần phải minh mẫn và sáng suốt.
Điều thứ 572 – Chúc thư chỉ có thể do một người làm ra; hai người không thể cùng chung làm một chúc thư lợi tha hay lưỡng tương đắc lợi.
Đặc biệt, trong trường hợp chúc thư do hai vợ chồng cùng làm để sử dụng tài sản chung, chúc thư được thi hành riêng về phần di sản của ngừơi chết trước, ngừơi sống vẫn có quyền hủy bãi hay thay đổi chúc thư về phần mình.
Điều thứ 573 – Chúc thư có thê làm dưới ba hình thức; chúc thư tự tả, chúc thư công chính và chúc thư bí mật.
Điều thứ 574 – Chúc thư tự tả là chúc thư do chính người lập chúc tự tay viết ra, đề ngày tháng và ký tên. Chỉ như vậy là hợp lệ, không cần phải hình thức gì khác nữa.
Điều thứ 575 – Chúc thư công chính là chúc thư làm trước Chưởng khế hay chúc thư được nhà chức trách có thẩm quyền thị thực.
Điều thứ 576 – Chúc thư lập trước Chưởng khế phải được tiếp nhận bởi hai chưởng khế hay bởi một chưởng khế nhưng với sự chứng kiến cả hai nhân chứng.
Thừa kế và thụ di của người lập chúc, ngừơi phối ngẫu thân thuộc, tôn thuộc trực hệ và hàng hệ kể đến hàng các anh chị em thúc bá, con cô con cậu ruột của các thừa kế và thụ di, nhân viên của chưởng khế lập chúc thư, đều không thể được chọn làm nhân chứng.
Chúc thư sẽ do chưởng khế hay một trong hai chưởng khế viết tay theo lời đọc của người lập chúc.
Viết xong, chưởng khế phải đọc lại rõ ràng cho ngừơi lập chúc nghe, rồi đề ngày tháng cùng ký tên với người lập chúc và với các nhân chứng. Nếu người lập chúc khai không biết hay không thể ký thì phải ghi vào chúc thư lời khai đó và lý do tại sao không ký được.
Các thể thức trên đây phải được ghi rõ là đã được làm đầy đủ.
Điều thứ 577 – Chúc thư thị thực phải do người lập chúc viết ra hay đọc cho một người khác viết trước mặt nhà chức trách có thẩm quyền thị thực ở nơi trú quán hay nơi cư ngụ của người lập chúc, với sự hiện diện của hai nhân chứng.
Đoạn 2 điều 576 cấm một số người không được làm nhân chứng cũng được áp dụng cho chúc thư thị thực. Ngoài ra, nếu đối với ngừơi lập chúc bản thân của người chức dịch thị thực cũng có những liên quan như của một người bị cấm làm nhân chứng, thì người chức dịch đó phải hồi tỵ để người chức dịch thuộc hệ cấp ngay trên mình hành sự thay.
Chúc thư làm xong phải được chức dịch thị thực đọc lại cho mọi người nghe. Sau đó, phải được đề ngày tháng và được người lập chúc, ngừơi tá tả và các nhân chứng ký tên. Nếu ngừơi lập chúc không biết ký hay không thể ký thì cũng phải ghi rõ.
Tất cả những việc trên đây phải được chức dịch thị thực chứng nhận là đã làm đầy đủ.
Điều thứ 578 – Chúc thư bí mật là chúc thư niêm phong kín do người lập chúc trình cho chưởng khế trước mặt hai nhân chứng và khai rằng đó là chúc thư của mình do mình viết lấy và thủ ký.
Chưởng khế sẽ lập biên bản tiếp nhận, nếu người lập chúc vì lẽ gì không thể ký vào biên bản thì cũng phải ghi rõ.
Điều thứ 579 – Trong tất cả các trường hợp, nhân chứng phải là người đã trưởng thành và được hưởng các quyền dân sự, ngoài ra, phải biết đọc và biết viết.
Hai vợ chồng không thể cùng làm chứng trong một chúc thư.
Tên, họ, tuổi tác, trú quán của các nhân chúng phải được ghi rõ tại chúc thư.
Điều thứ 580 – Tất cả những thể thức ở trên đều có tính cách bắt buộc, nếu khiếm khuyết sẽ làm cho chúc thư vô hiệu.
Điều thứ 581 – Người Việt ở ngoại quốc có thể sử dụng tài sản của mình sau khi chết bằng chúc thư công chính lập theo thể thức quy định bởi pháp luật của quốc gia ấy, hoặc bằng chúc thư tự tả theo luật Việt Nam.

CHƯƠNG THỨ II
Nói về sự hủy bãi và thất hiệu chúc thư
Điều thứ 582 – Người lập chúc thư có toàn quyền hủy bãi toàn thể, một phần chúc thư của mình đã làm ra hoặc bằng một chúc thư làm sau cũng theo các thể thức nói ở trên, hoặc bằng một chứng thư hủy bãi lập tại phòng chưởng khế theo các điều kiện luật định.
Điều thứ 583 – Nếu chúc thư làm sau không nói rõ là hủy bãi chúc thư trước thì chỉ những điều khỏan nào trong chúc thư trước trái ngược với chúc thư sau hay xem ra không thể dung hòa được mới bị coi là bị hủy bãi mà thôi.
Điều thứ 584 – Sự hủy bãi vẫn giữ nguyên hiệu lực dẫu rằng chúc thư làm sau không thể thi hành được vì lẽ người thụ di được chỉ định do chúc thư này khước từ hay không có tư cách thừa hưởng.
Điều thứ 585 – Mọi việc đoạn mại, đổi chác do người lập chúc ưng thuận về một tài sản đã được di tặng trong chúc thư, sẽ có hiệu quả hủy bãi việc di tặng về tài sản đó, dầu rằng việc đoạn mại hay đổi chác vô hiệu vì một lý do nào.
Nếu tài sản di tặng được đem cầm cố hay diển mại, thì người thụ di vẫn được hưởng tài sản ấy, nhưng phải chuộc lại.
Điều thứ 586 – Nếu ngừơi thụ di chết trứơc ngừơi lập chúc, sự di tặng đối với người ấy sẽ đương nhiên thất hiệu.
Điều thứ 587 – Việc người thụ di bị bất xứng hay truất quyền sẽ có hậu quả hủy bãi sự di tặng đối với người ấy.
Điều thứ 588 – Sự di tặng cũng có thể bị hủy bãi, nếu ngừơi thụ di không chịu thi hành những nghĩa vụ do người lập chúc bó buộc.

CHƯƠNG THỨ III
Về hiệu lực và sự chấp hành chúc thư
Điều thứ 589 – Chúc thư chỉ phát sinh hiệu lực khi ngừơi lập chúc mệnh một.
Điều thứ 590 – Những điều kiện bất năng thành hay trái với luật pháp hoặc luân lý dự liệu trong một chúc thư được coi như không có và không khiến chúc thư vì thế mà vô hiệu.
Điều thứ 591 – Con ngoại hôn cũng thừa hưởng di sản với con chính thức, không thể được di tặng nhiều hơn phần được hửơng theo điều 527.
Điều thứ 592 – Con ngoại hôn hay con loạn luân không thể được di tặng ngoài tiền cấp dưỡng như dự liệu tại điều 239.
Điều thứ 593 – Người quan phu hay người quả phụ cùng thừa hưởng di sản với các con chung hay con riêng của người mệnh một không thể được di tặng nhiều hơn là phần được hưởng theo điều 533.
Điều thứ 594 – Trước khi chấp nhận di sản, các thụ di nếu không phải là tôn thuộc, ty thuộc trực hệ hay phối ngẫu của người lập chúc, phải được một án văn cho doãn chấp. Án văn này do tòa án nơi di sản khai phát tuyên sau khi đơn xin doãn chấp đã được trích đăng vào công báo và hai tờ báo được phép đăng bố cáo pháp định do tòa án chỉ định, và sau khi đã nghe kết luận của công tố viện.
Tuy nhiên, trong trừơng hợp chỉ có một phần tài sản được sử dụng trong chúc thư, phần còn lại thuộc quyền các thừa kế theo luật, người thụ di chỉ cần được giao vật di tặng trong tay ngừơi thừa kế luật định, nếu không được mới phải xin tòa án cho chấp hữu.
Điều thứ 595 – Sự bất xứng hay khước từ của ngừơi thụ di làm tăng phần cho các ngừơi thụ di khác nếu các ngừơi này có tư cách để có thể được thụ hửơng tòan thể di sản, bằng không vật di tặng sẽ thuộc về các luật định.
Nếu một vật bất khả phân được di tặng chung cho nhiều ngừơi, sự bất xứng hay khứơc từ của một ngừơi thụ di sẽ thất luật chỉ làm lợi cho các đồng thụ di mà thôi.
Nhưng nếu người thụ di bất xứng hay khứơc từ có con cháu này lại là thừa kế pháp định của ngừơi lập chúc thì phần của ngừơi thụ di bao giờ cũng sẽ về các con cháu ấy được hưởng theo điều 505 và 510.
Điều thứ 596 – Người thụ di được thụ hưởng toàn thể di sản phải gánh chịu tất cả công nợ của di sản, nhưng chỉ tới thời hạn tích sản nhận được mà thôi.
Ngừơi thụ di được hưởng một phần di sản phải chia nhau cùng với các thừa kế theo luật hay nhựng thụ di khác, gánh chịu những công nợ của di sản tùy theo tỷ lệ kỷ phần của mình.
Điều thứ 597 – Người thụ di đặc định được ân tặng một tài sản cá định hay một số tiền không phải gánh chịu công nợ của di sản.
Nhưng nếu sau khi thanh toán công nợ số tích sản còn lại ít hơn so sánh với tổng số các khoản di tặng thì sự di tặng của mỗi ngừơi sẽ phải giảm thiểu theo tỷ lệ ấy.
Điều thứ 598 – Người thụ di đặc định được ân tặng một bất động sản bị để đương hay thế chấp mà phải trả nợ để được giữ lại bất động sản ấy, sẽ được quyền đòi các thừa kế khác bồi hoàn.
Điều thứ 599 – Người lập chúc có thể giao quyền cho một ngừơi do mình chọn để chấp hành chúc thư.
Chỉ một ngừơi có đủ năng cách kết trái mới có thể được chỉ định vào chức vụ đó.
Người chấp hành có quyền xin niêm phong và lập bản kê khai di sản theo các thể thức của điều 544. Người ấy cũng có quyền tham dự vào mọi vụ tranh chấp để bảo vệ sự hữu hiệu của chúc thư hay di kiện để xin thi hành chúc thư cho nghiêm chỉnh.
Nếu ngừơi chấp hành còn được ngừơi lập chúc giao cho chấp hữu di sản thì ngừơi ấy có quyền thâu hồi các món nợ cho di sản, giao hoàn cho các ngừơi thụ di các vật được di tặng. Nếu vật di tặng là một số tiền mà di sản không đủ tiền mặt để thanh tóan, ngừơi chấp hành có quyền đem phát mại các động sản. Khi nhiệm vụ hòan tất, người ấy phải thanh toán sổ sách và tìên bạc với ngừơi có quyền lợi.
Người chấp hành rõ ràng bất lực hay gian tham có thể bất cứ lúc nào bị bãi chức theo lời yêu cầu của những ngừoi có quyền lợi.

THIÊN THỨ IV
Thừa kế phụng tự

CHƯƠNG THỨ NHẤT
Hương hỏa
Điều thứ 600 – Hương hỏa là tài sản được giao riêng cho ngừơi thừa tự để lấy huê lợi dùng vào việc phụng tự người quá cố hoặc của ngừơi phối ngẫu và tổ tiên nội tộc của ngừơi ấy nữa.
Hương hỏa bất khả đoạn mại và bất khả thời tiêu.

TIẾT I
Sự thành lập hương hỏa
Điều thứ 601 – Sự thành lập hương hỏa phải có giấy tờ mới hữu hiệu. Nếu tài vật được lập thành hương hỏa là bất động sản, phải làm chứng thư trứơc chưởng khế hay chứng thư có thị thực. Nếu là động sản, một tư chứng thư cũng đủ, miễn là ngừơi lập hương hỏa biết đọc và biết viết.
Có thể lập hương hỏa ngay trong chúc thư hay tờ phân sản, trong các trường hợp này, chỉ cần tuân theo các thể thức lập các chứng thư ây.
Người lập hương hỏa phải đủ 18 tuổi, trừ phi trước đó đã được thóat quyền do hôn thú.
Điều thứ 602 – Nếu di sản được lập thành hương hỏa là của chung của hai vợ chồng, cả hai đều phải đứng lập.
Ngừơi phối ngẫu thượng tồn không có quyền hủy bãi sự lập hương hỏa về phần mình, trừ phi hương hỏa được thiết lập để phụng tự cả hai vợ chồng.
Điều thứ 603 – Việc lập một bất động sản thành hương hỏa chỉ đối kháng được với ngừơi đệ tam nếu đã đăng ký vào địa bộ hay sỗ điên thổ nơi tọa lạc bất động sản.
Điều thứ 604 – Trái chủ của người thành lập hương hỏa có thể xin hủy bãi sự thành lập ấy nếu làm thiệt hại đến quyền lợi của mình.
Điều thứ 605 – Phần hương hỏa không bao giờ được quá giới hạn một phần năm tổng số tài sản của ngừơi thành lập, mà cũng không được quá giới hạn diện tích tối đa theo luật định.
Nếu ngoài hương hỏa còn có được thiết lập các tư sản khác như kỵ điền, hậu điền, thì sự giới hạn trên phải được áp dụng cho tất cả các thứ tự sản hợp lại.
Điều thứ 606 – Quá giới hạn kể trên, hương hỏa có thể bị giảm thiểu cho vừa tới mức cho phép, theo lời yêu cầu của các thừa kế và chủ nợ của người này.
Điều thứ 607 – Nếu người chồng mệnh một có của để lại mà không có con trai, thì người vợ góa có thể trích một phần tài sản trong giới hạn ấn định tại điều 605 để lập hương hỏa thờ cúng chồng.

TIẾT II
Người thừa hưởng hương hỏa
Điều thứ 608 – Thừa kế của một ngừơi chết có của để lại mà không có con cháu nối dõi không bắt buộc phải lập thừa tự để cúng giỡ ngừơi quá vãng.
Nhưng nếu chính ngừơi quá vãng là người được thừa tự của hương hỏa đã thiết lập từ thời trước, thì phải lập ngừơi kế tự để tiếp tục việc thờ phượng tổ tiên. Người kế tự ấy phải là con trai và sẽ được chọn theo các điều luật sau.
Điều thứ 609 – Trưởng nam của ngừơi chết sẽ được kế quyền cha để thừa hưởng của hương hỏa. Nếu trưởng nam không còn thì hương hỏa sẽ về phần con cả của ngừơi ấy, tức là đích tôn của người chết.
Điều thứ 610 – Nếu chi trưởng nam không có con trai, cháu trai, thì hương hỏa sẽ về chi con trai thứ của ngừơi chết được hưởng; nếu con thứ hai cũng tuyệt tự thì chi con trai thứ ba của người chết sẽ được hưởng hương hỏa, và hương hỏa sẽ cứ theo thứ tự như thế mà được di truyền.
Điều thứ 611 – Nếu người chết không có con trai, cháu trai nào, hương hỏa sẽ về chi em trai thứ nhất của mình được hưởng.
Nếu con trai thứ nhất không còn mà cũng không có con trai, thì hương hỏa sẽ về chi em trai thứ hai của ngừơi chết, và cứ thứ tự như thế mãi mà lưu truyền.
Điều thứ 612 – Trong trường hợp không còn ngừơi kế tự nào như đã định tại các điều luật trên, ngừơi hưởng hương hỏa cuối cùng do tổ tiên để lại sẽ có quyền chỉ định một thừa tự để nhận hương hỏa, ngừơi quả phụ không tái giá cũng có quyền đó, nếu ngừơi chồng chết đi mà không chỉ định ai.
Điều thứ 613 – Nếu ngừơi chết hay ngừời phối ngẫu không chỉ định người thừa tự, thì sự chỉ định sẽ do hội đồng đại tộc.
Điều thứ 614 – Hội đồng đại tộc gồm tất cả các chi họ có quan hệ đến việc lập tự. Nếu việc lập tự liên hệ đến cả họ, thì hội đồng đại tộc phải gồm tất cả các chi; nếu chỉ quan hệ đến một chi thì chỉ gồm những người thuộc chi ấy mà thôi.
Mỗi chi sẽ do ngừơi trưởng chi đại diện là đủ. Nếu ngừơi trưởng chi đã chết thì mỗi ngành chỉ cần được đại diện bởi người trưởng ngành là được.
Điều thứ 615 – Nếu hội đồng đại tộc không thỏa thuận được, người thừa tự sẽ do tòa án chỉ định.
Điều thứ 616 – Ngừơi thừa tự được chỉ định bất cứ do cách nào đều phải được chọn trong các hàng đồng tộc và đồng lòng của người để lại hương hỏa.
Điều thứ 617 – Khi ngừơi chết không phải là thừa tự được hưởng hương hỏa của ông cha lưu truyền lại, mà tự mình dứng lập hương hỏa để thờ phụng mình hay cả ngừơi phối ngẫu của mình nữa, thì trưởng nam người ấy sẽ đương nhiên được thừa hưởng hương hỏa, nếu ngừơi trưởng nam đã chết sớm thì sẽ về phần cháu đích tôn. Nếu trưởng nam không có con, cháu trai, hương hỏa sẽ về con trai thứ hai của ngừơi chết được hưởng. Nếu con trai thứ hai lại đã chết tuyệt tự thì con thứ ba sẽ được hưởng hương hỏa, và hương hỏa sẽ cứ theo thứ tự như thế mà được di truyền.
Tuy nhiên, nếu có sự xung khắc giữa người thừa hưởng luật định và ngừơi đứng lập hương hỏa, người này có thể đứng lập một ngừơi khác ăn thừa tự, nhưng vẫn phải theo thứ tự như nói ở đoạn trên. Trong trừơng hợp đó, hương hỏa sẽ lưu truyền trong chi ngừơi được lập, nhưng nếu người này hay con cháu chết tuyệt tự, thì hương hỏa sẽ trở về con, cháu trai của chi trưởng.
Chỉ khi nào ngừơi chết không có con, cháu trai nào hết, thì mới có thể tùy ý chỉ định làm thừa tự một trong các con gái hay cháu ngoại hoặc một ngừơi đồng tộc và đồng tông thuộc một thế hệ sau. Nếu người con gái được lập tự mệnh một, hương hỏa sẽ truyền cho trưởng tử hay đích tôn của ngừơi con gái ấy.
Con nuôi có thể được lập làm kế tự theo các điều kiện đã nói ở điều 261.
Điều thứ 618 – Người kế tự một chi có thể được kiêm nhiệm hương hỏa để phụng tự cho một hay nhiều chi khác không có con trai.
Điếu thứ 619 – Nếu sự chỉ định ngừơi kế tự không hợp pháp, tất cả những ngừơi trong họ quan hệ đến việc lập tự đều có quyền khởi tố xin tiêu hủy sự chỉ định trong hạn ba năm kể từ ngày hương hỏa được truyền cho ngừơi thụ hưởng.
Điều thứ 620 – Nếu ngừơi được hưởng hương hỏa xét ra không xứng đáng giữ việc phụng tự, thì mỗi người trong họ quan hệ đến việc này đếu có thể triệu tập hội đồng đại tộc để xin truất quyền của ngừơi ấy.
Quyết định truất hương hỏa phải nói rõ lý do và phải được tòa án phê chuẩn.
Điều thứ 621 – Người thừa hưởng hương hỏa có thể bị truất quyền vì một trong các duyên cớ sau:
1) Bỏ hẳn hay sao lãng quá đáng việc phụng tự;
2) Bất hiếu đối với ngừơi đứng lập hương hỏa;
3) Tự ý đem của hương hỏa bán hay cầm thế;
4) Không thi hành các nghĩa vụ luật định khác như gìn giữ của hương hỏa v.v....
Điều thứ 622 – Quyết định truất quyền phải chỉ định một người khác thay thế, nhưng vẫn phải theo thứ tự luật định.
Sự phục hồi hương hỏa về ngành trưởng dự liệu ở điều 617 đoạn 2 cũng được áp dụng cho trường hợp truất quyền.

TIẾT III
Quyền lợi và nghĩa vụ của ngừơi hưởng hương hỏa
Điều thứ 623 – Thừa kế hương hỏa được hưởng mọi hoa lợi của tài sản lập thành hương hỏa.
Trong việc hưởng dụng, người ấy phải thận trọng gìn giữ của hương hỏa.
Điều thứ 624 – Nếu người thừa hưởng còn vị thành niên, hương hỏa sẽ giao cho giám hộ quản trị, trừ phi ngừơi lập hương hỏa định khác.
Điều thứ 625 – Trong trường hợp người thừa hưởng hương hỏa bị điên rồ, giam cầm hay thất tung, hương hỏa sẽ được giao cho ngừơi phối ngẫu quản trị, nếu không có phối ngẫu thì giao cho con cháu của người ấy theo thứ tự như định tại các điều 609, 610 và 617 đoạn 1.
Nếu con cháu cũng không có, thì việc quản trị sẽ giao cho một thân thuộc do hội đồng đại tộc chỉ định.
Khi người thùa hưởng khỏi bệnh được trả lại tự do hay đi vắng trở về, thì hương hỏa phải được giao hoàn lại ngay cho ngừơi ấy.
Điều thứ 626 – Người thừa hưởng có thể tự mình hưởng dụng của hương hỏa hay cho thuê để lấy lời.
Từ đường chỉ có thể đem cho thuê trong trường hợp thật cần thiết, nhưng phải dành lại một chỗ đủ cho việc thừa tự.
Điều thứ 627 – Người thừa hưởng có nhiệm vụ thực hành và đài thọ các việc tiểu tu bổ. Về những việc đại tu bổ, đương sự chỉ có bổn phận ấy cho tới giới hạn huê lợi được hưởng sau khi trừ chi phí phụng tự. Nếu huê lợi này không đủ chi phí có thể xin bổ cấp với hội đồng đại tộc để ấn định phần đóng của mỗi ngừơi trong họ.
Ngừơi thừa hưởng không phải xây cất lại những kiến trúc lâu ngày bị đổ nát hay vì tai biến mà bị hủy hoại.
Điều thứ 628 – Người thừa hưởng có nghĩa vụ khai khẩn ruộng đất hương hỏa. Trong thời hạn hưởng thụ, đương sự phải chịu mọi thuế dịch về rụông đất ấy.
Điều thứ 629 – Huê lợi của hương hỏa phải dùng vào việc thờ phụng, tu bổ từ đường và phần mộ; còn lại người thừa hưởng được giữ để chi tiêu cho mình.
Điều thứ 630 – Khi nào từ đường đổ nát mà trong họ không có tiền sửa sang, thì hội đồng đại tộc có thể cho phép bán một phần hương hỏa để chi về việc ấy. Cũng có thể cho phép bán để lấy tiền xây mộ gia tiên.
Ngoài ra hội đồng đại tộc có thể cho phép mọi việc bán hay đổi chác nếu xét thấy có lợi cho hương hỏa. Nếu là đoạn mại, giá bán phải được dùng để mua một tài sản khác có thể sanh lợi và hội đồng đại tộc phải quyết định ngay về cách thức sử dụng giá tiền bán khi cho phép đoạn mại.
Điều thứ 631 – Của hương hỏa có thể bán thực hay cầm cố trong trừơng hợp khẩn yếu, nhưng cũng phải được hội đồng đại tộc cho phép.
Điều thứ 632 – Khi nào hương hỏa bị truất hữu, hội đồng đại tộc sẽ phải quyết định ngay dùng tiền bồi thường truất hữu mua một tài sản khác thay thế.

TIẾT IV
Sự mãn kết hương hỏa
Điều thứ 633 – Hương hỏa mãn kết nếu trong họ không còn ngừơi nào là nam thừa kế để có thể cáng đáng việc phụng tự.
Điều thứ 634 – Hương hỏa cũng mãn kết nếu hội đồng đại tộc quyết định cải dụng không dùng cho việc phụng tự nữa. Quyết định cải dụng nếu không được toàn thể hội đồng biểu đồng tính thì phải được tòa án chuẩn phê sau khi xét có lý do chính đáng.
Riêng người đứng lập hương hỏa có thể tùy ý triệt bãi hương hỏa hoặc công nhiên bằng một chứng thư hủy bãi cùng một hình thức như khi lập thành hoặc mặc nhiên bằng cách đem bán tài sản được lập thành hương hỏa, nhưng chỉ có thể làm như vậy nếu hương hỏa chưa được giao cho ngừơi thừa hưởng nhận lãnh.
Điều thứ 635 – Hương hỏa còn bị tiêu diệt nếu của hương hỏa bị phá hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, nếu có một số tiền bồi thường nào được trả cho sự phá hủy đó, thì số tiền ấy phải được dùng để mua một tài sản khác thay thê theo cách thức nói tại điều 632.
Điều thứ 636 – Hương hỏa cũng còn bị triệt bãi sau khi đã lưu truyền được năm đời liên tiếp, mặc dầu trong họ vẫn còn có nam thừa kế.
Điều thứ 637 – Trừ trường hợp bị phá hủy, hương hỏa mãn kết sẽ trở thành của tư hữu thừơng, thuộc quyền sử dụng tùy ý của các con, cháu người đứng lập hương hỏa.
Đối với bất động sản, tính cách hương hỏa sẽ được xóa bỏ trong địa bộ hay sổ điền thổ.

CHƯƠNG THỨ II
Kỵ điền
Điều thứ 638 – Kỵ điền là ruộng đất dành cho việc cúng giỗ ngừơi đứng lập hay một người trong gia tộc người ấy.
Tùy ý người đứng lập, kỵ điền có thể giao cho một ngừơi nhất định hoặc giao cho cả họ hay cho cả chi, trong trường hợp này kỵ điền sẽ đựơc luân phiên cử mỗi năm một lần truyền lại cho một người trong họ hay trong chi kế tiếp nhau hưởng.
Nếu kỵ điền giao cho một ngừoi nhất định nào, thì sau khi ngừơi này qua đời con cháu sẽ được hưởng theo thứ tự đã định cho hương hỏa.
Người thừa hưởng phải là người trong họ thuộc một thế hệ sau người được cúng giỗ.
Điều thứ 639 – Việc lập kỵ điền phải được làm theo thể thức như việc lập hương hỏa.
Điều thứ 640 – Người thụ nhận kỵ điền được hưởng huê lợi đồng thới có nghĩa vụ cúng giỗ ngừơi được thờ cúng.
Trong thời gian hưởng thụ, đương sự phải đài thọ các thuế dịch về kỵ điền.
Điều thứ 641 – Nếu người hưởng kỵ điền không thi hành nghĩa vụ, hội đồng đại tộc của người được cúng giỗ có quyền truất bãi để giao kỵ điền lại cho người cho quyền kế hưởng.
Điều thứ 642 – Kỵ điền bất khả đoạn mại và bất khả thủ đắc do thời hiệu.
Tuy nhiên, nếu có lý do chánh đáng, hội đồng đại tộc có thể cho phép mọi việc bán hay đổi chác theo các điều kiện định tại điều 630 đoạn 2.
Điều thứ 643 – Kỵ điền tiêu diệt khi không còn người nào có tư cách được hưởng nữa. Trong trường ấy, tài sản được lập thành kỵ điền sẽ giao hoàn lại cho người đứng lập hoặc cho con cháu của người ấy.


CHƯƠNG THỨ III
Hậu điền
Điều thứ 644 – Hậu điền là bất động sản tặng cho một chùa hay một cơ sở, một hiệp hội tôn giáo, hoặc cho làng xã, để cúng giỗ ngừơi lập hậu hay cha mẹ ông bà nội ngoại người ấy.
Điều thứ 645 – Sự lập hậu điền phải làm trước chưởng khế hay theo thể thức chứng thư thị thực giữa ngừơi tặng lập và đại diện của cơ sở hay tập đoàn thụ tặng.
Chứng thư phải ghi rõ vị trí, diện tích bất động sản lập hậu, cùng những ngày cúng giỗ và phải ấn định các lễ vật sẽ được trù biện cho mỗi lần cúng lễ.
Sự lập hậu phải đăng ký vào địa bộ hay sổ điền thổ mới đối kháng được với ngừơi đệ tam.
Điều thứ 646 – Nếu ngừơi thụ tặng là một tập đoàn, hậu điền có thể giao cho các người trong đoàn thể luân phiên hưởng, trừ phi khế ước lập hậu định khác.
Điều thứ 647 – Quyền lợi và nghĩa vụ của ngừơi thụ tặng cũng được ấn định như tại điều 640.
Điều thứ 648 – Hậu điền có thể đem bán hay đổi chác với sự ưng thuận của ngừơi lập hậu hay con cháu của người này.
Điều thứ 649 – Nếu người thụ tặng không thi hành nghĩa vụ, thì người lập hậu hay con cháu của người này có thể xin hủy bãi việc lập hậu và đòi lại hậu điền.
Tài sản được lập thành hậu điền cũng được giao hoàn lại cho người lập hậu hay con cháu ngừơi ấy, nếu cơ sở hay tập đoàn thụ hưởng tan rã.
Trong những trường hợp trên, tài sản lập hậu sẽ trở thành của tư hữu thường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét