SẮC LUẬT số 028 TT/SLU ngày 20 tháng chạp năm 1972 ban hành
BỘ DÂN LUẬT
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Chiếu Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày mùng 1 tháng tư năm 1967,
Chiếu sắc lệnh số 394-TT/SL ngày mùng 1 tháng chín năm 1969 và các văn kiện kế tiếp ấn định thành phần Chính phủ;
Chiếu luật số 005/72 ngày 28 tháng sáu năm 1972 ủy quyền cho Tổng Thống quyết định và ban hành bằng sắc luật các biện pháp cần thiết trong các lãnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh;
Sau khi Hội Đồng Tổng trưởng đã thảo luận.
SẮC LUẬT:
Điều thứ nhất. - Nay ban hành Bộ Dân luật gồm thiên mở đầu, quyển I, quyển II, quyển III, quyển IV, quyển V và điều khoản tổng quát, đính kèm.
Điều thứ 2. – Sắc luật này được đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hòa.
Saigon, ngày 20 tháng chạp năm 1972
NGUYỄN VĂN THIỆU
B Ộ D Â N L U Ậ T
THIÊN MỞ ĐẦU
Tổng tắc về sự ban hành, công bố và áp dụng luật pháp.
Điều thứ nhất – Các đạo luật có hiệu lực chấp hành trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam do sự ban hành và sự cống bố vào Công báo Việt Nam.
Các bản văn lập qui có hiệu lực ấy, do sự công bố vào Công báo Việt Nam.
Điều thứ 2 – Nếu không có điều khỏan rõ ràng ngày thi hành, hiệu lực chấp hành của các đạo luật và các bản văn lập qui sẽ khởi đầu:
a) Tại Thủ đô Saigon, một ngày tròn sau khi Công báo Việt Nam có đăng các văn kiện ấy xuất bản;
b) Tại các thị xã và tỉnh lỵ: một ngày tròn sau khi số Công báo Việt Nam có đăng những văn kiện ấy tới các thị xã hay tỉnh lỵ;
c) Tại các nơi khác, ba ngày tròn sau ngày tòa tỉnh trưởng sở quan nhận được số Công báo Việt Nam có đăng những văn kiện ấy.
Điều thứ 3 - Trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ có thể cho thi hành ngay các văn kiện kể trên mặc dầu chưa đăng vào Công báo, bằng cách thông báo trên báo chí hoặc niêm yết hoặc phát thanh.
Hiệu lực chấp hành sẽ khởi đầu từ ngày thông cáo trên báo chí hoặc niêm yết, hoặc phát thanh; nếu các phương tiện phổ biến trên không cùng một ngày, sẽ lấy ngày sớm nhất làm ngày khởi đầu.
Điều thứ 4 - Luật chỉ có hiệu lực về tương lai, không có hiệu lực về quá khứ.
Điều thứ 5 - Những điều luật về thân trạng và năng cách chi phối cả người Việt cư ngụ ở ngoại quốc.
Điều thứ 6 - Bất động sản và động sản tại Việt Nam đều do luật Việt Nam chi phối mặc dầu thuộc quyền sở hữu của người ngoại quốc, ngoại trừ trường hợp phải dẫn dụng đến pháp chế hữu quyền về phương diện thừa kế.
Luật Việt Nam có thẩm quyền để phân định một đề tài có tánh cách động sản hay bất động sản.
Điều thứ 7 - Những luật cảnh sát và an ninh có hiệu lực cưỡng bách tất cả mọi người trên lãnh thổ quốc gia.
Điều thứ 8 - Thẩm phán nào không chịu xét xử vì lẽ luật không định hay luật tối nghĩa, thiếu sót sẽ có thể bị truy tố về tội bất kháng thụ lý.
Điều thứ 9 - Gặp trường hợp không có điều luật nào có thể dẫn dụng, thẩm phán sẽ quyết định theo tục lệ; nếu không có tục lệ, sẽ theo công bằng và lẽ phải mà xét xử và phải chú trọng đến ý định của các đương sự.
Điều thứ 10 - Khi xử án, thẩm phán không được đặt ra những tổng lệ để áp dụng về sau, thụ lý việc gì chỉ được quyết định riêng về việc ấy.
Điều thứ 11- Công dân Việt Nam đều bình đẳng trứơc pháp luật.
Điều thứ 12 - Mỗi người phải sử dụng quyền lợi và thi hành nghĩa vụ của mình một cách thẳng thắn, ngay tình.
Sự ngay tình bao giờ cũng được ức đóan: người nào muốn nại gian ý của người khác sẽ phải chứng minh gian ý ấy.
Điều thứ 13 - Trong việc kết ước, không được làm trái với những luật liên quan đến trật tự công cộng hay thuần phong mỹ tục.
Điều thứ 14 - Mọi điều luật đều có hiệu lực cho đến khi bị bãi bỏ.
QUYỂN THỨ NHẤT
NÓI VỀ NHÂN THÂN
THIÊN THỨ NHẤT
Quyền dân sự
Điều thứ 15 - Sự hưởng dụng quyền dân sự không lệ thuộc sự hưởng dụng quyền chính trị.
Điều thứ 16 - Tất cả người Việt đều được hưởng những quyền dân sự.
Điều thứ 17- Người ngoại quốc được hưởng tại Việt Nam những quyền dân sự nào không được luật pháp dành riêng cho người có Việt tịch.
Trong só những quyền được dành lại, người ngoại quốc được hưởng những quyền nào được hiệp định công nhận cho người Việt tại nước của người ngoại quốc ấy.
Điều thứ 18- Người ngoại quốc, dầu không cư ngụ tại Việt Nam, cũng có thể bị khởi tố trước tòa án Việt Nam về sự thi hành những nghĩa vụ mà người ấy đã cam kết tại Việt Nam với người Việt; người ngoại quốc cũng có thể bị khởi tố trước tòa án Việt Nam về những nghĩa vụ đã cam kết ở ngoại quốc với người Việt.
Điều thứ 19- Người Việt có thể bị khởi tố trước tòa án Việt Nam về những nghĩa vụ đã cam kết ở ngoại quốc dầu với một người ngoại quốc.
Điều thứ 20 - Bất cứ về việc gì, người ngoại quóc đứng nguyên đơn hoặc tự xin can thiệp trước tòa sẽ phải nộp tiền ký quỹ để bảo đảm mọi khỏan phí tổn và bồi thường, trừ phi người ấy có bất động sản tại Việt Nam đủ bảo đảm, hoặc được miễn nộp do hiệp định.
Điều thứ 21 - Người nào bị kết án thể hình vĩnh viễn sẽ không còn được sử dụng tài sản của mình dù là một phần hay tất cả; không được dùng tài sản ấy tặng dữ cho người khác, không được sử dụng bằng chúc thư cũng không được nhận vật cho tặng do khế ước hoặc do chúc thư, trừ phi vật cho tặng có mục đích cấp dưỡng: chúc thư của đương sự làm ra trước khi có án đương tịch đã thành nhất định kết tội, cũng vô hiệu.
Tuy nhiên chính phủ có thể miễn cho đương nhân một phần hay tất cả các sự vô năng kể lại đoạn trên. Chính phủ cũng có thể cho phép y được sử hành tại nơi thụ hình tất cả hay một phần quyền dân sự không được sử hành trong tình trạng cấm quyền pháp định.
Những hành vi của đương nhân làm ra nơi thụ hình sẽ không có hiệu quả gì về tài sản của người ấy đã có khi bị kết án hay được thụ hưởng vô thường từ ngày ấy.
* * *
THIÊN THỨ HAI
Chứng thư hộ tịch
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Tổng tắc
Điều thứ 22 - Mọi chứng thư hộ tịch đều phải ghi năm, tháng, ngày đã làm ra chứng thư ấy, tên họ hộ lại, tên, họ, tuổi, nghề nghiệp và trú quán của tất cả những người có tên ghi trong chứng thư ấy.
Điều thứ 23 - Chứng thư hộ tịch nào cũng phải làm trước mặt hộ lại, các đương sự hoặc người đứng khai và các nhân chứng, mới có hiệu lực.
Điều thứ 24 - Trong chứng thư hộ tịch, hộ lại không được ghi chép điều gì ngoài những gì mà những người hiện diện phải khai.
Điều thứ 25 - Khi luật cho phép các đương sự không phải đích thân có mặt, họ có thể ủy người thay mặt bằng một ủy quyền riêng biệt làm dưới hình thức một công chính chứng thư.
Điều thứ 26 - Chứng thư hộ tịch phải có hai nhân chứng, nhân chứng phải đủ 21 tuổi, không cứ là nam hay nữ, có họ hàng với đương sự hay không. Nhân chứng sẽ do đương sự lựa chọn, nhưng hai vợ vhồng không được làm chứng trong một chứng thư.
Điều thứ 27 - Hộ lại, các nhân chứng, các người hiện diện sẽ ký vào chứng thư hộ tịch; nếu các người hiện diện và các nhân chứng vì lẽ gì không thể ký được, sẽ phải ghi rõ lý do ấy vào chứng thư.
Điều thứ 28 - Ở mỗi đô thị, thị xã và xã phải có sổ hộ tịch cho mỗi loại sinh, tử, giá thú. Mỗi chứng thư hộ tịch sẽ được ghi chép vào sổ hộ tịch lập thành hai cuốn y nhau. Không được ghi vào giấy rời ở ngoài.
Điều thứ 29 - Mỗi quyển sổ sẽ đánh số và đóng kiềm từng tờ và có chữ ký của chánh án tòa sơ thẩm quản hạt, hoặc thẩm phán được ủy nhiệm.
Điều thứ 30 - Hàng năm tới ngày 31 tháng chạp, sẽ phải khóa sổ. Một sổ sẽ lưu trữ làm tài liệu ở xã, thị xã và đô thị, quyển kép sẽ phải gởi trong vòng tháng giêng dương lịch năm tới để lưu trữ trong phòng lục sự tòa sơ thẩm sở tại.
Điều thứ 31 - Những giấy ủy quyền cùng những thứ giấy tờ khác cần phải đính theo chứng thư hộ tịch, sau khi được hộ lại và các đương sự ký tên, phải được chuyển lên phòng lục sự tòa sơ thẩm sở tại cùng với quyển kép sổ hộ tịch để lưu trữ.
Điều thứ 32 - Trong sổ, mỗi chứng thư phải viết vào một tờ, liên tiếp theo thứ tự từng tờ, không được bỏ trống một tờ nào, không được cạo tẩy, không được viết chữ nọ đè lên chữ kia, nếu có xóa bỏ hoặc thêm bớt thì phải được hộ lại, các nhân chứng và các người hiện diện duyệt ký.
Điều thứ 33 - Không được viết tắt trong chứng thư: ngày, tháng, năm phải viết tòan bằng chữ thường, không được chỉ ghi riêng bằng chứ số.
Điều thứ 34 - Lề chứng thư phải để nguyên vẹn đề phòng sau này chép thêm mọi sự sửa chữa hay ghi chú do tòa án hay luật định.
Điều thứ 35 - Người nào, theo những điều luật tiếp sau có nhiệm vụ khai sinh, khai tử mà không làm sẽ bị phạt từ năm trăm đồng (500$00) đến năm ngàn đồng (5.000$00), nếu không có lý do chính đáng để có thể miễn trách.
Điều thứ 36 -
a) Tất cả mọi người đều có thể yêu cầu hộ lại hay lục sự tòa án cấp phát cho mình bản toàn sao những chứng thư hộ tịch đã ghi trong sổ. Những bản sao ấy sẽ ghi rõ được cấp ngày nào, viên chức cấp sẽ ký tên và đóng dấu.
b) Riêng về chứng thư khai sinh, chỉ có biện lý và chính đương sự hay những ngừoi tôn thuộc, ty thuộc trực hệ, người phối ngẫu, người giám hộ, người đại diện pháp định của đương sự, có thể xin bản toàn sao, những người khác, muốn được cấp bản toàn sao phảo được chánh án tòa sơ thẩm cho phép, sau khi xét có lý do chính đáng.
Tuy nhiên người nào cũng có thể xin trích lục khai sinh của người khác, trong đó chỉ ghi tên họ, ngày sanh tháng đẻ, đương sự là nam hay nữ và đã lập hôn thú với ai mà thôi.
Điều thứ 37 - Nếu sổ sách bị tiêu thất, hay nếu việc sinh, tử, giá thú đã xẩy ra vào lúc chưa lập sổ hộ tịch, những việc ấy có thể được chứng minh bằng mọi giấy tờ khác cũng như bằng nhân chứng.
Điều thứ 38 - Giấy tờ hộ tịch của người Việt làm ở ngoại quốc sẽ có tín lực nếu đã làm đúng thể thức ở nơi ấy. Những chứng thư ấy sẽ được chuyển tả vào sổ hộ tịch đương nhiên do các viên chức ngoại giao hay các lãnh sự Việt Nam tại chỗ giữ, và ghi chú bên lề chứng thư hộ tịch gần nhất với ngày xảy ra việc sinh, tử hay giá thú.
Gặp trường hợp việc chuyển tả không thi hành được vì có sự đoạn tuyệt ngoại giao giữa hai nứơc, hay vì tòa sứ quán, tòa lãnh sự bị đóng cửa, chứng thư sẽ tạm giữ ở Bộ ngoại giao và bộ này có thể cấp bản sao theo luật định. Khi nào sự quan hệ ngoại giao được tái lập hay tòa sứ quán, hay tòa lãnh sự lại mở cửa hoạt động, chứng thư sẽ đem chuyển tả như đã nói trên.
Điều thứ 39 - Giấy tờ hộ tịch của người Việt ở ngoại quốc do các nhân viên ngoại giao hay các lãnh sự làn theo thể thức luật Việt Nam đều có giá trị.
Một trong hai cuốn sổ hộ tịch về sanh, tử, giá thú của sứ quán hay tòa lãnh sự, cứ mỗi năm sẽ phải gửi về Bộ ngoại giao. Bộ này có thể, chiếu theo sổ, chứng bản sao chứng thư hộ tịch ấy.
Điều thứ 40 - Trong mọi trường hợp mà phải ghi chú một văn thư vào lề một chứng thư hộ tịch đã làm trước, hô lại phải tự ý làm ngay việc ghi chú ấy vào cuốn sổ của mình giữ, và nếu cuốn thứ nhì đã được gửi lưu trữ ở tòa án nào thì trong hạn ba ngày sẽ phải thông báo cho biện lý tòa án ấy để ghi chú.
Nếu chứng thư trước đã làm ở một nơi khác, hộ lại ở nơi này phải điược thông báo trong hạn ba ngày để thi hành việc ghi chú; và hộ lại này cũng phải thông báo cho biện lý ở nơi tòa án lưu trữ cuốn thứ nhì để thi hành việc ghi chú ấy. Nếu chứng thư trước đã được lập trước nhân viên ngoại giao hay lãnh sự Việt Nam, thì hộ lại lập chúng thư sau cũng phải trong thời hạn nói trên, thông báo cho Tổng trưởng Bộ ngoại giao để thi hành việc ghi chú.
Điều thứ 41 - Mọi vi phạm những điều 32, 33 và 40 sẽ bị phạt từ năm trăm đồng (500$00) đến năm ngàn đồng (5.000$00). Chế tài này, cũng như tiền vạ ấn định trong điều 35, có tính cách dân sự và sẽ do tòa án hộ tuyên phán.
Điều thứ 42 - Mỗi năm, sổ hộ tịch được gửi lên phòng lục sự để lưu trữ, biện lý sẽ phải kiểm sóat và lập biên bản.
Điều thứ 43 - Nếu xét thấy có sự vi phạm, biện lý sẽ đưa ra tòa dân sự để xin phạt vạ như trên.
CHƯƠNG THỨ II
Chứng thư khai sinh
Điều thứ 44 - Phải khai trình sự sinh đẻ với hộ lại tại nơi sinh trong hạn tám ngày tròn. Người cha sẽ phải khai nếu có mặt. Nếu người cha vắng mặt hay cản trở, hay nếu người mẹ còn độc thân mà người cha đứa trẻ không xuất diện thừa nhận nó thì người mẹ hay các thân thuộc, hay những người đã chứng kiến việc sinh đẻ sẽ phải khai trình. Nếu xét thấy cần, hộ lại hoặc một nhân viên phòng hộ tịch có thể đến tận chỗ để kiểm nhận sự sinh đẻ là có thật.
Nếu sự sinh đẻ xẩy ra ở một bệnh viện, một cơ sở công cộng hay một nhà giam, giám đốc bệnh viện hay cơ sở ấy hay gám thị nhà giam sẽ phải khai trình.
Điều thứ 45 - Sẽ phải ghi vào sổ khai sinh:
1) Tên họ đứa trẻ;
2) Con trai hay con gái;
3) Ngày, giờ, tháng, năm và nơi sinh;
4) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, trú quán của người cha, nếu cha mẹ đứa trẻ sơ sinh có giá thú chính thức, chứng thư giá thú phải được xuất trình và ghi vào khai sinh, và nếu người cha khai nhận nó là con tư sinh.
5) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, trú quán của người mẹ, trừ khi nào khai không biết người mẹ là ai.
Nếu không biết cha mẹ đứa trẻ là ai, thì ở chỗ dành cho tên các người này, hộ lại sẽ chỉ vạch một vạch, chứ không được ghi gì cả.
6) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp và trú quán của các nhân chứng và các người khai.
7) Ngày khai.
Điều thứ 46 - Tất cả người khai, nhân chứng và hộ lại sẽ phải ký vào sổ. Nếu có người không biết ký hay từ chối không chịu ký, hộ lại sẽ phải ghi rõ.
Điều thứ 47 - Người nào tìm thấy một trẻ sơ sinh sẽ phải giao nó cho hộ lại cùng với quần áo đồ vật thấy ở đứa trẻ và phải khai trình cho hộ lại biết đã tìm thấy đứa trẻ ở đâu, trong trường hợp nào.
Hộ lại sẽ lập biên bản những lời khai ấy, nhận xét đứa trẻ là trai hay gái, ước bao nhiêu tuổi, đặt tên cho nó là gì và giao nó cho cơ quan nào nuôi giữ. Biên bản sẽ làm ngay vào sổ khai sinh.
Điều thứ 48 - Nếu sự sinh đẻ xẩy ra trong một cuộc hành trình ngoài biển, thuyền trưởng sẽ lập chứng thư khai sinh theo thể thức đã định trên. Chứng thư ấy sẽ ghi tiếp dưới danh sách thủy thủ.
Thuyền trưởng cũng lập chứng thư khai sinh như vậy, nếu tầu đậu ở một hải cảng nhưng không liên lạc được với lục địa, hoặc nếu tầu đậu ở một hải cảng ngoại quốc không có nhân viên ngoại giao hay lãnh sự Việt Nam.
Điều thứ 49 - Khi tầu cập bến và nếu là bến Việt Nam, thuyền trưởng sẽ ký nạp hai bản sao cho hộ lại tại chỗ, hoặc cho tỉnh trưởng, thị trưởng. Các viên chức này sẽ giữ lại một bản sao để lưu trữ và chuyển giao một bản cho hộ lại nơi trú quán cuối cùng của người cha, hoặc của người mẹ, nếu người cha không biết là ai, để chuyển tả vào sổ hộ tịch; nếu trú quán này không biết ở đâu hay ở ngoài cõi Việt Nam, chứng thư sẽ đem chuyển tả vào sổ hộ tịch đô thành Saigon.
Nếu tầu cập bến ngoại quốc, các bản sao sẽ nộp cho nhân viên ngoại giao hay lãnh sự tại đó, một bản sẽ gửi đi nơi trú quán cúôi cùng như trên đã chuểyn tả.
Ngày tháng sự ký nạp và chuyển giao trên đây sẽ phải ghi ra ngoài lề chứng thư hộ tịch.
CHƯƠNG THỨ III
Chứng thư giá thú
Điều thứ 50 - Chứng thư hôn thú phải ghi:
1) Họ và tên, nghề nghiệp, nơi và ngày tháng năm sinh, trú quán và nơi cư ngụ của hai vợ chồng;
2) Họ, tên, tuổi, nghề nghiệp, trú quán và nơi cư ngụ của cha mẹ nếu có. Nếu cha mẹ đã mệnh một thì phải ghi;
3) Sự ưng thuận của những người mà luật pháp buộc phải có;
4) Lời khai ưng thuận kết hôn của hai đương sự và lời tuyên bố họ thành hôn của hộ lại;
5) Tên họ tuổi, nghề nghiệp, và trú quán hay nơi cư ngụ của những nhân chứng;
6) Lời khai có lập hôn khế hay không và nếu có phải ghi ngay ngày lập hôn khế và tên, điạ chỉ của tên chưởng khế;
7) Nếu có, lời khai tuyển lựa quốc tịch trong trường hợp kết lập giá thú với người ngoại quốc.
Hôn thú phải ghi vào bên lề chứng thư khai sinh của hai vợ chồng.
CHƯƠNG THỨ IV
Chứng thư khai tử
Điều thứ 51 - Khi trong địa phương có người chết thì trong hạn 48 giờ thân nhân người chết có mặt, bằng không thì gia chủ người chết, bằng không nữa thì gia chủ lân cận phải khai với hộ lại sở tại. Hộ lại sẽ lập chứng thư khai tử trước hai nhân chứng sau khi sự tử vong được xác nhận.
Nếu chết ở bệnh viện, công sở hay nhà giam, thì cũng trong thời hạn nói trên, giám đốc hay giám thị phải khai trình với hộ lại.
Điều thứ 52 - Không được đem mai táng người chết trước khi hộ lại hoặc một y sĩ thuộc sở hộ tịch đã nhận xét và cấp giấy phép cho mai táng. Giấy phép này chỉ được ấp hai mươi bốn giờ sau khi chết, ngoại trừ trường hợp có thể lệ đặc biệt cho phép mai táng sớm hơn.
Điều thứ 53 - Người nào tìm thấy một xác chết phải báo ngay cho hộ lại, hộ lại phải đến xem xét tại chỗ, thu thập mọi tài liệu về căn cước người chết để ghi vào sổ khai tử và sẽ lo liệu việc mai táng.
Điều thứ 54 - Trong mọi trường hợp, nếu xét tử thi có dấu vết bạo hành hoặc chết có vẻ khả nghi, hộ lại sẽ báo cho nhà chức trách tư pháp, và sự mai táng sẽ do nhà chức trách này cho phép.
Điều thứ 55 - Giấy khai tử sẽ ghi:
1) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp của người chết;
2) Chết giờ, ngày, tháng, năm nào, nhưng không được ghi vì duyên cớ gì;
3) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, trú quán của cha mẹ;
4) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, trú quán của người phối ngẫu nếu có, nếu người này đã chết, đã ly hôn, đã ly thân cũng sẽ ghi rõ;
5) Tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, trú quán của người khai;
Điều thứ 56 - Sẽ ghi vào bên lề giấy khai sinh của người chết là người ấy chết ở đâu, ngày giờ tháng năm nào, giấy khai tử lập ở đâu.
Khi sinh quán của người đã chết ở một xã khác, hộ lại lập khai tử sẽ phải gửi ngay một bản so cho hộ lại nơi sinh quán để ghi vào lề giấy khai sinh của đương sự.
Điều thứ 57 - Khi một can phạm bị hành quyết, lục sự chứng kiến sự hành quyết phải gửi cho hộ lại sở tại những tài liệu ghi ở điều 55 để lập chứng thư khai tử.
Điều thứ 58 - Khi có người chết trên tầu đang đi biển, thuyền trưởng sẽ lập giấy khai tử trong hạn hai mươi bốn giờ, theo điều chỉ dẫn ở điều 55 và cũng sẽ tuân hành theo những thể thức đã định ở những điều 48 và 49 trên đây, chỉ khác là nơi chuyển tả chứng thư khai tử là nơi trú quán cuối cùng của người chết, nếu trú quán này không biết ở đâu hoặc trú quán này ở ngoài Việt Nam thì chứng thư khai tử sẽ chuyển tả vào sổ hộ tịch đô thành Saigon.
Điều thứ 59 - Khi một ngừơi bị mất tích trong hay ngoài nứơc, trong những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, mà không tìm thấy xác, công tố viên hay người nào có quyền lợi đều có thể xin tòa tuyên án khai tử.
Điều khỏan trên cũng được áp dụng cho trường hợp có người ngoại quốc mất tích trên lãnh thổ quốc gia hoặc trên một máy bay hay tầu biển mang quốc kỳ Việt Nam hoặc nữa tại ngoại quốc nhưng có trú quán hay nơi cư ngụ thường xuyên tại Việt Nam.
Điều thứ 60 - Đơn xin tuyên án khai tử phải gửi đến tòa sơ thẩm nơi mất tích nếu ở trên lãnh thổ Việt Nam, nếu không, đến tòa án nơi trú qúan hay nơi cư ngụ tại Việt Nam, hay không biết nơi này ở đâu, đến tòa án nơi căn cứ cảng của chiếc máy bay hay tầu biển, hoặc nếu không được nữa, đến tòa sơ thẩm Saigon.
Trong trường hợp cần tuyên án khai tử tập hợp cho nhiều người mất tích trong một tai nạn, đơn sẽ gửi đến tòa án nơi mất tích nếu ở tại lãnh thổ Việt Nam, nếu không, đến tòa án nơi căn cứ cảng của chiếc máy bay hay tầu biển, hoặc nếu không được, đến tòa sơ thẩm Saigon.
Điều thứ 61 - Tòa án có thể cho điều tra bổ túc. Nếu tuyên án khai tử, tòa sẽ ấn định ngày chết, tùy theo các điều kiện được cứu xét và nếu không vào ngày biệt tích.
Nếu là khai tử cho nhiều người biệt tích trong một tai nạn, tòa có thể tuyên một bản án duy nhất cho tất cả.
Điều thứ 62 - Án khai tử sẽ được chuyển tả vào sổ hộ tịch đương niên của nơi tuyên án và ghi chú vào lề chứng thư khai tử gần nhất với ngày chết được ấn định tại án.
Ngoài ra, án khai tử cũng được ghi vào lề chứng thư khai sinh của người chết.
Điều thứ 63 - Người nào bị tuyên án là đã chết lại còn sống và xuất hiện sẽ có thể, cũng như công tố viện và bất cứ ai có quyền lợi, xin tòa hủy bỏ bản án khai tử.
Người ấy sẽ thu hồi những tài sàn của mình trong tình trạng hiện hữu, và giá tiền những tài sản đã bán hoặc những tài sản mới tạo mãi bằng giá tiền ấy cùng hoa lợi.
Nếu người phối ngẩu của người bị tuyên án khai tử đã làm giá thú với người khác, giá thú này không thể xin tuyên bố vô hiệu.
Nếu người phối ngẫu của người bị tuyên án khai tử chưa làm giá thú với ai khác, chế độ tài sản phu phụ cũ sẽ được tái lập. Tuy nhiên, nếu tài sản đã được thanh tóan, sự tái lập sẽ không làm hại đến những quyền lợi thủ đắc của người không phải là phối ngẫu, thừa kế hay thụ di của đương sự.
Án văn hủy bỏ sẽ phải ghi chú vào sổ hộ tịch bên lề nơi án văn khai tử đã được chuyển tả và cũng được ghi chú vào lề chứng thư khai sinh.
CHƯƠNG THỨ V
Sự truy trước và đính chính chứng thư hộ tịch
Tín lực của chứng thư
Điều thứ 64 - Khi nào việc sinh tử và chỉ riêng những việc ấy bị bỏ quên không khai trình trong hạn luật định, hộ lại sẽ không được thu nhận sự khai trình nữa.
Đương nhân phải đệ đơn trước tòa sơ thẩm nơi sinh, tử, để tòa án, sau khi điều tra, tuyên án xác nhận sự sinh, tử ấy.
Nếu nơi sinh tử ở ngoại quốc, đương nhân phải đệ đơn trước tòa sơ thẩm Saigon.
Nếu theo luật, đương nhân là người có trách vụ phải khai trình và chưa bị truy tố về sự khiếm khuyết ấy, tòa án có thể tuyên phạt ngay, chiếu điều 35, theo lời yêu cầu của công tố viện.
Công tó viện cũng có quyền tự ý xin tòa tuyên án xác nhận mọi sự sinh, tử đã bị bỏ sót không khai.
Án văn xác nhận sự sinh, tử, sẽ do biện lý thông tri ngay cho hộ lại nơi sinh, tử, để chuyển tả vào sổ hộ tịch đương niên, và ghi chú vào lề chứng thư khai sinh hay khai tử mà nhựt kỳ gần nhất ngày sinh, tử của đương sự. Riêng án khai tử còn phải được ghi chú vào lề khai sinh của người chết.
Điều thứ 65 - Chứng thư hộ tịch có thể đính chính bằng mệnh lệnh của chánh án hoặc bằng án văn của tòa xử công khai tùy theo sự đính chính quan trọng nhiều hay ít.
Nhưng bất cứ trường hợp nào, chánh án cũng có thể đưa việc của đính chính ra xác định lại phiên tòa công khai. Trong mọi trừơng hợp, đơn xin đính chính phải thông tri cho công tố viện.
Điều thứ 66 - Tòa án có thẩm quyền là tòa sơ thẩm nơi lập chứng thư, hoặc nơi chứng thư được chuyển tả trong trừơng hợp dự liệu ở điều 49 và 58.
Nếu chứng thư hộ tịch do nhân viên ngoại giao hay lãnh sự Việt Nam ở ngoại quốc lập, tòa án có thẩm quyền sẽ là tòa án Saigon.
Án khi tử, khai sinh của tòa án nào đã tuyên sẽ do tòa án ấy đính chính.
Điều thứ 67 - Sổ hộ tịch lập theo thể thức luật định và các bản sao do hộ lại cấp phát hợp lệ, có tín lực cho đến khi bị tố cáo là giả mạo.
Án thế vì hộ tịch và án đính chính có hiệu lực đối với ngừơi đệ tam cho đến khi có bằng chứng trái lại.
Tất cả các án văn về hộ tịch đều có thể kháng cáo.
THIÊN THỨ III
Nói về cư sở
Điều thứ 69 - Cư sở của mỗi người được sử hành mọi quyền dân sự là nơi người ấy đặt cơ sở chính.
Đối với những ngừơi làm nghề chở thuyền, nay đây mai đó, và đối với các nhân công khi làm việc trên thuyền thì cư sở là nơi chiếc thuyền được đăng ký, trừ phi người ấy chứng tỏ được là đã có một nơi ở nhât định khác.
Điều thứ 70 - Ngừơi nào thật sự đổi nơi cư ngụ với ý định lập cơ sở ở nơi cư ngụ mới sẽ coi là đổi cư sở.
Điều thứ 71 - Đương nhân có thể làm tờ khai gửi đến xã trưởng, tỉnh trưởng hay thị trưởng về việc thay đổi cư sở.
Nếu không có sự khai báo, bằng chứng của ý định thay đổi cư sở sẽ được xét định tùy trừơng hợp.
Điều thứ 72 - Cư sở của người đàn bà có chồng không ly thân là cư sở của người chồng.
Điều thứ 73 - Đối với vị thành niên chưa được thóat quyền, cư sở là cư sở của cha mẹ hay của ngừơi giám hộ; đối với ngừơi thanh niên bị cấm quyền cư sở là cư sở của người giám hộ.
Điều thứ 74 - Người chết có cư sở cuối cùng ở nơi nào thì nơi ấy là nơi di sản khai phát.
Điều thứ 75 - Những ngừơi buôn bán hay làm kỹ nghệ, có chi nhánh ở nhiều nơi, được coi là có cư sở ở mỗi nơi ấy, riêng về công việc buôn bán hay kỹ nghệ ở những nơi đó.
Điều thứ 76 - Trong sự giao dịch, đương nhân có thể tuyển định một cư sở riêng biệt không phải là cư sở thật sự, để thi hành nghĩa vụ.
Nếu sự thi hành nghĩa vụ ấy phát sinh ra tranh tụng mọi tống đạt và truy tố có thể làm nơi cư sở tuyển định và tòa án có thẩm quyền có thể là tòa án nơi cư sở tuyển định.
Thể nhân hay pháp nhân nào ngụ tại ngoại quốc muốn khởi tố trước một tòa án Việt Nam, phải tuyển định cư sở trong địa hạt tòa án thụ lý đơn khởi tố, nếu không, đơn khởi tố có thể bị bác bỏ.
THIÊN THỨ IV
Thủ tục tuyên bố thất tung
Điều thứ 77 - Khi một người bỏ cư sở đi biệt tích, không có tin tức gì, không ai biết sống hay chết, tòa án có thể, do lời yêu cầu của thân nhân cho thi hành những biện pháp bảo thủ. Nếu người ấy không có vợ hay con đã trưởng thành hay tôn thuộc hay thân quyến bàng hệ, hay những ngừơi này từ chối, tòa có thể chỉ định một người ngoài để quản trị tài sản của người vắng mặt.
Điều thứ 78 - Nếu người ấy vắng mặt đã hai năm không có tin tức gì, tòa có thể do lời yêu cầu của thân nhân, tuyên án dự đoán đương nhân đã thất tung, đồng thời truyền mở cuộc điều tra về tông tích người ấy.
Điều thứ 79 - Tòa án có thẩm quyền là tòa sơ thẩm, nơi cư sở, hay nơi trú ngụ cuối cùng của đương nhân. Bản án sẽ niêm yết ở công sở nơi ấy và ở trụ sở tòa án và sẽ đăng vào hai tờ nhật báo do bản án chỉ định và vào Công báo Việt Nam. Công tố viện sẽ xúc tiến và đôn đốc cuộc điều tra.
Điều thứ 80 - Một năm sau nếu người đi vắng vẫn không trở về và nếu cuộc điều tra không có kết quả cho biết tung tích nưgời ấy, tòa sẽ tuyên án thất tung theo lời yêu cầu của mọi đương sự có quyền lợi. Thời hạn một năm sẽ tính từ ngày bản án được niên yết hay công bố tùy theo thể thức đã được thi hành trước. Bản án cũng được niêm yết và công bố như trên.
CHƯƠNG THỨ II
Hậu quả của sự thất tung
TIẾT I
Hậu quả về hôn thú
Điều thứ 81 - Cũng trong bản án tuyên bố thất tung hoặc do một bản án khác, tòa cũng có thể tuyên bố đoạn tuyệt sự liên lạc phu phụ giữa người thất tung với người phối ngẫu, nếu có sự yêu cầu.
Án này sẽ chuyển tả vào sổ giá thú đương niên nơi cư sở cuối cùng của người thất tung và sẽ ghi chú vào sổ hộ tịch bên lề giấy giá thú và giấy khai sinh của hai vợ chồng. Công tố viện phải đôn đốc việc chuyển tả án này.
Điều thứ 82 - Sau khi hôn thú đã đoạn tiêu như trên, người phối ngẫu có thể lập hôn thú khác, và hôn thú này vẫn hữu hiệu mặc dầu sau đó, người thất trung trở về. Nhưng nếu người thất trung trở về mà người phối ngẫu chưa có lập hôn thú với ai khác, thì sự tuyên bố đoạn tuyệt liên lạc phu phụ sẽ được tòa án đương nhiên thu hồi, theo lời thỉnh cầu của công tố viện hay bất cứ ai có quyền lợi. Án thu hồi sẽ được chuyển tả và ghi chú như nói tại điều trên.
TIẾT II
Hậu quả về tài sản
Điều thứ 83 - Sau khi có án thất tung, các thừa kế pháp định của người thất tung vào ngày biệt tích hay ngày có tin tức cuối cùng về người ấy, có thể xin tòa cho tạm thời doãn chấp tài sản của người thất tung.
Khi ấy nếu người thất tung có chúc thư để lại, chúc thư sẽ được thi hành, và các người thụ di, thụ tặng cũng như tất cả những ai có quyền lợi lệ thuộc vào sự mệnh một của người thất tung sẽ có thể tạm thời xử hành những quyền lợi ấy.
Điều thứ 84 - Người phối ngẫu kết hôn dưới chế độ cộng đồng tài sản có quyền lựa chọn hoặc tiếp tục chế độ hôn sản như cũ hoặc xin thanh toán dứt khoát ngay.
Nếu người phối ngẫu quyết định tiếp tục chế độ hôn sản người ấy sẽ được quyền quản trị tài sản chung kể cả tài sản riêng của người thất tung. Trong trường hợp này sẽ bị ngăn trở sự sử hành dầu là tạm thời, mọi quyền lợi lệ thuộc vào sự mệnh một của người thất tung.
Người phối ngẫu nếu xin thanh tóan hôn sản sẽ lấy về của riêng, còn của chung chia đôi.
Nếu hôn thú bị tuyên bố đoạn tuyệt, hôn sản cũng sẽ được thanh toán như trên.
Trong trường hợp người thất tung trở về và nếu người phối ngẫu của người ấy chưa có lập hôn thú khác, chế độ hôn sản cũ sẽ được tái lập. Tuy nhiên nếu tài sản đã được thanh toán, sự tái lập sẽ không làm hại đến những quyền lợi thủ đắc của người không phải là phối ngẫu, thừa kế hay thụ di của đương sự.
Điều thứ 85 - Sự doãn chấp tạm thời chỉ là một sự ký thác. Người được doãn chấp có quyền quản trị nhưng sẽ phải thanh tóan với người thất tung khi người này cho tin tức hay trở về.
Điều thứ 86 - Người được doãn chấp phải xin chức dịch xã hoặc nhờ thừa phát lại hay chưởng khế làm bản kê khai và trị giá những động sản và bất động sản được doãn chấp, trước khi bắt đầu chấp hữu. Đối với những tài sản quan trọng, cũng có thể xin chánh án sở tại cho mệnh lệnh phê đơn chỉ định một giám định chuyên môn để trị giá.
Điều thứ 87 - Người được doãn chấp sẽ phải hoàn lại 1/5 hoa lợi nếu người thất tung trở về trong hạn năm năm sau khi được doãn chấp, quá hạn ấy sẽ chỉ hoàn lại 1/10. Nếu quá mười lăm năm người thất tung mới trở về, người được doãn chấp sẽ không phải hòan lại hoa lợi.
Điều thứ 88 - Người được doãn chấp không có quyền đoạn mại hay cầm cố để đương tài sản gì của người thất tung, trừ những trường hợp thật cần thiết nhưng phải được tòa án cho phép.
Điều thứ 89 - Sau hai mươi năm kể từ ngày có án dõan chấp hay từ ngày người phối ngẫu nhận quyền quản trị, nếu người thất tung không trở về, mọi ngừơi hữu quyền đều có thể xin tòa cho phân chia tài sản của người thất tung và cải hóan sự doãn chấp tạm thời trên đây thành doãn chấp vĩnh viễn.
Điều thứ 90 - Nếu có bằng chứng là người thất tung đã chết, di sản của người ấy sẽ khai phát tính vào ngày mệnh một của đương sự.
Thừa kế gần nhất của người thất tung vào ngày ấy sẽ được hưởng di sản, và người nào đang thụ hưởng tài sản của ngừơi thất tung sẽ phải hòan lại ngoại trừ hoa lợi đã thủ đắc theo điều 87.
Điều thứ 91- Nếu trong thời kỳ doãn chấp tạm thời, người thất tung trở về hay có chứng cớ là người ấy còn sống, án văn tuyên bố thất tung sẽ hết hiệu quả, ngoại trừ những biện pháp bảo thũ đã nói ở điều 77.
Tuy nhiên, tòa án có thể hủy bỏ những biện pháp ấy nếu xét quản trị viên đã vượt quá quyền hạn, tòa sẽ chú trọng đến quyền lợi của người đệ tam tùy theo sự gian tình hay ngay tình của người ấy.
Điều thứ 92 - Nếu sau khi doãn chấp đã trở thành vĩnh viễn, người thất tung lại trở về hay có chứng cớ là người ấy còn sống, đương sự sẽ thu hồi các tài sản theo tình trạng hiện hữu, hoặc giả tiền các tài sản đã được bán đi, hoặc các tài sản khác đã được tạo mãi bằng giá tiền bán.
Điều thứ 93 - Con cái và thừa kế trực hệ của người thất tung cũng có thể đòi hòan lại tài sản của người thất tung như đã nói ở điều trên trong hạn hai mươi năm kể từ ngày doãn chấp vĩnh viễn.
Điều thứ 94 - Sau khi có án văn tuyên bố thất tung, người nào muốn đòi hỏi quyền lợi ở người thất tung, phải truy cần người được doãn chấp hoặc người quản trị.
Điều thứ 95 - Nếu người thất tung hay mới bị dự đóan thất tung là thừa kế trong một di sản đã khai phát, di sản ấy sẽ phân chia cho tất cả các thừa kế hữu quyền theo luật di sản, với sự dự đóan rằng người thất tung hãy còn sống.
TIẾT III
Hậu quả về tình trạng các con vị thành niên
Điều thứ 96 - Nếu ngừơi cha biệt tích nếu có con còn vị thành niên, phu quyền sẽ đương nhiên do người mẹ sử hành.
Nếu người mẹ lại chết việc trông nom dậy dỗ những trẻ vị thành niên sẽ giao cho một giám hộ như được chỉ định tại các điều luật về sự giám hộ con chính thức.
Nếu cả hai cha mẹ đều biệt tích, việc giám hộ cũng được tổ chức ngay.
Điều thứ 97 - Điều luật trên đây cũng sẽ áp dụng cho trường hợp một trong hai người phối ngẫu biệt tích có để lại con vị thành niên đã sinh trong một hôn phối trước.
Điều thứ 98 - Đối với con ngoại hôn, nếu người cha hay ngừơi mẹ giữ việc giám hộ biệt tích hay cả hai cha mẹ đều biệt tích, việc giám hộ sẽ được tổ chức tiếp tục ngay với một giám hộ mới như được chỉ định tại các điều luật về sự giám hộ con ngoại hôn.
THIÊN THỨ V
Nói về hôn thú
Điều thứ 99 - Luật pháp không chấp nhận chế độ đa thê.
Không ai được phép tái hôn nếu hôn thú trước chưa đoạn tiêu.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Sự đính hôn
Điều thứ 100 - Con trai chưa đủ 17, con gái chưa đủ 15 tuổi, không thể đính hôn.
Sự đính hôn chỉ có giá trị khi nào đã được làm một cách trọng thể với sự ưng thuận của hai ngừơi đính hôn và, nếu đương sự còn vị thành niên, của ông bà, cha mẹ hay giám hộ, và sau khi nhà gái đã nhận lễ vật của nhà trai.
Điều thứ 101 - Mỗi bên đều có thể từ hôn nhưng sẽ phải bồi thường nếu không có lý do chính đáng.
Trong mọi trường hợp lễ vật có thể hòan lại, trừ vật tiêu thụ.
Điều thứ 102 - Những tố quyền liên quan đến sự đính hôn sẽ tiêu diệt sau thời hạn một năm kể từ ngày bãi hôn.
CHƯƠNG THỨ II
Điều kiện cần thiết để thiết lập hôn thú
Điều thứ 103 - Sự ưng thuận của hai bên nam nữ là một điều kiện thiết yếu cho sự kết hợp hôn thú.
Điều thứ 104 - Con trai chưa đủ 18 tuổi, con gái chưa đủ 15 tuổi, không thể kết hôn.
Tuy nhiên, nếu có lý do trọng đại, Nguyên Thủ quốc gia có thể đặc cách cho miễn tuổi.
Điều thứ 105 - Vị thành nêin không thể kết hôn, nếu không có sự ưng thuận của cha mẹ.
Nếu cha mẹ bất đồng ý kiến, hoặc nếu một trong hai người đã mệnh một hay ở trong tình trạng không thể phát biểu ý kiến, thì sự ưng thuận của một trong hai cũng đủ.
Nếu cha mẹ đều mệnh một, hoặc ở trong tình trạng không thể pháp biểu ý kiến, sự ưng thuận sẽ do ông bà nội, hay ông bà ngoại nếu không có ông bà nội, cũng sẽ theo các điều kiện trên.
Nếu không có ông bà, sự ưng thuận sẽ do ngừơi giám hộ. Nếu giám hộ từ chối, vị thành niên có thể xin hội đồng gia tộc cho phép.
Điều thứ 106 - Trong trường hợp người chồng mệnh một, hoặc hôn thú bị tiêu hủy, ngừơi vợ chỉ có thể tái giá sau khi hết hạn 300 ngày kể từ khi chồng chết hoặc từ khi án tiêu hủy thành nhất định.
Tuy nhiên, nếu sau khi chồng chết hay có án tiêu hủy, người đàn bà đã sinh đẻ có thể tái giá dù chưa hết hạn ba trăm ngày.
Điều thứ 107 - Người đàn bà ly hôn chỉ có thể tái giá sau khi hết hạn ba trăm ngày kể từ ngày có án ly hôn hay có án lệnh của thẩm phán cho phép ở riêng.
Tuy nhiên, nếu sau khi ly hôn, người đàn bà đã sinh đẻ, thì có thể tái giá dù chưa hết hạn ba trăm ngày.
Nếu người chồng mệnh một trong khi tiến hành thủ tục ly hôn hay ly thân, người đàn bà có thể tái giá sau hạn ba trăm ngày kể từ ngày có án lệnh cho phép ở riêng.
Điều thứ 108 - Những thân thuộc trong trực hệ, không cứ chính thức hay ngoại hôn, và không cứ thứ bậc nào, không thể kết hôn với nhau.
Điều thứ 109 - Trong bàng hệ, hôn thú bị cấm chỉ giữa những hạng người sau:
1) Anh chị em đồng phụ mẫu hay cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha;
2) Chú, bác, cậu, ông chú, ông bác, ông cậu với cháu gái; cô, dì, bà cô, bà dì với cháu trai;
3) Anh chị em con chú, con bác, con cậu, con cô, con dì, anh chị em cháu chú, cháu bác.
Điều thứ 110 - Hôn thú bị cấm:
1) Giữa người phối ngẫu với một người tôn thuộc hay ti thuộc trực hệ của người phối ngẫu kia;
2) Giữa chị dâu, em dâu với em chồng, anh chồng;
3) Giữa bác gái, thím, mợ, bà bác, bà thím, bà mợ với cháu chồng;
4) Giữa bác, chú, cậu, ông chú, ông bác, ông cậu với vợ của cháu trai.
Điều thứ 111 - Hôn thú cũng bị cấm:
1) Giữa cha mẹ nuôi với con nuôi cũng như với ti thuộc trực hệ của người này;
2) Giữa cha mẹ nuôi với người phối ngẫu của người con nuôi;
3) Giữa những người con nuôi của cùng một người;
4) Giữa những người con nuôi với con của người đứng nuôi.
Điều thứ 112 - Tuy nhiên, nếu có lý do trọng đại, nguyên thủ quốc gia có thể đặc cách cho phép kết hôn những người nói ở điều 109, đoạn 3, miễn không phải là những người đồng tông, điều 110, đoạn 3 và 4 và điều 111, đoạn 3 và 4.
CHƯƠNG THỨ III
Sự cử hành hôn lễ
Điều thứ 113 - Trước khi cử hành hôn lễ, hộ lại phải bố cáo bằng cách niêm yết tại công sở nơi trú ngụ thường xuyên và nơi cư sở của hai người phối ngẫu vị lai.
Bản niêm yết phải ghi họ tên, nghề nghiệp, cư sở và nơi trú ngụ của hai bên nam nữ và của cha mẹ, cùng nơi dự định cử hành hôn lễ.
Điều thứ 114 - Bản niêm yết phải dán tại các nơi nói ở trên trong hạn mười ngày liền. Hôn lể chỉ có thể cử hành mười ngày sau khi đã niêm yết, ngày niêm yết sẽ không tính vào thời hạn này.
Điều thứ 115 - Nếu hôn lễ không cử hành trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hạn niêm yết thì về sau phải công bố lại theo thể thức như trên.
Điều thứ 116 - Trong thời hạn niêm yết những người dưới đây có quyền phản kháng sự cử hành hôn lễ:
1) Người đã có hôn thú với một trong hai đương sự;
2) Cha mẹ, hoặc ông bà nếu không có cha mẹ.
Điều thứ 117 - Người phản kháng hay thụ ủy có công chứng thư ủy quyền đặc biệt phải ký tên trên bản chính trên tờ phản kháng. Tờ phản kháng phải do thừa phát lại tống đạt theo thường lệ, để bản sao lại cho hai người phối ngẫu vị lai và cho hộ lại nơi sẽ làm hôn thú. Hộ lại phải phê duyệt trên bản chính.
Điều thứ 118 - Chứng thư phản kháng phải ghi tư cách cho phép phản kháng cùng lý do và điều luật cho phép phản kháng. Người phản kháng phải tuyển định cư sở ở nơi dự liệu cử hành hôn lễ.
Nếu không đầy đủ những chi tiết như trên, chứng thư phản kháng sẽ vô giá trị và sự phản kháng sẽ phải đương nhiên bác bỏ.
Điều thứ 119 - Sự phản kháng có thể bị giải trừ do người đứng phản kháng, theo thể thức ứng dụng cho sự phản kháng, hoặc do tòa án, theo đơn khởi tố của vợ chồng vị lai.
Đơn xin giải trừ có thể được chấp nhận đối với sự phản kháng của tôn trưởng mà không cần được phép riêng để kiện tôn trưởng.
Điều thứ 120 - Tòa sơ thẩm phải xét xử và tuyên án trong hạn mười lăm ngày sau khi đơn xin giải trừ được đăng đường.
Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày đối với phán quyết sơ thẩm.
Điều thứ 121 - Nếu có kháng cáo, lục sự tòa sơ thẩm phải chuyển hồ sơ lên tòa thượng thẩm trong hạn mười lăm ngày. Nếu án văn chưa kịp thời trước bạ, lục sự có thể cấp bản sao trước khi trước bạ để cho vào hồ sơ.
Tòa thượng thẩm phải xét xử và tuyên án trong hạn mười lăm ngày sau khi nội vụ đăng đừơng.
Phúc quyết thựơng thẩm sẽ không được thượng tố nếu giải trừ sự phản kháng.
Điều thứ 122 - Hôn lễ cử hành công khai trước hộ lại tại công sở nơi trú ngụ của một trong hai người hôn phối.
Nếu có sự cản trở trọng đại, hôn lễ có thể cử hành tại chỗ ở của một trong hai người.
Điều thứ 123 - Trước sự hiện diện của hai nhân chứng trưởng thành, thân thuộc hay không, hộ lại hỏi hai bên có lập hôn ước không và có ưng thuận cùng nhau kết hôn không; sau đó, nếu hai bên ưng thuận, nhân danh luật pháp, hộ lại tuyên bố hai bên là vợ chồng và lập ngay chứng thư hôn thú.
Điều thứ 124 - Người muốn lập hôn thú phải xuất trình bản toàn sao giấy khai sinh được cấp lâu nhất là ba tháng nếu cấp ở Việt Nam và sáu tháng nếu cấp ở ngoại quốc.
Trong trừơng hợp không xuất trình được bản sao khai sinh cũng có thể xuất trình hoặc án văn thế vì khai sinh của tòa sơ thẩm nơi sanh quán, hoặc chứng thư thế vì khai sinh do thẩm phán hòa giải nơi trú ngụ cấp.
Điều thứ 125 – Trong trừơng hợp hôn thú lập ở ngoại quốc, trong vòng ba tháng sau khi trở về lãnh thổ Việt Nam, ngừơi có quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một bản sao chứng thư hôn thú cũ nhất là ba tháng gửi cho biện lý tòa án nơi trú ngụ. Biện lý sẽ ra lệnh đăng ký vào sổ giá thú đương niên và ghi chú vào lề chứng thư khai sinh của đương sự, ở sổ chánh cũng như ở sổ kép.
Điều thứ 126 – Nếu trước khi cử hành hôn lễ không có niêm yết hoặc không tôn trọng thời gian đã ấn định giữa ngày niêm yết và ngày cử hành hôn lễ, hộ lại có thể bị tòa dân sự phạt tiền từ năm trăm đồng (500$00) đến năm ngàn đồng (5.000$00).
CHƯƠNG THỨ IV
Sự vô hiệu của hôn thú
Điều thứ 127 – Hôn thú vô hiệu nếu sự ưng thuận của vợ hay chồng hay của cả hai người không được tự do.
Chỉ có hai nguyên nhân làm cho sự ưng thuận vô giá trị là sự lầm lẫn và sự cưỡng bách.
Về sự lầm lẫn chỉ có sự lầm lẫn về thế nhân hay hộ tịch mới là duyên cớ để xin tiêu hôn.
Điều thứ 128 – Chỉ có người vợ hay người chồng đã bị lầm lẫn hay cưỡng bách mới được phép xin tiêu hôn: tố quyền tiêu hôn có thể hành sử dù đương sự còn vị thành niên.
Điều thứ 129 – Tố quyền tiêu hôn tiêu diệt sau hạn một năm kể từ ngày sự lầm lẫn được phát giác hay sự cưỡng bách chấm dứt.
Điều thứ 130 – Cha mẹ, ông bà, hoặc giám hộ được quyền ưng thuận cho kết hôn có thể khởi tố xin tiêu hủy hôn thú kết lập mà không có sự ưng thuận của mình.
Điều thứ 131 – Tuy nhiên, những ngừơi nói ở điều 130 không thể khởi tố nếu đã thừa nhận hôn thú một cách công nhiên, hoặc mặc nhiên, hoặc biết việc lập hôn thú mà để yên một năm không khiếu nại.
Sự vô hiệu cũng được bao yểm nếu người phối ngẫu còn vị thành niên khi kết lập hôn thú đã đến tuổi trưởng thành, hơặc nếu người đàn bà đã thụ thai hoặc có con.
Điều thứ 132 – Cả hai vợ chồng cũng như công tố viên và mọi ngừời có quyền lợi đề có thể khởi tố xin tiêu hôn trong các trường hợp sau:
1) Hôn thú kết lập mà không có sự ưng thuận của vợ hay chồng hoặc của hai người;
2) Hôn thú kết lập khi một trong hai ngừơi chưa đủ tuổi cặp hôn, trừ phi đã được miễn tuổi hợp lệ, tuy nhiên, nguyên nhân vô hiệu này không thể được viện dẫn kể từ ngày đương sự đã đến tuổi cặp hôn hay nếu người đàn bà đã thụ thai hay có con;
3) Hai người là thân thuộc huyết tộc hay nghĩa dưỡng hoặc hôn thuộc vào hàng luật cấm hôn thú;
4) Khi lập hôn thú, một trong hai ngừơi còn bị ràng buộc bởi một hôn thú khác chưa đọan tiêu;
5) Hôn lễ cử hành không công khai hay do một hộ lại vô thẩm quyền, với điều kiện cử hành hôn lễ trái phép có tính cách gian lận. Tuy nhiên, nếu có sự chấp thuận hữu thân trạng phu phụ cả hai vợ chồng đều không được quyền nại sự vô hiệu gì về hình thức hay sự vô thẩm quyền của hộ lại để xin tiêu hủy hôn thú.
Điều thứ 133 – Mặc dù hôn thú bị tiêu hủy, các con, nếu có, vẫn đươc coi là con chính thức.
Điều thứ 134 – Sự tiêu hủy không có hiệu lực hồi tố đối với vợ chồng cũng như đối với người đệ tam.
Sự thanh tóan tài sản sau khi tiêu hôn sẽ làm như trong trường hợp ly hôn.
Điều thứ 135 – Án văn tiêu hủy, sau khi đã thành nhất định, phải được sao lục cho hộ lại đã đăng ký việc hôn thú để ghi bên lề chứng thư hôn thú và để đăng ký vào sổ hôn thú đương niên.
Án văn cũng ghi chú bên lề chứng thư khai sinh của mỗi vợ chồng.
CHƯƠNG THỨ V
Nghĩa vụ hôn nhân
Điều thứ 136 – Vợ chồng có nghĩa vụ thủy chung với nhau và giúp đỡ nhau cùng chung lo xây dựng hạnh phúc gia đình và dưỡng dục con cái.
Điều thứ 137 – Chồng là gia trưởng và hành sử quyền gia trưởng theo quyền lợi gia đình và con cái.
Vợ cộng tác với chồng trong việc sinh họat gia đình, giáo dục và xây dựng con cái.
Điều thứ 138 – Vợ thay chồng giữ quyền gia trưởng trong trường hợp người chồng không thể phát biểu ý kiến vì không có năng lực pháp lý, vì thất tung hay đi xa hoặc vì một duyên cớ nào khác.
Điều thứ 139 – Nếu không có hôn khế qui định sự đóng góp của vợ chồng vào việc chi tiêu gia đình, mỗi ngừơi sẽ góp phần tùy theo khả năng của mình.
Nhưng nghĩa vụ này, trước nhất đặt vào người chồng. Tùy theo khả năng của mình, chồng phải cung cấp cho vợ con những thứ cần thiết cho sự sinh sống, tùy theo tình trạng và hòan cảnh của những người này.
Điều thứ 140 – Chồng có quyền chọn chỗ ở gia đình, vợ có bổn phận ở chung với chồng.
Tuy nhiên, vợ có thể xin chánh án cho phép chính mình hoặc cùng con cái ở riêng một nơi khác nếu chỗ ở do chồng chọn có hại cho gia đình về phương diện vật chất hay tinh thần.
Điều thứ 141 – Người đàn bà có chồng có đủ năng lực pháp lý và sử dụng năng lực này trong luật định.
Điều thứ 142 – Người vợ có thể hành sử nghề nghiệp riêng biệt trừ phi người chồng phản kháng, ngừơi vợ có thể xin chánh án sở tại giải trừ sự phản kháng bằng mệnh lệnh phê đơn, sau khi nghe người chồng trần tình. Nếu sự phản kháng được giải trừ, mọi hành vi của người vợ đã làm kể từ ngày phản kháng đều hữu hiệu. Nếu sự phản kháng được chấp nhận, hay nếu người vợ không xin giải trừ, mọi hành vi của người vợ từ khi có sự phản kháng đều không thể đối kháng được với chồng với điều kiện là khi lập ước với người vợ, người đệ tam đã được biết sự phản kháng của ngừơi chồng.
Điều thứ 143 – Dưới mọi chế độ, vợ có quyền thay mặt chồng về những nhu cầu gia vụ và dùng tiền bạc của chồng vào những nhu cầu ấy. Mọi hành vi của vợ trong phạm vi này đều có hiệu lực ràng buộc chồng, trừ phi ngừơi chồng đã tước quyền vợ và ngừơi đệ tam kết ước với người vợ đã biết có sự tước quyền.
CHƯƠNG THỨ VI
Chế độ phu phụ tài sản
Điều thứ 144 – Luật pháp chỉ qui định phu phụ tài sản khi vợ chồng không lập hôn ước.
Điều thứ 145 – Vợ chồng có thể tự do lập hôn ước tùy ý muốn, nếu không trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục.
Điều thứ 146 – Hôn ước phải làm trước khi kết hôn, trứơc một chưởng khế. Vợ hay chồng còn vị thành niên muốn lập hôn ước phải có sự hỗ trợ của những người có tư cách để ưng thuận cho kết hôn.
Chưởng khế phải cấp cho đương sự một chứng thư được miễn mọi lệ phí ghi tên, họ, nghề nghiệp, chỗ ở, ngày sanh, nơi sinh của đương sự, ngày tháng lập hôn ước và ghi rõ là chứng thư phải giao cho viên chức hộ tịch trước khi cử hành hôn lễ.
Điều thứ 147 – Hôn ước không thể thay đổi sau khi đã lập hôn thú.
Điều thứ 148 – Những sự thay đổi trong hôn ước trước ngày lập hôn thú phải được ghi nhận bằng chứng thư thiết lập cùng thể thức với hôn ước.
Những sự thay đổi trong hôn ứơc chỉ có hiệu lực nếu khi lập chứng thư có sự hiện diện của những người tham dự vào hôn ước.
Điều thứ 149 – Hôn ước chỉ có thể đối kháng với đệ tam nhân nếu đã được ghi trong chứng thư hôn thú.
Những sự thay đổi trong hôn ứơc cũng chỉ có thể đối kháng với đệ tam nhân nếu được ghi trong chứng thư hôn thú, dưới hôn ước. Chưởng khế khi cấp bản sao hôn ước phải sao lục cả những sự thay đổi.
TIẾT I
Chế độ cộng đồng tài sản
Điều thứ 150 – Chế độ cộng đồng tài sản là chế độ phu phụ tài sản thường luật trong trừơng hợp vợ chồng không lập hôn ước hoặc khai kết hôn dưới chế độ cộng đồng tài sản.
Chế độ này khởi đầu từ ngày lập hôn thú. Không ai có thể định một ngày nào khác cho khởi điểm này.
Điều thứ 151 – Khối cộng đồng tài sản gồm có:
1) Động sản thuộc quyền sở hữu của mỗi người ngày lập hôn thú;
2) Động sản của vợ hay chồng được hưởng trong thời gian hôn thú do sự thừa kế, tặng dữ và di tặng, trừ phi người tặng dữ hay di tặng đã định khác;
3) Động sản hoặc bất động sản do vợ hay chồng tạo mãi trong thời gian hôn thú;
4) Hoa lợi của tất cả tài sản, không phân biệt tài sản thủ đắc trước hay trong thời gian hôn thú.
Điều thứ 152 – Bất động sản thuộc quyền sở hữu của mỗi vợ chồng ngày lập hôn thú hoặc thủ đắc trong thời gian hôn thú do sự thừa kế, tặng dữ và di tặng là của riêng của mỗi người.
Điều thứ 153 – Người chồng quản trị tài sản cộng đồng và tài sản riêng của hai vợ chồng. Nếu ngừơi chồng không có năng lực pháp lý, thất tung, đi xa lâu ngày hay bị cản trở vì một duyên cớ chánh đáng nào khác, người vợ sẽ thay thế trong quyền quản trị.
Điều thứ 154 – Đối với bất động sản, dù riêng hay chung, bao giờ cũng phải có sự ưng thuận của cả hai ngừơi mới được làm những hành vi có tính cách tiêu thất.
Điều thứ 155 – Trong trừơng hợp phải có sự ưng thuận của vợ hay chồng nếu ngừơi này không thể tỏ ý được hoặc từ khước không có lý do chánh đáng, ngừơi phối ngẫu có thể xin tòa án cho miễn sự ưng thuận này.
Điều thứ 156 – Vợ, hay chồng, nếu có lý do chánh đáng có thể được phép sai áp chế chỉ lương bổng thù lao, lợi tức hay hoa lợi ấy.
Điều thứ 157 – Hai bên vợ chồng sẽ được gọi đến trứơc mặt chánh án bằng thư bảo đảm của phòng lục sự và phải đích thân trình diện, trừ trường hợp bị cản trở không thể nào tới được mới có thể nhờ luật sư thay mặt.
Chánh án sẽ thẩm nghị và tuyên án ngay trong văn phòng.
Điều thứ 158 – Bản án sẽ đương nhiên được thi hành tạm, mặc dầu kháng cáo hay kháng tố.
Nhận được tống đạt bản án, ngừơi đệ tam bị sai áp sẽ phải giao tiền cho ngừơi phối ngẫu đã được sai áp, không cần phải thể thức gì khác về thủ tục sai áp chế chỉ.
Bất kỳ lúc nào, và mặc dầu đã thành nhất định, án văn cũng có thể sửa đổi tùy theo hòan cảnh, tình trạng của hai vợ chồng.
Điều thứ 159 – Vợ hay chồng đều có thể mở trương mục tồn khỏan tại các cơ quan tín dụng và ngân hàng, nhưng phải khai rõ tên tuổi của ngừơi phối ngẫu và địa chỉ cư sở hôn nhân; các cơ quan nói trên phải thông báo cho ngừơi phối ngẫu rõ việc mở trương mục.
Người phối ngẫu có quyền hỏi bảng đối chiếu xuất nhập của ngân khỏan trương mục và, nếu có lý do chánh đáng, có thể xin tòa án cho phép ngăn cản việc lấy tiền ra.
Điều thứ 160 – Tài sản cộng đồng phải đài thọ:
1) Những nợ của vợ hay của chồng đã kết ước trứơc khi lập hôn thú, trừ những trái khỏan được bảo đảm bởi những quyền đối vật trên những bất động sản nói ở điều 152;
2) Những nợ của vợ hay của chồng kết ước trong phạm vi quyền hạn mỗi người trong thời kỳ hôn thú;
3) Những nợ do hành vi phạm pháp của vợ hay của chồng.
Điều thứ 161 – Chế độ tài sản cộng đồng chấm dứt:
1) Vì sự mệnh một của người phối ngẫu;
2) Vì sự ly hôn hay tiêu hôn;
3) Vì sự ly thân;
4) Vì sự biệt sản quy định nơi điều 165.
Điều thứ 162 – Chế độ tài sản cộng đồng qui định trên đây sẽ áp dụng tức khắc cho cả những hôn thú thành lập từ trước, nhưng không làm tổn hại đến sự hữu hiệu của những hành vi của vợ chồng đã làm hoặc đến những quyền lợi thủ đắc của đệ tam nhân.
TIẾT II
Chế độ biệt sản
Điều thứ 163 – Khi lập hôn ước, vợ chồng có thể quyết định là họ sẽ được chi phối bởi chế độ biệt sản; người đàn bà sẽ giữ quyền quản trị, hưởng dụng và sử dụng tài sản riêng của mình.
Điều thứ 164 – Mỗi người phối ngẫu sẽ góp phần vào chi phí gia đình tùy theo hôn ứơc, hoặc nếu không có điều khỏan nào trong hôn ước quy định về điểm này, theo điều 167.
Điều thứ 165 – Sự biệt sản cũng có thể được tòa án tuyên phán theo đơn xin của người vợ trong trường hợp sự quản trị tài sản của chồng có điều bất cẩn khiến tài sản riêng của vợ hoặc tài sản cộng đồng có thể bị nguy hại.
Người chồng cũng có thể xin biệt sản trong trường hợp người vợ được tòa cho phép kinh doanh thương mại, mặc dầu có sự phản kháng của người chồng.
Điều thứ 166 – Án biệt sản phải được công bố trong một cuốn sổ riêng ở phòng lục sự tòa sơ thẩm sở tại và phải ghi vào lề giây hôn thú của hai vợ chồng, nếu người phối ngẫu là thương gia cũng cần được công bố ở tòa án nơi cư sở doanh thương của người này.
Giữa hai vợ chồng, bản án tuyên phán biệt sản có hiệu lực từ ngày có đơn xin.
Điều thứ 167 – Người đàn bà biệt sản được quyền quản trị, hưởng dụng và sử dụng tài sản riêng của mình.
Tuy nhiên, người đàn bà, tùy theo khả năng của mình và của chồng, vẫn phải đóng góp vào các chi phí gia đình và giáo dục con cái.
Điều thứ 168 – Chế độ cộng đồng tài sản chấm dứt vì án ly thân hay biệt sản và có thể được tái lập theo ý muốn của vợ chồng. Sự tái lập phải được ghi nhận trong một chứng thư thiêt lập trứơc mặt chưởng khế; sự tái lập này cũng còn phải được công bố theo thể thức dự liệu trong điều 166.
Giữa hai vợ chồng, chế độ cộng đồng tái lập có hiệu lực từ ngày kết lập hôn thú; mọi sự sẽ được coi như là không có sự ly thân hay biệt sản.
Điều thứ 169 – Nếu người đàn bà biệt sản để chồng hưởng dụng tài sản của mình, khi hôn thú đọan tiêu hay khi người đàn bà yêu sách, người chồng cũng chỉ phải trả lại những hoa lợi hiện hữu, và không phải trả những hoa lợi đã tiêu thụ.
CHƯƠNG THỨ VII
Ly hôn và ly thân
Điều thứ 170 – Vợ hay chồng có thể xin ly hôn hoặc ly thân:
1) Vì sự ngoại tình của người phối ngẫu;
2) Vì người phối ngẫu bị kết án trọng hình về thường tội;
3) Vì sự ngược đãi, bạo hành hay nhục mạ, có tính cách thậm từ và tái diễn khiến vợ chồng không thể ăn ở với nhau nữa.
Ngoài ra, vợ chồng còn có thể xin thuận tình ly hôn nếu hôn thú được lập trên hai năm và không quá hai mươi năm.
Khi xin thuận tình ly hôn, các đương sự vẫn phải theo đúng thủ tục quy định ở các điều 171 và kế tiếp. Các đương sự có thể thỏa hiệp trước bằng văn thư đệ trình tòa về các vấn đề con cái và tài sản hôn nhân. Tuy nhiên, về các vấn đề này, tòa có quyền thẩm định.
TIẾT I
Thủ tục ly hôn
Điều thứ 171 – Đơn xin ly hôn có trình bày lý lẽ phải do đương sự đích thân đệ trình chánh án tòa sơ thẩm có thẩm quyền theo thừơng luật.
Điều thứ 172 – Thẩm phán nhận đơn cố gắng khuyến cáo đương sự sau khi nghe lời trình bày của người ấy.
Nếu sự khuyến cáo vô hiệu quả, thẩm phán ký mệnh lệnh vào dưới đơn ấn định ngày giờ cho đòi hai vợ chồng đến hòa giải; mệnh lệnh cũng ủy nhiệm thừa phát lại tống đạt trát đòi.
Điều thứ 173 – Ngay trong mệnh lệnh này, thẩm phán có thể cho phép nguyên đơn ở riêng nếu xét là cần thiết.
Điều thứ 174 – Trát đòi phải được tống đạt cho bị đơn ba ngày tròn trước ngày hòa giải, cùng với đơn khởi tố do thừa phát lại sao lục và thị thực; chưa kể sự gia tăng thời hạn vì đường xa theo luật dân sự tố tụng nếu có; trát đòi vô hiệu nếu không tôn trọng thể thức này. Nếu không gặp đích thân đương sự, bản sao đơn khởi tố phải giao cho người nhận thay trong phong bì dán kín.
Điều thứ 175 – Đến ngày đã định, hai vợ chồng phải đích thân trình diện; nếu một bên cư ngụ ở quản hạt một tòa án khác, thẩm phán có thể ủy thác cho chánh án tòa án ấy để nhận lời khai của bị đơn. Thẩm phán sẽ nghe đôi bên và cố gắng hòa giải.
Điều thứ 176 – Nếu nguyên đơn vắng mặt, đơn kiện sẽ tạm xếp, thẩm phán chỉ ghi nhận sự vắng mặt vào đơn, không ký án lệnh gì.
Nếu nguyên đơn vắng mặt hai lần liên tiếp, đơn kiện sẽ bị xếp hẳn; một đơn xin ly hôn khác chỉ có thể nạp sau thời hạn một năm, trừ khi có nguyên nhân khác.
Điều thứ 177 – Nếu bị đơn vắng mặt hay hòa giải không thành, chánh án sẽ ký án lệnh hòa giải bất thành, lâm thời ghi nhận sự vắng mặt của bị đơn.
Thẩm phán sẽ đòi hai bên đến hòa giải lần thứ nhì sau thời hạn ba tháng.
Điều thứ 178 – Ngay sau lần hòa giải thứ nhất, chánh án ký án lệnh, quyết định về nơi tạm trú của hai vợ chồng trong thời kỳ vụ kiện, về việc giao hoàn quần áo và đồ dùng riêng của mỗi người, về việc tạm giữ con, về việc thăm viếng của vợ chồng và về tiền cấp dưỡng.
Nếu lần hòa giải thứ hai bất thành, chánh án cũng lại sẽ ký án lệnh định các phương sách tạm thời và cho phép nguyên đơn tiếp tục thủ tục trước tòa án.
Điều thứ 179 – Riêng các biện pháp tạm thời, án lệnh có thể bị kháng cáo trong hạn mười ngày tròn, nhưng đương nhiên được thi hành tạm.
Ngoài ra, biện pháp dự liệu trong án lệnh đều có thể được tòa xử về chánh vụ, hay tòa khẩn cấp, sửa đổi hay bổ túc trong thời kỳ thủ tục tiến hành.
Điều thứ 180 – Bất cứ lúc nào, nguyên đơn cũng có thể đổi đơn xin ly hôn thành đơn xin ly thân.
Bị đơn cũng có thể phản tố xin ly hôn bằng đề luận nạp trước tòa. Đơn phản tố có thể nạp lần đầu tiên trứơc tòa thượng thẩm.
Điều thứ 181 – Nếu những sự kiện viện dẫn để xin ly hôn bị phủ nhận, tòa sẽ cho mở cuộc điều tra.
Gia nhân và thân nhân mỗi bên, trừ các con, có thể được gọi làm chứng.
Điều thứ 182 – Trứơc khi tòa xét xử về một thủ tục phụ đời hay nội dung vụ ly hôn, hồ sơ phải được thông tri cho công tố viện để cho biết ý kiến.
Điều thứ 183 – Ngay từ lúc có án lệnh đầu tiên, vợ hay chồng dù dưới chế độ hôn sản nào cũng có thể xin thi hành những biện pháp bảo thủ để bảo đảm quyền lợi riêng, nhất là xin niêm phong tài sản chung hoặc tài sản riêng do người hôn phối hưởng thụ hay quản trị.
Thẩm phán sẽ ra án lệnh cho phép niêm phong, bị đơn có quyền phản kháng trước tòa cấp thẩm. Việc niêm phong sẽ giao cho thẩm phán hòa giải phụ trách.
Điều thứ 184 – Vợ hay chồng đều có thể xin giải tỏa sự niêm phong để lập bản kê khai và trị giá các tài sản; sau đó, tài sản sẽ giao cho ngừơi phối ngẫu hiện chấp hữu coi giữ, trừ phi thẩm phán quyết định khác.
Điều thứ 185 – Mọi sự cam kết do ngừoi chồng có phương hại cho khối tài sản chung sau khi có án lệnh cho ở riêng sẽ vô hiệu, nếu đủ chứng cớ là đã cam kết gian tình để làm hại quyền lợi của ngừơi vợ.
Điều thứ 186 – Vụ kiện ly hôn bị hủy bỏ nếu vợ chồng đã tái hợp sau khi được phép ở riêng.
Tuy nhiên, vẫn có thể kiện lại nếu có những nguyên nhân khác xẩy ra từ khi tái hợp, và trong thủ tục mới, nguyên đơn vẫn có thể nại ra những nguyên nhân cũ.
Điều thứ 187 – Vụ kiện cũng bị hủy bỏ nếu vợ hay chồng mệnh một trước khi án ly hôn thành nhất định.
Điều thứ 188 – Nếu trát tòa không tống đạt được đích thân cho bị đơn mà bị đơn vắng mặt, tòa sẽ truyền đăng báo trát đòi trứơc khi xử khuyết tịch.
Án ly hôn khuyết tịch có thể bị kháng tố trong hạn một tháng kể từ ngày phòng lục sự truyền rao bản án đích thân cho người phối ngẫu bị xử khuyết tịch; nếu không, thời hạn kháng tố sẽ là sáu tháng kể từ ngày chủ văn bản án khuyết tịch được đăng trên hai tờ nhật báo bố cáo pháp định.
Điều thứ 189 – Sự thượng tố có hiệu lực đình chỉ.
Điều thứ 190 – Án ly hôn có hiệu lực hồi tố giữa vợ chồng về tài sản kể từ ngày khởi tố, nhưng đối với đệ tam nhân chỉ có hiệu lực từ ngày chuyển tả.
Điều thứ 191 – Án ly hôn được công bố vào một tờ báo xuất bản nơi tòa tọa vị hoặc nơi gần nhất.
Điều thứ 192 – Án ly hôn sau khi thành nhất định được chuyển tả vào sổ hộ tịch ở nơi cử hành hôn lễ, theo lời yêu cầu của đương sự hay công tố viện. Hộ lại sẽ ghi chú án văn vào lề giấy giá thú của hai bên trong sổ, và báo thị lại cho hộ lại nơi sanh quán của hai vợ chồng để ghi chú ào lề giấy khai sinh của những người này.
Điều thứ 193 – Để thi hành việc chuyển tả và ghi chú này, hai bên cũng như công tố viện đều có thể tống đạt án ly hôn, cho hộ lại có thẩm quyền cùng với một bản án chứng nhận của lục sự là án văn đã thành nhất định. Hộ lại phải ghi chú ngay vào sổ.
Điều thứ 194 – Báo chí không được tường thuật các vụ ly hôn, chỉ được đăng kết quả vụ án.
Mọi vi phạm sẽ bị phạt tiểu hình từ một ngàn đồng (1.000$00) đến năm ngàn đồng (5.000$00) không kể bồi thường nếu có.
TIẾT II
Hậu quả sự ly hôn
Điều thứ 195 – Sự ly hôn chấm dứt hiệu lực của hôn thú. Do sự ly hôn, vợ lấy lại tên họ riêng của mình.
Điều thứ 196 – Tuy nhiên, người đàn bà ly hôn chỉ có thể tái giá theo các điều kiện ấn định ở điều 107.
Điều thứ 197 – Tòa án có thể buộc người phối ngẫu có lỗi trong việc ly hôn phải cấp dưỡng cho người kia tùy theo tư lực của mình. Tiền cấp dưỡng này có thể bất cứ lúc nào tăng giảm tùy theo nhu cầu và khả năng của hai bên.
Tòa án cũng có thể ấn định một số bồi khỏan mà người phối ngẫu có lỗi phải gánh chịu đối với người phối ngẫu kia để đền bù những sự thiệt hại vật chất và tinh thần do sự ly hôn gây nên.
Hai ngừơi phối ngẫu có nghĩa vụ cấp dưỡng con chung tùy theo tư lực của họ.
Điều thứ 198 – Theo nguyên tắc, các con sẽ thuộc quyền giảm thủ của người phối ngẫu không phạm lỗi.
Tuy nhiên, nếu không có lý do gì cản trở, những đứa con còn thơ ấu cần sự chăm sóc của người mẹ sẽ được giao cho ngừơi này và những đứa trẻ đã đủ mười sáu tuổi sẽ được giao cho cha hoặc mẹ tùy theo ý muốn của chúng.
Tòa án cũng có thể giao một hay nhiều đứa trẻ cho những thân thuộc khác coi giữ.
Trong mọi trường hợp người cha hay người mẹ không được giảm thủ có quyền thăm viếng các con tùy theo sự thỏa thuận của hai bên hay do sự ấn định của tòa án.
Điều thứ 199 – Tài sản được phân chia giữa vợ chồng như hôn ước đã định, nếu có. Thành phần khối tài sản là thành phần hiện hữu vào ngày khởi tố.
Điều thứ 200 – Người phối ngẫu có lỗi sẽ mất hết những biệt lợi mà người kia dành cho mình do hôn ứơc hoặc từ ngày kết hôn.
Người phối ngẫu không phạm lỗi giữ nguyên những biệt lợi mà người kia dành cho, kể cả những biệt lợi được ưng thuận với điều kiện hỗ tương.
Điều thứ 201 – Nếu không có hôn ước thì ngoại trừ tài sản riêng của hai người, tài sản chung sẽ chia đôi. Phần của mỗi người sẽ bị khấu trừ số tiền cấp dưỡng mà người này đã được hửơng trong thời gian thủ tục ly hôn tiến hành; nhưng nếu phần này ít hơn số tiền cấp dưỡng, bên kia sẽ không được đòi lại số sai biệt.
TIẾT III
Ly thân
Điều thứ 202 – Thủ tục ly hôn cũng áp dụng cho việc ly thân.
Điều thứ 203 – Án ly thân không chấm dứt danh nghĩa vợ chồng.
Tuy nhiên, án ly thân, theo đơn xin, có thể cấm người vợ mang tên họ chồng hoặc cho phép không mang tên họ chồng nữa, nếu có lý do chính đáng.
Đìêu thứ 204 – Sự ly thân đương nhiên đặt vợ chồng vào tình trạng biệt sản. Sự giảm thủ các con được giải quyết như trong trừơng hợp ly hôn.
Điều thứ 205 – Sự ly thân chấm dứt khi vợ chồng tái hợp. Tuy nhiên, sự tái hợp chỉ đối kháng với dệ tam nhân nếu được xác nhận bằng chứng thư chưởng khế, hay biên bản do lục sự tòa án đã thụ lý việc ly thân thiết lập và ghi chú vào giấy giá thú của hai bên và vào án văn ly thân; ngoài ra, chứng thư hay biên bản còn phải được trích đăng vào một tờ báo xuất bản tại nơi trú ngụ của mỗi bên hoặc ở nơi gần nhất.
Sự tái lập cộng đồng tài sản phải được ghi chú ở cuổn sổ nói ở điều 166.
Điều thứ 206 – Ba năm sau khi có án ly thân, mỗi người phối ngẫu có thể xin hóan cải án ly thân thành án lý hôn. Đơn thỉnh cầu đương nhiên được chấp nhận.
Người phối ngẫu có lỗi trong việc ly thân phải chịu các án phí về sự hóan cải; nếu cả hai bên đều có lỗi, mỗi bên phải chịu một nửa án phí.
Đơn xin hoán cải được thẩm xét theo thủ tục thường tụng.
THIÊN THỨ VI
Nói về tử hệ
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Tử hệ chính thức
Điều thứ 207 – Đứa trẻ thụ thai trong thời kỳ hôn thú là con của chồng người mẹ.
Được coi là thụ thai trong thời kỳ hôn thú trẻ nào sinh đủ một trăm tám chục ngày sau khi hôn thú thành lập hay không quá ba trăm ngày sau khi hôn thú đoạn tiêu.
Điều thứ 208 – Đứa trẻ sinh chưa đủ một trăm tám chục ngày sau khi kết hôn cũng được coi là con của người chồng, trừ phi bị người này khước từ. Sự khươc từ được đương nhiên chấp nhận ngoại trừ trường hợp ngừơi chồng:
1) Trước khi kết hôn biết rằng người đàn bà đã thụ thai;
2) Có mặt khi làm giấy khai sinh cho đứa trẻ hay đã tự mình đứng khai sinh cho đứa trẻ.
Điều thứ 209 – Đối với đứa trẻ thụ thai trong thời kỳ hôn thú, người chồng muốn khước từ phải chứng tỏ rằng trong thời gian từ ba trăm tới một trăm tám chục ngày trước ngày sanh, vợ chồng không thể gần gũi nhau vì xa cách hoặc vì tai nạn rủi ro làm cho người chồng bất lực.
Sự khước từ cũng có thể được chấp nhận nếu sự sanh đã bị giấu giếm và nếu có sự kiện chứng tỏ người chồng không phải là cha đứa trẻ.
Điều thứ 210 – Đơn xin khước từ phu hệ phải nhằm chống lại người mẹ và đứa trẻ do người mẹ đại diện.
Thời hạn khởi tố là hai tháng kể từ ngày sinh. Nếu trong thời gian ấy người chồng đi vắng, thời hạn khởi tố sẽ tính từ ngày người chồng trở về.
Nếu sự sanh đẻ bị giấu giếm, thời hạn khởi tố sẽ bắt đầu từ ngày sự sanh đẻ được khám phá.
Điều thứ 211 – Nếu người chồng mệnh một trước khi hết hạn khởi tố, các thừa kế của chồng có thể khởi tố khước từ phu hệ thay thế, trong hạn hai tháng kể từ ngày bị đứa trẻ quấy nhiễu trong việc chiếm hữu di sản của họ hay kể từ ngày đứa trẻ chiếm hữu di sản.
Điều thứ 212 – Bản án chấp nhận sự khước từ phu hệ sẽ truyền gạch bỏ tên người chồng trong chứng thư khai sinh đứa trẻ.
Tuy nhiên, họ lại không được sửa chữa gì trong chứng thư khai sinh, mà chỉ chuyển tả chủ văn bản án đã truyền gạch bỏ tên người cha vào sổ hộ tịch đương niên và ghi chú bản án ấy bên lề giấy khai sinh của đứa trẻ.
Điều thứ 213 – Để thi hành sự chuyển tả và ghi chú trên đây, người ta sẽ tống đạt bản sao đại tự án văn cùng với một chứng nhận án văn đã thành nhất định cho biện lý nơi tòa xử; trong hạn năm ngày, biện lý phải gửi những tài liệu này cho hộ lại có thẩm quyền để chuyển ảt và ghi chú theo điều 212.
Điều thứ 214 – Tử hệ chính thức được chứng minh bằng chứng thư khai sinh trong sổ hộ tịch.
Điều thứ 215 – Khi vì duyên cớ gì không xuất trình được giấy khai sinh, tử hệ chính thức có thể chứng minh bằng sự chấp hữu thân trạng con chính thức.
Điều thứ 126 – Sự chấp hữu thân trạng con chính thức được cấu tạo bằng sự kiện chứng tỏ đầy đủ mối liên quan tử hệ giữa một người và cha mẹ. Những sự kiện chính yếu là:
1) Đương sự vẫn mang họ của người mà mình nhận là cha.
2) Người nhận là cha và mẹ vẫn đối đãi với đương sự như là cha mẹ chính thức và, với tư cách ấy, cấp dưỡng, dậy dỗ và gây dựng cho đương sự;
3) Đối với xã hội, đương sự vẫn được coi là con chính thức của những người mà đương sự nhận là cha mẹ;
4) Đương sự vẫn được coi là con chính thức đối với gia đình những người này.
Điều thứ 217 – Nếu không xuất trình được giấy khai sinh mà cũng không chứng minh được sự chấp hữu thân trạng, hoặc nếu chứng thư không ghi tên thật hoặc không ghi cha mẹ là ai, tử hệ có thể được chứng minh bằng nhân chứng, miễn rằng có khởi điểm bút chứng hoặc có những sự suy đoán hay chứng tích quan trọng.
Điều thứ 218 – Khởi điểm bút chứng là các giấy tờ, sổ sách có tính cách gia đình của cha hay mẹ, hoặc văn thư công chính hay tư thư của một ngừơi có quyền lợi trái ngược với quyền lợi của người xin xác định tử hệ.
Điều thứ 219 – Đối với người con, tố quyền xác định tử hệ chính thức bất khả thời tiêu.
Các thừa kế của người con cũng có thể khởi tố, nếu người này mệnh một khi còn vị thành niên. Nếu người con chết sau khi thành niên, các thừa kế chỉ có thể khởi tố trong thời hạn năm năm kể từ ngày người con thành niên mà chưa đi kiện.
Nếu tố quyền đã được hành sử nhưng bị giái đoạn vì sự mệnh một của ngừơi con, các thừa kế tiếp tục hành sử trừ khi ngừơi con đã minh thị bãi bỏ hoặc thủ tục đã bị thất hiệu.
CHƯƠNG THỨ II
Tử hệ ngoại hôn
Điều thứ 220 – Con ngoại hôn là con của cha mẹ không có hôn thú.
Điều thứ 221 – Con ngoại hôn có thể được thừa nhận trong giấy khai sinh, trong một chứng thư công chính hay trứơc tòa án, nhân một thủ tục tố tụng hay trong bản án thế vì khai sinh.
Hộ lại phải biên chép sự thừa nhận vào sổ khai sinh đương niên. Tùy trừơng hợp, chưởng khê cũng như hộ lại phải thông tri sự thừa nhận cho hộ lại nơi sinh quán của đứa trẻ để ghi chú vào lề giấy khai sinh.
Điều thứ 222 – Con loạn luân của một ngừơi đàn ông và một ngừơi đàn bà có họ hàng vào trường hợp luật pháp cấm thành hôn với nhau, và con ngoại tình của một ngừơi đàn ông đã có vợ với một ngừơi đàn bà đã có chồng, không thể được thừa nhận. Sự thừa nhận, nếu có, sẽ tuyệt đối vô hiệu.
Điều thứ 223 – Nếu đứa trẻ là con ngoại tình riêng về đằng ngừơi cha hay người mẹ, chỉ riêng ngừơi ấy không thể thừa nhận; ngừơi cha hay ngừơi mẹ độc thân có thể thừa nhận.
Điều thứ 224 – Nếu trong thời kỳ hôn thú, một người phối ngẫu thừa nhận một đứa con đã có với một ngừơi khác trứơc khi kết hôn, sự thừa nhận sẽ không làm thiệt hại quyền lợi của người phối ngẫu kia và của con chính thức.
Đứa trẻ được thừa nhận như vậy chỉ được cấp dưỡng. Tuy nhiên, sau khi hôn thú đọan tiêu, nếu không có con chính thức, đứa trẻ được thừa nhận sẽ được hưởng mọi quyền lợi về di sản.
Điều thứ 225 - Sự thừa nhận chỉ có hiệu lực đối với người đứng ra thừa nhận.
Tuy nhiên, nếu người cha thừa nhận có khai tên người mẹ và người mẹ cũng mặc nhiên hay công nhiên thừa nhận đứa trẻ là con của mình, sự thừa nhận cũng có hiệu lực đối với người mẹ.
Điều thứ 226 – Liên hệ gia đình do sự thừa nhận bao trùm cả các ty thuộc trực hệ chính thức của người con ngoại hôn.
Điều thứ 227 – Mọi ngừơi quan thiết đều có quyền xin tiêu hủy sự thừa nhận của người cha hay người mẹ cũng như có quyền can thiệp để xin bác bỏ yêu sách của người con về tử hệ.
Điều thứ 228 – Luật pháp chấp nhận sự truy tầm phụ hệ.
Điều thứ 229 – Phụ hệ ngoại hôn có thể được tòa tuyên nhận trong những trường hợp sau đây:
1) Người mẹ bị bắt cóc hay hãm hiếp và sự thụ thai phù hợp với thời gian bị bắt cóc hay hãm hiếp;
2) Người mẹ bị quyến rũ bằng mưu chước lừa gạt, lạm quyền, hứa kết hôn hay đính hôn;
3) Có thư từ hay giấy tờ của người bị hồ nghi là cha biểu lộ một sự thú nhận rành rẽ về phụ hệ của người này;
4) Ngừơi bị hồ nghi là cha và người mẹ đã sống công khai trong tình trạng ngoại hôn trong thời kỳ thụ thai;
5) Người bị hồ nghi là cha đã dự phần vào việc nuôi dưỡng và giáo dục đứa trẻ với tư cách là cha.
Điều thứ 230 – Tố quyền truy tầm phụ hệ bị bác bỏ:
1) Nếu có chứng cớ là trong thời kỳ thụ thai pháp định người mẹ có hành vi trắc nết được nhiều ngừơi biết, hay có giao du luyến ái với một ngừơi đàn ông nào khác;
2) Nếu người bị hồ nghi là cha, trong thời kỳ ấy, ở trong tình trạng không thể là cha đứa trẻ vì xa cách hay vì rủi ro bị nạn mà bất lực;
3) Nếu một sự trắc nghiệm về máu chứng tỏ người đàn ông không thể là người cha đứa trẻ.
Điều thứ 231 – Chỉ ngừơi con được phép hành sử tố quyền truy tầm phụ hệ.
Điều thứ 232 – Trong trừơng hợp ngừơi con còn vị thành niên, người mẹ mặc dù còn vị thành niên có thể khởi tố truy tầm phụ hệ cho con trong hạn hai năm sau khi sinh đẻ.
Tuy nhiên, trong các trường hợp dự liệu trong điều 229, đoạn 4 và 5, thời hạn hai năm bắt đầu kể từ ngày chấm dứt tình trạng ngoại hôn hoặc kể từ ngày người đàn ông thôi không dự phần vào việc nuôi dưỡng và giáo dục đứa trẻ.
Nếu người mẹ không thừa nhận đứa trẻ hoặc đã mệnh một, thất tung hay bị cấm quyền, ngừơi giám hộ đứa trẻ có thể hành sử tố quyền trong thời hạn qui định trên đây.
Điều thứ 233 – Ngừơi con có thể khởi tố trong hạn hai năm kể từ khi trưởng thành nếu tố quyền chưa được hành sử trong thời gian còn vị thành niên.
Điều thứ 234 – Bản án tuyên cáo phụ hệ ngoại hôn có thể buộc người cha bồi thừơng cho ngừơi mẹ về các tổn phí sinh đẻ và dưỡng dục đứa trẻ kể từ ngày sinh.
Một số bồi khoản cũng có thể được tòa buộc trả cho ngừơi mẹ nếu đã có sự quyến rũ, nhất là nếu người đàn bà bị quyến rũ khi còn vị thành niên.
Điều thứ 235 – Nếu xét là cần thiết, tòa án cũng ấn định một số tiền câp dưỡng định kỳ cho đứa trẻ còn vị thành niên tùy theo tư lực của người cha và nhu cầu của đứa trẻ.
Tiền cấp dưỡng này được miễn trả nếu ngừơi cha nhận đem đứa trẻ về nuôi dưỡng và nếu ngừơi mẹ ưng thuận như vậy.
Điều thứ 236 – Luật pháp chấp nhận tố quyền truy tìm mẫu hệ.
Điều thứ 237 – Người con muốn truy tìm mẫu hệ phải chứng minh rằng mình là đứa trẻ mà người mình nhận là mẹ đã sinh ra.
Muốn chứng minh điều đó, người con phải chứng tỏ có chấp hữu thân trạng một cách liên tục đói với người nhận là mẹ. Nếu không có sự chấp hữu thân trạng mẫu hệ có thể xác định bằng nhân chứng nếu có những suy đoán hoặc chứng tích quan trọng hoặc có khởi chứng bút tích theo nghĩa điều 218.
Tố quyền phải được hành sử trong hạn hai năm kể từ khi trưởng thành.
Điều thứ 238 – Trong thời hạn đứa trẻ còn vị thành niên, ngừơi cha cũng có thể khởi tố truy tìm mẫu hệ cho con trong hạn một năm sau khi sinh đẻ.
Nếu ngừơi cha không thừa nhận đứa trẻ hoặc đã mệnh một, thất tung hay bị cấp quyền, người giám hộ có thể sử dụng tố quyền trong thời hạn trên.
Điều thứ 239 – Con loạn luân và con ngoại tình không được phép truy tần phụ hệ hay mẫu hệ, trừ trường hợp dự liệu trong điều 223.
Tuy nhiên, đứa trẻ có thể khởi tố đòi người cha hay người mẹ cấp dưỡng trong hạn một năm sau khi trưởng thành; tố quyền đòi cấp dưỡng cũng có thể do ngừơi đại diện pháp định hành sử thay mặt đứa trẻ còn vị thành niên.
Bản án cho cấp dưỡng không có hậu quả tuyên bố mối liên hệ pháp lý nào giữa đứa trẻ và người cha hay mẹ.
Điều thứ 240 – Bản án tuyên nhận tử hệ ngoại hôn phát sinh những hậu quả y như sự thừa nhận tự ý.
Điều thứ 241 – Do lời yêu cầu của người được án, bản án tuyên nhận tử hệ ngoại hôn sẽ chuyển tả vào sổ khai sinh đương niên và ghi chú vào lề khai sinh của người con.
Điều thứ 242 – Sau khi tử hệ đã được xác định do sự thừa nhận tự ý hay do một bản án, một tử hệ trái ngược không thể được thừa nhận nữa, trừ phi tử hệ trước đã bị một bản án phủ nhận.
CHƯƠNG THỨ II
Sự chính thức hóa con ngoại hôn
Điều thứ 243 – Con ngoại hôn đã được thừa nhận sẽ được đương nhiên chính thức hóa khi cha mẹ kết hôn với nhau.
Sự chính thức hóa cũng được thực hiện nếu sự thừa nhận được làm ngay khi kết lập hôn thú: trong trường hợp này hộ lại cử hành hôn lễ sẽ lập một chứng thư riêng để xác nhận sự thừa nhận và sự chính thức hóa.
Điều thứ 244 – Con ngoại hôn được thừa nhận sau khi cha mẹ kết hôn với nhau chỉ được chính thức hóa bởi một bản án công khai xác nhận đứa trẻ có thân trạng con chung của hai người từ ngày lập hôn thú và tuyên nhận sự chính thức hóa.
Điều thứ 245 – Con ngoại hôn được chính thức hóa sẽ hưởng tất cả quyền lợi của con chính thức.
Điều thứ 246 – Sự chính thức hóa phải được ghi vào lề giấy khai sinh của đứa trẻ, do sự xúc tiến của hộ lại cử hành hôn lễ hay do lời yêu cầu của mọi đương sự.
THIÊN THỨ VII
Nói về sự lập con nuôi
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Điều kiện lập con nuôi
Điều thứ 247 – Việc lập con nuôi phải có duyên cớ chính đáng và phải có lợi ích cho ngừơi được nuôi.
Một ngừơi có thể xin lập nhiều con nuôi. Nhưng một người không thể làm con nuôi cho nhiều người, trừ phi cho hai vợ chồng.
Điều thứ 248 – Đàn ông hay đàn bà trên ba mươi lăm tuổi mới được lập con nuôi và phải hơn ngừơi con nuôi ít nhất hai mươi tuổi, trừ phi có sự đặc miễn của nguyên thủ quốc gia.
Người đã có vợ, chồng chỉ có thể lập con nuôi cùng với người phối ngẫu và với sự ưng thuận của người này.
Trừ phi có sự đặc miễn của nguyên thủ quốc gia, hai vợ chồng phải đã kết hôn ít nhất mười năm không có con và một trong hai ngừơi phải hội đủ điều kiện dự liệu trong khoản một.
Đặc biệt, trong trường hợp một trong hai người phối ngẫu không bày tỏ được ý kiến, người kia có thể đứng lập con nuôi cho riêng mình, nhưng phải hội đủ các điều kiện trên.
Người Việt Nam có thể lập người ngoại quốc làm con nuôi hay làm con nuôi của người ngoại quốc.
Điều thứ 249 – Nếu người con nuôi còn vị thành niên và còn cha mẹ thì phải có sự ưng thuận của cả cha và mẹ.
Nếu cha hay mẹ mệnh một hoặc ở trong tình trạng không thể bày tỏ ý kiến thì sự ưng thuận của một người cũng đủ.
Nếu cha mẹ đã ly hôn hay ly thân, sự ưng thuận của người được án ly hôn hay ly thân và được nuôi dưỡng đứa trẻ là đủ, nhưng khế ước lập con nuôi phải cáo tri cho người phối ngẫu kia; người này có quyền phản kháng trong hạn một tháng bằng một thừa phát trạng, tống đạt cho người phối ngẫu đã ưng thuận, và cả cho người muốn nuôi đứa trẻ nữa.
Điều thứ 250 – Nếu đứa trẻ vị thành niên không còn cha mẹ, hay cả hai người cũng ở trong tình trạng không thể bày tỏ ý kiến, sự ưng thuận sẽ do Ông nội hay Bà nội hoặc Ông ngoại hay Bà ngoại, nếu không có Ông Bà nội.
Nếu không còn Ông Bà, sự ưng thuận sẽ do hội đồng gia tộc.
Nếu là con vô thừa nhận, hoậc con ngoại hôn được thừa nhận mà cha mẹ đã chết hay ở trong tình trạng không thể bày tỏ ý kiến, sự ưng thuận sẽ do tòa án; lãnh nhiệm vụ hội đồng gia tộc.
Đối với trẻ được hội phước thiện trông nom, hội này sẽ ưng thuận về việc lập con nuôi.
Điều thứ 251 – Sự ưng thuận của đứa trẻ cũng cần thiết nếu đứa trẻ đủ mười sáu tuổi.
CHƯƠNG THỨ II
Thủ tục lập con nuôi
Điều thứ 252 – Sự lập con nuôi thực hiện bằng khế ước nghĩa dưỡng, thiết lập trước mặt chưởng khế hay thẩm phán hòa giải nơi cư sở của người đứng nuôi hoặc của ngừơi được nuôi, với sự hiện diện của người đứng nuôi, của đứa trẻ nếu đủ mười sáu tuổi và của những ngừơi mà sự ưng thuận cần thiết cho việc lập con nuôi.
Nếu những người sau này ở ngoại quốc, sự ưng thuận có thể do nhân viên ngoại giao hay lãnh sự của Việt Nam tiếp nhận.
Điều thứ 253 – Khế ước ghi nhận sự ưng thuận của tôn thuộc hay của hội đồng gia tộc hoặc của cơ quan từ thiện, cùng sự ưng thuận của đứa trẻ đã đủ mười sáu tuổi.
Khế ước cũng ghi tên họ mới của ngừơi con nuôi nếu có.
Điều thứ 254 – Khế ước nghĩa đưỡng phải được tòa sơ thẩm nơi lập khế ước phê chuẩn theo đơn xin của một trong hai bên khế ước. Trong trừơng hợp nói nơi điều 249 đoạn 3, tòa sẽ cho đòi cả hai cha mẹ đứa trẻ để nghe trình bày. Hồ sơ phải thông tri cho công tố viện và tòa sẽ công khai tuyên án phê chuẩn hay bác khước, sau khi xét xem:
1) Những điều kiện luật định có hội đủ không;
2) Sự nghĩa dưỡng có lý do chính đáng và có lợi ích cho ngừơi con nuôi không.
Điều thứ 255 – Nếu tòa phê chuẩn khế ước, công tố viện và người phản kháng có quyền kháng cáo.
Nếu tòa bác khước, các đương sự kết ước có quyền kháng cáo.
Điều thứ 256 – Trong hạn hai tháng sau khi án văn thành nhất định, lục sự sẽ gửi một bản sao án văn cho biện lý để đôn đốc sự chuyển tả vào sổ hộ tịch đương niên nơi sinh quán của ngừơi con nuôi. Án văn cùng tên họ mới của ngừơi con nuôi, nếu có, cũng sẽ ghi chú vào bên lề giấy khai sinh của ngừơi con nuôi.
Điều thứ 257 – Sự nghĩa dưỡng có hiệu lực giữa các đương sự ngay khi có án phê chuẩn.
Sự nghĩa dưỡng chỉ đối kháng được với ngừơi đệ tam sau khi án văn đã được chuyển tả.
Điều thứ 258 – Nếu ngừơi đứng nuôi mệnh một sau khi đã lập khế ước nghĩa dưỡng và đã đệ đơn xin phê chuẩn khế ước, thủ tục sẽ đương nhiên tiến hành và sự nghĩa dưỡng vẫn có thể được phê chuẩn. Trong trường hợp này, sự nghĩa dưỡng sẽ phát sinh hậu quả kể từ ngày người đứng nuôi mệnh một.
CHƯƠNG THỨ III
Hậu quả sự lập con nuôi
Điều thứ 259 – Sự nghĩa dưỡng tạo liên hệ gia đình giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cùng các ti thuộc trực hệ chính thức của ngừơi con nuôi.
Điều thứ 260 – Đối với người đứng nuôi, người con nuôi có bổn phận và nghĩa vụ như một người con chính thức và ở dưới phụ quyền của nghĩa phụ hay nghĩa mẫu; nghĩa phụ và nghĩa mẫu sẽ ưng thuận việc hôn thú của con nuôi như con đẻ.
Đối với cha mẹ và bà con huyết tộc, ngừơi ấy vẫn giữ nguyên quyền thừa kế.
Điều thứ 261 – Nếu ngừơi đứng nuôi không có con trai, ngừơi con nuôi có thể lập làm thừa kế phụng tự và, với tư cách ấy, được hưởng của hương hỏa do người cha nuôi lập ra.
Nếu sau khi người con nuôi được lập làm thừa kế phụng tự, người cha nuôi lại có con thì người con nuôi sẽ đương nhiên mất tư cách thừa kế phụng tự.
Điều thứ 262 – Người con nuôi được hưởng, trong di sản của ngừơi đứng nuôi, một phần bằng con chính thức, nhưng không được hưởng quyền lợi gì trong di sản của cha mẹ hay bà con ngừơi đứng nuôi.
Điều thứ 263 – Sự nghĩa dưỡng có thể bị tòa bãi bỏ theo đơn thỉnh cầu của ngừơi đứng nuôi, ngừơi con nuôi hay các tôn thuộc của ngừơi này khi ngừơi con nuôi còn vị thành niên, nếu có lý do trọng đại.
Tòa sẽ tuyên án sau khi kết luận.
Chủ văn bản án sẽ được chuyển tả và ghi chú vào lề giấy khai sinh của người con nuôi như đã nói ở điều 256.
Bản án cũng có thể, nếu cần, quyết định về việc giam hộ nếu đứa trẻ còn vị thành niên.
Điều thứ 264 – Bản án bãi bỏ sự nghĩa dưỡng chấm dứt mọi hậu quả sự nghĩa dữơng trong vị lai.
THIÊN THỨ VIII
Nói về phụ quyền
Điều thứ 265 – Con cái dầu đến tuổi nào cũng phải tôn kính cha mẹ.
Điều thứ 266 – Con cái ở dưới quyền cai quản của cha mẹ cho đền năm 21 tuổi, hay đến lúc đã được thoát quyền.
Điều thứ 267 – Phu quyền thuộc về người cha hay người mẹ.
Trong thời kỳ hôn phối, người cha với tư cách gia trửơng tùy tiện sử hành quyền ấy để trông nom dậy bảo con cái.
Nếu ngừơi cha bị kết án vì bỏ gia đình, phu quyền sẽ do riêng người mẹ sử hành dầu rằng án văn không truất phu quyền của ngừơi cha, nhưng khi ngừơi cha trở về sẽ lại được khôi phục quyền ấy.
Trong trường hợp người cha chết hay bị truất phu quyền hay không thể bày tỏ được ý chí vì xa cách, biệt tích, hay vì một duyên cớ gì khác, ngừơi mẹ sử hành phu quyền.
Điều thứ 268 – Đối với trẻ ngoại hôn được thừa nhận, ngừơi cha hay người mẹ đã thừa nhận trứơc sẽ được sử hành phu quyền; nếu cả hai cùng thừa nhận một lúc, quyền ấy thuộc về ngừơi cha; nếu trong hai cha mẹ, một người mệnh một hay bị truất phu quyền, hay không bày tỏ được ý chí vì xa cách, biệt tích hay vì một lý do gì khác, phu quyền sẽ thuộc về người kia.
Đối với con nuôi, phu quyền thuộc về người đứng nuôi hoặc nếu là cả hai vợ chồng cùng đứng nuôi, sẽ thuộc về người nghĩa phụ.
Điều thứ 269 – Con cái còn thuộc phu quyền không thể nào bỏ nhà ra đi nếu không được phép của cha mẹ.
Điều thứ 270 – Người có phu quyền có thể xin thi hành những biện pháp cải huấn con cái còn vị thành niên đúng 16 tuổi trở lên, trong trừơng hợp, hạnh kiểm của ngừơi con xấu xa đặc biệt.
Phải nêu rõ những hành vi đáng trách của ngừơi con trong đơn xin. Chánh án tòa án dân sự sở tại sẽ xem xét sự hữu thực của những hành vi ấy, lâm thời có thể chuyển giao công tố viện để cho điều tra và, nếu cần sẽ nghe cả hai cha mẹ và ngừơi con.
Đơn thỉnh cầu và hồ sơ sẽ phải thông tri cho công tố viện để cho biết ý kiến. Sau đó, chánh án sẽ ra án lệnh bác đơn hoặc chấp đơn.
Trong trừơng hợp chấp đơn, chánh`án có thể giao đứa trẻ cho một trung tâm cải huấn, một trái giáo hóa hay một cơ quan từ thiện để coi giữ và dậy dỗ đứa trẻ.
Án lệnh này không được kháng cáo và được thi hành ngay sau khi ký.
Án lệnh được miễn mọi lệ phí con niêm và trứơc bạ.
Trong trừơng hợp cha mẹ đã ly hôn hay ly thân, quyền xin thi hành những biện pháp cải huấn thuộc về người cha hay ngừơi mẹ đã được tòa án giao cho coi giữ.
Điều thứ 271 – Thời hạn giam giữ tối đa có thể cho phèp là sáu tháng và không bao giờ được quá tuổi trửơng thành của đứa trẻ. Nhưng bất cứ lúc nào ngừơi cha hay ngừơi mẹ giữ phu quyền cũng có thể xin con về. Nhận được đơn, chánh án phải ký án lệnh chấp thuận ngay, đơn này không phải thông tri công tố viện.
Điều thứ 272 – Đứa tre bị giữ theo điều 270 trên đây, phải để tại một nơi riêng. Quản đốc hay giám thị trung tâm cải huấn không được để chung đứa trẻ ấy với thừơng phạm.
Điều thứ 273 – Cha mẹ phải đài thọ phí tổn coi giữ và nuôi dưỡng đứa trẻ.
Điều thứ 274 – Trong thời kỳ hôn phối, ngừơi cha được hưởng dụng tài sản của con vị thành niên cho đến khi ngừơi con được 18 tuổi hay được thoát quyền. Nếu ngừơi cha chết, quyền hửơng dụng sẽ thuộc về ngừơi mẹ.
Trong trừơng hợp cha mẹ đã ly hôn hay ly thân, quyền hưởng dụng sẽ thuộc về ngừơi nào được tòa án coi là không có lỗi trong vụ kiện ly hôn hay ly thân.
Điều thứ 275 – Sự hưởng dụng trên đây sẽ buộc cha mẹ vào nghĩa vụ của ngừơi dụng ích. Hoa lợi sẽ đem chi dùng vào phí tổn việc dụng ích ấy và cho nhu cầu của đứa trẻ.
Điều thứ 276 – Tài sản của ngừơi con tạo ra vì công việc riêng hay được di tặng hoặc thừa kế với điều kiện không cho cha mẹ hưởng dụng, sẽ không thuộc quyền hưởng dụng nói trên của cha mẹ.
Điều thứ 277 – Đối với trẻ ngoại hôn được thừa nhận, ngừơi cha hay ngừơi mẹ sử hành phu quyền sẽ được quyền hưởng dụng tài sản như đã dự liệu ở các điều 274 đến 276.
Điều thứ 278 – Cha mẹ đương nhiên bị truất hoàn toàn phu quyền, đối với tất cả các con:
1) Nếu bị kết án vì đã phạm một trọng tội xâm phạm đến thân thể của chính con mình hay một trọng tội mà chính con mình cũng là đồng phạm hay tòng phạm;
2) Nếu bị kết án hai lần vì đã phạm một khinh tội xâm phạm đến thân thể của chính con mình;
3) Nếu bị kết án về tội dụ dỗ vị thành niên vào đường dâm đãng.
Điều thứ 279 – Có thể bị truất tất cả hay một phần phu quyền đối với một hay nhiều đứa con của mình:
1) Cha mẹ bị kết án khổ sai chung thân hay hữu hạn hoặc cấm cố về một trọng tội thừơng luật.
2) Cha mẹ bị kết về tội bỏ -phế gia đình hay về những tội phạm đến sức khỏe hay tinh thần của con cái.
3) Cha mẹ bị kết án về những tội có luật lệ riêng định rằng có thể sẽ bị truất phu quyền.
4) Mặc dầu không bị kết án, cha mẹ đã vì những sự đối xử tàn tệ, những hành vi không đúng đắn, sự thiếu săn sóc và dậy dỗ mà làm thiệt hại đến sức khỏe và tinh thần của con cái.
Điều thứ 280 – Tố quyền xin truất phụ quyền có thể được sử hành bởi công tố viện hay bởi tôn thuộc trực hệ của đứa trẻ.
Đơn phải nạp tại tòa sơ thẩm, nơi trú quán hay nơi cư ngụ của ngừơi cha hay ngừơi mẹ.
Điều thứ 281 – Biện lý sẽ điều tra về gia cảnh của đứa trẻ và hạnh kiểm của cha mẹ, những ngừơi này sẽ được yêu cầu trình cho tòa án những nhận xét và phản kháng thích ứng.
Tòa sơ thẩm họp trong phòng thẩm nghị sẽ cứu xét vụ kiện, nếu cần sẽ nghe lời khai của cha mẹ và của nhân chứng. Công tố viện bắt buộc phải kết luận cho biết ý kiến. Án sẽ tuyên tại phiên xử công khai.
Trong thời gian cứu xét vụ kiện, tòa án có thể truyền thi hành những biện pháp tạm thời về sự coi giữ và dậy dỗ đứa trẻ, phán quyết tuyên về những việc này đương nhiên được tạm thi hành.
Điều thứ 282 – Các tòa hình khi tuyên án kết phạt cha mẹ về những tội dự liệu tại điều 279, sẽ có thể tuyên bố truất phu quyền luôn người cha hay mẹ phạm pháp.
Điều thứ 283 – Trong trường hợp người cha bị truất phu quyền, quyền đó sẽ do người mẹ sử hành như đã định tại điều 267.
Nếu ngừơi mẹ chết trứơc hay chính mình cũng bị truất phu quyền, việc giám hộ sẽ được tổ chức ngay. Giám hộ sẽ không thể là người đã bị truất phu quyền.
Trong trừơng hợp ngừơi cha chỉ bị truất một phần phụ quyền, những quyền bị truất đương nhiên sẽ giao cho người mẹ sử hành trừ phi người này đã chết trứơc hay cũng bị truất phụ quyền, lúc đó sẽ được tòa án giao phó cho một thân nhân của vị thành niên, hay cho một ngừơi ngoài hoặc một cơ quan từ thiện đáng tin cậy.
THIÊN THỨ IX
Nói về các ngừơi vô năng
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Nói về vị thành niên và sự giám hộ
TIẾT I
Tình trạng vị thành niên
Điều thứ 284 – Vị thành niên là nam hay nữ chưa đủ 21 tuổi. Mỗi tuổi là một năm tròn tính từ ngày sanh ghi trong giấy khai sinh cho đến ngày ấy năm sau.
Điều thứ 285 – Vị thành niên nếu chưa được thoát quyền, thì không có quyền tự chủ về bản thân và cũng không có năng cách để quản trị tài sản.
Điều thứ 286 – Trong trường hợp hai vợ chồng còn sống cả, người cha là quản trị viên pháp định tài sản của các con hãy còn vị thành niên mà chưa được thóat quyền trừ những tài sản được tặng dữ hay di tặng cho trẻ vị thành niên với điều kiện minh thị là sẽ do một đệ tam nhân quản trị.
Hai vợ chồng mà ly hôn hay ly thân thì việc quản trị pháp định thuộc về người vợ hay người chồng được quyền coi giữ các con vị thành niên, trừ phi tòa án định khác.
Nếu quyền lợi quản trị viên pháp định tương phản với quyền lợi của vị thành niên thì tòa sơ thẩm, sau khi hỏi ý kiến công tố viện, sẽ chỉ định một quản trị viên đặc cử để trông nom tài sản của vị thành niên.
Điều thứ 287 – Nếu ngừơi cha vì vô năng, thất tung hay vì một duyên cớ nào khác không thể phát biểu được ý chí, hoặc bị truất phụ qiuyền thì người mẹ là quản trị viên pháp định với những quyền hạn như của chồng. Nếu cả hai người cha lẫn người mẹ cùng ở trong trường hợp kể trên, thì chiếu theo đơn xin của một người thân quyến của trẻ vị thành niên hay của công tố viện, tòa sơ thẩm sẽ chỉ định một quản trị viên đặc cử.
Điều thứ 288 – Ngoài ra, nếu có duyên cớ trọng đại, chiếu theo đơn xin của người cha hay người mẹ không có quyền quản trị pháp định hoặc của tôn thuộc trực hệ của đứa trẻ hay của công tố viện, tòa sơ thẩm xét xử trong phòng thẩm nghị có thể truất quyền của quản trị viên pháp định. Nếu cả người cha lẫn người mẹ đều bị truất quyền ấy thì tòa án sẽ chỉ định một quản trị viên đặc cử dể trông nom tài sản của vị thành niên.
Điều thứ 289 – Quản trị viên pháp định có quyền làm một mình những hành vi mà người giám hộ có thể làm một mình và những hành vi mà giám hộ phải được phép của hội đồng gia tộc.
Quản trị viên pháp định phải được phép của tòa án đối với những hành vi mà giám hộ cũng chỉ có thể làm với sự cho phép ấy.
Điều thứ 290 – Quản trị viên pháp định phải quản trị tài sản của vị thành niên một cách cẩn trọng.
Quản trị viên pháp định phải thanh toán công việc quản trị và hòan trả tài sản đã lãnh quản trị khi vị thành niên trửơng thành hay được thóat quyền.
Mọi sự khiếu nại sẽ bị thời tiêu sau một năm kể từ ngày kết tóan sổ sách về công việc quản trị
TIẾT II
Sự giám hộ con chính thức
Điều thứ 291 – Đối với con chính thức hay được chính thức hóa còn vị thành niên và chưa thóat quyền, sự giám hộ khai phát khi ngừơi cha hay ngừơi mẹ mệnh một.
1- Các cơ quan giám hộ
Điều thứ 292 – Các cơ quan giám hộ là hội đồng gia tộc, giám hộ và đại nhiệm giám hộ.
A – Giám hộ
Điều thứ 293 – Khi cha hay mẹ mệnh một, việc giám hộ đương nhiên, không cần thể thức gì khác, được giao cho ngừơi cha hay người mẹ còn sống. Nếu mẹ tái giá, sự giám hộ vẫn còn tồn tại, ngừơi chồng sau sẽ đương nhiên là đồng giám hộ, trừ phi hội đồng gia tộc quyết định khác.
Điều thứ 294 – Người cha hay mẹ thượng tồn có thể làm chúc thư chỉ định một giám hộ trông nom các con vị thành niên sau khi mình chết.
Điều thứ 295 – Người mẹ có quyền từ chối việc giám hộ; muốn từ chối phải đến khai với lục sự tòa sơ thẩm nơi khai phát sự giám hộ; lục sự sẽ lập biên bản lưu chiếu tại phòng lục sự để cấp bản sao mỗi khi cần đến.
Trong trường hợp trên, ngừơi mẹ phải triệu tập hội đồng gia tộc để cử một giám hộ cho các vị thành niên.
Điều thứ 296 – Nếu ngừơi cha hay người mẹ thượng tồn không để lại chúc thư chỉ định giám hộ cho con, việc giám hộ đương nhiên, không cần thể thức gì, giao cho ông nội, nếu không có ông nội, sẽ giao cho bà nội, nếu không có bà nội sẽ giao cho ông ngoại, nếu không có ông ngoại, sẽ giao cho bà ngoại; nếu không còn ông bà sẽ giao cho anh cả hay nếu không có anh cả sẽ giao cho chị cả.
Điều thứ 297 – Nếu không có Ông Bà và anh chị cả, hội đồng gia tộc sẽ cử giám hộ, ngừơi này nếu có thể được sẽ chọn trong những người thân quyến gần của vị thành niên.
Điều thứ 298 – Người thân nhân nào, các trái chủ hay bất cứ ai có quyền lợi, và cả công tố viện, đều có quyền yêu cầu triệu tập hội đồng gia tộc để cử giám hộ và đại nhiệm giám hộ cho vị thành niên.
Điều thứ 299 – Người hôn phối kết hôn dưới chế độ cộng đồng tài sản và không ly thân, được chỉ định làm giám hộ do hội đồng gia tộc hay do một chúc thư mà không phải là người được luật pháp giao cho quyền giám hộ, chỉ có thể nhận chức vụ giám hộ với sự đồng ý của ngừơi hôn phối kia.
Sự ưng thuận của ngừơi sau có thể mặc nhiên nếu người này không tỏ ý phản kháng trong hạn mười ngày kể từ khi có sự chỉ định ấy.
B – Đại nhiệm giám hộ
Điều thứ 300 – Ngoài giám hộ ra, còn có một đại nhiệm giám hộ do hội đồng gia tộc đề cử.
Liền ngay sau khi được đề cử, đại nhiệm giám hộ sẽ được chủ tịch hội đồng gia tộc báo cho biết rõ nhiệm vụ và trách vụ.
Điều thứ 301 – Giám hộ pháp định trước khi lãnh nhiệm vụ phải yêu cầu hội đồng gia tộc cử đại nhiệm giám hộ.
Nếu là giám hộ chỉ định thì liền ngay sau khi cử giám hộ, hội đồng gia tộc phải chỉ định một đại nhiệm giám hộ.
Điều thứ 302 – Ngoài trường hợp giám hộ là anh cả hay chị cả của vị thành niên, đại nhiệm giám hộ phải được chọn ở trong dòng họ khác với dòng họ của giám hộ.
Điều thứ 303 – Đại nhiệm giám hộ kiểm sóat công việc quản trị của giám hộ và đại diện trẻ vị thành niên mỗi khi quyền lợi của trẻ vị thành niên đối lập với quyền lợi của giám hộ.
Đại nhiệm giám hộ phải chịu trách nhiệm đối với trẻ vị thành niên về các hậu quả thiệt hại của sự thiếu trông nom của mình.
Điều thứ 304 – Trong trường hợp giám hộ khiếm khuyết nhiệm vụ một cách quá đáng, đại nhiệm giám hộ phải xin triệu tập ngay hội đồng gia tộc để hội đồng quyết định những biện pháp thich ứng.
Dại nhiệm giám hộ không đương nhiên thay thế giám hộ, nếu giám hộ bị truất quyền.
Trong trường hợp ấy cũng như trong trường hợp giám hộ thất tung, mệnh một hay trở nên vô năng, đại nhiệm giám hộ phải xin đề cử ngay một giám hộ mới.
C – Hội đồng gia tộc
Điều thứ 305 – Hội đồng gia tộc gồm có 4 người thân thích, 2 người bên nội, 2 người bên ngoại, họp lại nơi vị thành niên cư ngụ dưới quyền chủ tọa của thẩm phán hòa giải hay của đại diện xã tại những địa hạt không có tòa hòa giải.
Nếu không có thân thích hay những người thân thích ở xa nơi họp hội đồng quá 20 cây số, hội đồng có thể họp với những bằng hữu của gia đình.
Điều thứ 306 – Sư ấn định nhân số của hội đồng gia tộc nói ở điều trên sẽ không áp dụng đối với các anh chị em đã trưởng thành của vị thành niên. Nếu vị thành niên có tới 4 hay trên 4 anh chị em trưởng thành, những ngừơi này đều sẽ là nhân viên hội đồng gia tộc.
Điều thứ 307 – Hội đồng gia tộc sẽ họp do sự triệu tập của chủ tịch, hoặc theo lời yêu cầu của các người quan thiết.
Sự triệu tập do chủ tịch phụ trách, ngày giờ phiên họp phải được ấn định cách nào cho các ngừơi được triệu tập kịp đến dự.
Điều thứ 308 – Các nhân viên hội đồng gia tộc bắt buộc phải đích thân hay do đại diện tham dự phiên họp, nếu không, sẽ bị xử phạt không quá năm trăm đồng (500$00), tiền phạt này tuy nhiên có thể được thâu hồi nếu có lý do miễn trách chánh đáng; sự xử phạt sẽ do thẩm phán hòa giải tuyên nếu vị này chủ tọa hội đồng gia tộc, hoặc do tòa sơ thẩm địa phương sau khi nhận được phúc trình của chủ tịch hội đồng gia tộc, nếu hội đồng không do tòa án hòa giải chủ tọa; trong mọi trường hợp đều không được quyền kháng cáo các phán quyết xử phạt như trên.
Giám hộ và đại nhiệm giám hộ cũng có bổn phận đến tham dự các phiên họp của hội đồng gia tộc và có quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyềt. Sự trừng phạt dự liệu trên cho các nhân viên vắng mặt không có lý do miễn trách cũng áp dụng cho giám hộ và đại nhiệm giám hộ vi phạm.
Điều thứ 309 – Hội đồng gia tộc chỉ có thể biểu quyết hợp lệ nếu có ít nhất 3 hội viên tới họp; biểu quyết tính theo đa số; trong trường hợp một quyết nghị được một số thăm thuận và nghịch ngang nhau, thăm của chủ tịch sẽ thi quyết.
Điều thứ 310 – Vi phạm các điều 307, 308, 309 trên, cũng như trường hợp có gian trá, quyết nghị của hội đồng gia tộc sẽ vô hiệu.
Tố quyền xin tuyên bố vô hiệu có thể sử hành bởi giám hộ, các nhân viên hội đồng gia tộc, hoặc công tố viện. Vị thành niên khi đã thành niên hay được thóat quyền, cũng có quyền khởi tố xin thủ tiêu các quyết nghị ấy cũng như các hành vi đã được thực hiện tiếp theo.
Tố quyền kể trên được thời tiêu sau một năm kể từ ngày có quyết nghị, thời hạn này chỉ bắt đầu đối với vị thành niên kể từ ngày đến tuổi thành niên hay được thóat quyền.
3) Về những trường hợp ngăn cản quyền làm giám hộ
Điều thứ 311 – Không có năng cách cử làm giám hộ:
1) Những vị thành niên, trừ người cha hay người mẹ đối với con chính thức;
2) Những người bị cấm quyền;
3) Những ngừơi chính mình hay có cha mẹ có việc kiện tụng với vị thành niên.
Điều thứ 312 – Những người sau đây có thể xin miễn làm giám hộ:
1) Những quân nhân tại ngũ và những công dân giữ một công vụ ở một tỉnh ngoài nơi điều hành việc giám hộ;
2) Những ngừơi đã quá 60 tuổi;
3) Những ngừơi tàn tật nặng;
4) Những người tình trạng sức khỏe sút kém;
5) Những người đang đảm nhiệm một việc giám hộ trừ phi sự giám hộ sắp nhận là cho chính con mình;
6) Những phụ nữ kể cả đối với con của mình.
Điều thứ 313 – Bị đương nhiên loại trừ và bị đương nhiên bãi chức không được làm giám hộ:
1) Những người bị truất phu quyền;
2) Những ngừơi bị kết án đại hình;
3) Những ngừơi bị kết án về tội du đãng, trộm, sang đoạt, lường gạt, giả mạo, xâm phạm thuần phong mỹ tục, dụ dỗ vị thành niên vào đường dâm đãng, hay về những tội luật lệ riêng minh định sự truất quyền giám hộ.
Điều thứ 314 – Có thể bị loại trừ không được làm giám hộ hoặc bị bãi chức:
1) Những ngừơi hiển nhiên vô hạnh;
2) Những ngừơi mà sự quản trị cho thấy rõ sự bất lực hay gian tham;
3) Những người bị kết án về những tội có luật lệ riêng minh định có thể truất quyền giám hộ.
Điều thứ 315 – Hội đồng gia tộc chỉ có thể loại trừ hay bãi chức giám hộ sau khi nghe người này trần tình hoặc có mời ngừơi đó dự hội đồng mà không đến; nếu ngừơi giám hộ thuận tuân quyết định sẽ ghi rõ như vậy và giám hộ mới sẽ lãnh nhiệm vụ ngay.
Nếu có sự khiếu nại, đại nhiệm giám hộ sẽ xin tòa sơ thẩm chuẩn phê quyết nghị.
Giám hộ bị loại trừ hay truất bãi có thể khởi tố đại nhiệm giám hộ để xin được lưu giữ.
Điều thứ 316 – Không kể đại nhiệm giám hộ, thân nhân của vị thành niên đến hàng anh chị em con chú con bác hay con cô con cậu ruột và cả công tố viện đều có quyền xin triệu ậtp hội đồng gia tộc để loại trừ hay bãi chức giám hộ như nói trên.
Điều thứ 317 – Những duyên cớ vô năng và những duyên cớ loại trừ và bãi chức giám hộ cũng được áp dụng cho đại nhiệm giám hộ và cho nhân viên hội đồng gia tộc.
3 – Nhiệm vụ của giám hộ
Điều thứ 318 – Sự giám hộ nhằm mục đích quản trị tài sản của vị thành niên và cả việc coi sóc vị thành niên nữa nếu người này không phụ thuộc phu quyền của cha hay mẹ.
Điều thứ 319 – Để đạt mục đích quản trị ấy, giám hộ có quyền đại diện vị thành niên trong mọi hành vi dân sự.
Điều thứ 320 – Trong hạn một tháng sau khi nhậm chức, giám hộ phaỉ lập bản kê khai những động sản và bất động sản của vị thành niên với sự hiện diện của đại nhiệm giám hộ.
Bản kê khai phải được thị thực chữ ký. Một bản kép phải được giao cho đại nhiệm giám hộ để giao lại cho vị thành niên khi trửơng thành hay được thóat quyền.
Điều thứ 321 – Tất cả tài sản của vị thành niên đều giao cho giám hộ nhận lãnh và chịu trách nhiệm.
Giám hộ phải quản trị những àti sản ấy một cách cẩn trọng; bằng không mà gây thiệt hại cho vị thành niên, giám hộ sẽ phải bồi thường.
Điều thứ 322 – Giám hộ không được mua hay thuê mướn, hay nhận cầm cố tài sản gì của vị thành niên cho chính mình, hoặc nhận sự nhượng lại một quyền lợi nào của một người đệ tam đối với vị thành niên.
Điều thứ 323 – Giám hộ muốn dùng tiền của vị thành niên vào một việc sinh lời, như cho vay mua bất động sản, đầu tư phải được phép của hội đồng gia tộc.
Giám hộ cũng phải được phép của hội đồng gia tộc mời có thể cho thuê bất động sản của vị thành niên.
Điều thứ 324 – Giám hộ muốn vay mượn cho vị thành niên phải được thỏa thuận của hội đồng gia tộc. Sự vay mượn chỉ có thể được cho phép nếu sự khẩn thiết tối cần.
Điều thứ 325 – Giám hộ muốn nhân danh vị thành niên khởi tố phải được hội đồng cho phép.
Về mọi việc điều đình dể giải quyết hay tránh một vụ tranh chấp, quyết nghị của hội đồng gia tộc cho phép sự điều đình ấy phải được tòa án phê chuẩn.
Điều thứ 326 – Giám hộ muốn nhận lãnh hay khước từ một di sản hay một vật tặng dữ cho vị thành niên phải được hội đồng gia tộc cho phép.
Giám hộ cũng phải được phèp như trên nếu muốn tự mình khởi tố xin phân chia một di sản cho vị thành niên, nhưng nếu đứng đơn chung với các thừa kế khác để xin chia thì không cần xin phép.
Điều thứ 327 – Giám hộ muốn bán động sản của vị thành niên trị giá trên năm chục ngàn đồng (50.000$00) hoặc thiết lập một vật quyền trên giá trị đó, phải được hội đồng gia tộc cho phép sau khi đã nghe đại nhiệm giám hộ cho biết ý kiến; nếu trên một trăm ngàn đồng (100.000$00) quyết nghị của hội đồng gia tộc còn phải được tòa án phê chuẩn.
Muốn bán bất động sản hay thiết lập một vật quyền, giám hộ nhất thiết phải được sự cho phép của hội đồng gia tộc và sự chuẩn phê của tòa án.
Quyết nghị của hội đồng gia tộc phải ghi rõ các điều kiện của tác vụ cho phèp.
Tùy theo quyền lợi của vị thành niên, việc đọan mại có thể là đọan mại tương thuận hay đoạn mại đấu giá công khai.
Điều thứ 328 – Mọi hành vi do vị thành niên, một mình ưng thuận đều vô hiệu quả. Mọi hành vi do giám hộ làm mà không có sự cho phép của hội đồng gia tộc hay của tòa án khi sự cho phép cần thiết theo luật, sẽ chỉ ràng buộc giám hộ mà vô hiệu quả đối với vị thành niên.
Điều thứ 329 – Giám hộ phải thanh tóan công việc quản trị của mình khi nhiệm vụ chấm dứt, hoặc với vị thành niên nếu ngừơi này đã trưởng thành hay được thoát quyền, hoặc với giám hộ mới.
Trong trường hợp thóat quyền, quản tài sẽ hỗ trợ vị thành niên tiếp nhận sự thanh tóan của giám hộ mà nhiệm vụ chấm dứt.
Trong mọi trường hợp, sự thanh toán phải được làm với sự hiện diện của đại nhiệm giám hộ.
Điều thứ 330 – Tố quyền của vị thành niên để khiếu nại về việc quản trị của giám hộ sẽ bị thời tiêu sau một hạn một năm kể từ ngày kết tóan sổ sách.
TIÊT III
Sự giám hộ con ngoại hôn
Điều thứ 331 – Người cha hay người mẹ của đứa trẻ ngoại hôn được sử hành quyền gia trưởng theo điều 268, sẽ quản trị tài sản của đứa trẻ với tư cách gám hộ pháp định.
Ngoài giám hộ ra, còn có một đại nhiệm giám hộ.
Điều thứ 332 – Người cha hay người mẹ vị vong có thể làm chúc thư chỉ định giám hộ để trông nom con vị thành niên sau khi mình chết.
Điều thứ 333 – Quyền hạn và nghĩa vụ của giám hộ và đại nhiệm giám hộ là quyền hạn và nghĩa vụ đã ấn định trong tiết II trên đây.
Điều thứ 334 – Đối với trẻ ngoại hôn, chức vụ của hội đồng gia tộc sẽ giao cho tòa sơ thẩm nơi điều hành việc giám hộ đảm nhiệm.
CHƯƠNG THỨ II
Sự thoát quyền
Điều thứ 335 – Vị thành niên đương nhiên được thóat quyền do sự thành lập hôn thú.
Điều thứ 336 – Vị thành niên đủ 18 tuổi cũng có thể được thóat quyền nếu được cha cho phép, hoặc mẹ cho phép, nếu cha đã chết hoặc bị truất phụ quyền hay không bày tỏ được ý chí vì xa cách, biệt tích hay vì một duyên cớ gì khác.
Đối với con ngoại hôn sự cho thoát quyền thuộc sự quyết định của người cha hay mẹ giữ phụ quyền.
Điều thứ 337 – Muốn cho con được thóat quyền, cha hay mẹ sẽ đến khai trình với thẩm phán hòa giải nơi trú quán của ngừơi con. Nếu không có tòa hòa giải chánh an sơ thẩm sẽ nhận lời khai. Lục sự sẽ làm biên bản ghi nhận và lưu trữ để cấp bản sao mỗi khi cần đến.
Điều thứ 338 – Khi vị thành niên không còn cha mẹ hoặc cha mẹ đều bị truất phu quyền hay ở trong tình trạng không baỳ tỏ được ý chí, sự thoát quyền sẽ do hội đồng gia tộc quyết định.
Nếu sự thoát quyền do hội đồng gia tộc quyết định, biên bản của hội đồng sẽ chuyển lên tòa hòa giải hay tòa sơ thẩm nói tại điều trên để lưu trữ tại phòng; lục sự và cấp bản sao mỗi khi cần đến.
Đối với trẻ ngoại hôn, chức vụ của hội đồng gia tộc được giao cho tòa sơ thẩm.
Điều thứ 339 – Vị thành niên thoát quyền có năng cách làm một mình những hành vi mà người giám hộ của vị thành niên có đủ quyền làm một mình.
Đối với những hành vi khác, vi thành niên thóat quyền phải được sự hỗ trợ của ngừơi quản tài nói ở điều dưới đây.
Điều thứ 340 - Người cha hay ngừơi mẹ góa đương nhiên là quản tài cho con cái được thoát quyền. Nếu sự thoát quyền do hội đồng gia tộc quyết định, hội đồng sẽ chỉ định quản tài.
Điều thứ 341 - Người chồng đã thành niên và không ly thân đương nhiên là quản tài cho vợ vị thành niên.
Điều thứ 342 - Mọi hành vi do vị thành niên làm không có sự hỗ trợ của người quản tài khi sự hỗ trợ cần thiết theo luật, sẽ có thể bị hủy bỏ hay giảm bớt.
Điều thứ 343 – Vị thành niên thoát quyền nếu làm thương mại, sẽ có năng cách hoàn toàn vì mọi hành vi liên quan đến việc thương mại ấy.
Điều thứ 344 – Trừ trường hợp đương nhiên thóat quyền, sự thoát quyền có thể bị bãi bỏ nếu vị thành niên tiêu pha phung phí một cách quá đáng. Sự bãi bỏ sẽ làm theo thể thức qui định cho sự thoát quyền.
Điều thứ 345 – Trong trừơng hợp ấy, vị thành niên trở về dưới phu quyền hay quyền giám hộ như cũ cho đến khi trưởng thành.
CHƯƠNG THỨ III
Sự cấm quyền
Điều thứ 346 – Ngừơi trưởng thành nếu ở trong tình trạng thường xuyên ngu độn hay điên rồ, sẽ bị cấm quyền mặc dầu cũng có lúc tỉnh táo sáng suốt.
Điều thứ 347 – Người phối ngẫu của người ngu độn hay điên rồ, thân nhân đến hàng anh chị em chú bác con cô con cậu ruột có thể nạp đơn trước tòa sơ thẩm nơi trú quán hay nơi cư ngụ của ngừơi ấy để xin cấm quyền.
Điều thứ 348 – Công tố viện có quyền tự động xin cấm quyền người ngu độn hay điên rồ nếu thân thuộc của ngừơi này không hành động hay nếu không rõ đương sự có thân thuộc hay không.
Công tố viện cũng có thể hành động hay theo lời thỉnh cầu của thân thuộc người ngu độn hay điên rồ.
Điều thứ 349 – Trong đơn xin phải khai nại rõ ràng những hành vi chứng tỏ sự ngu độn hay điên rồ và liệt kê các nhân chứng và đính kèm các bút lục nếu có.
Điều thứ 350 – Sau khi hỏi ý kiến thân nhân, tòa sẽ pahỉ chất vất đương sự tại phòng nghị án xem đích thực y là người ngu độn điên rồ hay không; nếu có triệu chứng khả nghi, tòa phải cử một bác sĩ khám nghiệm.
Điều thứ 351 – Trước khi quyết định, tòa có thể cho thi hành những biện pháp tạm thời thích đáng để bảo vệ đương sự và quyền lợi của đương sự.
Điều thứ 352 – Công tố viện phải được thông tri hồ sơ để cho biết ý kiến.
Điều thứ 353 – Án văn cấm quyền hay trích lục án ấy sẽ phải đăng vào một tờ báo được đăng bố cáo pháp định, và niêm yết tại công sảnh tòa án, công sở nơi trú quán của người bị cấm quyền, cùng văn phòng chưởng khế trong hạn 15 ngày sau khi tuyên, do sự xúc tiến của người xin cấm quyền.
Ngoài ra án văn cấm quyền phải được ghi chú vào lề khai sinh của ngừơi bị cấm quyền.
Điều thứ 354 – Ngừơi bị cấm quyền sẽ ở vào tình trạng pháp lý của một vị thành niên về bản thân cũng như về tài sản. Tất cả những điều luật về việc giám hộ sẽ áp dụng cho người bị cấm quyền. Tuy nhiên, giám hộ sẽ do hội đồng gia tộc chỉ định.
Riêng ngừơi phối ngẫu đã thành niên và không ly thân đương nhiên là giám hộ của ngừoi bị cấm quyền.
Hội đồng gia tộc nói ở trên gồm có các tôn thuộc trực hệ, ngừơi phối ngẫu không giữ chức vụ giám hộ, anh chị em, con cái của ngừời bị cấm quyền, không hạn chế nhân số, nhưng phải ít nhất 4 người không kể chủ tịch là thẩm phán hòa giải hay đại diện xã. Trong trường hợp không đủ nhân số theo luật định sẽ mời các bạn bè của người bị cấm quyền tham dự.
Điều thứ 355 – Lợi tức của ngừơi bị cấm quyền trước hết phải dùng vào việc chữa bệnh cho người ấy.
Điều thứ 356 – Những hành vi do ngừơi bị cấm quyền làm trứơc khi có án văn cấm quyền có thể bị hủy bỏ, nếu nguyên nhân sự cấm quyền đã rõ rệt ngay từ lúc làm những hành vi ấy.
Điều thứ 357 – Những hành vi do ngừơi bị cấm quyền làm sau khi có án văn cấm quyền đương nhiên vô hiệu.
Điều thứ 358 – Sự cấm quyền có thể hủy bỏ nếu nguyên nhân sự cấm quyền không còn nữa.
Điều thứ 359 – Sự hủy bỏ cũng theo những thể thức quy định cho sự cấm quyền. Án văn hủy bỏ cũng phải được ghi vào lề giấy khai sinh của đương sự.
Người bị cấm quyền chỉ được khôi phục năng cách của mình sau khi có án tòa hủy bỏ sự cấm quyền.
Điều thứ 360 – Người giám hộ được chỉ định cho ngừơi bị cấm quyền sẽ là giám hộ cho cả các con vị thành niên của người ấy, trong trừơng hợp chúng chưa có giám hộ.
Điều thứ 361 – Những người bị án khổ sai chung thân hay khổ sai hữu hạn sẽ mất quyền quản trị tài sản trong thời gian thụ hình. Án văn xử phạt khổ sai sẽ có những hậu quả của án văn cấm quyền như đã nói trên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét