QUYỂN II
Nói về tài sản
THIÊN THỨ NHẤT
Khái niệm tổng quát
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Phân biệt các tài sản
Điều thứ 362 – Tài sản chia làm động sản và bất động sản.
TIẾT I
Bất động sản
Điều thứ 363 – Bất động sản chai làm ba loại:
1) Bất động sản vì bản chất tự nhiên;
2) Bất động sản vì công dụng riêng;
3) Bất động sản vì trên đối tượng có bất động sản.
Điều thứ 364 – Ruộng đất, nhà cửa, hào rãnh, đê điều là bất động sản vì bản chất, trừ trường hợp các kiến trúc và nhà cửa định ở điều 373.
Điều thứ 365 – Mùa màng chưa gặt, hoa quả chưa hái, cây cối chưa đẵn, sản vật hầm mỏ chưa đào, cũng là bất động sản.
Điều thứ 366 – Được coi là bất động sản vì công dụng tất cả các động sản đã được sở hữu chủ đặt vào một bất động sản để sử dụng và khai thác bất động sản ấy:
- Sùc vật dùng vào việc canh tác;
- Dụng cụ canh nông và chế biến sản phẩm nông nghiệp;
- Hạt giống và phân bón, rơm rạ;
- Súc vật trong ao, chuồng.
Điều thứ 367 – Cũng là bất động sản vì công dụng các động sản mà sở hữu chủ đã đem gắn vào bất động sản của minh một cách kiên cố, không thể tháo ra mà không làm hư hại hoặc không làm mất vẻ mỹ quan của nhà cửa.
Điều thứ 368 - Ống dẫn nước, dẫn hơi, đường giây điện trong một căn nhà hay một cơ sở là bất động sản vì công dụng.
Điều thứ 369 – Được xem là bất động sản vì có đối tượng trên bất động sản:
a) Các vật quyền bất động sản:
1) Quyền sử hữu
2) Quyền dụng ích;
3) Quyền cư ngụ và quyền hành dụng;
4) Quyền thuê trừơng kỳ;
5) Quyền địa dịch;
6) Quyền thế chấp;
7) Quyền để đương.
b) Các tố quyền nhằm truy sách một vật quyền trên bất động sản:
TIẾT II
Động sản
Điều thứ 370 – Động sản chia làm hai loại:
1) Động sản vì bản chất;
2) Động sản vì luật định.
Điều thứ 371 – Động sản vì bản chất là những tài sản có thể di chuyển, hoặc tự ý như súc vật hoặc do động lực ngoài vật vô tri.
Điều thứ 372 – Luật pháp coi là động sản:
- Các quyền đối vật trên những động sản và các tố quyền nhằm truy sách một vật quyền trên động sản;
- Các cổ phần, phần hùn và tiền lãi trong một hội thương sự hay dân sự, dù tài sản của hội gồm cả bất động sản;
- Các sản nghiệp thương mại;
- Các trái quyền và niên kim;
- Quyền sở hữu văn chương, mỹ thuật hay kỹ nghệ.
Điều thứ 373 –Tàu thuyền và các kiến trúc có thể tháo ra được và các nhà cửa cất bằng vật liệu nhẹ (bằng tranh, bằng cây, bằng tôn) không có nền móng vững chắc cũng là động sản.
CHƯƠNG THỨ II
Tương quan giữa tài sản và ngừơi chấp hữu
Điều thứ 374 – Trên một tài sản, một ngừơi có thể có quyền sở hữu, hoặc chỉ có quyền hưởng dụng hay quyền địa dịch.
Điều thứ 375 – Tư nhân cũng như pháp nhân tư luật có tòan quyền sử dụng tài sản của mình trong phạm vi luật định.
Điều thứ 376 – Tài sản thuộc công sản của những pháp nhân công luật không thể được sử dụng theo những phương thức dân luật, cũng không thể thủ đắc bằng thời hiệu.
Điều thứ 377 – Tài sản thuộc tư sản của những pháp nhân ấy sử dụng theo những phương thức dân luật, trừ phi có những luật lệ đặc biệt về sự sử dụng ấy.
Điều thứ 378 – Những vật vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam và những tài sản của ngừơi mệnh một vô thừa kế thuộc về tư sản quốc gia.
Điều thứ 379 – Được coi là vô chủ những tài sản mà người sở hữu chủ phế bỏ không giữ làm của mình nữa.
Điều thứ 380 – Vật mai táng và vật bị chôn dấu đã được tìm thấy ngẫu nhiên mà không người nào chứng minh được quyền sở hữu.
Người tìm thấy vật mai táng trên đất của mình được quyền sở hữu vật ấy; nếu tìm thấy trên đất người khác, mỗi người sẽ là sở hữu chủ một phần nửa.
Điều thứ 381 – Những đồ vật bị vất xuống biển, hoặc bị nước biển đưa rạt vào bờ, thuộc quyền sở hữu của người bắt được sau khi người này khai trình với nhà chức trách địa phương.
Điều thứ 382 – Những vật bị đánh rơi trên sông ngòi hay đất liền sẽ do người tìm thấy ký giữ tại sở cảnh sát địa phương nơi tìm thấy đồ vật để trả lại cho sở hữu chủ. Nếu hết hạn một năm sở hữu chủ không xuất hiện, vật sẽ thuộc người tìm thấy.
THIÊN THỨ II
Quyền sở hữu
Điều thứ 383 – Quyền sở hữu là quyền hưởng dụng và tiêu dụng môt tài sản một cách tuyệt đối, miễn là không trái luật pháp
Quyền sở hữu được thủ đắc vì thừa kế, chúc thư, thời hiệu, hoặc do hiệu lực của khế ước; quyền sở hữu có quyền chuyển dịch.
Điều thứ 384 – Không ai có thể bị tước đoạt quyền sở hữu của mình, trừ phi vì ích lợi công cộng và được bồi thường thỏa đáng.
Vì lợi ích công cộng, người sở hữu chủ cũng có thể bị bắt buộc để cho công quyền tạm chiếm hữu bất động sản của mình, với điều kiện được bồi thường thỏa đáng.
Điều thứ 385 – Sở hữu chủ hưởng dụng các sản vật do tài sản của mình sinh xuất và những tài vật được sáp nhập vào tài sản, do hiệu lực quyền phụ thiêm.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Quyền phụ thiêm trên sản vật của tài sản
Điều thứ 386 – Hoa lợi dân sự, thiên nhiên hoặc kỹ nghệ của tài sản đều thuộc quyền sở hữu chủ.
Điều thứ 387 – Hoa lợi dân sự là tiền cho thuê mướn bất động sản, tiền lời các trái khoản và các niên kim đã đáo hạn.
Hoa lợi thiên nhiên là sản vật tự nhiên của ruộng đất và các súc vật sinh sản.
Hoa lợi kỹ nghệ là hoa lợi thu hoạch bằng sức cần lao.
Điều thứ 388 – Người chấp hữu chỉ được hưởng hoa lợi nếu ngay tình; người chấp hữu gian tình phải trả lại hoa lợi cho sở hữu chủ cùng với tài sản.
Điều thứ 289 – Được coi là ngay tình người đã chấp hữu với tư cách sở hữu chủ, chiếu theo một văn khế chuyển dịch quyền tư hữu mà người ấy không biết là hà tì.
Kể từ khi biết sự hà tì, ngừơi chấp hữu không được coi là ngay tình nữa.
CHƯƠNG THỨ II
Quyền phụ thiêm trên những tài vật sáp nhập
Điều thứ 390 – Những tài vật sáp nhập vào một tài sản đều thuộc quyền của sở hữu chủ tài sản ấy, sau những qui tắc dưới đây:
TIẾT I
Phụ thiêm đối với bất động sản
Điều thứ 391 – Quyền sở hữu một địa sản bao gồm cả vùng trời ở trên và tầng đất dưới địa sản ấy.
Trên mặt đất sở hữu chủ được quyền tùy ý xây cất hoặc trồng cây miễn không trái với luật lệ hiện hành.
Dưới mặt đất người ấy có thể đào và xấy cất, cùng với điều kiện không trái với luật lệ hiện hành, nhất là về hầm mỏ.
Điều thứ 392 - Mọi kiến trúc, công trình xây cất và trồng trọt cây cối trên thuờ đất, trong chu vi phần đất này được suy đoán là do sở hữu chủ đứng làm và thuộc quyền người này cho đến khi có phản chứng.
Điều thứ 393 – Sở hữu chủ đứng xây cất, trồng cây trên địa sản của mình bằng vật liệu của kẻ khác phải hòan lại trị giá những vật liệu ấy tính vào ngày bồi hoàn và, lâm thời, phải bồi thường thiệt hại cho người ấy, sở hữu chủ vật liệu không được quyền đòi lấy lại.
Điều thứ 394 – Nếu một đệ tam nhân đã trồng cây hay xây cất bằng vật liệu của họ, sở hữu chủ địa sản có thể giữ các cây cối hay công trình, hoặc đòi phải triệt hủy.
Nếu sở hữu chủ đòi triệt hủy, đệ tam nhân phải chịu các phí tổn, mà không thể xin bồi hoàn được; ngoài ra đệ tam nhân, lâm thời phải bồi thường cho sở hữu chủ vì sự thiệt hại gây ra cho người ấy.
Nếu sở hữu chủ muốn giữ các công trình hoặc cây cối thì tùy sở nguyện, phải bồi hoàn cho đệ tam nhân phần trị giá tăng gia của bất động sản, hoặc trị giá vật liệu và nhân công tính vào ngày bồi hòan và chếu theo tình trạng các công trình xây cất hoặc trồng cây.
Điều thứ 395 – Tuy nhiên, nếu đệ tam nhân ngay tình, nghĩa là lầm tửơng mình có danh nghĩa chánh đáng là sở hữu chủ, thì sở hữu chủ chân chính không thể đòi triệt hủy, mà phải trả cho đệ tam nhân một trong hai bồi khoản nói ở điều 394, khỏan 3, sự ngay tình trong trường hợp này phải được chứng minh.
Điều này cũng áp dụng cho người thuê đất để xây cất hay trồng trọt, với sự thỏa thuận của chủ đất, trừ phi có hợp đồng trái lại.
Điều thứ 396 – Những cù lao hoặc cồn đất nổi lên ở giữa sông rạch và phù sa bồi vào bờ sông rạch thuộc về công sản quốc gia.
Cồn đất và phù sa bồi vào bờ biển cũng thuộc công sản quốc gia.
Điều thứ 397 – Giới hạn ao hồ có tính cách nhất định, sở hữu chủ ven bờ vẫn giữ quyền sở hữu của phần đất bị nứơc phủ khi tràn bờ.
Ngược lại, sở hữu chủ ao, hồ không được quyền gì trên phần đất bên bờ bị nứơc phủ khi nước dâng cao đặc biệt.
Điều thứ 398 – Sở hữu chủ được quyền giữ cá và bồ câu đến ở ao, chuồng của mình, trừ phi đã dùng mưu lược hay sự gian trá để dử đến.
TIẾT II
Phụ thiêm đối với động sản
Điều thứ 399 – Khi hai vật được kết hợp thành một tài vật mới, tài vật này sẽ thuộc quyền sở hữu chủ tài vật chính yếu, với trách vụ bồi hòan cho sở hữu kia trị giá vật được hợp nhất, tính vào ngày bồi hoàn.
Tuy nhiên, nếu có thể tách riêng tài vật mà không làm hư hại thì mỗi sở hữu chủ đều có quyền lấy lại tài vật của mình.
Điều thứ 400 – Được coi là chính yếu tài vật đã được bổ túc bằng một tài vật khác, coi là phụ thuộc, trong mục đìch tiện dụng hoặc thẩm mỹ, nếu không có tài vật nào có thể xem là phụ thuộc, thì được coi là chính yếu tài vật có trị giá hơn hoặc có thể tích lớn hơn, nếu trị giá ngang nhau.
Điều thứ 401 – Nếu một tài vật được một người không phải là sở hữu chủ đem chế biến thành một tài vật mới, tài vật này thuộc quyền sở hữu chủ tài vật nguyên thủy với trách vụ bồi hòan cho ngừơi đệ tam trị gía nhân công tính vào ngày bồi hoàn.
Tuy nhiên, nếu công nhân có tính cách quan trọng đặc biệt tạo ra một sản phẩm có trị giá cao hơn hẳn trị giá tài vật cũ, người chế biến sẽ được quyền giữ sản phẩm với trách vụ bồi hòan cho sở hữu chủ trị giá tài vật nguyên thủy, tính vào ngày bồi hoàn.
Nếu ngừơi chế tạo có gian tình, tòa án có thể giao đỡ vật đã chế tạo cho sở hữu chủ vật liệu mà ngừơi chế tạo không được hưởng tiền công gì.
Điều thứ 402 – Trong trừơng hợp sở hữu chủ nguyên liệu được đem chế biến mà không hay biết, được quyền, thay vì giữ lại tài vật chế biến, đòi hoàn lại nguyên liệu của mình theo đúng bản chất số lượng, trọng lượng và thể tích, hoặc trị giá của nguyên liệu tính vào ngày bồi hòan.
Điều thứ 403 – Những điều khỏan trên đây không ngăn cản đương sự đòi bồi thường nếu có thiệt hại.
CHƯƠNG THỨ III
Quyền sở hữu cộng đồng
Điều thứ 404 – Khi nhiều ngừơi cũng là sở hữu chủ một tài sản trong đó mỗi người có một kỷ phần, tuy biết rõ tỷ số nhưng thực tế chưa phân chia, thì họ là cộng đồng sở hữu chủ tài sản ấy và tình trạng này gọi là tình trạng vị phân.
Điều thứ 405 – Mỗi đồng sở hữu chủ có đủ quyền lợi và trách vụ của sở hữu chủ theo tỷ lệ kỷ phần của mình và có thể đọan mại hoặc cầm cố kỷ phần ấy; chủ nợ của họ cũng có quyền sai áp kỷ phần nầy.
Đồng chủ có quyền hưởng tài sản chung miễn là không phương hại đến quyền lợi của các người khác.
Điều thứ 406 – Nếu không có ước khỏan trái ngược, các đồng sở hữu chủ đồng quản trị tài sản chung.
Mỗi ngừơi được quyền làm những hành vi quản trị thông thường như tu bổ, hay trồng trọt.
Đối với những công việc quan trọng hơn, thí dụ như thay đổi thể thức hay trùng tu quan trọng, phải có sự thỏa thuận của tất cả đồng sở hữu chủ.
Điều thứ 407 – Mọi sở phí quản trị, thuế má sẽ do tất cả các sở hữu chủ cùng chịu tỷ lệ kỷ phần của mỗi người.
Điều thứ 408 – Không ai có thể bị bắt buộc ở trong tình trạng vị phân và mọi đồng sở hữu chủ đều được quyền xin tương phân.
Các đồng sở hữu chủ có thể thỏa thuận tạm thời duy trì tình trạng vị phân; một ước khỏan như thế không thể có hiệu lực quá năm năm song có thể được tái tục.
Điều thứ 409 – Quyền sở hữu cộng đồng chấm dứt:
1) Khi có sự tương phân theo hiện vật;
2) Khi tài sản đem bán để chia tiền;
3) Khi một cộng chủ thủ đắc tất cả các kỷ phần khác.
Điều thứ 410 – Tuy nhiên, sự vị phân có tính cách vĩnh viễn:
1) Đối với những bật động sản dùng làm nơi mộ phần của những ngừơi trong một gia tộc;
2) Đối với những phần chung trong một bất động sản chung cư;
3) Đối với tường rào cộng giới.
CHƯƠNG THỨ IV
Cộng giới
Điều thứ 411 – Cộng giới là tình trạng vị phân của các tường, hào phân định ranh giới hai bất động sản.
Điều thứ 412 – Các sở hữu chủ địa sản đều đóng góp, theo tỷ lệ quyền lợi của mình, vào sự gìn giữ và sửa chữa tường hào chung.
Tuy nhiên, mỗi đồng sở hữu chủ được quyền khước từ quyền cộng giới của mình, trừ khi nhà mình được tường chung chống đỡ; do sự khứơc từ, sở hữu chủ địa sản cũng hết nhiệm vụ đóng góp.
Điều thứ 413 – Đồng sở hữu chủ được phép xây cất sát vào tường chung; nhưng lâm thời, phải bồi thường thiệt hại xẩy ra cho sở hữu chủ kia.
Mỗi đồng sở hữu chủ không được phép khoét vào tường chung hoặc xây cất đè lên hoặc đặt xà ngang trong từơng chung nếu không có sự ưng thuận của đồng sở hữu chủ kia, trừ khi có biện pháp được giám định xác nhận không làm hại đến tường chung.
Trong mọi trừơng hợp, chỉ được đặt xà ngang đến nửa thân tường.
Điều thứ 414 – Mỗi đồng sở hữu chủ có thể xây cao tường chung lên, song phải chịu tổn phí xây cất và gìn giữ về phần xây thêm này.
Nếu tường chung không đủ sức chịu đựng, người đứng xây cất phải xây lại cả bức tường, và phần đất phụ phải lấy trên địa sản của mình.
Điều thứ 415 – Người láng giềng được hưởng quyền cộng giới về tường xây cao thêm nếu chịu đóng phân nửa phí tổn xây cất và lâm thời, bồi hòan trị giá phân nửa phần đất dùng để nới rộng thêm tường.
Điều thứ 416 – Cây cối ở hào lũy chung hoặc ở đường phân giới hai địa sản cũng là của chung. Hoa lợi phải chia đôi, và sở phí cũng do hai bên cùng chịu. Khi đốn hay nhổ cũng phải chia đôi.
THIÊN THỨ III
Những chi phần của quyền sở hữu
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Quyền dụng ích
Điều thứ 417 – Quyền dụng ích là một vật quyền cho phép hưởng dụng và thu lợi một tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời gian không quá đời sống của người thu dụng, với trach vụ giữ nguyên tài sản ấy.
Điều thứ 418 – Quyền dụng ích có thể được thiết lập do luật pháp hay ý chí của đương sự.
Điều thứ 419 – Quyền dụng ích có thể được thiết lập vô điều kiện, hoặc với kỳ hạn nhất định; cũng có thể được thiết lập với một số điều kiện mà sự thực hiện sẽ làm khởi đầu hay chấm dứt quyền đó.
TIẾT I
Quyền lợi của người dụng ích
Điều thứ 420 – Người dụng ích được hưởng mọi hoa lợi, dù là hoa lợi tự nhiên, canh tác hay dân sự.
Điều thứ 421 – Hoa lợi tự nhiên hoặc canh tác còn dính liền với cây khi khởi đầu quyền dụng ích thuộc quyền người dụng ích; khi mãn quyền dụng ích, những hoa lợi thuộc về sở hữu chủ, mà không có sự bồi thường công lao hoặc hạt giống, ngoại trừ quyền lợi của người cấy rẽ.
Điều thứ 422 – Người dụng ích được hưởng như y sở hữu chủ những mỏ hoặc hầm đá thuộc quyền dụng ích của mình nếu hầm đá đang được khai thác khi khởi đầu quyền dụng ích.
Điều thư 423 – Người dụng ích không có quyền gì trên các hầm mỏ hầm đá chưa được khai thác khi mở đầu quyền dụng ích, và trên các vật mai tàng tìm thấy tại bất động sản dụng ích, trừ phi chính ngừơi ấy tìm ra vật mai tàng thì được hửơng một nửa.
Điều thứ 424 – Cây có quà đã chết hoặc đã gẫy đều thuộc quyền người dụng ích, miễn là trồng thế cây khác. Nếu không muôn trồng cây khác, phải để các cây cũ thuộc quyền sở hữu chủ.
Điều thứ 425 – Người dụng ích hưởng quyền địa dịch và mọi quyền lợi liên quan đến bất động sản dụng ích, y như sở hữu chủ.
Điều thứ 426 – Người dụng ích có thể cho thuê hoặc chuyển nhượng hữu thường hoặc vô thường quyền hưởng dụng của mình.
Tuy nhiên, nếu quyền dụng ích vô hạn định không thể cho thuê quá năm năm và không thể tái tục khế ước trước một năm ngày mãn hạn khế ước.
Trong trường hợp quyền dụng ích có hạn định, người dụng ích không được cho thuê quá thời hạn quyền dụng ích của mình.
Điều thứ 427 – Nếu những tài vật dụng ích thuộc loại tiêu thụ như tiền bạc, thóc lúa, người dụng ích có thể tiêu thụ, song khi mãn quyền dụng ích phải đền hòan các tài vật ấy theo đúng số lựơng và phẩm chất hoặc trị giá của tài vật ấy tính vài ngày đền hòan.
Điều thứ 428 – Nếu tài vật không thuộc loại tiêu thụ tức khắc, song hao mòn về sự gia dụng như quần aó, tủ bàn, người dụng ích chỉ phải đem trả lại trong tình trạng lúc đó, trừ trường hợp có lỗi lầm hư hại.
Điều thứ 429 – Hoa lợi dân sự thuộc về người dụng ích trong suốt thời gian có quyền dụng ích, tính từng ngày một.
Người dụng ích cũng được hưởng các niên kim đáo hạn trong súôt thời gian này mà không phải đền hoàn khi mãn quyền dụng ích.
Về phần người dụng ích cũng không thể đòi bồi hòan gì về những sự tu bổ đã làm trong thời gian dụng ích dù những sự tu bổ này làm cho trị giá tài sản gia tăng, khi mãn hết quyền dụng ích.
Tuy nhiên, người dụng ích hoặc thừa kế được quyền tháo gỡ những đồ trang trí đã được gắn vào nơi dụng ích, nhưng những nơi ấy phải được chỉnh lập lại như cũ.
TIẾT II
Nghĩa vụ của người dụng ích
Điều thứ 430 – Người dụng ích hưởng dụng tài sản trong hiện trạng khi khởi đầu quyền dụng ích, song chỉ được hưởng dụng su khi đã lập biên bản nhận xét tình trạng ấy trứơc mặt sở hữu chủ hoặc sau khi đã triệu thỉnh người này.
Điều thứ 431 – Người dụng ích phải chăm sóc tài sản hưởng dụng một cách cẩn trọng và phải đảm đương những việc sửa chữa thông thừơng.
Những trường hợp sửa chữa quan trọng như lợp lại mái nhà, sửa lại sường nhà, sửa chữa tường cái, xây lại bờ đập thuộc trách vụ cùa sở hữu chủ, trừ phi sự hư hỏng do sự bất cẩn của người dụng ích.
Điều thứ 432 – Người dụng ích cũng như sở hữu chủ không có trách vụ chỉnh trang những sự hủy hoại ngẫu nhiên hoặc làm lại những công trình vì lâu ngày mà đổ nát.
Tuy nhiên, nếu sự hủy hoại xẩy ra vì một tai nạn mà một tài sản đã được bảo hiểm, số bồi khỏan thu được có thể đem dùng vào việc chỉnh trang hay việc xây cất lại theo lời yêu cầu của người dụng ích hoặc của sở hữu chủ.
Điều thứ 434 – Người dụng ích phải chịu, trong suốt thời gian dụng ích, các sắc thuế và đảm phụ đánh vào hoa lợi.
Đối với những sắc thuế đảm phụ bất thường đánh vào quyền sở hữu trong thời gian dụng ích, sở hữu chủ có nghĩa vụ đài thọ, nhưng người dụng ích phải tiền lợi; nếu người dụng ích xuất tiền trả thì có quyền đòi hoàn lại khi quyền dụng ích mãn kết.
Điều thứ 435 – Ngừơi dụng ích không có trách vụ đảm nhiệm những nghĩa vụ được bảo đảm bởi bất động sản do sự để đương cầm cố; nếu vì lẽ gì phải đứng ra trang trải, người dụng ích có thể đòi sở hữu chủ hòan lại cho mình, trừ phi khế ước dụng ích có dự liệu người dụng ích phải trả nợ trên.
Điều thứ 436 – Nếu trong thời kỳ hưởng dụng, một đệ tam nhân xâm phạm đến quyền lợi của sở hữu chủ, người dụng ích phải báo cho ngừơi này biết, bằng không, phải chịu trách nhiệm về sự tổn thất gây ra cho sở hữu chủ.
Điều thứ 437 – Người dụng ích một con vật không phải thay thế hay hoàn lại giá tiền con vật nếu con vật bị chết không phải vì lỗi của người ấy, nhưng sở hữu chủ có quyền lấy lại các súc vật.
Trong trường hợp cả một đàn súc vật bị chết cũng vậy.
Nếu đàn súc vật chỉ chết có một phần, những con nào sinh thêm về sau sẽ đem thay thế những con bị chết.
TIẾT III
Sự mãn kết quyền dụng ích
Điều thứ 438 – Quyền dụng ích mãn kết khi:
1) Người dụng ích mệnh một;
2) Quyền dụng ích và quyền sở hữu thuộc về một người kiêm nhiệm;
3) Tài sản dụng ích bị hủy hoại hoàn toàn;
4) Người dụng ích bầt hướng dụng trong thời gian 20 năm.
Điều thứ 439 – Quyền dụng ích cũng chấm dứt khi hạn kỳ ước định đã hết, hoặc khi điều kiện dự liệu cho sự mãn kỳ thực hiện.
Điều thứ 440 – Người dụng ích có thể bị truất quyền vì đã phá hoại tài sản dụng ích hay để tài sản hư hỏng vì không chăm sóc.
Trái chủ của người dụng ích có thể tham dự vào sự tranh chấp để bảo lưu quyền lợi của mình; họ cũng có thể tự quyền sửa chữa những sự hư hỏng và bảo đảm về tình trạng của tài sản trong tương lai.
Tùy trường hợp, tòa án có thể truất quyền giao trả tài sản cho sở hữu chủ với điều kiện phải trả một số tiền định kỳ cho người dụng ích cho đến khi thời hạn dụng ích mãn kết.
Điều thứ 441 - Người dụng ích có thể khước từ quyền mình, song chủ nợ của người dụng ích có quyền xin tiêu hủy sự khước từ nếu bị thiệt hại.
Điều thứ 442 – Quyền dụng ích tồn tại trên phần còn lại trong trường hợp tài sản chỉ bị hủy hoại một phần.
Điều thứ 443 – Người được quyền dụng ích trên một tòa nhà bị hủy hoại không thể đòi hưởng dụng thuở đất trên đó tòa nhà được xây cất hay các vật liệu còn lại khi tòa nhà sụp đổ, trừ phi quyền dụng ích gồm cả sở đất và tài vật.
Điều thứ 444 – Quyền dụng ích không thay đổi gì khi tài sản bị đoạn mại.
CHƯƠNG THỨ II
Quyền hành dụng và quyền cư dụng
Điều thứ 445 – Quyền hành dụng là một vật quyền tạm thời hay chung thân cho phép người thụ hưởng dùng tài sản của người khác và thu hoa lợi nhưng chỉ được dùng vừa đủ cho nhu cầu của mình và của gia quyến, kể cả những con cái sinh sau ngày khởi đầu hành dung.
Quyền cư dụng là quyền hành dung trên một căn nhà ở.
Điều thứ 446 – Sự thiết lập và mãn kết quyền cư dung và quyền hành dung cũng tuân theo những quy tắc như quyền dụng ích.
Điều thứ 447 – Nếu không có ước khoản trái ngược, người được quyền cư dung và hành dụng phải chịu những nghĩa vụ đã định ở điều 430 cho ngừơi dụng ích.
Điều thứ 448 – Quyền cư dung hay hành dung không thể đem cho thuê hay chuyển nhượng.
Điều thứ 449 – Người được chiếm ngụ toàn thể căn nhà hay hưởng thụ toàn thể hoa lợi phải đài thọ các khoản đóng góp và phí tổn trồng trọt sửa chữa, y như người dụng ích.
Nếu chỉ chiếm ngụ hay hưởng thụ hoa lợi một phần, phải chịu các khỏan thuế má và phí tổn theo tỷ lệ quyền hưởng dụng của mình.
CHƯƠNG THỨ III
Thuê mướn trường kỳ
Điều thứ 450 – Thuê mướn trường kỳ là một vật quyền thiết lập do một khế ước thuê mướn bất động sản, hạn kỳ trên mười tám năm và dưới chín mươi chín năm.
Điều thứ 451 – Chỉ ngừơi đủ tư cách di nhượng một bất động sản được quyền đem bất động sản cho thuê trường kỳ.
Điều thứ 452 – Quyền lợi và nghĩa vụ của người thuê trường kỳ do khế ước án định, nếu không thì phải chiếu các điều khỏan sau đây để áp dụng.
TIẾT I
Quyền lợi của ngừơi thuê trừơng kỳ
Điều thứ 453 – Người thuê trường kỳ có thể di nhượng quyền hưởng dụng bất động sản hoặc đem cho thuê lại bất động sản ấy, miễn là thời hạn cho thuê không vượt quá ngày mãn hạn hưởng dụng.
Điều thứ 454 – Người thuê trừơng kỳ được hưởng quyền phụ thiêm trong thời kỳ hưởng dụng.
Điều thứ 455 – Người thuê trừơng kỳ cũng được quyền hưởng nhận địa dịch trên bất động sản khác hoặc chịu nhận địa dịch trên bất động sản hưởng dụng, nhưng chỉ trong thời hạn thuê mướn mà thôi, và phải cho sở hữu chủ biết.
Nếu có hầm mỏ được khai thác nơi thuê, người thuê trừơng kỳ được hưởng quyền lợi y như ngừơi dụng ích.
Điều thứ 456 – Người thuê không được sửa đổi gì trên bất đông sản khiến tài sản bị giảm giá.
Điều thứ 457 – Nếu có tu sửa hoặc xây cất khiến bất động sản gia tăng giá trị, người thuê không được triệt hủy hay đòi bồi thường khi khế ước mãn hạn.
TIẾT III
Nghĩa vụ của ngừơi thuê trường kỳ
Điều thứ 458 – Người thuê trường kỳ phải trả tiền thuê ấn định trong khế ước và không thể viện lẽ bất động sản bi hủy hoại một phần hay không sinh lợi, hay vì không trồng trọt được do một duyên cớ ngẫu nhiên để đòi giảm tiền thuê ấy.
Điều thứ 459 – Ngừơi thuê trường kỳ không được bỏ nhà đất đã thuê dể tránh khỏi trả tiền thuê và khỏi thi hành những điều khoản đã định trong khế ước.
Điều thứ 460 – Người thuê trường kỳ phải đài thọ mọi sự tu bổ về những kiến trúc đã có trứơc khi hưởng dụng hay mới xây cất sau này chiếu theo khế ước.
Tuy nhiên, người thuê không có trách vụ xây cất lại những kiến trúc bị hủy hoại vì những hà ti sẵn có trứơc khi hưởng dụng, hay vì sự ngẫu nhiên hay trường hợp bất khả kháng.
Điều thứ 461 – Ngừơi thuê phải đài thọ các sắc thuế thường niên y như ngừơi dụng ích.
Điều thứ 462 – Sở hữu chủ có quyền xin bãi ước nếu ngừơi thuê không thi hành những điều giao kết hay làm tổn hại trầm trọng bất động sản.
THIÊN THỨ IV
Địa dịch
Điều thứ 463 – Địa dịch là dịch lụy đặt trên một bất động sản để làm thuận lợi hay tiện ích cho một bất động sản khác, thuộc quyền sở hữu của ngừơi khác.
Địa sản phải chịu dịch lụy như trên gọi là địa sản thừa dịch, địa sản được hưởng sự thuận lợi gọi là địa sản hưởng dịch.
Điều thứ 464 – Địa dịch phát sinh do địa thế tự nhiên, do hiệu lực của luật pháp hay do thỏa ước của các sở hữu chủ.
Điều thứ 465 – Địa dịch có thể liên tục hay bất liên tục, biểu kiến hay bất biểu kiến (hoặc ẩn khuất).
Địa dịch liên tục vẩn ứng dụng mà không cần có hành vi nào của đương nhân trong hiện tại, thí dụ địa dịch dẫn thủy.
Địa dịch bất liên tục là địa dịch chỉ ứng dụng nếu có hành vi hiện tại của đương nhân, thí dụ địa dịch khứ lai.
Địa dịch biểu kiến là địa dịch biểu lộ ra ngoài bằng những kiến trúc trông thấy được như cửa ra vào, cửa sổ.
Địa dịch bất biểu kiến (hoặc ẩn khuất) là địa dịch không có dấu hiệu biểu lộ bên ngoài như địa dịch bất kiến tạo.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
Địa dịch vì địa thế tự nhiên
Điều thứ 466 – Sở hữu chủ địa sản ở bên dưới phải để nước từ phần đất cao chảy xuống nếu nước chảy tự nhiên không do tay ngưới xếp đặt, và không được làm để ngăn nước, trừ phi nước chảy xuống làm trở ngại sự cư ngụ, nhưng trong trường hợp này phải dành đường cho nước thóat đi.
Sở hữu chủ phần đất cao không được quyền làm những hành vi khiến địa dịch trên phần đất thấp nặng nề thêm.
Điều thứ 467 – Địa sản có nước sông hay thủy triều chảy qua tự nhiên phải lần lượt chịu địa dịch lưu thủy tùy theo thời kỳ nước lên xúông.
Địa chủ ở ven sông, ven kinh phải để cho nứơc chảy qua sang địa sản lân cận; những địa chủ này, đến loạt họ, lại phải để cho nước chảy sang những địa sản xa hơn, cứ như thế mà tiếp tục, tùy theo nhu cầu nông nghiệp.
Điều thứ 468 – Địa chủ nào cũng có quyền sử dụng nước mưa trên đất của mình hay nước từ dưới mạch lên.
Tuy nhiên, nếu vì sử dụng hay khơi dẫn nước mà dịch lụy trên phần đất thấp gia tăng, thì phải bồi thường cho sở hữu chủ phần đất thấp.
Nếu bất động sản là thừa dịch là nhà cửa thì kể cả sân vườn phụ thuộc không thể bị buộc phải chịu gia tăng dịch lụy dầu với điều kiện bồi thường.
CHƯƠNG THỨ II
Địa dịch pháp định
Điều thứ 469 – Địa dịch pháp định có thể có tính cách công ích hoặc tư ích.
Điều thứ 470 – Địa dịch công ích pháp định có mục đích làm tiện đường ra bờ bể, bờ sông hoặc sự thiết lập hay tu bổ đường xá và các kiến trúc công ích khác.
Địa dịch công ích do những luật lệ riêng biệt chi phối.
Điều thứ 471 – Địa dịch tư ích pháp định đặt ra để giới hạn một số hành vi do một địa chủ có thể làm trên địa sản của mình sao cho khỏi xâm phạm đến những quyền lợi của địa chủ lân cận.
Điều thứ 472 – Sở hữu chủ một đỉa sản bị vây bọc không có hoặc không đủ lối ra công lộ hay thủy đạo cần cho sự khai thác địa sản của mình được quyền đòi các địa chủ lân cận để cho mình qua lại trên phần đất của họ, với điều kiện phải bồi thường những thiệt hại gây ra.
Điều thứ 473 – Lối đi sẽ mở ở chỗ nào gần nhất để ra công lộ hay thủy đạo; tuy nhiên phải lựa chỗ nào ít gây thiệt hại nhất cho thuở dịch địa.
Điều thứ 474 – Nếu sự vây bọc xẩy ra sau khi một địa sản được chia ra làm nhiều phần vì đoạn mại, đổi chác, tương phân hay một khế ước nào khác, lối đi phải lấy ở phần còn lại của địa sản bị chia cắt hay của địa sản đã làm mục tiêu của khế ước.
Nếu không thể đước, sẽ áp dụng điều 472.
Điều thứ 475 – Địa chủ nào muốn dùng nứơc mà mình có quyền sử dụng để tưới ruộng đất, có thể đòi được dẫn nước chảy qua những địa sản trung gian nhưng phải bồi thường.
Địa chủ nói trên cũng có thể, sau khi tưới ruộng đất của mình, để cho nước có một lói thoát qua những địa sản thấp hơn, nhưng phải bồi thường cho những địa sản này.
Địa dịch phòng thủy nói trên cũng có thể được công nhận cho chủ một địa sản bị ngập nước muốn tát cạn địa sản mình bằng những công tác cho nước ứ đọng thoát đi.
Trong trường hợp muốn dùng chung những công tác để tháo nước, các địa chủ lân cận hay địa chủ thửa dịch địa phải chịu một phần tương xứng phí tổn xây cất và gìn giữ
Điều thứ 476 – Địa dịch phòng thủy không thể được đem sử hành trên những địa sản có nhà ở hay những sân vườn tiếp cận với nhà ở.
Điều thứ 477 – Người chủ đất ở ven sông muốn dùng nước để tưới đất có thể xin dựa theo bờ đất của người chủ bên kia sông để xây đắp bờ đập mà lấy nước nhưng phải bồi thường sự thiệt hại gây ra.
Trong trừơng hợp muốn dùng chung bờ đập, ngừơi chủ đất bên kia sông không được đòi bồi thường mà phải chịu phân nửa phí tổn xây cất và gìn giữ bờ đập.
Điều thứ 478 – Một địa chủ phải xây mái nhà thế nào cho nước mưa chảy xuống phần đất của mình hay xuống công lộ, không được cho nước chảy xuống phần đất bên cạnh.
Điều thứ 479 – Địa chủ muốn đào giếng, đặt mộ phần, xây cất những kiến trúc hoặc hầm chứa nguy hiểm, bất tiện hay không hợp vệ sinh ở gần đất láng giềng, phải tuân theo những quy lệ về việc ấy.
Điều thứ 480 – Không được phép trồng cây nhỏ cao dưới hai thước cách đừong phân giới năm mươi phân và cây lớn cách hai thước. Nếu không đủ khỏang cách hợp lệ, người láng giềng có thể đòi triệt hủy trừ phi có thời hiệu năm (5) năm.
Điều thứ 481 – Nếu cành cây trổ sang phần đất bên cạnh, sở hữu chủ phần đất này có thể cắt bỏ. Hoa quả tự nhiên rụng xuống cũng thuộc sở hữu chủ phần đất ấy.
Sở hữu chủ cũng có quyền cắt bỏ rễ cây đâm sang phần đất mình.
Điều thứ 482 – Cộng chủ một bức tường cộng giới không được trổ cửa sổ hay lỗ sáng vào tường bằng bất kỳ cách nào dẫu là có gắn kính mờ nếu không có sự thỏa thuận của cộng chủ kia.
Điều thứ 483 – Nếu bức tường ở giáp địa sản không phải là tường chung, sở hữu chủ có thể trổ cửa sổ hay lỗ sáng nhưng phải đặt lưới sắt và gắn kính mờ, mắt lưới sắt không được rộng quá mười phân. Cửa sổ hay lỗ sáng phải cắch mặt đấy hoặc sàn nhà nếu ở trên gác, ít nhất là hai thước.
Điều thứ 484 – Cửa chính, cửa sổ, lỗ sáng và bao lơn hoặc mọi kiến trúc đâm nhô ra ngoài và trông thẳng sang địa sản lân cận phải cách đường phân giới ít nhất là hai thước tính từ phía ngoài tường có làm cửa sổ hay lỗ sáng hoặc từ mặt tường nhô ra ngoài nếu là bao lơn hay kiến trúc đâm nhô ra ngoài.
Nếu trông ngang sang địa sản lân cận, chỉ phải cách đừơng phân giới sáu mươi phân.
CHƯƠNG THỨ III
Địa dịch ước định
Điều thứ 485 – Sở hữu chủ có thể tùy tiện thiết lập trên địa sản của mình mọi địa dịch lợi cho địa sản của người khác, miễn là không trái với trật tự công.
Tác dụng và giới hạn địa dịch do văn thư thiết lập qui định, và nếu không sẽ theo các thể lệ sau đây.
TIẾT I
Sự thiết lập địa dịch
Điều thứ 486 – Địa dịch phải được thiết lập bằng văn thư và phải được đăng ký vào sổ điền địa mới đối kháng được với đệ tam nhân.
Điều thứ 487 – Nếu hai sở đất cùng một chủ mà trong thực tế, người này có tạo ra giữa hai sở đất ấy một sự liên hệ của hưởng dịch địa với thừa dịch địa, sự liên hệ này cũng không thành tựu một địa dịch trong trừơng hợp người chủ mang hẳn một trong hai sở đất cho ngừơi khác.
Chỉ trừ khi nào văn tự đoạn mại đã minh thị bảo lưu sự liên hệ nói trên, chừng ấy sự liên hệ mới tồn tại và có tính cách một địa dịch.
Điều thứ 488 – Người nào đã thiết lập một địa dịch trên tài sản của mình phải thuận nhận mọi dịch vụ cần thiết cho sự sử hành địa dịch ấy. Thí dụ địa dịch lấy nước giếng phải gồm cả quyền qua lại trên địa sản có giếng.
TIẾT II
Sự hành sử địa dịch
Điều thứ 489 – Sở hữu chủ hưởng dịch địa có quyền xây cất trên thuở dịch địa mọi công tác cần thiết cho sự sử hành và bảo tồn địa dịch.
Điều thứ 490 – Mọi phí tổn xây cất do sở hữu chủ hưởng dịch địa đài thọ trừ khi hai bên thỏa thuận khác.
Điều thứ 491 – Dù hai thỏa thuận để sở hữu chủ thừa dịch địa đài thọ các phí tổn, người này có thể bỏ phần đất chịu địa dịch cho sở hữu chủ hưởng dịch địa, để khỏi phải làm công tác trên.
Điều thứ 492 – Nếu hưởng dịch địa bị phân chia, địa dịch sẽ tồn tại cho mỗi phần đem chia, song không thể vì thế mà trở nên nặng nề hơn cho thừa dịch địa. Thí dụ, nếu là địa dịch khứ lai, tất cả các sở hữu chủ các phần chia ra chỉ được qua lại theo lối cũ.
Điều thứ 493 – Sở hữu chủ thừa dịch địa không làm được gì có thể thu hẹp sự sử hành địa dịch hay làm khó khăn sự sử hành ấy, ví dụ thay đổi tình trạng phần đất hành dụng hay di chuyển việc hành dụng sang một phần đất khác.
Tuy nhiên, nếu sự hành dụng nơi phần đất trước làm thiệt hại sở hữu chủ thừa dịch địa, hoặc ngăn cản những công tác tu bổ có lợi, người này có quyền thay thế phần đất trên bởi một phần đất khác, miễn là sự hành dung của chủ đất hưởng dịch địa cũng thuận lợi như cũ.
Điều thứ 494 – Sở hữu chủ hưởng dịch địa trong giới hạn định theo văn thư không được thay đổi gì trên địa sản của mình hay trên thừa dịch địa, khiến cho dịch địa nặng nề thêm.
TIẾT III
Sự mãn kết địa dịch
Điều thứ 495 – Địa dịch mãn kết:
a) Nếu địa thế thay đổi, làm cho không thể hành dụng địa dịch được nữa; nhưng nếu địa thế trở lại tình trạng cũ, địa dịch lại phục hồi, ví dụ một giòng suối tự nhiên hết nước rồi lại có nước; địa dịch lấy nước đã mất rồi lại phục hồi;
b) Nếu cả hai địa sản hưởng dịch và thừa dịch được sáp nhập vào quyền sở hữu của một người;
c) Nếu thừa dịch địa bị hủy hoại hòan toàn.
Điều thứ 496 – Địa dịch cũng chấm dứt nếu không được sử hành trong hai mươi năm.
Thời hạn này tính từ ngày thôi không sử hành nếu là địa dịch bất liên tục, và từ ngày có hành vi trái ngược nếu là địa dịch liên tục.
Điều thứ 497 – Nếu hưởng dịch địa thuộc quyền sở hữu vị phân của nhiều người, sự sử hành của một người đủ ngăn cản sự thời tiêu đối với mọi người.
Thời tiêu cũng bị ngăn cản, nếu không lưu thông được đối với một trong các sở hữu chủ như trong trường hợp có vị thành niên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét