Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Thẩm quyền của TAND đối với các vụ việc hngd

THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI VỤ VIỆC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH



Ts Nguyễn Văn Tiến

Thẩm quyền xét xử dân sự là giới hạn do luật định cho Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Về mặt dân sự, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và kinh doanh, thương mại. Theo tổng kết hằng năm của ngành Tòa án, vụ việc hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số những vụ việc Tòa án giải quyết. Theo điều 27, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình bao gồm:
-Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
-Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
-Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
-Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
-Tranh chấp về cấp dưỡng.
-Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định
Theo điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các việc hôn nhân và gia đình bao gồm:
-Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
-Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
-Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
-Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
-Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
-Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
-Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
Những quy định này là cơ sở pháp lý xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân về mặt dân sự, tiền đề để Tòa án nhân dân thực hiện chức năng thụ lý, giải quyết những vụ việc hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, giữa những quy định về thẩm quyền xét xử trong pháp luật tố tụng dân sự, quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2000, các văn bản hướng dẫn thi hành luật hôn nhân và gia đình, có sự không đồng nhất về quy định ở góc độ thẩm quyền cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật để xét xử.
Thứ nhất, việc thận tình ly hôn. Theo điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự, thuận tình ly hôn là việc dân sự. Theo điều 311 của Bộ luật này: Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Toà án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Theo quy định trên, Tòa án nhân dân chỉ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn khi cả vợ chồng cùng thể hiện ý chí mong muốn ly hôn và giữa họ không có tranh chấp. Thực chất của thuận tình ly hôn là việc vợ chồng tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân trên cơ sở sự nhất trí của cả hai bên về mặt ý chí. Theo điều 90 của Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định”.
Hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2000 về thuận tình ly hôn, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000. Tại điểm 9 của Nghị quyết này quy định Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Hai bên (vợ, chồng) thật sự tự nguyện ly hôn; đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Trong trường hợp nếu thiếu một trong các điều kiện nêu trên, Tòa án sẽ mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung (như ly hôn do một bên yêu cầu).
Với những quy định như trên, xuất hiện những mâu thuẫn sau:
Một, theo quy định của luật tố tụng dân sự, bản chất của việc dân sự là không có tranh chấp, xung đột về quyền lợi giữa các bên và cá nhân, cơ quan, tổ chức khi yêu cầu Tòa án giải quyết là công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý nhất định. Việc thuận tình ly hôn cũng vậy, vợ chồng chỉ yêu cầu Tòa án công nhận là hôn nhân của họ không thể tiếp tục duy trì. Vợ chồng mong muốn được giải phóng khỏi quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đó. Tuy nhiên, theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì việc thuận tình ly hôn chỉ được Tòa án chấp nhận khi họ đồng thời phải giải quyết quyết (tự nguyện và thỏa thuận) cả ba điều kiện như đề cập ở phần nêu trên. Như vậy, dù vợ chồng muốn chấm dứt hôn nhân theo ý chí của họ sẽ không được Tòa án công nhận khi các điều kiện khác (con chung, tài sản) không thỏa mãn.
Hai, theo pháp luật tố tụng dân sự, việc dân sự không có hòa giải, Tòa án nhân dân chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của người yêu cầu đưa ra khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, theo luật hôn nhân và gia đình thì khi công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án có trách nhiệm xem xét việc thỏa thuận nuôi con chung, việc chia tài sản có đáp ứng yêu cầu của luật hay không? Điều này dẫn đến mâu thuẫn là nếu vợ chồng thỏa thuận được các vấn đề trên (tự nguyện, không tranh chấp) nhưng Tòa án không công nhận vì Tòa án cho rằng không bảo vệ quyền của người vợ và con thì vấn đề đặt ra phải giải quyết thế nào? Hơn nữa, khi vợ chồng thuận tình ly hôn, Tòa án có trách nhiệm xem xét về tài sản chung của vợ chồng không? Bởi lẽ, nếu Tòa án không xem xét thì làm sao biết việc chia tài sản của vợ chồng là đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con? Ngược lại, nếu Tòa án xem xét về tài sản vợ chồng thì vụ việc không còn đúng bản chất việc dân sự và vi phạm thẩm quyền xét xử vì Tòa án chỉ được giải quyết những gì mà công dân yêu cầu? Hoặc vợ chồng thỏa thuận về tài sản chung theo quan điểm của họ là thỏa đáng, công bằng, phù hợp nhưng Tòa án thấy không thỏa đáng thì giải quyết thế nào? Trong trường hợp này, Tòa án công nhận thuận tình ly hôn hay từ chối việc giải quyết?
Như vậy, đây là sự mâu thuẫn giữa ngành luật nội dung (luật hôn nhân và gia đình) và luật hình thức (luật tố tụng dân sự) liên quan đến thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Theo chúng tôi, khi có sự xung đột này, cần phải có giải pháp hợp lý, phù hợp với cả hai ngành luật và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Luật hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện thuận tình ly hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của người vợ và con trong việc chia tài sản; chăm sóc, nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn. Ràng buộc này nhằm loại trừ những yếu tố bất lợi cho phía người vợ và con để họ khỏi bị thiệt thòi trong việc ly hôn. Tuy nhiên, quy định này lại là điều kiện cản trở việc ly hôn tự nguyện của vợ, chồng; quyền tự định đoạt của họ đối với tài sản.
Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi điều 90 của Luật hôn nhân và gia đình 2000 nên bỏ quy định điều kiện về vấn đề thỏa thuận con chung và tài sản. Bởi, quan hệ chính trong thuận tình ly hôn là việc chấm dứt hôn nhân. Đối với quan hệ con chung, tài sản là những quan hệ độc lập; nếu vợ, chồng có tranh chấp thì họ vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác. Quy định như trên vừa phù hợp với luật tố tụng dân sự về thẩm quyền, không cản trở quyền ly hôn của công dân đồng thời tạo ra cơ chế thích hợp để vợ chồng lựa chọn, quyết định việc ly hôn của mình.
Thứ hai, là việc không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án hay việc hôn nhân và gia đình? Theo quy định tại điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2000 nếu nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01.01.2001 trở đi thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Hướng dẫn thi hành quy định này, Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09.06.2000 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03.01.2001 đều quy định: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau từ ngày 3.1.87 đến trước ngày 1.1.2001 mà không đăng ký kết hôn thì kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.
Với quy định như trên, có hai quan điểm khác nhau về quan hệ này. Quan điểm thứ nhất cho rằng không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự. Cơ sở của quan điểm này cho rằng thực chất của không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án ly hôn, việc không công nhận quan hệ vợ chồng chỉ là đường lối xử lý đối với hậu quả pháp lý mà thôi. Và theo nguyên tắc, khi các bên chung sống với nhau, nếu có yêu cầu giải quyết về vấn đề con chung và tài sản thì Tòa án sẽ quyết định. Hơn nữa, tại điều 27 và 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cũng không xác định là loại việc này là vụ án hay việc dân sự. Tuy nhiên, nếu xếp việc không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án thì có một số vấn đề không ổn như sau về lý luận và quy định của pháp luật:
Một, nếu xếp không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án (giải quyết giống ly hôn) thì không đúng với quy định của pháp luật về ly hôn. Ly hôn chỉ dành cho những trường hợp mà vợ chồng có đăng ký kết hôn hoặc không đăng ký nhưng được Nhà nước công nhận là vợ chồng. Ly hôn là hình thức Nhà nước bảo hộ quyền yêu cầu chấm dứt hôn nhân của vợ, chồng. Nam, nữ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn nhưng lại được giải quyết như ly hôn là bất bình đẳng với quan hệ hôn nhân hợp pháp, hợp pháp hóa vấn đề chung sống không đăng ký kết hôn về góc độ giải quyết vụ việc tại Tòa án.
Hai, không công nhận quan hệ vợ chồng là hình thức Nhà nước không thừa nhận quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ do họ không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Tòa án chỉ giải quyết loại việc này khi có yêu cầu của một hoặc cả hai bên do có sự xung đột về lợi ích (sứt mẻ tình cảm, giải quyết con chung, tài sản). Và theo quan điểm cho rằng không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án thì khi giải quyết xung đột này, Tòa án phải tiến hành hòa giải theo hướng đoàn tụ để các bên trở về chung sống với nhau và chỉ khi hòa giải không thành, mới ra bản án không công nhận nam, nữ là vợ chồng. Như vậy, suy cho cùng, kết hôn hợp pháp và chung sống không đăng ký kết hôn là giống nhau về bản chất?
Ba, nếu xem việc Tòa án không công nhận nam, nữ là vợ chồng là đường lối xử lý đối với những trường hợp chung sống không đăng ký thì lại nảy sinh vấn đề khác là tại sao luật hôn nhân và gia đình lại quy định không công nhận quan hệ vợ chồng là một loại quan hệ pháp luật, có căn cứ để phân loại và có hậu quả pháp lý rạch ròi? Theo Luật hôn nhân và gia đình 2000, ngoài các trường hợp ly hôn, hủy việc kết hôn thì không công nhận quan hệ vợ chồng cũng là một loại quan hệ pháp luật áp dụng cho những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn (có thể có con chung, tài sản chung). Xét ở góc độ lập pháp, Nhà nước chính thức thừa nhận sự tồn tại song song giữa hôn nhân, chung sống như vợ chồng và kết hôn trái pháp luật. Cả ba loại quan hệ này đều có tiêu chí xác định và có hậu quả pháp lý do luật quy định. Do đó, nếu xếp không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án dân sự có sự vướng mắc về mặt lý luận và quy định trong luật thực định.
Quan điểm thứ hai cho rằng không công nhận quan hệ vợ chồng là việc dân sự. Quan điểm này dựa vào các tiêu chí sau:
Một, hành vi nam, nữ không có vợ, không có chồng chung sống với nhau không đăng ký kết hôn, pháp luật không cấm. Dưới góc độ luật hôn nhân và gia đình họ không phải là vợ chồng. Họ chỉ là những người chung sống với nhau và cộng đồng sở hữu về tài sản chung. Việc các bên có con chung pháp luật không cấm (con ngoài giá thú có quyền như con trong giá thú). Nếu phát sinh trách nhiệm nuôi dưỡng con đó là trách nhiệm cha, mẹ. Như vậy, việc quyết định gắn bó lâu dài hay ngắn hạn giữa nam và nữ là do họ quyết định. Tài sản giữa họ được điều chỉnh bởi luật dân sự.
Hai, do hành vi nam nữ chung sống không đăng ký kết hôn không vi phạm luật nên Nhà nước và các chủ thể khác (Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em) không được phép can thiệp, do đó, Tòa án chỉ giải quyết khi họ có yêu cầu. Và quyền hạn của Tòa án cũng chỉ là cơ quan tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng chứ không quyết định về ly hôn hoặc buộc chấm dứt quan hệ như vợ chồng như hủy kết hôn trái pháp luật. Xét ở khía cạnh này, thì không công nhận quan hệ vợ chồng lại là việc dân sự bởi vì không có yếu tố tranh chấp về quyền lợi!
Ba, hậu quả pháp lý của việc không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình giống với hậu quả pháp lý của kết hôn trái pháp luật (Nghị quyết số 35/2000/QH10 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Trong khi đó, hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định tại điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự là việc dân sự. Như vậy, không công nhận quan hệ vợ chồng là việc hay vụ án?
Theo chúng tôi, khi Bộ luật tố tụng dân sự không quy định việc không công nhận quan hệ vợ chồng là vụ án hay việc dân sự nên xác định là việc dân sự. Cơ sở của quan điểm này dựa vào các căn cứ sau:
Một, việc nam, nữ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn là hành vi hợp pháp, thể hiện ý chí của các bên trong việc thể hiện đời sống tình cảm và có thể là tiền đề để họ kết hôn. Các bên cũng nhận thức rõ trách nhiệm của họ đối với nhau cũng như hậu quả mà họ phải gánh chịu nếu không tiếp tục chung sống. Trong trường hợp các bên quyết định không chung sống với nhau nữa và tự mỗi người lựa chọn cho mình một cách sống khác thì điều đó cũng do họ quyết định. Việc có cần thiết yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ giữa họ hay không cũng là do chính họ yêu cầu, mà không một chủ thể nào khác có quyền can thiệp. Do đó, việc xác định vụ việc trên là vụ án có phần khiên cưỡng, không đúng với bản chất của sự việc.
Hai, đối với vấn đề con chung, tài sản của nam, nữ trong không công nhận quan hệ vợ chồng có đường lối xử lý như hủy việc việc kết hôn trái pháp luật. Vấn đề tài sản và con chung có thể tách thành các vụ việc khác nhau để giải quyết nếu có tranh chấp. Do đó, khi nam, nữ yêu cầu Tòa án không công nhận họ là vợ chồng, Tòa án chỉ ra quyết định không công nhận theo ý chí của họ. Nếu các bên có tranh chấp về nuôi con được giải quyết theo điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với tài sản, áp dụng điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết.
Thứ ba, quyền thăm nom con chung sau khi ly hôn. Theo điều 94 Luật hôn nhân và gia đình 2000, sau khi ly hôn, vợ, chồng là người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con chung, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Quyền thăm nom con chung không chỉ là lợi ích của cha, mẹ mà còn là điều kiện gắn bó tình cảm của con đối với người sinh ra họ. Thông qua việc thăm nom, con chưa thành niên có cơ hội gần gũi, san sẻ tình yêu thương giữa cha con, mẹ con và giúp trẻ chưa thành niên phát triển bình thường về mặt tâm lý. Điều 94, Luật hôn nhân và gia đình 2000 còn quy định thêm: trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật phát sinh tình huống là người không trực tiếp nuôi con không được người đang nuôi con cho thăm nom con thì vụ việc này có thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân? Nếu căn cứ theo tinh thần điều 94, các nguyên tắc Luật hôn nhân gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con chung trừ trường hợp bị hạn chế theo luật. Thời gian, địa điểm, cách thức, mức độ thăm nom do cha, mẹ thỏa thuận. Nhưng tại điều 27, 28 Bộ luật tố tụng dân sự và các điều còn lại của Luật hôn nhân gia đình 2000, không quy định loại việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Vậy, khi có đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết việc thăm nom con chung Tòa án có thụ lý giải quyết?
Theo chúng tôi, do luật tố tụng dân sự và luật hôn nhân và gia đình không quy định nên loại việc trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án không thể thụ lý khi sự việc mà đương sự yêu cầu không quy định trong thẩm quyền chung. Bởi, một trong các điều kiện khởi kiện là sự việc mà đương sự yêu cầu phải thuộc thẩm quyền của Tòa án và được quy định trong luật. Trường hợp Tòa án thụ lý, giải quyết những vụ việc không thuộc thẩm quyền xét xử là hành vi vi phạm pháp luật. Luật hôn nhân và gia đình 2000, không quy định thẩm quyền là sự thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền của cha, mẹ và con. Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi, bổ sung cần bổ sung về quy định này để hoàn thiện về quyền của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn.
Trên đây là một số bất cập, vướng mắc về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình. Những bất cập này làm hạn chế quyền công dân trong việc yêu cầu Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Pháp luật hôn nhân và gia đình và thẩm quyền xét xử dân sự phải có sự sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện về quy định này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét