Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Bài viết: sự im lặng đôi khi đáng sợ (ST)

Sự im lặng đôi khi rất đáng sợ!
Nếu ai đã từng xem qua bộ phim Sự im lặng của bầy cừu (phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thomas Harris) chắc chắn sẽ đồng ý với tôi rằng sự im lặng đôi khi đáng sợ biết dường nào!
Người VN hiền hòa, nhã nhặn... điều đó không ai phủ nhận. Tuy nhiên, hình như rất nhiều người đã hiểu nhầm sự im lặng đồng nghĩa với những tính cách trên để rồi những câu chuyện “cười ra nước mắt” đã xảy ra.
Tôi làm quản lý tại một nhà hàng ở TP.HCM. Qua những lần phỏng vấn tuyển dụng nhân viên, tôi thấy các bạn trẻ VN thường có một điểm chung là luôn gật đầu đồng ý với những điều tôi nói và rất ít khi hỏi kỹ lại. Khi đề cập vấn đề lương bổng, họ cũng tránh không tranh luận nhiều mà thường nhường quyền quyết định lại cho tôi!
Tôi biết chuyện tiền nong là một việc khá nhạy cảm trong văn hóa VN nên thường hỏi rất tế nhị để có thể nghe được mức lương mà các ứng viên thật sự mong muốn nhằm tiện bề thỏa thuận, nhưng hầu như 90% trường hợp có câu trả lời là “sao cũng được” hoặc... im phăng phắc!
Hậu quả của việc im lặng nói trên là tôi từng “chết đứng” khi buổi đầu tiên tiếp nhận nhân viên đào tạo: danh sách có năm nhân viên được chọn nhưng chỉ một người tới! Lần đầu tiên bị rơi vào tình huống cực kỳ bất ngờ này tôi đã toát mồ hôi vì không biết đào đâu ra đủ người để phục vụ số lượng khách đông nghẹt!
Sau này tôi được biết những người bỏ việc chủ yếu do chê mức lương thấp, trong khi trước đó họ chính là người tự từ chối quyền đàm phán mức lương của mình. Và vấn đề đáng nói hơn nữa là khi bỏ việc họ cũng không hề điện thoại, nhắn tin trước cho chúng tôi.
Sự im lặng càng kinh khủng hơn khi xuất hiện trong các lớp học! Tôi đang dạy ngoại ngữ cho một vài trung tâm và thấy học viên ở các trung tâm này có một điểm chung là im lặng! Sau khi giảng bài, tôi thường hỏi có ai còn thắc mắc hoặc có vấn đề gì cần trao đổi và tôi luôn nhấn mạnh việc không hiểu bài là rất đỗi bình thường, không có gì phải ngại. Nhưng tất cả những gì tôi nhận lại chỉ là những nụ cười trừ và những cái lắc đầu nguầy nguậy.
Thú thật nhiều khi tôi và đồng nghiệp đi dạy mà cảm thấy thời gian trôi qua thật nặng nề khi cứ mãi một mình độc thoại. Nếu như giáo viên bên nước ngoài luôn thoải mái vì họ biết sức học của lớp tới đâu (do học sinh không bao giờ ngừng đặt câu hỏi, tranh luận sau mỗi bài giảng)... thì ở VN chúng tôi dạy mà cứ rơi vào trạng thái vô chừng vì không biết người học hiểu tới đâu, hiểu bao nhiêu!
Thậm chí có đồng nghiệp còn đùa rằng muốn thành công trong nghề dạy học tại VN giáo viên cần thiết phải có bằng thạc sĩ tâm lý cao cấp! Và tôi nghĩ các nhà quản lý cũng không ngoại lệ.
Một câu nói trong những lúc cần thiết nào phải là điều quá xa xỉ? Và nếu coi sự im lặng như vậy là thể hiện sự nhún nhường, lịch sự… thì có lẽ người Pháp chúng tôi (vốn nổi tiếng rất kỹ tính trong giao tiếp) cũng phải bó tay chịu thua!
CHRISTOPHE BOURGEONNIER
(người Pháp, quản lý nhà hàng Paris Saigon, TP.HCM)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét