QUYẾT ĐỊNH SỐ 07/2003/HĐTP- DS NGÀY 26-02-2003
VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG
CHUYỂN DỊCH QUYỀN THUÊ NHÀ
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
..................
Tại phiên toà ngày 26-02-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng chuyển dịch quyền thuê nhà giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Tần, sinh năm 1936;
Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Hiển, sinh năm 1942;
Cùng trú tại nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Lương Phát, sinh năm 1929 (chồng bà Hiển); trú tại nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội.
2. Công ty Kinh doanh nhà số 2, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
NHẬN THẤY:
Căn hộ 18m2 tầng 2 nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội là nhà thuộc sở hữu Nhà nước do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý. Ngày 12-12-1992, Xí nghiệp Quản lý nhà quận Hoàn Kiếm (nay là Công ty Kinh doanh nhà số 2, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ký hợp đồng cho bà Nguyễn Thị Tần thuê trong thời hạn 5 năm, đến ngày 12- 12- 1997 hết hạn. Ngày 03-06-1993, bà Nguyễn Thị Tần đã ký giấy “biên nhận sang tên hợp đồng nhà” nhượng diện tích nhà nêu trên cho bà Nguyễn Thị Hiển với giá 12,4 lạng vàng. Bà Tần đã nhận 11,4 lạng vàng và đã giao nhà cho gia đình bà Hiển ở. Năm 1994, giữa bà Tần và bà Hiển phát sinh tranh chấp, Uỷ ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Kinh doanh nhà số 2 quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã thông báo việc chuyển nhượng này là trái phép và yêu cầu hai bên huỷ hợp đồng.
Tại Công văn số 923/QL-KD ngày 09-10-1996, Công ty Kinh doanh nhà số 2, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi bà Nguyễn Thị Tần và bà Nguyễn Thị Hiển, có nội dung: nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội là nhà biệt thự thành phố không cho chuyển nhượng, yêu cầu hai bên trở về nơi ở cũ. Bà Tần phải hoàn trả bà Hiển số tiền đã nhận. Bà Hiển không đồng ý huỷ hợp đồng.
Ngày 20-05-1997, bà Tần khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê nhà ngày 03-06-1993 giữa bà với bà Hiển.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 27-06-1998, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm quyết định:
1. Huỷ hợp đồng chuyển nhượng nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội giữa bà Nguyễn Thị Tần với bà Nguyễn Thị Hiển lập ngày 03-06-1993.
Bà Tần có trách nhiệm hoàn trả cho bà Hiển 11, 4 lạng vàng (999).
Bà Hiển và gia đình được lưu cư tại diện tích nhà trên đến khi có nơi ở mới hoặc Nhà nước lấy lại nhà. Khi trả quyền sử dụng nhà cho bà Tần, bà Hiển được nhận 11,4 lạng vàng ở bà Tần.
Bà Tần không phải thanh toán tiền sửa chữa nhà cho bà Hiển.
2. Bác các yêu cầu khác của đương sự.
3. Về án phí: Mỗi người phải nộp theo giá ngạch của 1/2 (của 11,4 lạng vàng) là 1.472.000 đồng. Bà Tần được trừ 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Ngày 03-07-1998, bà Nguyễn Thị Tần có đơn kháng cáo không đồng ý toàn bộ quyết định của Bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 56/DSPT ngày 23-04-1999, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã sửa phần chi phí sửa chữa nhà; cho bà Hiển được tháo dỡ đem theo khi giao nhà cho bà Tần, tháo dỡ không được ảnh hưởng đến chất lượng và cấu trúc nhà. Các phần khác giữ nguyên.
Bà Nguyễn Thị Tần có đơn khiếu nại cho rằng Bản án phúc thẩm xử huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà nhưng lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Hiển lưu cư là trái pháp luật.
Tại Quyết định kháng nghị số 07/KN-VKSTC-KSXXDS ngày 25-03-2002 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Bản án phúc thẩm với nhận xét: Toà án cấp phúc thẩm cũng xem xét điều kiện nhà ở hiện tại của gia đình bà Hiển, xử cho gia đình bà Hiển được lưu cư là cần thiết. Song, Bản án phúc thẩm không quy định thời hạn lưu cư đối với gia đình bà Hiển là trái với Nghị quyết của Quốc hội; đề nghị huỷ Bản án phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại, quy định thời hạn lưu cư cho gia đình bà Hiển.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 77/GĐT-DS ngày 25-04-2002, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:
Sửa Bản án phúc thẩm, xử:
- Huỷ hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà số 78 Trần Hưng Đạo, Hà Nội giữa bà Nguyễn Thị Tần và bà Nguyễn Thị Hiển lập ngày 03-06-1993.
- Bà Hiển và gia đình phải trả lại diện tích nhà đã nhận của bà Tần tại nhà số 78 Trần Hưng Đạo, Hà Nội cho bà Tần.
- Bà Hiển được tháo dỡ các vật liệu đã dùng sửa chữa nhà nhưng không được làm hư hỏng cấu trúc nhà.
- Bà Tần phải trả cho bà Hiển 11,4 lạng vàng.
- Bà Tần và bà Hiển mỗi người phải nộp 736.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho bà Tần các khoản dự phí đã nộp.
Bà Nguyễn Thị Hiển và chồng là ông Lương Phát có nhiều đơn khiếu nại Quyết định giám đốc thẩm, yêu cầu được tiếp tục sử dụng nhà vì không còn chỗ ở khác.
Tại Quyết định số 13/TK-DS ngày 22-11-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 77/GĐT-DS ngày 25-04-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Quyết định giám đốc thẩm nêu trên để giải quyết lại vụ án theo hướng phải đưa cơ quan quản lý nhà cho thuê vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê nhà số 78 Trần Hưng Đạo giữa bà Nguyễn Thị Tần với bà Nguyễn Thị Hiển; buộc bà Tần trả bà Hiển số vàng đã nhận; giao căn hộ 18m2 tại nhà 78 Trần Hưng Đạo cho cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quản lý.
Tại Kết luận số 16/KL-KSXXDS ngày 28-01-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán sửa Quyết định giám đốc thẩm số 77/GĐT-DS ngày 25-04-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao theo hướng huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê nhà giữa bà Tần với bà Hiển lập ngày 03-06-1993. Buộc bà Tần phải trả lại vàng cho bà Hiển; giao căn hộ 18m2 tầng 2 nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội cho cơ quan quản lý nhà đất xem xét việc cho thuê lại căn hộ nêu trên theo thẩm quyền.
XÉT THẤY:
Ngày 15-11-1991, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1992/QĐ-UB ban hành Quy chế tạm thời về việc chuyển dịch hợp đồng thuê nhà ở do cơ quan nhà đất thành phố quản lý có nội dung không cho phép chuyển dịch hợp đồng thuê nhà thuộc loại biệt thự tại phố Trần Hưng Đạo.
Ngày 09-10-1996, tại Công văn số 923/QLKD, Công ty Kinh doanh nhà số 2, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi bà Nguyễn Thị Tần và bà Nguyễn Thị Hiển đã thông báo nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội không được phép chuyển dịch hợp đồng thuê nhà ở, yêu cầu bà Nguyễn Thị Tần và bà Nguyễn Thị Hiển huỷ bỏ hợp đồng. Do đó, việc bà Tần viết “giấy biên nhận sang tên hợp đồng nhà” để chuyển nhượng diện tích 18m2 tầng 2 nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội mà bà Tần thuê của nhà nước cho bà Hiển là vi phạm khoản 6 Điều 25, điểm e khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh Nhà ở ban hành ngày 26-03-1991 và Quyết định số 1992/QĐ-UB ngày 15-11-1991 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xác định hợp đồng chuyển dịch hợp đồng thuê nhà giữa bà Nguyễn Thị Tần và bà Nguyễn Thị Hiển lập ngày 03-06-1993 là vô hiệu và buộc bà Nguyễn Thị Tần phải trả cho bà Nguyễn Thị Hiển 11,4 lạng vàng là đúng. Do hợp đồng chuyển nhượng 18m2 nhà nêu trên bị tuyên bố là vô hiệu; trong khi đó, hợp đồng thuê nhà giữa bà Nguyễn Thị Tần với Công ty Kinh doanh nhà số 2, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã hết hạn từ năm 1997 và bà Tần không ký lại hợp đồng thuê nhà. Thực tế, bà Tần đã không còn nhu cầu sử dụng căn hộ này nữa, nhưng Toà án các cấp lại xử buộc bà Hiển trả nhà lại cho bà Tần là không đúng. Mặt khác, khi xét xử, Toà án cần đưa cơ quan quản lý nhà đất thành phố Hà Nội vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đồng thời, phải căn cứ khoản 5 Điều 24 Pháp lệnh Nhà ở giao căn hộ 18m2 tầng 2 nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội cho cơ quan quản lý nhà đất thành phố Hà Nội quản lý và giải quyết việc cho thuê nhà theo quy định của pháp luật.
Tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 56/DSPT ngày 23-04-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định giám đốc thẩm số 77/GĐT-DS ngày 25-04-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xử phúc thẩm lại vụ án.
Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Chấp nhận Kháng nghị số 13/TK-DS ngày 22-11-2002 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
2. Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 56/DSPT ngày 23-04-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và Quyết định giám đốc thẩm số 77/GĐT-DS ngày 25-04-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã xử vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển dịch quyền thuê nhà số 78 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tần với bị đơn là bà Nguyễn Thị Hiển.
3. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển dịch quyền thuê nhà giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tần với bị đơn là bà Nguyễn Thị Hiển theo thủ tục chung.
Lý do Bản án phúc thẩm, Quyết định giám đốc thẩm bị huỷ:
Nguyên đơn không ký lại hợp đồng thuê nhà và thực tế không còn nhu cầu sử dụng căn hộ đã từng thuê nhưng Toà án lại xử buộc bị đơn phải trả lại căn hộ đó cho nguyên đơn là không đúng. Hơn nữa, các Toà án lại không đưa Cơ quan quản lý nhà đất thành phố tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2003/HĐTP-DS NGÀY 26-02-2003
VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP QUYỀN
SỞ HỮU NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
.....................
Tại phiên toà ngày 26-02-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án về tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá giữa các đương sự :
Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam; có trụ sở tại phòng l03 K1 Tập thể Thành Công, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, do ông Nguyễn Quốc Hoài là giám đốc đại diện;
Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương, có trụ sở tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, do ông Nguyễn Hữu Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn làm đại diện theo uỷ quyền;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Đặng Minh Tuấn, trú tại nhà số 12, ngõ 9, phố Sơn Tây, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
2. Ông Nguyễn Tuấn Anh, trú tại nhà số 9, Lê Gia Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
NHẬN THẤY:
Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam do ông Nguyễn Quốc Hoài làm giám đốc được thành lập theo giấy phép số 35/GP-UB ngày 11-12-1993 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và được bổ sung chức năng kinh doanh mặt hàng ăn uống theo Quyết định số 3730/QĐ-UB ngày 14-10-1995 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngày 30-05-1996, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam ký hợp đồng thuê nhà số 47 Trần Xuân Soạn của ông Nguyễn Hữu Lâm với thời hạn 3 năm để mở nhà hàng ăn uống có tên gọi là Nhà hàng Phù Đổng. Nhà hàng Phù Đổng do 5 người góp vốn kinh doanh là các ông: Nguyễn Quốc Hoài, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Hữu Long (ông Thành và ông Long là em ruột của ông Lâm). Trong quá trình kinh doanh dịch vụ ăn uống thì ngày 31-07-1998, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận số 32102 (Theo Quyết định số 2905/QĐNH ngày 19-09-1999) bảo hộ nhãn hiệu Nhà hàng Phù Đổng với lô gô gồm có hình vẽ nhà hàng và hình người cưỡi ngựa cho dịch vụ cửa hàng ăn uống giải khát thuộc nhóm 42. Do hết hạn hợp đồng thuê nhà và ông Lâm không cho thuê nữa nên ngày 26-07-1999, các ông Hoài, Tuấn Anh và Tuấn đã lập giấy bán phần tài sản đầu tư vào cửa hàng cho ông Lâm với giá 260.000.000 đồng một suất, ba suất là 780.000.000 đồng. Sau đó các ông Hoài, Tuấn Anh và Tuấn thuê nhà số 32 Thi Sách để mở lại nhà hàng Phù Đổng.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương được thành lập theo giấy phép số 4503 GP/TLDN ngày 17-07-1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Hữu Thành làm giám đốc được phép kinh doanh mặt hàng ăn uống. Ngày 18-07-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương thành lập nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn để kinh doanh ăn uống, giải khát và giao cho ông Lâm làm chủ nhà hàng.
Vào ngày 23-11-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có ký hợp đồng với báo Hà Nội mới để thông báo chuyển địa điểm nhà hàng Phù Đổng từ nhà số 47 Trần Xuân Soạn về nhà số 32 Thi Sách. Sau đó, ngày 08-12-1999, ông Lâm có ký hợp đồng với báo Hà Nội mới để đăng lời cám ơn của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương vào các ngày 07, 08, 09 tháng 12 năm 1999 với nội dung là nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương số 47 Trần Xuân Soạn Hà Nội, chúng tôi xin chân thành cám ơn quý khách đã dành tình cảm đến với nhà hàng chúng tôi trong thời gian qua... đồng thời, có sử dụng một phần lô gô mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ là hình vẽ nhà hàng in trên góc tờ đăng tin quảng cáo.
Ngày 20-12-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn khởi kiện về việc ông Lâm vi phạm quyền nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Ngày 27-01-2000, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương có đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận số 35309 (theo Quyết định số 2314/QĐNH ngày 30-10-2000) bảo hộ nhãn hiệu chữ Phù Đổng Thiên Vương cho dịch vụ buôn bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, đại lý mua, đại lý bán, ký gửi hàng hoá; mua bán đồ ăn thức uống các loại thuộc nhóm 35.
Ngày 19-10-2001, Cục Sở hữu công nghiệp có Công văn số 305 thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá nêu trên đối với nhóm dịch vụ mua bán đồ ăn thức uống các loại và cho rằng đó là sai sót của Cục Sở hữu công nghiệp khi làm giấy chứng nhận bảo hộ.
Theo ông Hoài, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam thì việc ông Lâm lấy tên nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương là xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ là Phù Đổng. Ông Lâm phải dỡ bỏ biển hiệu đang treo trước cửa nhà hàng vì cố tình tạo nên nhầm lẫn cho khách hàng. Ông Lâm phải chấm dứt việc quảng cáo sai sự thật cũng như việc sử dụng nhãn hiệu mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ khi quảng cáo.
Theo lời trình bày của ông Lâm thì nhà hàng ăn uống của ông lấy tên gọi nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương là hoàn toàn đúng vì nhà hàng này nằm ở phố Phù Đổng Thiên Vương và thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương. Việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đăng thông báo chuyển địa điểm từ nhà số 47 Trần Xuân Soạn sang nhà số 32 Thi Sách là việc làm trái thoả thuận 2 bên đã ký ngày 26-07-1999 và nhằm gây khó khăn cho ông khi mở nhà hàng ở nhà số 47 Trần Xuân Soạn. Do vậy, ông phải đăng quảng cáo vào các ngày 07, 08, 09-12-1999, nhưng nội dung quảng cáo của ông không có gì sai, còn hình vẽ ông sử dụng ở góc tờ quảng cáo chính là hình ảnh ngôi nhà của ông. Do vậy, ông không chấp nhận một yêu cầu nào của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam.
Theo lời trình bày của các ông Tuấn Anh và Tuấn thì hai ông nhất trí với lời khai của ông Hoài và uỷ quyền cho ông Hoài giải quyết.
Theo lời trình bày của các ông Thành và ông Long thì nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương, nhưng ông Lâm có toàn quyền trong việc kinh doanh, quảng cáo. Đồng thời ông Thành và ông Long cùng uỷ quyền cho ông Lâm giải quyết.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 28/DSST ngày 07-07-2000, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đối với ông Nguyễn Hữu Lâm chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương về việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và xử như sau:
Ông Lâm có trách nhiệm sửa lại phần biển hiệu cửa hàng ở mặt phố (phía gần phố Phù Đổng Thiên Vương) sao cho chữ Phù Đổng Thiên Vương có chung một kích thước để trên cùng một mặt phẳng không gian, có màu sắc và thiết kế dễ đọc.
Xác nhận việc sử dụng tên gọi nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương, việc quảng cáo của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương vào Tháng 12-1999 và tháng 01-2000 của ông Lâm trên phương tiện thông tin đại chúng và tại nhà hàng là không xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ theo giấy chứng nhận số 32102 ngày 19-09-1999 của Cục Sở hữu công nghiệp.
Bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về việc xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đối với ông Lâm.
Bác các yêu cầu khác của các đương sự.
Ngày 21-07-2000, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam kháng cáo không đồng ý quyết định của Bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 181/DSPT ngày 21-11-2001, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đối với ông Nguyễn Hữu Lâm chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương địa điểm nhà số 47 Trần Xuân Soạn về việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và xử như sau:
Buộc ông Lâm là chủ nhà hàng nhà số 47 Trần Xuân Soạn không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá mang biển hiệu nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương và sử dụng lô gô có hình người cưỡi ngựa và dòng chữ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở bao bì đũa ăn và bao bì giấy ăn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát.
Chấp nhận Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không yêu cầu ông Lâm phải bồi thường thiệt hại.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Hữu Lâm có đơn khiếu nại cho rằng, nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương nên bị đơn của vụ án phải là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương.
Tại Quyết định số 04/KN-KSXXDS ngày 08-01-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên với nhận định:
Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phù Đổng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phù Đổng Thiên Vương đều được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá ở nhóm dịch vụ “Đồ ăn thức uống”. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại Cục Sở hữu công nghiệp có Quyết định số 305 ngày 19-10-2001 thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 35309 đã cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đối với nhóm dịch vụ “Đồ ăn thức uống” và cho rằng, đó là sai sót của Cục Sở hữu công nghiệp khi làm giấy chứng nhận bảo hộ. Như vậy, nhóm dịch vụ “Đồ ăn thức uống” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương không được bảo hộ chữ Phù Đổng Thiên Vương khi có chủ nhà hàng khác xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá trong cùng nhóm dịch vụ. Việc rút bảo hộ đó của Cục Sở hữu công nghiệp không đồng nghĩa với việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Vì Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chữ nhà hàng Phù Đổng, còn Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương lấy tên cửa hàng là Phù Đổng Thiên Vương. Giữa hai cụm từ này hoàn toàn khác nhau về kết cấu của câu và số lượng chữ của biển hiệu, không thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Mặt khác, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương có trụ sở tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn và có một mặt trụ sở nằm trên mặt phố Phù Đổng Thiên Vương. Vì vậy, việc đăng biển Phù Đổng Thiên Vương cũng là bình thường, không xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam, không gây nhầm lẫn cho khách hàng và không vi phạm các quy định của pháp luật về việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ. Nhưng án phúc thẩm buộc ông Lâm phải dỡ bỏ biển hiệu Phù Đổng Thiên Vương là chưa có cơ sở.
Mặt khác, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gồm 2 sáng lập viên là ông Nguyễn Hữu Thành và ông Nguyễn Hữu Long. Nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đứng tên đăng ký và nộp thuế làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, nay có tranh chấp về biển hiệu cửa hàng, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đưa ông Nguyễn Hữu Lâm 1à bị đơn của vụ kiện trong khi ông Lâm không phải là thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương là chưa chính xác.
Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm nêu trên.
XÉT THẤY:
Ngày 18-07-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương thành lập nhà hàng kinh doanh ăn uống, giải khát tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn và lấy tên là Phù Đổng Thiên Vương. Đến Tháng 12-1999, ông Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương có đăng lời cám ơn của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương trên báo không đúng sự thật nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn khởi kiện gửi đến Toà án và Cục Sở hữu công nghiệp khiếu nại về việc ông Lâm đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã được bảo hộ. Ngày 02-02-2000, Cục Sở hữu công nghiệp đã có Công văn số 105/SHCN-KN trả lời Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam là nếu ông Lâm sử dụng nhãn hiệu Phù Đổng Thiên Vương thì hành vi đó có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ nhãn hiệu hàng hoá, được quy định tại Điều 805 Bộ luật Dân sự. Ngày 14- 02-2000, ông Nguyễn Thanh Hồng là phó phòng quản lý pháp chế Cục Sở hữu công nghiệp cũng có ý kiến là ông Lâm hiện đang kinh doanh nhà hàng ăn uống thì việc quảng cáo của ông Lâm là xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam, cụ thể là xâm phạm chữ Phù Đổng và xâm phạm hình ảnh nhà hàng. Ngày 30-10-2000, Cục Sở hữu công nghiệp có Quyết định số 2314/QĐNH cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 35309 cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đối với dịch vụ buôn bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, đại lý mua, đại lý bán, ký gửi hàng hoá, nhưng tại giấy chứng nhận số 35309 lại ghi bảo hộ nhãn hiệu chữ Phù Đổng Thiên Vương cho các dịch vụ nêu trên và có thêm cụm từ mua bán đồ ăn thức uống các loại thuộc nhóm 35. Tuy nhiên, Cục Sở hữu công nghiệp đã thừa nhận đây là sai sót trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của Cục Sở hữu công nghiệp, không phản ánh quá trình xem xét nội dung đơn đăng ký theo các quy định của pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá. Cục Sở hữu công nghiệp đã khẳng định là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương không có quyền sử dụng nhãn hiệu Phù Đổng Thiên Vương đối với dịch vụ “mua bán đồ ăn thức uống”. Ngày 19-10-2001, Cục Sở hữu công nghiệp có Quyết định số 305/QĐ.KN thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 35309 đã cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đối với nhóm dịch vụ “mua bán đồ ăn thức uống”. Việc rút bảo hộ này của Cục Sở hữu công nghiệp đồng nghĩa với việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương không được lấy tên biển hiệu cửa hàng ăn uống, giải khát là Phù Đổng Thiên Vương. Vì vậy, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương làm đại diện không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá mang biển hiệu nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương và sử dụng lô gô có hình người cưỡi ngựa và dòng chữ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở bao bì đũa ăn và bao bì giấy ăn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát là đúng.
Nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương do Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương thành lập, đồng thời cũng chính do Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương có đơn gửi Cục Sở hữu công nghiệp để đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho cửa hàng là Phù Đổng Thiên Vương. Nay có tranh chấp về biển hiệu cửa hàng thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương phải tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn mới đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Thành là giám đốc đại diện đã được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời, ông Thành với tư cách là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương lại uỷ quyền cho ông Lâm chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở nhà số 47 Trần Xuân Soạn có trách nhiệm giải quyết mọi vướng mắc liên quan đến pháp luật đối với vụ kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Vì vậy, quyền lợi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương vẫn được bảo đảm, nên chỉ cần sửa lại bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là người đại diện theo uỷ quyền là được. Do đó, không cần thiết phải huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 181/DSPT ngày 21-11-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 28/DSST ngày 07-07-2000 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về việc giải quyết tranh chấp nhãn hiệu hàng hoá giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam và ông Lâm để đưa Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;
Căn cứ vào Điều 785, khoản 3 Điều 805 Bộ luật Dân sự;
Căn cứ vào Điều 6 (1.b) Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về Sở hữu công nghiệp;
Căn cứ vào Điều 11 Nghị định số 70/CP ngày 12-06-1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án.
QUYẾT ĐỊNH:
Sửa Bản án dân sự phúc thẩm số 181/DSPT ngày 21-11-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và xử như sau:
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở nhà số 47 Trần Xuân Soạn làm đại diện không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá mang biển hiệu nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương và sử dụng lô gô có hình người cưỡi ngựa và dòng chữ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở bao bì đũa ăn và bao bì giấy ăn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát.
Chấp nhận sự tự nguyện Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là người đại diện phải bồi thường thiệt hại.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là người đại diện phải nộp 50.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí là 50.000 đồng đã nộp tại hoá đơn số 000548 ngày 21-01-2000 do Đội Thi hành án quận Hai Bà Trưng thu và tiền dự phí kháng cáo là 50.000 đồng nộp tại hoá đơn số 005033 ngày 21-07-2000 do Phòng Thi hành án thành phố Hà Nội thu, tổng cộng là 100.000 đồng.
Lý do sửa Bản án phúc thẩm:
Bên nguyên đơn đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá đối với biển hiệu Phù Đổng cùng lôgô của Nhà hàng ăn uống. Về nội dung, Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định đúng bản chất của sự việc, nhưng xác định không đúng bị đơn trong vụ án, nên Hội đồng giám đốc thẩm đã sửa lại địa vị tham gia tố tụng.
QUYẾT ĐỊNH SỐ 10/2003/HĐTP-DS NGÀY 24-03-2003
VỀ VỤ ÁN ĐÒI NGÔI MIẾU THỜ
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
.....................
Tại phiên toà ngày 24-03-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án đòi ngôi miếu thờ tại số 12/4, đường Quân sự, phường 11, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh giữa các đương sự :
Nguyên đơn: Bà Vương Thị Lệ, sinh năm 1922; trú tại nhà số 12/4 C, đường Quân sự, phường 11, quận 11, thành phố Hồ chí Minh;
Bị đơn: Bà Trương Thị Ánh Ngọc, sinh năm 1956; trú tại nhà số 12/4 Đường Quân sự, phường 11, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban đại diện Hội phật giáo quận 11, có bà Nguyễn Thị Soi- pháp danh Như Huệ, sinh năm 1945; trú tại chùa Huệ Lâm, số 130, đường Hùng Vương, phường 2, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
NHẬN THẤY:
Theo nguyên đơn bà Vương Thị Lệ trình bày thì căn nhà số 12/4 đường Quân sự (hiện đang tranh chấp) do vợ chồng các cụ Vương Văn Do (cha của bà Lệ), Đặng Thị Thơm (mẹ kế của bà Lệ) xây cất trên đất của người khác. Sau khi cụ Do chết (khoảng năm 1960), cụ Thơm tu tại nhà trên và hành nghề cạo gió. Ngày 27-12-1977, cụ Thơm đã đứng tên kê khai nhà trên theo quy định của Nhà nước. Ngày 08-11-1985, cụ Thơm đã lập giấy uỷ quyền và di chúc để lại căn nhà số 12/4 trên cho bà Lệ có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường 11. Ngày 11-11-1985, cụ Thơm chết, nhà trên bỏ trống. Ngày 14-12-1989, bà Vương Thị Út (em gái bà Lệ) đã nhập hộ khẩu vào nhà số 12/4. Ngoài ra, bà Lệ còn cho bà Trần Thị Năm ( người bà con) ở đậu tại nhà này để tụng kinh và nhang khói cho cụ Thơm. Ngày 30-10-1989, được bà Năm giới thiệu và được sự đồng ý của bà Lệ, bà Trương Thị Ánh Ngọc đã làm đơn xin nhập hộ khẩu vào nhà số 12/4 để ở, chăm sóc nhà này theo yêu cầu của chủ hộ. Ngày 27- 12-1989, bà Lệ ký đơn xin bảo lãnh cho bà Ngọc được di chuyển hộ khẩu thường trú đến nhà số 12/4 để tiện việc nhang khói cho ông bà của bà Lệ. Ngày 18-01-1990, bà Ngọc chính thức được nhập khẩu vào nhà trên với tư cách ở đậu. Sau đó, bà Năm đi làm lễ nhập hạ vắng nhà, việc thắp đèn nhang khói do bà Ngọc đảm nhiệm; khi bà Năm quay trở về thì bị bà Ngọc xua đuổi nên bà Năm tự ái bỏ đi tu ở nơi khác. Sau đó, bà Ngọc còn tự ý dời bàn thờ cụ Thơm vào một góc nhà, rước tượng phật về thờ, thay đổi đồ vật, sửa chữa lại nhà, tự tiện cho người lạ vào tạm trú mà không khai báo với chính quyền địa phương, tự dựng bảng hiệu chùa trái phép (đã bị chính quyền buộc tháo dỡ 2 1ần). Vì bà Ngọc không thực hiện đúng yêu cầu của bà Lệ là vào ở đậu và thắp hương nhang khói cho cụ Thơm thay bà Lệ nên bà Lệ yêu cầu bà Ngọc phải chuyển đi nơi khác, giao nhà lại để bà Lệ cho người khác vào thờ cúng theo tín ngưỡng.
Theo bị đơn bà Trương Thị Ánh Ngọc trình bày thì trước đây, bà Ngọc tu tại chùa Định Thành. Năm 1989, bà Lệ kêu bà Ngọc về ngụ tại nhà số 12/4 để nhang khói cho cụ Thơm. Bà Ngọc được bà Lệ bảo lãnh cho nhập khẩu vào nhà trên, ngày nhập tự có sự chứng kiến của nhiều người. Trước khi bà Ngọc vào ở, căn nhà số 12/4 là một ngôi miếu do cụ Thơm tạo dựng để thờ cúng theo tín ngưỡng phật giáo. Sau đó, bà Ngọc đã bỏ nhiều công sức để tôn tạo miếu trên thành tịnh thất tên là '' Phước Hoà''. Hiện nay, tịnh thất này do Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Bà Ngọc đồng ý sẽ dời đi nơi khác nếu có quyết định của Ban đại diện Phật giáo quận 11, đồng thời, bà Lệ phải hoàn trả tiền sửa chữa nhà cho bà Ngọc.
Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 trình bày: cụ Thơm là vợ sau của cụ Do. Năm 1948, do mâu thuẫn với con riêng của chồng nên cụ Thơm mới xuất gia ngụ tại miếu "Ngũ Hành'' còn gọi là ''miếu bà Năm'' để tu. Sau đó, bá tánh cúng tiến, công đức mới tạo thành tịnh thất như hiện nay. Ngày 01-11-1977, cụ Thơm đã lập giấy hiến tịnh thất trên cho Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11, đã vào sổ gốc của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11 và được đưa vào danh mục tịnh thất thuộc Ban trị sự Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản 1ý, sử dụng. Ngoài ra, Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 còn cho rằng: Sư cô Diệu Hoà là pháp danh của cụ Đặng Thị Thơm chỉ tu, cạo gió, cắt lễ tại đây; Sư cô Diệu Hoà không phải là chủ sở hữu ngôi tịnh thất trên. Trước khi chết, cụ Thơm ốm mê man trong thời gian khá dài nên không thể lập được di chúc ngày 08-11-1985. Hơn nữa, bản di chúc của cụ Thơm lập ngày 08-11-1985, chính quyền địa phương lại xác nhận ngày 07-11-1985 (trước 1 ngày) là không hợp lý. Cụ Vương Văn Do có 3 người con gồm các ông bà Vương Thị Lệ, Vương Văn Được và Vương Thị Út, nhưng trong bản di chúc lại chỉ xác định chỉ có bà Vương Thị Lệ là con duy nhất là không đúng, nên bản di chúc trên là giả mạo, không phải là ý nguyện của cụ Thơm. Năm 1983, bà Lệ đã bán căn nhà cũng mang số 12/4 (có 5 căn mang cùng số 12/4) nên ngôi tịnh thất mang số 12/4 không phải của vợ chồng các cụ Vương Văn Do, Đặng Thị Thơm tạo lập nên; cụ Thơm chỉ có công sức cùng bá tánh tôn tạo từ một ngôi miếu thành một tịnh thất.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 122/DSST ngày 30-09-1996, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu của bà Vương Thị Lệ.
- Buộc bà Trương Thị Ánh Ngọc phải giao trả nhà số 12/4 Đường Quân sự, phường 11, quận 11, cho bà Vương Thị Lệ trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
- Bà Vương Thị Lệ phải bồi hoàn tiền sửa chữa nhà cho bà Ngọc một số tiền là 14.337.139 đồng.
- Việc giao tiền và trả nhà phải thực hiện cùng một lúc.
- Án phí dân sự sơ thẩm bà Ngọc phải chịu 50.000 đồng, bà Lệ phải chịu 716.860 đồng.
- Hoàn lại tiền tạm ứng án phí cho bà Lệ theo biên lai số 50 ngày 11- 01- 1996.
- Về lệ phí giám định sửa chữa, bà Lệ chịu (bà Lệ đã nộp).
Ngày 04-l0-1996, bà Ngọc và Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 có đơn kháng cáo.
Tại Quyết định số 197/ DSPT ngày 01-08-1997, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, chờ quy định mới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định :
1 .Chấp nhận yêu cầu của bà Vương Thị Lệ. Buộc bà Trương Thị Ánh Ngọc phải giao trả ngôi nhà số 12/4 đường Quân sự, phường 11 cho bà Vương Thị Lệ đại diện quản lý sử dụng. Bà Vương Thị Lệ đại diện phải bồi hoàn tiền trả nhà cho bà Trương Thị Ánh Ngọc là 14.337.239 đồng. Việc giao tiền trả nhà phải thực hiện cùng một lúc.
2. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Toà Phúc thẩm không xét.
3. Bà Trương Thị Ánh Ngọc phải chịu 50.000 đồng án phí phúc thẩm. Đại diện Hội Phật giáo quận 11 phải chịu 50.000 đồng án phí phúc thẩm.
Bà Ngọc, Ban đại điện Hội Phật giáo quận 11 và Ban trị sự Thành Hội phật giáo thành phố Hồ Chí Minh có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định số 02/KN-DS ngày 08-01-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000 nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ tất cả các Bản án về vụ án này, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.
XÉT THẤY:
Sau khi bà Vương Thị Lệ có đơn khởi kiện đòi bà Trương Thị Ánh Ngọc trả ngôi nhà số 12/4 đường Quân sự, Ban Đại diện Hội phật giáo quận 11 xuất trình bản kê khai đề ngày 01-11-1977 có nội dung cụ Thơm hiến tịnh thất (nhà số 12/4 trên) cho Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11 và cho rằng nhà số 12/4 đã được đưa vào danh mục tịnh thất thuộc Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản lý, sử dụng. Toà án đã đưa Ban đại diện Hội phật giáo quận 11 tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ. Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 có yêu cầu độc lập, đề nghị Toà án xác định nhà số 12/4 đường Quân sự thuộc sở hữu tôn giáo, nhưng Toà án không buộc họ nộp tạm ứng án phí và tại phần quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã không xem xét giải quyết yêu cầu của Ban đại diện Hội phật giáo quận 11 mà vẫn buộc Ban đại diện Hội phật giáo quận 11 phải chịu 50.000đ án phí phúc thẩm là không đúng pháp luật. Ngoài ra, hầu hết các giấy tờ do các bên xuất trình đều là bản phôtô, chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, Toà án cũng chưa xác minh làm rõ tính hợp pháp của bản kê khai ngày 01-11-1977, chưa xác minh xem sổ gốc của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11 có sự việc hiến nhà của cụ Thơm hay không, mà quyết định ngay bà Ngọc phải giao trả ngôi nhà số 12/4 đường Quân Sự cho bà Lệ đại diện quản lý sử dụng là chưa có căn cứ vững chắc. Mặt khác, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều xác định nhà số 12/4 đường Quân Sự (hiện đang tranh chấp) thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Do, cụ Thơm nhưng lại không đưa các ông bà Vương Văn Được, Vương Thị Út vào tham gia tố tụng là vi phạm.
Vì vậy, cần phải xác minh, làm rõ các vấn đề nêu trên và giải quyết lại vụ án theo đúng qui định của pháp luật.
Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Bản án dân sự sơ thẩm số 122/DSST ngày 30-09-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
2. Giao hồ sơ vụ án trên cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác minh, xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Lý do Bản án phúc thẩm bị huỷ.
Toà án đã xác định Ban đại diện Hội phật giáo Quận 11 TP. Hồ Chí Minh tham gia tố tụng với tư¬ cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nh¬ưng lại không xem xét giải quyết yêu cầu của họ là không đúng pháp luật. Giấy tờ do các bên xuất trình đều là bản phô tô coppy chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, như¬ng Toà án cũng không xác minh làm rõ tính hợp pháp của các giấy tờ đó là chưa bảo đảm tính giá trị pháp lý của chứng cứ. Toà án cũng không đưa một số ngư¬ời có liên quan khác tham gia tố tụng là thiếu sót, không bảo đảm tính toàn diện trong việc giải quyết vụ án.
QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2003/HĐTP-DS NGÀY 24-03-2003
VỀ VỤ ÁN ĐÒI NỀN NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH KHÁC
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
..................
Tại phiên toà ngày 24-03-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án đòi nền nhà và công trình khác giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Thái Thị Xuân Hoa, sinh năm 1936; trú tại nhà số 8 đường Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Bị đơn: Ông Nguyễn Xăng, sinh năm 1943, và vợ là bà Nguyễn Thị Lèo, sinh năm 1953; đều trú tại nhà số 8B đường Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trần Thị Dĩ, sinh năm 1926 uỷ quyền cho Luật sư Phan Bạch Mai, sinh năm 1958; trú tại số 15 Lê Quý Đôn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
2. HTX Cơ giới nhẹ Trường Nguyên do ông Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng Ban kiểm soát đại diện.
3. Ông Mai Xuân Cường, nguyên Chủ nhiệm HTX Trường Nguyên năm 1979; trú tại khu Đất Lành, Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
4. Ông Trần Nhánh, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Trường Nguyên năm 1979; trú tại nhà số 58 Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
5. Anh Nguyễn Văn Ba trú tại tổ 10 khu phố 5, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
NHẬN THẤY:
Theo bà Hoa khai: Do còn nợ anh Nguyễn Văn Ba 200đồng tiền mới nên năm 1976, bà Hoa đã thục cho anh Ba một căn nhà mái tôn vách ván, nền xi măng, có diện tích 6,5m x 20m = 130m2 tại số 8 đường Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang để hoãn nợ (những lời khai sau bà Hoa lại nói là cho anh Ba mượn nhà) sau đó bà Hoa đi làm rẫy ở Cam Ranh. Năm 1979, bà Hoa về thấy gia đình ông Xăng, bà Lèo ở nhà của bà. Bà đến gặp gia đình anh Ba thì được biết, anh Ba đã vượt biên, nên cha mẹ anh Ba là ông Chánh và bà Dỹ cho biết anh Ba cho HTX Trường Nguyên mượn nhà. Do không hiểu chính sách của Nhà nước lúc đó nên bà Hoa cho rằng HTX trưng dụng nhà của bà nên bà không có ý kiến gì với ông Xăng, vì ông Xăng là người trong Ban quản trị HTX.
Năm 1992, ông Xăng tự tháo dỡ nhà và đến gặp bà Hoa yêu cầu ký giấy để ông Xăng bán nhà cho người khác. Vì vậy, bà không ký giấy và ngày 20-10-1992, bà có đơn gửi UBND phường, nhưng giải quyết chưa xong mà ông Xăng vẫn làm nhà nên ngày 24-11-1992 bà Hoa khởi kiện đến Toà án yêu cầu vợ chồng ông Xăng trả nhà và đất (BL 171).
Vợ chồng ông Xăng trình bày:
Năm 1979, tôi có mua lại nhà số 8B Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang của HTX Trường Nguyên. HTX có đưa giấy sang nhượng nhà giữa ông Chánh với HTX cho tôi, tôi nghĩ giấy tờ như vậy là đủ.
Từ năm 1979 đến nay, chúng tôi vẫn ở căn nhà này. Năm 1992, tôi tháo vật liệu nhà cũ để làm nhà tạm thì bà Hoa mới tranh chấp. Trong quá trình ở đó, bà Hoa không có ý kiến gì, nay bà Hoa đòi, tôi không đồng ý trả nhà đất.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Dĩ trình bày: năm 1976, tôi có nghe con tôi là anh Ba nói lại bà Hoa có mượn của anh Ba tiền và bà Hoa cho anh Ba ở nhờ tại căn nhà làm mắm, khi nào bà Hoa trả tiền thì con trả nhà cho bà, việc con tôi ở nhờ không có giấy tờ gì. Năm 1979, con tôi đã mất tích, sau đó, tôi có nghe chồng tôi là ông Chánh nói đã bán căn nhà nêu trên của bà Hoa cho HTX Trường Nguyên. Tôi chỉ biết như vậy, nhưng tôi không được cầm tiền, còn chữ ký mang tên tôi trong giấy bán nhà cho vợ chồng ông Xăng, bà Lèo là giả mạo.
Ông Nhánh, nguyên là Phó Chủ nhiệm HTX Trường Nguyên năm 1979, khai: ông có thay mặt HTX đứng ra mua nhà do ông Chánh bán (nhà không có giấy tờ gốc). Việc mua bán có xác nhận của UBND phường, nên lúc đó tôi cứ nghĩ là đúng, nay bà Hoa xuất trình giấy tờ gốc tôi mới biết mình sai. Nhà mua sử dụng được 2 tháng thì ông Cường lúc đó là Chủ nhiệm HTX đại diện bán cho vợ chồng ông Xăng, bà Lèo. Nay, bà Hoa đòi lại nhà đất, đề nghị Toà giải quyết xem xét.
Ông Mai Xuân Cường, nguyên Chủ nhiệm HTX năm 1979 trình bày: Thừa nhận HTX có mua nhà của ông Chánh, khoảng 2 tháng sau, HTX bán lại cho ông Xăng, bà Lèo và việc mua bán đó là hợp pháp nên để cho ông Xăng, bà Lèo được sử dụng nhà đất.
Đại diện HTX Trường Nguyên cho rằng: Việc mua bán nhà từ năm 1979 đến nay không còn giấy tờ gì nên chúng tôi không biết cụ thể, nay, bà Hoa kiện đòi ông Xăng, bà Lèo, HTX đề nghị giải quyết theo pháp luật.
Anh Ba là người mượn nhà của bà Hoa cho rằng : Vào khoảng năm 1977-1978, anh Ba thừa nhận có ở nhờ nhà của bà Hoa, sau đó, anh bỏ gia đình đi nơi khác. Năm 1998, anh Ba về mới biết bà Dĩ là mẹ anh còn sống và được biết ông Chánh là cha anh tự bán nhà của bà Hoa. Nay, anh Ba không tranh chấp gì số tiền 200 đồng cho bà Hoa mượn trước đó. Vì hoàn cảnh khó khăn và ở xa, nên anh Ba đề nghị giải quyết vụ án không cần có mặt anh ( BL 254-255).
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 25-02-2001, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà quyết định: Buộc vợ chồng ông Xăng, bà Lèo trả toàn bộ diện tích đất 288m2 theo bản vẽ của trung tâm dịch vụ Địa chính tỉnh Khánh Hoà ngày 12-03-2001 mang số nhà 8B Võ Thị Sáu. Ông Xăng, bà Lèo phải tháo dỡ toàn bộ nguyên vật liệu đã dựng nhà trên phần đất nêu trên.
Huỷ bỏ giấy nhượng nhà đề ngày 20-10-1979 giữa ông Chánh, bà Dĩ với HTX Trường Nguyên.
Huỷ bỏ giấy nhượng nhà đề ngày 02-07-1981 giữa HTX Trường Nguyên với vợ chồng ông Xăng, bà Lèo.
Bà Hoa phải trả lại cho vợ chồng ông Xăng, bà Lèo số tiền 640.000đồng trị giá các cây ăn trái trồng trên đất 288m2.
Bà Dĩ phải thanh toán cho vợ chồng ông Xăng, bà Lèo giá trị 288m2 đất là 207.360.000đồng. Bà Dĩ phải nộp 9.294.400 đồng án phí DSST. Bà Hoa phải nộp 50.000đồng án phí DSST.
(Toà án cấp sơ thẩm nhận định : Tiền HTX Trường Nguyên mua nhà của ông Chánh do các xã viên đóng góp, khi HTX bán nhà cho vợ chồng ông Xăng thì số tiền đó đã trả lại cho từng xã viên, hiện nay, xã viên không còn đầy đủ, đồng thời, HTX cũng không còn lưu trữ tài liệu giấy tờ liên quan đến việc mua bán; do đó, không thể buộc HTX phải có trách nhiệm trong việc mua bán này. Còn bà Dĩ có nghe chồng là ông Chánh nói có bán nhà cho vợ chồng ông Xăng. Hiện nay, ông Chánh chết nên bà Dĩ phải có trách nhiệm trả cho ông Xăng bà Lèo giá trị 288m2 đất 400.000đ/m2 1,8 hệ số thị trường = 207.360.000đồng).
Ngày 04-06-2001, bà Dĩ kháng cáo kêu oan (BL 317)
Ngày 06-06-2001,vợ chồng ông Xăng, bà Lèo kháng cáo cho rằng bà Dĩ phải trả tiền cho bà Hoa còn gia đình ông được ở nhà đất đã mua của HTX Trường Nguyên là hợp pháp nên không đồng ý trả nhà đất cho bà Hoa (BL 332).
Ngày 07-06-2001, bà Hoa kháng cáo về phần diện tích 20m2 đất đang tranh chấp trước nhà giáp đường Võ Thị Sáu, Nhà nước giải toả có đền bù. Số tiền này đang được giữ tại Ban quản lý dự án công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng, nhưng Bản án sơ thẩm không giải quyết cho bà được nhận là không đúng (BL 334).
Ngày 31-05-2001, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà kháng nghị Bản án sơ thẩm nêu trên với nhận định :
1- Toà án huỷ cả hai hợp đồng mua bán nhà là đúng... Tuy nhiên, chủ sở hữu tài sản là bà Hoa hoàn toàn biết việc mua bán, vì bà Hoa ở liền kề có mặt thường xuyên ở nhà, chứ không phải như bà Hoa khai là do mặc cảm vì bà mới đi tù về, nên không dám đòi nhà, đây là lý do không có cơ sở... Chỉ có thể buộc vợ chồng ông Chánh, bà Dĩ tự ý bán nhà phải trả giá trị tài sản cho bà Hoa chứ không thể buộc vợ chồng ông Xăng, bà Lèo trả lại đất cho bà Hoa được.
2- Bản án sơ thẩm buộc ông Xăng, bà Lèo trả lại đất cho bà Hoa, nhưng không giải quyết gì về nhà cửa, công trình phụ, cây cối mà ông Xăng, bà Lèo đã tạo lập.
3- Vợ chồng ông Xăng, bà Lèo được nhận khoản tiền đền bù giải toả phần đất làm đường hiện nay do Ban quản lý đang tạm giữ (BL 320, BL 321).
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 18/DSPT ngày 28-05-2002, Toà Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng quyết định :
1. Y án sơ thẩm đối với phần : Buộc vợ chồng ông Xăng, bà Lèo phải tháo dỡ toàn bộ nguyên vật liệu nhà tạm đem đi nơi khác, để trả lại 288m2 đất ở 8B Võ Thị Sáu cho bà Hoa.
- Huỷ hai giấy mua bán nhà (đã nêu ở trên) vì vô hiệu.
- Chấp nhận sự tự nguyện của bà Dĩ nhận trách nhiệm của chồng (là ông Chánh đã chết) trả cho ông Xăng 800đồng thay HTX Trường Nguyên.
- Chấp nhận sự tự nguyện của bà Hoa trả cho ông Xăng 100đồng thay HTX Trường Nguyên.
2. Sửa Bản án sơ thẩm về phần giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu như sau: Ông Xăng, bà Lèo được nhận lại giá trị của 900 đồng nay là 537.200 đồng (trong đó bà Dĩ nhận trả 476.000đồng, bà Hoa nhận trả 61.200đồng, đã làm tròn các số nói trên) và 640.000đồng là giá trị cây ăn quả bà Hoa chịu trách nhiệm trả. Tổng cộng ông Xăng, bà Lèo được nhận 1.177.200đồng.
Các bên dân sự không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, vợ chồng ông Xăng, bà Lèo khiếu nại cho rằng, Toà án cấp phúc thẩm không đưa một số người như anh Ba là người mượn nhà của bà Hoa; HTX Trường Nguyên; những người thừa kế của ông Chánh vào tham gia tố tụng là trái pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào sự tự nguyện của bà Hoa và bà Dĩ để không huỷ án sơ thẩm vì không đủ người tham gia tố tụng là sai. Về nội dung, Toà án không áp dụng Báo cáo 158/BC ngày 25-03-1985 của Toà án nhân dân tối cao để tính lỗi trong việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo trượt giá trị nhà, nhưng Toà án lại căn cứ vào giá gạo để tính là thiệt hại đến quyền lợi của vợ chồng ông.
Tại Quyết định số 100KN/VKSTC-KSXXDS ngày 12-12-2002, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên của Toà Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng với nhận định: Bản án phúc thẩm tuyên huỷ các hợp đồng sang nhượng nhà trái phép, buộc ông Xăng, bà Lèo phải trả lại nhà cho bà Hoa là đúng. Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 146 Bộ luật Dân sự về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu,Toà án mới chỉ khôi phục tình trạng ban đầu là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (ông Xăng, bà Lèo nhận lại 900 đồng bỏ ra mua nhà năm 1979), nhưng cần được hiểu giá trị ban đầu của 900 đồng tại thời điểm năm 1979 cho đúng để không gây thiệt hại cho ông Xăng, bà Lèo. Mặt khác, cũng chưa xác định lỗi cụ thể để buộc các bên có nghĩa vụ liên quan bồi thường thiệt hại là không bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ Bản án phúc thẩm nêu trên của Toà Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng và Bản án sơ thẩm số 02/DSST ngày 25-05-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà; giao hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà xét xử sơ thẩm lại theo hướng phân tích trên.
XÉT THẤY :
Nguồn gốc 288m2 đất đang tranh chấp giữa bà Hoa với vợ chồng ông Xăng, bà Lèo là đất công được thể hiện rõ tại "Giấy chứng nhận số 18/CNDD" ngày 15-04-1971 của xã trưởng xã Vĩnh Trường chứng nhận cho ông Phạm Trọng Dụng (ông Dụng là chồng của bà Hoa) tạm chiếm 937,50m2 đất công. Diện tích 288m2 đất đang tranh chấp chính là nơi có nhà sản xuất nước mắm nằm trong tổng diện tích 937,50m2 mà bà Hoa giao cho anh Ba năm 1976. Như vậy, diện tích 288m2 đất nêu trên vẫn là đất của Nhà nước, bà Hoa không trực tiếp quản lý từ năm 1976 đến nay, mặc dù bà Hoa ở liền kề. Trong khi đó, vợ chồng ông Xăng, bà Lèo mua nhà của HTX Trường Nguyên tuy chưa đủ thủ tục nhưng ngay thẳng và ở ổn định từ năm 1979 đến nay. Do đó, cần để vợ chồng ông Xăng, bà Lèo tiếp tục sử dụng diện tích đất nêu trên là phù hợp.
Còn việc bà Hoa kiện “đòi nền nhà và công trình khác” đối với vợ chồng ông Xăng, bà Lèo, xét thấy: tại đơn khởi kiện của bà Hoa ngày 24-11-1992, bà Hoa cho rằng, năm 1976 bà “thục” căn nhà sản xuất nước mắm 130m2 cho anh Ba để hoãn khoản nợ 100.000 đồng tiền cũ (bằng 200 đồng tiền mới). Nhưng năm 1979, anh Ba bỏ trốn đi đâu không rõ và năm 1998 anh Ba về lại cho rằng anh chỉ ở nhờ nhà của bà Hoa, còn số tiền 200đồng bà Hoa nợ anh, anh cũng không đòi nữa, đồng thời, bà Hoa cũng cho rằng bà cho anh Ba mượn nhà chứ không phải thục nhà như bà trình bày ở đơn kiện năm 1992. Như vậy, bà Hoa đã không có sự thống nhất về việc đã thục nhà cho anh Ba hay cho anh Ba mượn nhà. Do đó, cần phải xác minh làm rõ vào năm 1976, bà Hoa cho anh Ba mượn nhà hay đã thục nhà cho anh Ba. Nếu bà Hoa đã “thục” nhà cho anh Ba, tức đã “bán nhà có điều kiện” thì khi anh Ba bỏ đi, ông Chánh có quyền quản lý và sử dụng nhà đất này; ngược lại, nếu có căn cứ cho rằng, bà Hoa cho anh Ba mượn nhà, thì việc ông Chánh (cha của anh Ba) tự bán nhà cho HTX Trường Nguyên, sau đó, HTX bán nhà cho vợ chồng ông Xăng, bà Lèo đều là trái pháp luật và ông Chánh là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này. Vì vậy, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như bà Dĩ, anh Ba... (là người thừa kế của ông Chánh), hợp tác xã cơ giới nhẹ Trường Nguyên và vợ chồng ông Xăng, bà Lèo đều phải tham gia tố tụng để giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, từ đó, xác định lỗi của từng người để bồi thường thiệt hại cho bà Hoa thì mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
Bởi những lẽ trên và căn cứ vào Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,
QUYẾT ĐỊNH :
1- Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 18/DSPT ngày 28-05-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 25-04-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà về vụ án “đòi nền nhà và công trình khác” giữa bà Thái Thị Xuân Hoa với vợ chồng ông Nguyễn Xăng, bà Nguyễn Thị Lèo.
2- Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do các Bản án phúc thẩm, sơ thẩm bị huỷ:
Các Toà án chưa điều tra làm rõ bà Hoa bán nhà có điều kiện cho anh Ba hay chỉ cho anh Ba mượn nhà.
QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2003/HĐTP-DS NGÀY 28-05-2003
VỀ VỤ ÁN ĐÒI NỢ
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
.....................
Tại phiên toà ngày 28-05-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án đòi nợ giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Trần Thị Ngọ, sinh năm 1953; trú tại nhà số 39 Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng;
Bị đơn: Bà Lưu Thị Mến, sinh năm 1950; uỷ quyền cho ông Nguyễn Hùng Đèn (là chồng); trú tại nhà số 2l/27 Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
NHẬN THẤY:
Tháng 09-1995, bà Đỗ Thị Mai (Đỗ Thuý Mai) có hỏi vay tiền bà Lưu Thị Mến để đi chuộc xe máy. Bà Mến không có tiền nên đã đồng ý cho bà Mai mượn hồ sơ nhà đất của mình để bà Mai dùng giấy tờ nhà đi vay người khác. Ngày 27-09-1995 , bà Đặng Thị Tính (là người quen của bà Mến và bà Trần Thị Ngọ) đến nhà bà Ngọ để hỏi vay tiền của bà Ngọ cho bà Mai.
Sáng ngày 28-09-1995, bà Tính mời bà Ngọ đến nhà bà Tính cho bà Mến và bà Mai cùng gặp để thoả thuận vay tiền. Tại nhà bà Tính, bà Mai đã viết giấy biên nhận vay tiền với nội dung: Tôi là Lưu Thị Mến có cầm giấy tờ nhà thế chấp vay tiền của bà Ngọ 40.000.000đồng, hẹn 2 tháng sẽ trả cả gốc và lãi, có một số giấy tờ kèm theo là chứng minh thư nhân dân mang tên Lưu Thị Mến; Quyết định giao đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Mến; Thông báo về cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà ở. Sau khi viết xong, bà Mai đọc cho mọi người cùng nghe, bà Mến xác nhận có đọc lại và ghi tên “Lưu Thị Mến” dưới chỗ người vay tiền. Người làm chứng là Đỗ Thuý Mai, Vũ Thuận và Lê Thị Hiền.
Chiều ngày 28-09-1995, bà Mai cùng bà Tính (không có bà Mến cùng đi) đến gặp bà Ngọ để giao giấy tờ nhà và nhận 40.000.000 đồng mà không có uỷ quyền của bà Mến.
Ngày 29-10-1995, bà Tính đưa cho bà Ngọ 2.000.000 đồng nói là bà Mến trả bà Ngọ tiền lãi.
Hết hạn theo cam kết bà Ngọ đến đòi tiền thì bà Mến cho rằng bà Mến không vay tiền của bà Ngọ mà là bà Mai vay. Bà Mai đã bỏ trốn.
Ngày 31-01-1996, bà Ngọ khởi kiện yêu cầu bà Mến phải trả 40.000.000 đồng cùng lãi suất theo qui định.
Theo bà Mến thì lúc đầu bà không đồng ý với nội dung như giấy biên nhận, nhưng bà Mai và bà Tính nói phải ghi như vậy người ta mới cho vay tiền vì giấy tờ đứng tên bà. Do không đồng ý với nội dung của giấy biên nhận nên bà đã không ký tên mình sau khi ghi chữ “Lưu Thị Mến” dưới chỗ người vay tiền. Sau đó, bà Ngọ cho bà Mai vay tiền như thế nào thì bà không được biết (bà không lần nào trả lãi cho bà Ngọ). Một tuần sau, bà đến gặp bà Mai để đòi lại giấy tờ nhưng bà Mai khất lần không trả. Ngày 16-11-1995, bà Mai có giấy hẹn đến ngày 19-1l-1995 sẽ trả, nếu không bà Mến có quyền dọn đến nhà bà Mai để ở. Khi bà Mai bỏ trốn, bà Mến đã quản lý nhà đất của bà Mai, nhưng bà Mến không biết giấy tờ nhà của bà Mai để ở đâu. Nay, bà Mến yêu cầu cơ quan pháp luật thu hồi giấy tờ nhà đất cho bà, còn số tiền 40.000.000 đồng là giữa bà Ngọ với bà Mai, bà không biết.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 15-06-1996, Toà án nhân dân quận Ngô Quyền đã quyết định: Buộc bà Mến phải trả cho bà Ngọ 45.000.000 đồng gồm cả gốc và lãi; Bà Ngọ phải trả bà Mến toàn bộ giấy tờ nhà.
Ngày 15-06- 1996, bà Mến kháng cáo.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 30-09-1996, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định: Y án sơ thẩm.
Bà Mến khiếu nại.
Tại Công văn số 178 ngày 11-12-1998 và Công văn số 2032 ngày 25-09-1999, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời là Bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 30-09-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng là có căn cứ.
Năm 1999, bà Mai bị bắt, tại Cơ quan điều tra, bà Mai thừa nhận có cầm giấy tờ nhà của bà Mến thế chấp cho bà Ngọ để vay 40.000.000 đồng với lãi suất 5%/tháng.
Tại Quyết định số 51 ngày 21-08-2001, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên theo thủ tục tái thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao huỷ Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm nêu trên và trả lại đơn khởi kiện về dân sự cho bà Ngọ để giải quyết bằng hình sự mới đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự.
Tại Quyết định tái thẩm số 48 ngày 22-03-2002, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định: Bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 30-09-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng.
Ngày 02-11-2002, bà Lưu Thị Mến và ông Nguyễn Hùng Đèn có đơn khiếu nại Quyết định tái thẩm số 48 ngày 22-03-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao.
Tại Kháng nghị số 06/DS-TK ngày 20-02-2003, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị quyết định tái thẩm nêu trên.
Tại Kết luận số 51/ KL-VKSTC-KSXXDS ngày 08-04-2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ các Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm và quyết định tái thẩm dân sự nói trên. Trả lại đơn khởi kiện cho bà Ngọ, để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự Đỗ Thị Mai về tội "lạm dụng tín nhiệm", và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mới đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự.
XÉT THẤY:
Tháng 09-1995, bà Đỗ Thị Mai có hỏi vay tiền bà Lưu Thị Mến để đi chuộc xe máy, bà Mến không có tiền nên đã đồng ý cho bà Mai mượn hồ sơ nhà đất của mình tại lô đất số 78 xã Đông Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng để bà Mai dùng giấy tờ nhà đi vay người khác. Bà Mai đã nhờ bà Tính giới thiệu với bà Ngọ để vay 40.000.000 đồng, bà Ngọ đồng ý. Tại nhà bà Tính, bà Mai đã viết giấy biên nhận vay tiền lấy tên bà Mến và đọc lại cho mọi người cùng nghe. Theo bà Mến thì do không đồng ý với nội dung của giấy biên nhận nên bà đã không ký tên mình sau khi ghi chữ “Lưu Thị Mến” dưới chỗ người vay tiền. Chiều ngày 28-09-1995, bà Mai đã cùng bà Tính (không có bà Mến đi cùng) đến nhà bà Ngọ để giao giấy tờ và nhận 40.000.000 đồng mà không có giấy uỷ quyền của bà Mến.
Xét “giấy biên nhận'' vay tiền thấy rằng, bà Mến chỉ viết ''Lưu Thị Mến'' dưới hàng chữ “người vay tiền”; còn chữ ký tại giấy biên nhận vay tiền đã được Viện Khoa học Bộ Công an kết luận không phải chữ ký của bà Mến.
Tại Cơ quan điều tra và tại phiên toà hình sự phúc thẩm Đỗ Thị Mai khai: để bà Ngọ tin và cho bà Mai vay tiền, bà Mai đã tự ký tên bà Mến vào giấy biên nhận, rồi cầm bộ giấy tờ nhà đi cùng bà Tính đến gặp bà Ngọ giao các loại giấy tờ thế chấp và trực tiếp nhận 40.000.000 đồng từ bà Ngọ. Ngoài ra, Mai còn đưa cho bà Tính 4.000.000đồng để nhờ bà Tính trả 2 tháng lãi cho bà Ngọ. Lời khai nhận của Đỗ Thị Mai phù hợp với kết quả giám định của Bộ Công an. Như vậy, tình tiết mới “giả tạo bằng chứng” của Đỗ Thị Mai chính thức được xác định công khai tại phiên toà hình sự phúc thẩm. Do đó, có đủ cơ sở kết luận Đỗ Thị Mai là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền đã nhận của bà Ngọ.
Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 5 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1- Huỷ Quyết định tái thẩm số 48 ngày 22-03-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao; Bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 30-09-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng; Bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 15-06-1996 của Toà án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đối với vụ án dân sự về đòi nợ giữa bà Trần Thị Ngọ với bà Lưu Thị Mến để giải quyết phần dân sự này trong vụ án hình sự Đỗ Thị Mai bị truy tố về các tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
2- Đình chỉ việc giải quyết vụ án đòi nợ giữa bà Lưu Thị Mến với bà Trần Thị Ngọ và trả lại đơn khởi kiện cho bà Trần Thị Ngọ.
3- Hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí, án phí cho các đương sự.
Lý do quyết định tái thẩm, các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị huỷ.
ĐÃ PHÁT HIỆN TÌNH TIẾT MỚI "GIẢ MẠO BẰNG CHỨNG".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét