LỜI NÓI ĐẦU
Gia đình - hạt nhân cốt lõi của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng để hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình lại càng tốt hơn. Sự tác động và chi phối lẫn nhau giữa gia đình và xã hội được khẳng định rõ nét trong hôn nhân. Bởi lẽ, nền tảng vững chắc để xây dựng gia đình chủ yếu là xuất phát từ quan hệ hôn nhân.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập - quốc tế hoá ngày càng được mở rộng thì hòa vào sự phát triển của nền kinh tế, quan hệ hôn nhân cũng được hình thành dưới nhiều góc độ khác nhau của xã hội, dựa trên những nguyên tắc nhất định. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc tôn giáo, giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ trên cơ sở nguyên tắc tiến bộ, một vợ , một chồng bình đẳng.
Cơ sở thiết lập quan hệ hôn nhân hiện nay đã vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia, chịu tác động và chi phối bởi các yếu tố nước ngoài. Do tính chất phức tạp vốn có của quan hệ này, nhà nước đã kịp thời thừa nhận và bảo vệ bằng cách thông qua hình thức ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và có những sửa đổi bổ sung để hoàn thiện nội dung của chế định trên thực tế. Cụ thể, những văn bản ra đời trước như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, và hiện nay là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về quan hệ Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc hướng các chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phát huy tối đa quyền tự do kết hôn và đảm bảo trật tự cũng như sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật đã bộc lộ không ít những thiếu sót và bất cập, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chủ thể kết hôn và những giá trị đạo đức truyền thống của xã hội xưa nay, kết hôn có yếu tố nước ngoài một mặt thể hiện ý nghĩa tích cực, thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực nhưng vẫn không thể phủ nhận những hạn chế đang tồn tại trong đó.
Trong phạm vi tiểu luận này tôi xin phân tích một số quy định của pháp luật hiện hành để cho thấy được những khó khăn và vướng mắc trong việc áp dụng và thực trạng của hiện tượng đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay tại một số khu vực. Trên những cơ sở đó sẽ tổng kết và rút ra những tồn tại và giải pháp để từ đó tiến tới khắc phục vấn đề.
CHƯƠNG 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
VỀ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI.
1.1.Một số khái niệm có liên quan đến kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Gia đình là tế bào của xã hội là khởi nguồn nền tảng của mọi mối quan hệ xã hội phát sinh giữa con người với con người. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của xã hội, chức năng quan trọng của gia đình đã được khẳng định, đó là tái tạo ra những con người mới thông qua việc xác lập mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ.
Trong từng giai đoạn lịch sử, hôn nhân được nhà nước và pháp luật nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Về phương diện tổng quan, hôn nhân và gia đình là hiện tượng phát sinh trong quá trình phát triển của xã hội loài người, đồng thời cũng chịu sự tác động trực tiếp từ những điều kiện kinh tế xã hội của một quốc gia.
Hôn nhân được hiểu một cách cụ thể và đơn giản đó là mối quan hệ hình thành trên cơ sở liên kết giữa nam và nữ, cùng nhau chung sống và được pháp luật thừa nhận. Quan hệ hôn nhân luôn gắn với từng con người cụ thể, với những giá trị nhân thân nhất định, không thể chia sẻ hay chuyển giao. Bằng những hình thức khác nhau mà chủ yếu là thông qua hình thức kết hôn, con người đã tạo ra sự liên kết đó và duy trì sự tồn tại của hôn nhân.
1.1.1. Khái niệm kết hôn.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, “ Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” ( khoản 2 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000), Hay nói cách khác đây là hình thức để Nhà nước thừa nhận đối với hôn nhân hợp pháp. Việc nam, nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn thì dưới góc độ pháp lý, họ không được coi là vợ chồng.
1.1.2. Khái niệm kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Trên cơ sở vận dụng quy định tại điều 826 Bộ Luật Dân Sự năm 1995 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã đưa ra khái niệm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Theo đó, “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:
Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam.
Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
( Khoản 14 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).
Như vậy, chủ thể tham gia vào quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài rất đa dạng bao gồm một trong những đối tượng sau:
- Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam bao gồm: Công dân nước ngoài là người không quốc tịch. Trên cơ sở kế thừa những quy định của pháp luật trước đó, Nghị định số 68/2002/NĐ- CP ngày 10/7/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về quan hệ một cách cụ thể bằng cách liệt kê rõ ràng. Trong đó:
+ Công dân nước ngoài được hiểu là người có quốc tịch nước ngoài, không phải là người có quốc tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
+ Người không quốc tịch là người không có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào.
Cả hai đối tượng nêu trên đều được Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam điều chỉnh trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, không có sự phân biệt khi xác lập quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau.
- Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam (khoản 2 điều 9 Nghị định 68). Do điều kiện cuộc sống hay tính chất công việc họ đang làm mà những người này đã đến và sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Và theo đó một nhu cầu hoàn toàn có khả năng phát sinh đó chính là việc đăng ký kết hôn. Những đối tượng đó sẽ trở thành chủ thể trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài khi họ có nguyện vọng kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.
- Ngoài ra, những công dân Việt Nam ra nước ngoài sinh sống một cách hợp pháp và kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cũng được đặt ra và xem đây là một trong những trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Căn cứ để xác lập mối quan hệ hôn nhân ở đây là theo pháp luật nước ngoài mặc dù chủ thể tham gia là người Việt Nam.
Xuất phát từ những ảnh hưởng của tình hình kinh tế xã hội, xu thế phát triển hội nhập quốc tế, những quan hệ xã hội mới nảy sinh đòi hỏi pháp luật phải quy định mở rộng. Do tính chất của hôn nhân có yếu tố nước ngoài luôn có khả năng dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật nên việc xác định chủ thể hay căn cứ làm phát sinh quan hệ có ý nghĩa rất quan trọng. Tạo điều kiện để những người áp dụng pháp luật giải quyết sự việc phù hợp và đúng theo quy định.
Trong một số trường hợp, quan hệ hôn nhân tuy có liên quan đến yếu tố nước ngoài nhưng khi nhìn nhận dưới góc độ Tư pháp quốc tế thì điều này không dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật, chẳng hạn như: “Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước kết hôn với công dân ở trong nước hay hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài”(1). Các bên chủ thể này khi kết hôn với nhau sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam.
Tóm lại, kết hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu là là việc xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, và công dân Việt Nam với nhau tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Quan hệ này được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 68 và Nghị định số 69 của Chính phủ. Tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh, đảm bảo sự ổn định và trật tự xã hội.
1.2 Nguyên tắc trong kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Kết hôn có yếu tố nước ngoài về thực chất cũng mang những yếu tố tương tự như kết hôn trong nước. Đó là những quy định về điều kiện kết hôn và những vấn đề liên quan đến việc hình thành mối quan hệ hôn nhân. Với bản chất một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, hôn nhân ở đây cũng mang nét đặc trưng riêng và cần có những quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh cho phù hợp.
Trích bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trang 505
Tình hình thực tế của việc kết hôn có yếu tố nước ngoài trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rất lớn về cả nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận đó là số lượng các cặp nam nữ kết hôn trong trường hợp này đã tăng lên một cách rõ nét, không kể đến những trường hợp nam nữ sống chung với nhau mà không tiến đến đăng ký kết hôn. Do tính chất phức tạp của quan hệ mà khi đưa ra những biện pháp giải quyết đòi hỏi những nhà làm luật cũng như những cơ quan có thẩm quyền xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau trên những nguyên tắc nhất định. Qua nghiên cứu và đúc kết từ thực tiễn, việc xây dựng và áp dung pháp luật về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cần đáp ứng những nguyên tắc chung sau đây:
1.2.1. Tôn trọng và bảo vệ các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên cơ sở pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và những nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế.
Đây là một nguyên tắc đóng vai trò quan trọng và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật cũng như đề xuât những giải pháp. Ở Việt Nam quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thừa nhận không những trong thực tế mà còn được cụ thể hóa bằng những quy định của pháp luật. Điều này đã tạo một cơ sở pháp lý để nhà nước quản lý và nắm bắt được tình hình kết hôn trên thực tế, đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể trực tiếp tham gia vào quan hệ.
Bất kì một quốc gia yêu chuộng hòa bình nào cũng phải tôn trọng và chịu sự chi phối từ những quy định của luật quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế. Hiện nay, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định, Hiệp định khu vực, cũng như gia nhập vào các tổ chức quốc tế nhằm mục đích là có được sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều phương diện từ quốc tế. Phương hướng để giải quyết những tồn tại đối với hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề pháp lý quốc tế.
1.2.2. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là người Việt Nam hay người nước ngoài đều bình đẳng và được tôn trọng.
Nhìn chung, chế định kết hôn có yếu tố nước ngoài được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định và hướng dẫn tại Nghị định số 68 và Nghị định số 69 của Chính phủ đã thể hiện rõ nét tinh thần của nguyên tắc này, xuất phát từ chính sách chung của Nhà nước nhằm nâng cao vai trò của yếu tố con người trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm gần đây, sự qua lại giữa công dân Việt Nam và nguời nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến đòi hỏi quốc gia phải có những định hướng, chính sách phù hợp.
Cụ thể trong chế định hôn nhân có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam đã quy định điều kiện kết hôn cơ bản giống nhau giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Trên thực tế vấn đề bất bình đẳng trong mối quan hệ này vẫn còn nảy sinh và chưa được giải quyết triệt để. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng việc kết hôn để thực hiện hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội, giá trị của con người bị hạ thấp đặc biệt là người phụ nữ.
Đây là hai nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và áp dụng pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
1.3. Điều kiện kết hôn
Điều kiện kết hôn là những quy định mang tính pháp lý bắt buộc mà nhà nước đặt ra cho các bên nam nữ khi kết hôn phải tuân thủ. Muốn xác lập một quan hệ hôn nhân hợp pháp thì đòi hỏi phải có sự thừa nhận của nhà nước tức là phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều kiện kết hôn là tiền đề để các chủ thể kết hôn tiến tới xây dựng gia đình hạnh phúc,
“Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật nước mình về điều kiện kết hôn, nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải tuân thủ theo quy định của luật này về điều kiện kết hôn. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các qui định của luật này về điều kiện kết hôn”.
( Điều 103 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000)
Đây là một điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 so với luật năm 1986, quy định rõ ràng về việc áp dụng pháp luật, hạn chế và góp phần giải quyết những xung đột pháp luật nảy sinh.
Cơ sở xây dựng điều kiện kết hôn là những nghiên cứu về tâm lý, sức khỏe, và khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Nghĩa là, khi tiến đến hôn nhân các bên nam nữ phải đáp ứng đầy đủ sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo việc thực hiện các chức năng quan trọng của gia đình và vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong đó.
Ngoài ra điều kiện kinh tế xã hội cũng như truyền thống đạo đức, các chính sách lớn của nhà nước liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kết hôn hiện nay.
Xuất phát từ những lý luận khoa học và thực tiễn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định điều kiện kết hôn gồm 3 nội dung như sau:
1.3.1. Điều kiện về độ tuổi.
“ Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên”
( Khoản 1 điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000)
Khi các chủ thể kết hôn với nhau tức là có sự gắn bó về mặt nhân thân, tạo lập một gia đình mới trong xã hội. Các nhà làm luật đã xây dựng quy phạm về độ tuổi kết hôn nhằm đảm bảo mục đích của hôn nhân trên thực tế. Căn cứ vào sự phát triển thể chất và mức độ nhận thức của từng cá nhân để tổng hợp thành quy định chung về độ tuổi áp dụng cho mọi đối tượng kết hôn.
Phạm vi đối tượng kết hôn theo điều kiện về độ tuổi cũng được mở rộng phản ánh được sự phát triển về mặt sinh lý, tâm lý con người. Theo đó, bất kỳ các bên nam nữ khi đạt độ tuổi mà pháp luật quy định thì có quyền kết hôn phù hợp với nguyện vọng của bản thân.
Quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn chỉ đưa ra mức giới hạn tối thiểu mà các chủ thể kết hôn phải đáp ứng, không yêu cầu về độ chênh lệch tuổi giữa hai bên nam và nữ. Do đó khi áp dụng pháp luật trên thực tế, tình trạng kết hôn mà nam nữ cách nhau đến vài chục tuổi đang trở nên phổ biến hiện nay. Điều này một phần đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai cũng như những giá trị đạo đức truyền thống trong xã hội.
1.3.2. Điều kiện về sự tự nguyện.
“Việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở”
(Khoản 2 điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000)
Tự nguyện là sự thống nhất ý chí của các bên lẫn trong cách thể hiện ra bên ngoài. Hai bên nam nữ tự mình quyết định việc kết hôn, tỏ rõ thái độ ưng thuận lấy nhau và trở thành vợ chồng, không chịu sự tác động hay chi phối từ bên ngoài.
Theo đó, công dân Việt Nam được tự do quyết định việc kết hôn của mình và pháp luật cũng tôn trọng quyền này đối với người nước ngoài. Đây là một quy định hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế.
Hôn nhân được hình thành trên cơ sở tình yêu chân chính giữa hai bên nam nữ, được biểu hiện thông qua sự tự nguyện kết hôn. Do đó, trong một số trường hợp, kết hôn được coi là vi phạm yếu tố tự nguyện, tức là các chủ thể xác lập mối quan hệ hôn nhân không xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của chính bản thân mình mà là do sự tác động, thúc đẩy từ bên ngoài. Cụ thể:
Một bên ép buộc (ví dụ: đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần hoặc dùng vật chất…) nên buộc bên bị ép buộc đồng ý kết hôn;
Một bên lừa dối (ví dụ: lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu…) nên bên bị lừa dối đã đồng ý kết hôn.
Một bên hoặc cả hai bên nam và nữ bị người khác cưỡng ép (ví dụ: bố mẹ của người nữ do nợ người nam một khoản tiền nên cưỡng ép người nữ phải kết hôn với người nam để trừ nợ; do bố mẹ của hai bên có hứa hẹn với nhau nên cưỡng ép con của họ phải kết hôn với nhau…) buộc người bị cưỡng ép phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ.
Cản trở kết hôn là hành vi gây trở ngại cho việc kết hôn của hai bên nam nữ khi họ đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
(Hướng dẫn tại các tiểu mục b.1; b.2; b.3 mục b phần 1-Nghị quyết số 02 năm 2000 của Hội đồng Thẩm Phán).
Do đó để đảm bảo cho việc kết hôn giữa hai bên nam nữ là trên cơ sở tự nguyện, pháp luật đã có những quy định và bắt buộc tiến hành khi các đối tượng này có nguyện vọng tiến tới hôn nhân. Chẳng hạn như khi đăng ký kết hôn phải có mặt của hai bên nam nữ, không cho phép kết hôn vắng mặt. Còn về khả năng nhận thức, pháp luật nghiêm cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn. Những trường hợp này đòi hỏi phải có sự thể hiện ý chí của chính các chủ thể, đặc biệt là khi kết hôn có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
1.3.3. Việc kết hôn giữa hai bên nam nữ không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn
Cũng như các trường hợp kết hôn thông thường, việc kết hôn có yếu tố nước ngoài đòi hỏi các chủ thể kể cả công dân Việt Nam và người nước ngoài phải tuân thủ một cách tuyệt đối các điều kiện kết hôn. Các bên nam nữ cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về độ tuổi cũng như sự tự nguyện khi kết hôn.
Đồng thời việc kết hôn này phải không thuộc một trong những trường hợp pháp luật cấm kết hôn. Cụ thể, đây là điều kiện cần và đủ để xem xét tính hợp pháp của một quan hệ hôn nhân.
- Cấm người đang có vợ hoặc đang có chồng kết hôn với người khác.
- Cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn.
- Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
- Cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.
1.3.3.1. Người đang có vợ hoặc có chồng là:
Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và đình nhưng chưa ly hôn;
Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/1/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;
Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/1/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn (trường hợp này chỉ áp dụng từ ngày Nghị quyết 02/2002 của Hội đồng Thẩm phán có hiệu lực cho đến trước ngày 01/01/2003).
1.3.3.2. Người mất năng lực hành vi dân sự là:
Người mất khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
1.3.3.3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ là:
Giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại. Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là giữa những người có cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô,con cậu, con dì là đời thứ ba.
(Hướng dẫn tại các tiểu mục c.1; c.2; c.3 mục c phần 1 Nghị quyết số 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán)
Quan điểm của nhà nước Việt Nam đối với những trường hợp này là dứt khoát và không có những ngoại lệ, đây là một nội dung mà khi công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hay người nước ngoài kết hôn với nhau tại Việt Nam đã dẫn đến rất nhiều những xung đột pháp luật. Tuy nhiên, về mặt khách quan những trường hợp bị cấm kết hôn được đặt ra trên cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội về tâm lý con người nhưng đây không phải là những yếu tố bất biến. Khi xã hội phát triển đến một mức độ nhất định cũng như trong nhận thức con người có những chuyển biến thay đổi thì pháp luật cũng sẽ có qui định phù hợp.
CHƯƠNG 2
NHỮNG KHÓ NHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU CẤM ( ĐIỀU 9 VÀ ĐIỀU 10 ) CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
2.1 Tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài trong những năm gần đây.
2.1.1. Tình hình chung của việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Trong khoảng thời gian từ 10 năm trở lại đây bắt đầu khoảng từ năm 2000, hoạt động đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại các cơ quan có thẩm quyền tại một số tỉnh đã có dấu hiệu xuất hiện và tăng lên đáng kể ngoài đối tượng của một bên trong quan hệ là người Việt Nam, bên còn lại là người nước ngoài đến đăng ký kết hôn có quốc tịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy tính chất phức tạp cần phải giải quyết về phía các đối tượng là cán bộ hộ tịch tư pháp.
Tại các tỉnh Miền Đông Nam Bộ là khu vực có những thuận lợi về mặt địa lý cũng như tình hình kinh tế xã hội ổn định trong cả nước. Mức sống người dân cơ bản được đảm bảo thông qua các chính sách được hỗ trợ từ phía nhà nước cũng như bằng chính sự nỗ lực của cá nhân. Và do những ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa mà hiện nay số lượng người đến đăng ký kết hôn có liên quan đến yếu tố nước ngoài đã có thay đổi đáng kể.
Theo báo của các Sở Tư pháp:
ăm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh có 3690 trường hợp, tỉnh Bình Dương có 180 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài;
Năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh có 3780 trường hợp, tại tỉnh Bình Dương có 144 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Cùng với Miền đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang trở thành điểm nóng của hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài trong cả nước. Tại Đồng Tháp năm 2003 là 1926 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2004 là 1006 trường hợp. Ở Cần Thơ, theo thống kê của Sở Tư Pháp tỉnh, từ đầu năm 2003 đến tháng 10 năm 2004 có 3260 trường hợp.
Tại Long An trung bình mỗi năm có trên 300 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài được xác lập. Người nước ngoài và Việt kiều kết hôn có quốc tịch và nơi cư trú phân bố ở nhiều quốc gia, khu vực như Mỹ, Úc, Pháp, Canada, các nước Bắc Âu và Đông Nam Á. Phụ nữ lấy chồng nước ngoài cư trú ở nhiều huyện, thị trong tỉnh. Nói chung, hôn nhân có đăng ký, bảo đảm các điều kiện theo luật định. Tuy nhiên, gần đây tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tăng mạnh và có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. từ năm 2005, tình hình phụ nữ lấy chồng nước ngoài ở Long An tăng nhanh về số lượng, chiếm tỷ lệ cao hơn so với Việt kiều. Có đến 90/284 trường hợp kết hôn với người Đài Loan, chiếm tỷ lệ gần 30% số kết hôn có yếu tố nước ngoài. Phụ nữ trong tỉnh lấy chồng Đài Loan trong năm 2005 tập trung nhiều ở các huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc,Bến Lức và thành phố Tân An. Năm 2006, tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài diễn biến phức tạp hơn, số lượng kết hôn tăng nhanh. Đặc biệt, từ khi Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch được ban hành thì kết hôn nước ngoài còn hình thành dưới hình thức khác thông qua thủ tục ghi chú kết hôn (không đăng ký kết hôn tại Việt Nam mà thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, rồi đem giấy chứng nhận kết hôn đến Sở Tư pháp thực hiện việc ghi chú vào sổ hộ tịch). Thủ tục này rất đơn giản và thực hiện nhanh chóng. Địa bàn cư trú của phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc cũng có sự chuyển hướng, tập trung nhiều về các huyện vùng sâu, vùng biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, trong đó nhiều nhất là hai huyện Đức Hoà và Đức Huệ. Trong năm 2006, riêng hai huyện Đức Hoà, Đức Huệ có 122/339 trường hợp kết hôn với nước ngoài, chiếm hơn 30% cả tỉnh, trong đó 65 trường hợp ghi chú kết hôn với Hàn Quốc. Năm 2007, số lựơng các vụ kết hôn nước ngoài ở hai huyện trên là 146/325, chiếm gần 50% cả tỉnh, trong đó Hàn Quốc là 101 trường hợp.
Như vậy thông qua quá trình tìm hiểu các số liệu, một thực tế không thể phủ nhận đó là các hoạt động đăng ký kế hôn có yếu tố nước ngoài đã không dừng lại ở con số vài chục mà đã tăng lên vài trăm, vài ngàn trường hợp trong một năm. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi mà tỉ lệ kết hôn chiếm vị trí đáng kể trong cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ người kết hôn có yếu tố nước ngoài cao nhất nước, với trên 60 quốc gia có công dân là chủ thể tham gia vào mối quan hệ hôn nhân với công dân Việt Nam. Năm 2007, đã có 2.358 phụ nữ của thành phố kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng lấy chồng nước ngoài của một bộ phận phụ nữ chủ yếu vì nhu cầu kinh tế, thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, không xuất phát từ tình cảm, tình yêu để xác lập mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bình đẳng, hạnh phúc.
2.1.2 Tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đặc biệt là người Đài Loan, và một số tồn tại hiện nay.
Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 ghi nhận đầu tiên và hướng dẫn cụ thể tại Nghị Định 184/CP ngày 30/11/1994 của Chính Phủ về thủ tục đăng ký kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong giai đoạn đầu, hoạt động này diễn ra với mức độ trung bình, số trường hợp đăng ký kết hôn mà các cơ quan giải quyết chỉ là trường hợp nhỏ, vài chục mỗi năm. Trong nhận thức của người dân tại thời điểm này thì đây là một vấn đề xa lạ, trái với truyền thống xưa và nay.
Dưới tác động của dư luận xã hội đã làm cho tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài không phải là vấn đề xã hội đáng quan tâm. Hơn nữa mức độ ảnh hưởng từ những hoạt động môi giới gần như không có mà chủ yếu là xuất phát từ những mối quan hệ trong gia đình có người thân, bạn bè đi nước ngoài.
Từ năm 2000, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị Định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002, tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài nói chung và phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan đã trở nên sôi động. Do có những chuyển biến thay đổi trong đời sống kinh tế cũng như xã hội, những nhu cầu mới phát sinh và pháp luật cần có những quy định để giải quyết.
Tổng hợp các số liệu những trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan được ghi nhận theo thống kê của Sở Tư Pháp tại một số tỉnh thành như sau:
Tại Long An theo số liệu thống kê tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan từ năm 2001 đến 2009 là:
Năm 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009
Số trường hợp 61 83 90 115 150 173 185 199 190
Vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan đã trở thành mối quan tâm không những của chính nhân dân trong tỉnh mà còn là của cả nước. Số lượng người nước ngoài nhất là người Đài Loan có nhu cầu đến Việt Nam kết hôn ngày càng tăng. Cùng với đó là xu hướng gả con cho người nước ngoài vì mục đích kinh tế trước mắt đang tăng lên một cách đáng kể.
Tại tỉnh Cần Thơ: từ 01/20003-10/2004 có 2871 trường hợp kết hôn với người Đài Loan chiếm 88% trong tổng số(1).
Tại tỉnh Vĩnh Long:
Năm 2001: 862 trường hợp.
Năm 2002: 716 trường hợp.
Năm 2003: 467 trường hợp(2).
Qua phân tích số liệu: các trường hợp phụ nữ Việt Nam Kết hôn với người nước ngoài nói chung và người Đài Loan nói riêng tại một số tỉnh thành cho thấy tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài đang là một vấn đề nóng bỏng trong xã hội và tỉ lệ phụ nữ kết hôn với người Đài Loan luôn chiếm một tỉ lệ cao trong tổng số trường hợp. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng không thể phủ nhận những tồn tại đang diễn ra hiện nay.
(1)Báo nhân dân ngày 23/3/2005 về quản lý Nhà Nước đối với quan hệ hôn nhân gia đình có yêu cầu nước ngoài
(2)Tham luận tình hình ly hôn với người nước ngoài tại tỉnh Vĩnh Long – TAND tỉnh Vĩnh Long ngày 10/9/2009
2.2. Nguyên nhân của hiện tượng kết hôn có yếu tố nước ngoài
Kết hôn có yếu tố nước ngoài là một vấn đề đã và đang diễn ra phổ biến trong xã hội. Sự gia tăng đáng kể các trường hợp kết hôn hiện nay cũng như những tồn tại trong quá trình thiết lập mối quan hệ này làm ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình thực tế của xã hội Việt Nam. Do tính chất mối quan hệ không những liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.
Do đó, ngay từ khi xuất hiện và được các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài đã phát sinh nhiều hạn chế trong thực tiễn đăng ký kết hôn nói riêng và áp dụng pháp luật nói chung. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng chủ yếu và cốt lõi là xuất phát từ những thay đổi trong tình hình kinh tế và xã hội của đất nước.
2.2.1. Thứ nhất về mặt xã hội
Ngày nay khi cuộc sống của người dân có những thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự vận động không ngừng của từng cá nhân cụ thể để thích ứng với môi trường thực tế đó. Xu hướng quốc tế hóa được mở rộng, đưa Việt Nam hòa nhập với cộng đồng thế giới, tạo ra sự giao lưu liên kết giữa những cá nhân, công dân trong nước với người nước ngoài. Biểu hiện rõ nét là các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được hình thành và ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Nguyên nhân đầu tiên và dễ dàng nhận thấy đó là: số lượng người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc gia tăng đáng kể.
Hàng năm Việt Nam thu hút hàng ngàn lượt người đến hoạt động kinh doanh, giao lưu kinh tế văn hóa, du lịch, thăm thân nhân… do chính sách mở cửa của Nhà nước ngày càng cải thiện theo chiều hướng thông thoáng hơn, mở cửa hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó một số người có khả năng trong nước lại ra nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc dẫn đến tình trạng kết cấu dân số có những biến động rõ rệt. Chính sự ảnh hưởng trực tiếp về tình hình này mà việc kết hôn đã mở rộng đối tượng chủ thể và ngày càng trở nên sôi động để đáp ứng những mục đích nhu cầu của cá nhân tham gia.
2.2.2. Thứ hai, xuất phát từ nhận thức của các chủ thể kết hôn
Do nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao, trình độ nhận thức tương đối được mở rộng, người dân không chỉ quan tâm đến các vấn đề thiết yếu của cuộc sống mà bên cạnh đó còn là những đòi hỏi về vật chất lẫn tinh thần mang tính hiện đại hơn. Để đáp ứng được điều này, có nhiều cách thức được các chủ thể áp dụng và một trong số đó là hình thành các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, kết quả này cũng nảy sinh trong một tình trạng ngược lại. Nếu những đối tượng trên chủ yếu là sinh sống tại các đô thị lớn trong cả nước, thì phần đông còn lại là một bộ phận dân cư sống tại vùng nông thôn, miền núi. Những người này có cuộc sống khó khăn và trình độ nhận thức còn hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay đây lại là đối tượng kết hôn với người nước ngoài phổ biến trên thực tế.
Cả hai nhóm chủ thể trên tuy ở những hoàn cảnh điều kiện sinh sống khác nhau, nhưng khi kết hôn với người nước ngoài thì phần lớn đều nhằm một mục đích đó là đáp ứng nhu cầu cá nhân. Ví dụ: kết hôn là để được đi ra nước ngoài; kết hôn theo sự áp đặt của cha mẹ, gia đình; kết hôn theo phong trào để tránh bị coi thường bởi những người xung quanh; thậm chí kết hôn chỉ vì muốn một lần được đi máy bay…. Điều này đã dẫn đến thực trạng là hôn nhân hiện nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau của cuộc sống và không được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính.
2.2.3. Thứ ba, kết hôn và mục đích kinh tế.
Đa số các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay các bên nam nữ đều nhằm vào lợi ích kinh tế nhất định, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam. Khi đất nước bước sang cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp, hàng loạt những thay đổi trong chính sách của nhà nước. Trong đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, hợp tác giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa… tuy nhiên mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có những ảnh hưởng nhất định đến lối sống của người dân Việt Nam, đua đòi chạy theo những mục tiêu thực dụng, xem thường những giá trị đạo đức truyền thống. Cụ thể các tình trạng này được minh họa rõ nét trong hôn nhân. Hôn nhân ngày nay được thương mại hóa chính các chủ thể trong quan hệ đó. Được hình thành trên cơ sở tình yêu hầu như chiếm một tỷ lệ rất ít, thay vào đó là kết hôn để đạt được lợi ích kinh tế trước mắt. Hạnh phúc gia đình được đem ra mua bán trao đổi bằng những khoản tiền. Phổ biến là người phụ nữ do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, muốn thay đổi cuộc sống bằng việc kết hôn với người nước ngoài, họ sẵn sàng chấp nhận các cuộc hon nhân này dù không có tình yêu hay chênh lệch tuổi tác, người chồng bị dị tật….
2.2.4. Thứ tư, kết hôn dưới tác động của hoạt động môi giới.
Thực trạng đang tồn tại của hoạt động môi giới bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến đến kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay. Trước hết môi giới xuất hiện do nhu cầu khách quan của chính các chủ thể đăng ký kết hôn. Về bản chất hoạt động này đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để các bên nam nữ trong và ngoài nước tìm hiểu tiếp xúc lẫn nhau. Chỉ riêng hoạt động của hình thức này đã làm tăng đáng kể các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài trên thực tế.
Một số cá nhân là tổ chức đã lợi dụng việc môi giới để kiếm lợi nhuận bằng chính thủ đoạn gian dối nhưng về hình thức lại là hợp pháp. Điều này đã đưa đến hậu quả sau hôn nhân đã làm ảnh hưởng đến các bên trong quan hệ đặc biệt là người phụ nữ.
Nhìn theo một hướng khác, môi giới có thể dẫn đến hạnh phúc gia đình nếu các bên đến với nhau bằng tình yêu chân chính và vì mục đích tốt đẹp của hôn nhân. Nhưng ngược lại, phần đông các cuộc hôn nhân hiện nay chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan, chủ quan từ bên ngoài mà trong đó có việc giới thiệu về lợi ích tốt đẹp khi kết hôn với người nước ngoài của các đối tượng môi giới. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng các cặp vợ chồng chung sống với nhau chỉ trong một thời gian ngắn và sau đó là ly hôn, nền tảng của gia đình không được đảm bảo.
2.2.5. Thứ năm, về mặt pháp lý.
Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trên cơ sở những phát sinh thay đổi từ thực tế cuộc sống. Đây không chỉ đơn thuần mang tính chất nội bộ của vùng miền mà có liên quan đến vấn đề quốc gia dân tộc , mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới nhà nước đã xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể cũng là nguyên nhân thúc đẩy và làm phát sinh tình trạng kết hôn có tính chất nước ngoài. Bởi pháp luật được đặt ra không chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội mà còn là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân tại quốc gia đó.
Tại thời điểm này cơ sở pháp lý của hôn nhân có yếu tố nước ngoài được ghi nhận cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như tại Nghị định số 68 và 69 của Chính phủ. Về mặt nội dung các văn bản này đã được nhà làm Luật xây dựng trên cơ sở lý luận cũng như thực tiễn. Ghi nhận những thay đổi của tình hình xã hội để điều chỉnh phù hợp đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng pháp luật lại nảy sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các chính sách của nhà nước, do tính chất biến đổi không ngừng của các hiện tượng trong xã hội.
Một số cá nhân đã không tuân thủ quy định của pháp luật về kết hôn, đi ngược lại với tinh thần chung của pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay.
Tóm lại, tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài là một hiện tượng xã hội phát sinh từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Chính sự tác động của nguyên nhân này vào quan hệ hôn nhân và gia đình đã làm nảy sinh những hạn chế, phức tạp trong hoạt động kết hôn cần phải được khắc phục và giải quyết kịp thời.
2.3. Thực trạng việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/NĐ-CP.
Theo đánh giá của Ông Trần Thất- Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp trong Báo cáo chuyên đề công tác hành chính tư pháp tại Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008, 2 Nghị định điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài là Nghi định 68/2002/NĐ-CP và Nghị định 69/2007/NĐ-CP đã đưa công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài nói chung và việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng đi vào quỹ đạo ổn định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, cũng như giải quyết thấu đáo được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi những tồn tại có nguyên nhân từ vấn đề cơ bản nhất, vấn đề nhân sự.
Theo tổng kết của Vụ Hành chính Tư pháp, khi giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, cán bộ Hộ tịch của các Sở Tư pháp có rất nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng các quy định về thủ tục không thống nhất. Cùng một việc, nhưng địa phương này giải quyết dễ dàng, địa phương khác lại gây khó khăn, thậm chí không giải quyết, dẫn đến bức xúc trong dư luận. Chính vì vậy, đã có trường hợp, đương sự phải làm động tác chuyển hộ khẩu từ địa phương này sang địa phương khác mới được công nhận việc kết hôn.
Một số cán bộ hộ tịch lại không cập nhật kịp thời những quy định mới, thậm chí không nghiên cứu kỹ những quy định hiện hành nên đã dẫn đến việc gây phiền hà cho các bên kết hôn. Nhiều khi, chính người đi làm thủ tục đăng ký kết hôn lại hiểu luật hơn cán bộ giải quyết việc đăng ký kết hôn. Nhưng vì tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nên họ vẫn phải đáp ứng đủ các giấy tờ mà cán bộ yêu cầu, dù biết rõ mười mươi rằng pháp luật không có quy định nào yêu cầu như vậy.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nước ta mở rộng giao lưu về nhiều mặt với các nước, người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống lâu dài ngày càng nhiều, bà con Việt kiều về nước thăm thân nhân, họ hàng, đầu tư kinh doanh đông hơn, két theo số lượng kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng ngày càng tăng. Trong khi đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài còn nhiều sơ hở. Quy định về công nhận và ghi chú việc kết hôn đã tiến hành ở nước ngoài còn lỏng lẻo, chưa cụ thể, thủ tục ghi chú khá đơn giản. Đương sự chỉ cần xuất trình giấy tờ hộ tịch đã đăng ký hợp lệ tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì được công nhận và ghi chú vào sổ hộ tịch (tức là công nhận giá trị pháp lý giấy tờ hộ tịch đó tại Việt Nam). Trong khi đó, pháp luật về hôn nhân gia đình của phía Hàn Quốc quy định rất “thoáng”: Khi người đàn ông Hàn Quốc muốn kết hôn với phụ nữ Việt Nam, họ yêu cầu phía nữ gửi giấy xác nhận độc thân, bản sao khai sinh, chứng minh nhân dân để kê khai việc kết hôn và được nhập tên vào sổ hộ khẩu gia đình người chồng tại Hàn Quốc. Sau đó, họ tiếp tục đến lãnh sự quan Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh để được cấp giấy chứng nhận không cản trở việc kết hôn theo luật pháp Hàn Quốc và đến Sở Tư pháp làm thủ tục ghi chú. Điều đáng nói là suốt quá trình đó người phụ nữ Việt Nam vẫn chưa từng đến Hàn Quốc, mọi thủ tục tại Hàn Quốc do bên nam thực hiện.
Phần lớn các cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hiện nay đều xuất thân từ những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, không có việc làm và thu nhập ổn định. Hầu hết có trình độ học vấn thấp, không có điều kiện tiếp cận thông tin, càng không am hiểu pháp luật. Lợi dụng tình hình đó, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới kết hôn nhằm trục lợi đã ráo riết khai thác, đối tượng chính mà bọn chúng nhằm vào là phụ nữ nghèo ở vùng sâu. Một số trường hợp phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, đã theo chồng định cư ở nước ngoài và may mắn có được cuộc sống ổn định, có việc làm, sau đó lại đưa người nước ngoài về nước để giới thiệu, mai mối cho chị em, họ hàng và cứ thế ngày càng nhân rộng…Một bộ phận phụ nữ nông thôn ảnh hưởng lối sống thực dụng, đua đòi chạy theo xu hướng lấy chồng nước ngoài với hy vọng “đổi đời” đã dễ dàng chấp nhận sự mai mối để lấy chồng ngoại quốc.
Trước thực trạng kết hôn có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp, những năm gần đây Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Tại Long An, năm 2006 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 52 quy định về thủ tục, trình tự và thời hạn giải quyết việc hộ tịch, lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp; chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường thực hiện quy định về phỏng vấn các bên kết hôn trong thủ tục đăng ký kết hôn và thủ tục ghi chú. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã thành lập đội ngũ cán bộ phỏng vấn độc lập với Phòng nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, nên đã hạn chế tiêu cực, lạm quyền trong quá trình giải quyết và nâng chất lượng phỏng vấn. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành Công an tăng cường thực hiện biện pháp xác minh để làm rõ các trường hợp kết hôn có nghi vấn. Công an xác minh, phỏng vấn đã giúp cho việc giải quyết đúng pháp luật, loại trừ các trường hợp kết hôn giả tạo thông qua môi giới kết hôn bất hợp pháp hoặc kết hôn nhằm mục đích khác. Đầu tháng 12/2007, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó áp dụng nhiều biện pháp như tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho phụ nữ, ngăn chặn, triệt phá các đường dây môi giới kết hôn; Tăng cường công tác phỏng vấn, xác minh, mạnh dạn từ chối giải quyết với những trường hợp kết hôn qua môi giới, kết hôn vội vã hoặc hai bên chưa giao tiếp được với nhau. Tuy nhiên, mọi cố gắng của địa phương cũng chỉ là tạm thời, bởi hiện nay Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế, không theo kịp diễn biến thực tế của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
2.4. Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng điều cấm (Điều 9 và Điều 10) của Luật Hôn nhân và Gia đình trong việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Theo quy đinh của Luật Hôn Nhân Và Gia Đình năm 2000, thì điều kiện kết hôn (Điều 9 và Điều 10) chính là các quy định mang tính pháp lý bắt buộc mà Nhà nước đặt ra cho các bên nam, nữ khi kết hôn phải tuân thủ. Muốn xác lập một hôn nhân hợp pháp thì đòi hỏi phải có sự thừa nhận của Nhà nước tức là phải đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên trên thực tế khi áp dụng điều kiện kết hôn, ta gặp không ít những khó khăn và vướng mắt khi áp dụng chúng.
Thực tế công tác tư pháp ở các Sở Tư Pháp cho thấy khi giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì: nếu trường hợp pháp luật của hai bên kết hôn có sự tương đồng về điều kiện kết hôn thì khi giải quyết cho hai bên đăng ký kết hôn Sở Tư Pháp không gặp bất kỳ sự khó khăn và vướng mắc nào khi giải quyết cho đăng ký kết hôn. Sau khi nhận hồ sơ thì lúc đó Sở Tư Pháp mới xem xét đến phần các bên có điều kiện đăng ký kết hôn hay không. Thông thường khi các bên đến nộp hồ sơ thì họ hầu như đã chuẩn bị đầy đủ và phù hợp với các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều đáng nói ở đây chính là trường hợp khi Sở Tư Pháp nhận hồ sơ của các bên kết hôn mà phát hiện pháp luật hai nước của hai bên kết hôn có sự khác nhau về điều kiện kết hôn, tức là pháp luật hai nước có sự xung đột về điều kiện kết hôn. Đối với trường hợp này Sở Tư Pháp sẽ tiến hành trả hồ sơ đăng ký kết hôn của các bên và không chấp nhận cho đăng ký kết hôn.Vì đối với trường hợp này rõ ràng pháp luật hai nước của hai bên kết hôn có sự khác biệt về điều kiện kết hôn thì làm sao có thể tiến hành cho đăng ký kết hôn được. Điều này được xem là khó khăn và vướng mắc khi áp dụng điều kiện kết hôn khi tiến hành cho hai bên đăng kí kết hôn nên hầu như mọi Sở Tư Pháp đều từ chối cho đăng kí kết hôn.
Sau đây sẽ là một vài phân tích để làm rõ những điều đã được nêu ở trên.
2.4.1 Thứ nhất, đối với trường hợp pháp luật hai nước của hai bên đăng ký kết hôn có sự tương đồng về điều kiện kết hôn.
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ của các bên kết hôn, Sở Tư Pháp sẽ xem xét và trải qua giai đoạn phỏng vấn nếu thấy hai bên kết hôn không vi phạm điều kiện kết hôn thì Sở Tư Pháp sẽ chấp nhận cho hai bên đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, thực tế của việc kết hôn này dù phù hợp với các điều kiện kết hôn do hai nước đặt ra nhưng không phải trường hợp kết hôn nào cũng dựa trên tình yêu chân chính và với mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc.
Những năm gần đây những phương tiện truyền thông đại chúng liên tục phản ánh không ít trường hợp các cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Họ bị đối xử bất công, bị đánh đập, thậm chí có nhiều người đã chết, có thể do tự tử hoặc trước sự đánh đập tàn nhẫn của người chồng. Điển hình gần đây nhất là trường hợp cô dâu Huỳnh Mai đã chết thảm khốc tại đất Hàn trong tầng hầm căn nhà của người chồng sau tám ngày bị giết với 18 chiếc xương sườn bị gãy. Đây là trường hợp điển hình cho thấy việc người vợ quá ít tuổi kết hôn với người chồng quá nhiều tuổi do họ không hiểu nhau cả về ngôn ngữ và lối sống. Đặc biệt là phương diện tình cảm họ không thấu hiểu được tâm lý mong muốn của nhau.
Trường hợp trên là một trong vô số trường hợp cho thấy quá trình phỏng vấn theo quy định của pháp luật Việt Nam để biết được yếu tố tự nguyện của các bên, sự thấu hiểu lẫn nhau về lối sống… đang có vấn đề. Mặc dù giai đoạn phỏng vấn là vô cùng quan trọng giúp cơ quan nhà nước kiểm tra được việc kết hôn của hai bên là do tự nguyện hay do ép buộc, lừa dối hay vì mục đích vụ lợi khác; đồng thời phỏng vấn còn giúp kiểm tra được mức độ hiểu biết giữa hai bên, khả năng giao tiếp ngôn ngữ chung ra sao… nhưng vì thực tế Sở Tư Pháp các tỉnh đã làm không tốt giai đoạn này nên đã chấp nhận cho các bên đăng ký kết hôn một cách dễ dàng mặc dù họ thật sự không hiểu ngôn ngữ của nhau; Vì lý do dơn giản hơn nữa là các cô gái Việt Nam lấy chồng chỉ vì mục đích là kiếm được nhiều tiền từ việc kết hôn này.
Trước đây theo quy định của Nghị Định số 68/2002/NĐ-CP thì sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn của các bên, Sở Tư Pháp sẽ tiến hành thẩm tra xác minh hồ sơ, chỉ những trường hợp nào qua thẩm tra xác minh mà phát hiện thấy có nghi vấn hoặc có khiếu nại tố cáo về việc kết hôn thì mới tiến hành phỏng vấn các bên.
Tuy nhiên theo Nghị Định sửa đổi số 69/2006/NĐ-CP thì tất cả các hồ sơ đăng ký kết hôn bắt buộc phải trải qua giai đoạn phỏng vấn.
Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Tư Pháp sẽ tiến hành phỏng vấn hai bên kết hôn nên bắt buộc các bên kết hôn phải có mặt tại Việt Nam để tham gia cuộc phỏng vấn này.
Như vậy qua phỏng vấn sẽ giúp tránh được trường hợp đi đến kết hôn chóng vánh của hai bên chỉ qua môi giới, thậm chí hai bên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ chung với nhau, không hiểu biết rõ về hoàn cảnh gia đình của nhau. Qua phỏng vấn cơ quan Tư pháp cũng có thể từ chối cho đăng ký kết hôn nếu phát hiện kết hôn là giả tạo (thường nhằm mục đích xuất cảnh trái phép, không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, bền vững, kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác, kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam (như sự chênh lệch quá đáng về tuổi tác giữa hai bên: ông già 80 tuổi lấy cô gái 18 tuổi). Như đã nói ở trên pháp luật quy định như vậy, nhưng thực tế không ít các trường hợp kết hôn là giả tạo để xuất cảnh trái phép, hoặc vì lợi ích kinh tế mà kết hôn nhưng cơ quan Tư pháp vẫn giải quyết cho đăng ký kết hôn. Vậy có quy định giai đoạn phỏng vấn cũng chỉ là hình thức. Các bên có giả dối thì cán bộ Tư pháp cũng không biết. Có chăng chỉ biết được họ không thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ để có thể hiểu thấu lẫn nhau mà từ chối cho đăng ký kết hôn.
Tháng 4 năm 2006, có một bài viết đăng trên báo Chosun (Hàn Quốc) đề cập đến phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc (HQ), bài báo đã tạo nên một làn sóng dư luận phản đối dữ dội không chỉ ở Việt Nam mà cả ở HQ, vì nó không dừng ở lĩnh vực truyền thông đại chúng mà còn tác động đến cả lĩnh vực ngoại giao.
Nhưng điều gì tạo nên làn sóng phản đối quyết liệt như vậy? Chúng ta thử xem, qua lăng kính báo chí nước ngoài nhìn nhận vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn có yếu tố nước ngoài như thế nào.
Có thể nói, người phụ nữ Việt Nam được xem như một món hàng rất dễ mua, qua các quảng cáo trên báo chí ở HQ. Hiện nay ở HQ, trên bất kỳ nhật báo nào cũng dễ dàng tìm thấy những lời quảng cáo như “Cô dâu Việt Nam sẵn sàng, chỉ cần có ý định (của bạn)”. Không những vậy, việc lấy vợ Việt Nam vô cùng dễ dàng, cho dù đàn ông HQ là người thế nào cũng có thể cưới được vợ Việt Nam “Người già, người muốn tái hôn, người đã có con, người khuyết tật đều có thể lấy trinh nữ Việt Nam xinh đẹp”. Để thêm sức thuyết phục cho việc tiếp thị lấy vợ Việt Nam, những quảng cáo nói trên còn liệt kê chi tiết về những ưu điểm của con gái Việt Nam. Đó không chỉ hấp dẫn về hình thức như “dáng người đẹp nhất trên thế giới” và quyến rũ hơn so với phụ nữ một số nước trong châu lục “khác với phụ nữ Trung Quốc và Philippines, phụ nữ Việt Nam có mùi cơ thể dễ chịu” mà còn có những phẩm hạnh tuyệt vời như “xuất giá tòng phu”, “tôn trọng người già, thờ cúng tổ tiên 4 đời”, “giữ gìn trinh tiết và chung thủy với chồng”.
Trong bối cảnh báo chí nhìn nhận việc kết hôn với phụ nữ Việt Nam như vậy, cũng dễ hiểu vì sao nhật báo Chosun lại có thể “bình thản kể lại một câu chuyện bất thường mà như là bình thường” sau đây:
“Trên bàn tiếp khách làm bằng tre, một người đàn ông HQ đang ngồi, 11 phụ nữ đang hồi hộp với ước mơ thoát khỏi cái nghèo. Người đàn ông HQ nhìn lướt qua một lượt khuôn mặt những cô gái đang ngồi xếp chân sang một bên. Sau 20 phút, ông ta quyết định không chọn nữa và nói “Ôi, thật ngại quá, không biết chọn ai bây giờ”.
Người đàn ông HQ ngoài 35 tuổi, không nghề nghiệp, có mẹ đang điều hành một quán ăn. Trước khi xem mắt trực tiếp 11 cô gái này, ông ta đã xem qua ảnh của họ “ông chuyển qua phòng bên cạnh, mở đĩa CD có thời gian một tiếng rưỡi, thời gian ghi hình là tháng 4/2006. Trên màn hình lần lượt xuất hiện 150 cô gái có mã số. Ống kính quay từ khuôn mặt rồi đến toàn thân. Chỉ được 20 phút, ông lại bỏ cuộc. Có lẽ ông đã chọn được hai trong số 11 cô gái lúc nãy”
Người đàn ông HQ này sang Việt Nam tìm vợ , với mục đích về để giúp bà mẹ của mình, như lời ông ta hỏi với cô gái được chọn “Tôi đang thất nghiệp nhưng sẽ xin việc làm. Mẹ tôi đã có tuổi và đang kinh doanh một cửa hàng thức ăn nhỏ. Có nuôi mẹ tôi được không?. Cũng chính vì mục đích lấy vợ về phục vụ gia đình, nên người đàn ông HQ này sau một lúc chần chừ cũng chọn Sen (cô gái xuất thân từ một vùng quê nghèo khó cách TP.HCM 4 giờ xe chạy) vì “Mẹ tôi dặn đi dặn lại là chọn cô nào có tướng tá to lớn để mai mốt còn phục vụ cơm nước cho bà”.
Phải chăng vì lấy vợ Việt Nam dễ, giá thấp lại có chất lượng cao như trên, xu hướng đàn ông HQ lấy vợ Việt Nam ngày càng nhiều ?
Theo cục thống kê HQ, chỉ trong vòng năm năm tỉ lệ kết hôn với nước ngoài của HQ tăng lên ba lần, trong đó lấy vợ Viêt Nam tăng 43 lần, năm 2001 là 143 người, đến năm 2005 là 5.822 người. Con số này chiếm 1/5 tổng số người HQ kết hôn với người nước ngoài, đứng thứ hai sau Trung Quốc (18.527 người). Nhưng hầu hết phụ nữ Trung Quốc này có gốc là người Hàn. Như vậy, chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số người nước ngoài mà đàn ông HQ kết hôn là phụ nữ Vệt Nam.
Bên cạnh những quảng cáo cho việc lấy vợ Việt Nam như một món hàng dễ mua, cũng có những bài viết cho thấy sự khó khăn trong đời sống gia đình của những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài “phụ nữ Châu á đến Hàn Quốc để kết hôn và có cuộc sống mới đều gặp rất nhiều khó khăn vì sự khác biệt về mặt văn hóa và những định kiến ở Hàn Quốc” (Tuổi trẻ, ngày 5/5/2006). Đồng thời, người HQ cũng băn khoăn khi thấy không ít đàn ông HQ chỉ có thể lấy vợ nước ngoài “thật đáng buồn khi nghĩ đến chuyện thanh niên ở các vùng quê phải ra nước ngoài để kiếm vợ chỉ vì không thể kiếm vợ ở HQ” ( Tuổi trẻ ngày 5/5/2006). Những kiểu quảng cáo xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam như vậy đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội ở HQ và đặc biệt ở Việt Nam, bởi vì đó không đơn giản chỉ là “nỗi đau và trách nhiệm, mà đây còn là nỗi nhục hình hình ảnh phụ nữ Việt Nam dưới con mắt người nước ngoài” ( Võ Văn Kiệt).
Có thể nói, dư luận HQ dẫu rằng có những phản ánh với nhật báo Chosun về bài viết của phóng viên Chae Sung Woo, nhưng cũng phủ nhận một thực tế những quảng cáo đó đang đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nam giới HQ đang gặp khó khăn trong hôn nhân với phụ nữ trong nước và họ đến Việt Nam, một đất nước có thị trường hôn nhân lý tưởng, dễ có cơ hội kết hôn bởi vì có nhiều cô gái- đặc biệt ở các vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long- đang có giấc mơ đổi đời qua việc kết hôn với người nước ngoài. Thêm nữa, Việt Nam và HQ có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, con người nên thế hệ con cái mai sau sẽ không có những khác biệt so với người gốc HQ; như quan niệm của người HQ “vì sự tương đồng về dung mạo nên khi sinh con sẽ không khác gì lắm với người HQ” ( tuổi trẻ 25/4/2006).
Ở Việt Nam, từ nhiều năm trước dư luận xã hội vá báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng và cảnh báo trước hiện tượng kết hôn với người nước ngoài ngày càng gia tăng. Từ năm 1995 đến nay, hàng trăm bài báo ở Việt Nam đã điều tra các đường dây tuyển các thôn nữ về thành phố Hồ Chí Minh nuôi nhốt trong những phòng trọ, cho những người đàn ông lớn tuổi, tật nguyền từ Trung Quốc, Đài Loan đến tuyển lựa. Chưa kể hàng trăm bài báo mô tả cảnh cô dâu Việt Nam ở Trung Quốc, Đài Loan bị ngược đãi, làm vợ tập thể trốn về nước ( phụ nữ 28/4/2006).
Có thể nói, qua báo chí đã cho thấy một sự biến đổi chuẩn mực xã hội, giá trị xã hội trong quan niệm của các thôn nữ ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long về hôn nhân với người nước ngoài. Có ý kiến nhận xét về đặc điểm hôn nhân với người nước ngoài hiện nay là “Xu hướng lấy chồng HQ tăng lên, trẻ hóa cô dâu. Trước đây lấy chồng thì được tiền, nay các cô dâu thôn nữ bỏ tiền ra cưới chồng ngoại quốc”. báo chí cũng phản ánh một trường hợp cô gái trẻ ở phía bắc “ Cưới chồng” Đài Loan với số tiền quy ra 10 tấn thóc. Bởi lý do kết hôn là ra nước ngoài có việc làm.
Đi lao động Đài Loan thì phải tốn tiền môi giới, mà hợp đồng lao động lại có hạn, chỉ phù hợp với những phụ nữ đã có gia đình. Nếu các cô gái lấy chồng, tờ hôn thú sẽ đảm bảo cho các cô ở lại Đài Loan làm việc tới… già. Thu nhập của các cô là niềm mong đợi của gia đình ở quê nhà. Đó là những cuộc hôn nhân 2 trong 1, vừa có chồng, vừa có việc làm. Số tiền các cô vay mượn bỏ ra mua chồng, sang đến Đài Loan, đi làm vài tháng là dư trả (Báo Phụ nữ TP HCM, ngày 23/6/2006). Ngoài ra, để cải thiện đời sống gia đình, “báo hiếu cha mẹ” cũng là một lý do quan trọng, như một nghiên cứu gần đây cho thấy động cơ kết hôn với người Đài Loan thì “Muốn giúp đỡ gia đình” chiếm tỷ lệ cao nhất 46.7%.
Có những luồng dư luận, ý kiến trái ngược nhau về vấn đề kết hôn với người nước ngoài. Có thể chia ra 2 quan điểm chính: ủng hộ và phản đối.
Những ý kiến phản đối việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, vì đó thực chất là buôn bán phụ nữ: “Có cả một dịch vụ mua bán phụ nữ Việt Nam cho người nước ngoài diễn ra và vẫn còn tiếp tục diễn ra nhộn nhịp, phát đạt, vui vẻ, không hề giấu diếm, một ngành buôn người thật sự”.
Ý kiến ủng hộ, nhìn từ bên ngoài: Trong bài viết của mình, Han Guk Yeom – Đại diện Trung tâm Nhân quyền của phụ nữ nhập cư tại Hàn Quốc – đăng trên báo Joong Ang, một tờ báo lớn của Hàn Quốc, đã viết rằng: “Sự thay đổi về cách nhìn nhận phụ nữ Châu Á là điều quan trọng nhất. Xem cuộc hôn nhân của phụ nữ nhập cư với đàn ông Hàn Quốc như “một cách chạy trốn đói nghèo” là một cách nhìn kỳ thị và sai lầm. Nếu mọi người tiếp tục nghĩ họ “lấy chồng vì tiền” thì sẽ rất khó ngăn chặn tình trạng vi phạm nhân quyền và nguy cơ buôn người…. Chúng ta nên nhìn nhận họ như những người tiên phong trong cuộc sống và tôn trọng họ” (Tuổi trẻ, ngày 5.5.2006)
Có thể thấy, các quan chức nước ngoài cũng ủng hộ việc kết hôn của nam giới Hàn Quốc với phụ nữ Việt Nam, qua cái nhìn tích cực của tùy viên báo chí và thông tin đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam “Hàn Quốc phải cảm ơn Việt Nam vì đã cho chúng tôi những cô dâu ngoan và tuyệt vời”, bởi lẽ khó khăn trong hôn nhân của đàn ông Hàn Quốc đang là một vấn đề xã hội “Một vấn đề xã hội lớn hiện nay tại Hàn Quốc là nhiều người đàn ông, nhất là ở nông thôn, rất khó lập gia đình. Nên đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ Việt Nam vì họ có thể chia sẻ việc chăm sóc cha mẹ già yếu, và chung sức lo cho gia đình” (Báo Lao Động 27.4.2006). Theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Hàn Quốc “ 35,9% thanh niên Hàn Quốc ở các làng nông thôn và chài lưới kết hôn trong năm ngoái đều lấy vợ nước ngoài” (Tuổi Trẻ 5.5.2006).
Sự tán đồng từ trong nước: Nguyên tổng biên tập báo Tuổi trẻ Lê Văn Nuôi cho rằng “Hôn nhân với người khác quốc tịch trong bối cảnh nước ta quan hệ đa phương và hội nhập toàn cầu là chuyện bình thường. Nhưng chỉ bình thường và đáng ủng hộ khi họ quan hệ hôn nhân bình đẳng, đến với nhau qua một quá trình giao tiếp, có tình yêu thật sự và cô dâu Việt Nam có đủ trình độ về văn hóa để hội nhập văn hóa xứ người” (Tuổi trẻ ngày 6/5/2006).
Hiện nay ở một số tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ rộ lên tình trạng các cô dâu muốn lấy chồng ngoại thì sẽ chuyển hộ khẩu đi các tỉnh khác để xin đăng ký kết hôn. Lý do là tỉnh nhà khắt khe trong việc giải quyết cho đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Điển hình là tại Đồng Tháp từ năm 2000 đến năm 2005, mỗi năm Đồng Tháp có hơn 2000 trường hợp cô gái Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhất là Đài Loan và Hàn Quốc. Nhận thấy nhiều trường hợp kết hôn không phải vì mục đích hôn nhân đúng nghĩa nên Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng biện pháp phỏng vấn kết hôn. Qua đó phát hiện các trường hợp kết hôn do thật sự yêu nhau rất ít, đa số vì mục đích kinh tế. Do Đồng Tháp nổi tiếng là nơi phỏng vấn rớt nhiều hơn đậu nên các cò bày mẹo cho các cô muốn lấy chồng ngoại thì cắt chuyển hộ khẩu sang tỉnh khác để né phỏng vấn và được giải quyết thông thoáng hơn. Nhiều cô gái đã làm theo cách này và đã thành công. Sau khi được kết hôn thì các cô gái chuyển hộ khẩu sang tỉnh khác lại nhập hộ khẩu về tỉnh cũ.
Không chỉ như vậy để tránh phỏng vấn, các cô dâu Việt Nam thường lách quy định này bằng cách gởi hồ sơ đăng ký kết hôn sang nước mà họ sẽ lấy chồng để đăng ký kết hôn, sau đó mới gởi về Việt Nam và chúng ta chỉ còn cách là công nhận việc kết hôn này (vì Nghị định số 68 hướng dẫn quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài lại không cấm). Lợi dụng sơ hở này các đầu nậu môi giới hôn nhân bất hợp pháp trong nước kết hợp với các Công ty môi giới hôn nhân phía nước ngoài đã có nhiều phụ nữ Việt Nam sang nước ngoài không phải vì mục đích hôn nhân.
Ngoài ra ở nhiều địa phương cán bộ hộ tịch đã có nhiều hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong khi giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong đó, có nhiều yếu kém, tiêu cực xảy ra. Chẳng hạn tại thủ tục phỏng vấn để làm rõ việc kết hôn của hai bên có tự nguyện hay không nhiều địa phương đã thực hiện rất hình thức, chiếu lệ, có nơi còn móc nối với cò để đưa ra kịch bản phỏng vấn suông sẻ. Như vậy là ở giai đoạn phỏng vấn có nhiều bất cập xảy ra. Cần báo động là có cán bộ hộ tịch đã lợi dung quy định về phỏng vấn để gây khó khăn cho hai bên kết hôn. Như để được xếp lịch phỏng vấn, các bên phải tìm cách “gặp gỡ” cán bộ hộ tịch, có trường hợp cố tình không xếp lịch phỏng vấn để hai bên phải chờ đợi, kéo dài thời gian ở Việt Nam.
Từ những tiêu cực thực tế đã xảy ra như vậy thì những trường hợp kết hôn với nhau sau đó không hiểu biết nhau dẫn tới khó khăn trong cuộc sống hôn nhân của cả hai bên kết hôn, một phần cũng do lỗi của cán bộ hộ tịch thiếu trách nhiệm. Khâu quan trọng nhất trong tiến trình cho đăng ký kết hôn để thấy rõ họ thực sự yêu thương nhau, đến với nhau vì tình yêu chân chính, không vụ lợi chính là khâu phỏng vấn nhưng xem ra nó đã bị coi nhẹ đi rất nhiều.
Qua phân tích ở trên cho thấy rằng tiến trình phỏng vấn kết hôn không được tuân thủ một cách nhất quán theo tinh thần chung của nó theo cách nó phải được áp dụng trong phạm vi của cả nước mà mỗi vùng, miền, mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Có nơi thực hiện khắt khe, có nơi lại thực hiện lỏng lẻo, hình thức. Và như vậy tương lai tình trạng cô dâu Việt bị đánh đập, nhốt trong nhà như một người tù, thậm chí bị giết… vẫn có thể xảy ra mà không có gì đảm bảo cho cuộc sống của họ sẽ được hạnh phúc. Mục đích hôn nhân không thể đạt được đối với một số lượng lớn các vụ kết hôn có yếu tố nước ngoài.
2.4.2. Thứ hai, trường hợp pháp luật hai nước của hai bên kết hôn có sự mâu thuẫn về điều kiện kết hôn.
Ta thấy rằng một khi quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phát sinh thường làm phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật. Xung đột pháp luật được thể hiện trong các quan hệ về kết hôn, ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, đặc biệt là các quyền về tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái và cuối cùng là các quan hệ về nuôi con nuôi, giám hộ. Theo nguyên tắc chung, xung đột pháp luật trong lĩnh vực này được giải quyết bằng cách ký các điều ước quốc tế hoặc xây dựng quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia.
Trong phạm vi tiểu luận này tôi xin phân tích trường hợp pháp luật hai nước có sự mâu thuẫn về điều kiện kết hôn và trong đó không tồn tại bất kỳ một Hiệp định tương trợ tư pháp nào để giải quyết xung đột về điều kiện kết hôn.
Thực tế tại các Sở Tư pháp các tỉnh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, thông thường thì khi xác định pháp luật hai nước của hai bên kết hôn có xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn thì cán bộ Sở Tư pháp sẽ trả hồ sơ đăng ký kết hôn và không chấp nhận cho đăng ký kết hôn.
Theo quy định tại Điều 103 khoản 1 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Điều 10 Nghị định số 68/CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp kết hôn. Như vậy, khi kết hôn với công dân Việt Nam người nước ngoài phải tuân theo các quy định của pháp luật của nước mà người đó là công dân về điều kiện kết hôn.
Theo Điều 103 thì trong việc kết hôn ở nước ngoài giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật nước mình về điều kiện kết hôn. Quy định này có một số nhược điểm như sau:
Nếu công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài với công dân của một nước còn tồn tại chế độ đa thê, thì pháp luật Việt Nam phải công nhận việc kết hôn này. Bởi lẽ, mỗi bên đã tuân theo pháp luật nước mình về điều kiện kết hôn.
Cũng theo Điều 103 thì khi người nước ngoài kết hôn ở Việt Nam với công dân Việt Nam thì họ phải tuân theo pháp luật nước mình đồng thời phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn. Nhược điểm của quy định này là sẽ dẫn tới cách hiểu: Nếu họ đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật nước họ, nhưng không đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật Việt Nam, thì họ không được kết hôn; nếu họ đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật Việt Nam nhưng không đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật nước họ thì họ cũng không được đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này phía công dân nước ngoài phải xin đăng ký kết hôn ở nước họ hoặc ở nước thứ ba.
Đã đành pháp luật Việt Nam không thể rập khuôn theo pháp luật các nước, nhưng có thể khẳng định rằng theo nội luật các nước, theo Hiệp định song phương, Công ước đa phương, theo tất cả các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa nước ta với nước ngoài đều áp dụng công thức “Luật theo quốc tịch”, có nghĩa là, bên kết hôn là công dân nước nào thì phải tuân theo luật nước ấy.
Câu hỏi được đặt ra: có phải là khi công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài với công dân nước ngoài thì công dân Việt Nam chỉ phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, còn công dân nước ngoài kết hôn ở Việt Nam, thì phía công dân nước ngoài vừa phải tuân thủ pháp luật nước mình, vừa phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn hay không?
Cũng theo Điều 103, khi kết hôn ở Việt Nam giữa công dân nước ngoài với nhau, thì họ chỉ phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn. Như vậy họ chỉ cần đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật Việt Nam, mà không cần đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật nước họ, thì chính quyền nước ta vẫn đăng ký kết hôn cho họ. Theo quy định này có một số nhược điểm mà chúng ta cần phải tính đến khi tiến hành đăng ký kết hôn cho họ:
Pháp luật nước ta coi việc kết hôn này là hợp pháp, nhưng pháp luật nước họ lại coi là bất hợp pháp, bởi lẽ pháp luật hầu hết các nước đều quy định là bất cứ kết hôn ở đâu thì mỗi bên cũng phải đạt điều kiện kết hôn theo pháp luật nước mình. Mà như chúng ta đã biết điều kiện kết hôn theo pháp luật của mỗi nước là khác nhau.
Nếu chỉ căn cứ vào pháp luật Việt Nam để xác định công dân nước ngoài đủ điều kiện kết hôn ở Việt Nam, thì chính quyền nước ngoài có thể không cấp các giấy tờ chứng nhận cần thiết khi chính quyền nước ta yêu cầu. Ví dụ: làm thế nào chúng ta biết được họ là người chưa vợ, chưa chồng, là những người có quan hệ dòng máu gần… Như vậy chúng ta chỉ căn cứ vào lời khai của họ.
Khi đăng ký kết hôn, người vợ xin được mang họ của chồng để ghi vào giấy công nhận kết hôn. Đây là pháp luật và truyền thống lâu đời của họ và tất nhiên là chính quyền nước ta sẽ từ chối, vì theo pháp luật Việt Nam, việc kết hôn không thể thay đổi họ của mỗi bên kết hôn.
Như vậy, nếu luật của chúng ta quy định là việc kết hôn ở Việt Nam giữa hai công dân nước ngoài với nhau phải tuân theo pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, thì họ không dám đăng ký kết hôn ở Việt Nam.
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI TRONG KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước và khả năng thực thi của pháp luật vào thực tế, tôi thấy rằng: Việc khắc phục những tồn tại hiện nay trong tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài là một đòi hỏi cấp bách. Bởi lẽ, đây là vấn đề mang tính chất xã hội, liên quan đến nhân tố con người cũng như những giá trị nhân thân của chính chủ thể này. Trong khi đó thực trạng xã hội hiện nay một phần ảnh hưởng đến ổn định và trật tự xã hội, làm phát sinh nhiều tiêu cực tác động đến cuộc sống và hạnh phúc của cá nhân nói riêng và tập thể nói chung. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn của vấn đề, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp góp phần làm hạn chế những biểu hiện tiêu cực, đưa hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài vào một trật tự nhất định.
3.1. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài đã có từ lâu, và thực sự rầm rộ trong khoảng mươi năm trở lại đây. Tuy nhiên, từ phía cộng đồng, xã hội chưa thật sự quan tâm và các đoàn thể dường như cũng bỏ qua, không thấy có vai trò và trách nhiệm trong chuyện này. Ngay cả Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của phụ nữ mà cũng chưa thật quan tâm đến số phận các thành viên của Hội kết hôn với người nước ngoài. Có thể thấy điều này trong thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Chủ Tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết;
“ Tôi đã nhiều lần có thư nhắc nhở, kêu cứu đến các cơ quan chức năng, các địa phương có nhiều chị em làm dâu xứ người. Cả một hệ thống chính trị của Đảng từ trung ương đến các địa phương không thấy có định hướng tác động gì, cứ thế mạnh ai nấy làm một cách tự phát” (Tuổi trẻ 28/4/2206) chúng ta cần tìm lời giải cho câu hỏi của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “ Ai có trách nhiệm phải giữ gìn truyền thống của phụ nữ Việt Nam và ai là người có trách nhiệm trước nỗi nhục này, có khả năng làm giảm nỗi đau này chăng ? (Tuổi trẻ 20/4/2006). Nhưng chúng ta biết rằng nhiều Bộ, Ngành còn thiếu trách nhiệm trước hiện tượng kết hôn với người nước ngoài. Ví dụ, trong khi Cục Thống kê Hàn Quốc có số liệu cụ thể những trường hợp kết hôn với người nước ngoài, thì ở Việt Nam “Cục Thống kê dường như không thèm nắm lấy mấy con số lặt vặt” đó. Bộ Tư pháp cũng không phân tích số liệu phụ nữ Việt Nam lấy chồng các nước, Tòa án tối cao không thống kê tỷ lệ ly hôn với người nước ngoài, phân tích nguyên nhân. Sở Tư Pháp cấp giấy kết hôn với người nước ngoài, nhưng đến xin số liệu phải đợi tách ra từng nước” (Phụ nữ 28/4/2006). Qua đó có thể thấy, các tổ chức xã hội, các ngành chức năng còn thiếu quan tâm đến hiện tượng hôn nhân có yếu tố nước ngoài của phụ nữ Việt Nam, và chưa có đơn vị xã hội nào coi đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
3.2. Vai trò của gia đình .
Giáo dục gia đình, nếp sống và gia phong của mỗi nhà rất quan trọng không chỉ ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách của con cái, mà còn trang bị cho con cáí sự hiểu biết, bản lĩnh sống, khả năng thích ứng trước những biến động, rủi ro của cuộc đời. Với con gái, nếu người mẹ không quan tâm giáo dục con mình về “công ,dung, ngôn, hạnh” về “Nữ công gia chánh” mà lại chỉ mong gả bán con gái mình cho người ngoại quốc, thì nguy cơ với con gái họ thật khó lường.
3.3. Hành trang cho phụ nữ Việt Nam kết hôn vời người nước ngoài.
Có một thực tế, “làn sóng” kết hôn với người nước ngoài những năm gần đây đa số là các cô gái từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học vấn thấp, ít hiểu biết. Vì thế, không thể bỏ mặc họ ra đi làm dâu xứ người với hai bàn tay trắng, chỉ với ước mơ đổi đời. Cần chuẩn bị cho các cô hành trang thật tốt để đi làm dâu xứ người. Theo quan điểm của chúng tôi, hành trang cho các phụ nữ có nguyện vọng kết hôn với người nước ngoài bao gồm:
3.3.1. Thông tin thực trạng về đời sống hôn nhân của những cô dâu Việt Nam ở nước ngoài:
Cần cung cấp cho những phụ nữ có mong muốn lấy chồng là người nước ngoài những thông tin thực trạng về đời sống hôn nhân của những cô dâu Việt Nam ở nước ngoài để các phụ nữ này có suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định. Trên thực tế, vì hầu hết các phụ nữ lấy chồng nước ngoài có trình độ thấp, nhiều người chưa bao giờ tiếp cận với các phương tiện truyến thông đại chúng, nên việc thiếu thông tin, hoặc có thông tin sai lệch ( qua môi giới) khiến cho không ít người đã vỡ mộng và nuối tiếc vì quyết định sai lầm của mình.
Có những thông tin đầy đủ và chính xác về người chồng tương lai, về gia cảnh người chồng , về địa phương mà các cô đến sẽ sinh sống với vai trò người vợ, người con dâu trong gia đình cũng sẽ góp phần giúp các cô và gia đình cân nhắc trước khi quyết định lấy chồng nước nào, ở đâu cho phù hợp với mình.
3.3.2 Các cô gái cần được đào tạo, được học làm vợ, làm dâu ở nước ngoài:
Với một số nội dung cơ bản, có thể là:
Về luật pháp, phong tục, tập quán của các vùng, miền của nước mà các cô gái sẽ đến làm dâu. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó vụ trưởng vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp thì “Hầu hết trong 3 năm đầu, các cô dâu Việt Nam rất khó mà hòa nhập với gia đình chồng vì không biết tiếng, chưa hiểu gia phong tập quán, phong tục”.
Về điều này, lời khuyên của tùy viên báo chí và thông tin Đại sứ quán Hàn Quốc rất đáng để cho phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ có ý định lấy chồng nước ngoài nói chung và lấy chồng Hàn Quốc nói riêng tham khảo “Tôi nghĩ trước khi có quyết định lấy chồng Hàn Quốc họ nên chuẩn bị cho những cách biệt văn hóa, ngôn ngữ và suy nghĩ. Hàn Quốc tuy phát triển hơn Việt Nam, nhưng cũng có những người phải sống rất khó khăn. “Các cô gái trẻ mang giấc mơ lấy chồng Hàn Quốc để đổi đời cần suy nghĩ chín chắn, vì thực tế không phải lúc nào cũng vậy” (Báo Lao Động ngày 27/4/2006).
Về kỹ năng nội trợ, sử dụng các đồ dùng trong gia đình: các cô gái cần được sử dụng các đồ dùng, tiện nghi trong gia đình nước ngoài, biết nấu các món ăn cho người nước ngoài, nơi mà các cô sẽ đến làm dâu. Thực tế cho thấy, có những trường hợp hôn nhân tan vỡ vì cô dâu không làm tròn bổn phận của mình. Như trường hợp một người đàn ông Hàn Quốc 45 tuổi sau hai tháng lấy cô dâu Việt Nam 19 tuổi đã đòi ly dị và kiện Viện Bảo hộ nguời tiêu dùng người Hàn Quốc, đòi lại chi phí thủ tục kết hôn vì cô vợ 19 tuổi dậy muộn, không lo bữa ăn sáng cho con trai đang học cấp 3 của chồng. Hay một ví dụ khác, một cô gái quê ở Đồng Tháp lấy chồng hai năm mà không biết nấu món ăn Hàn Quốc cho nhà chồng. Rõ ràng, công việc tề gia nội trợ là một nhiệm vụ không thể thiếu được khi lấy chồng nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan. Vì thế, học để làm nội trợ phục vụ gia đình cũng rất cần thiết, và làm tốt điều này là yếu tố đảm bảo hôn nhân bền vững ở xứ người.
Về ngôn ngữ: sẽ khó có thể làm tốt vai trò làm vợ, làm dâu ở nước ngoài nếu các cô gái không được học ngôn ngữ của nước đó. Vì thế, các cô gái trước khi kết hôn cần phải học ngôn ngữ của quốc gia mà các cô có ý định lấy chồng. Dù chúng ta không hy vọng các cô gái học vấn thấp (thậm chí có cô còn không biết đọc, biết viết) nhưng ít ra cũng dạy cho các cô biết được giao tiếp tối thiểu, có thể gọi tên các đồ vật/phương tiện sinh hoạt trong gia đình, … Đây là tiền đề cho các cô gái có thể dần dần vượt qua được rào cản ngôn ngữ, dần dần hội nhập vào cuộc sống gia đình ở nước ngoài.
Chỉ có thể như vậy, chúng ta mới góp phần làm giảm thiểu những rủi ro đối với các cô gái lấy chồng nước ngoài và mới xây dựng được những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài có được hạnh phúc gia đình. Đó cũng là điều quan trọng mà dư luận xã hội cần hướng tới. Cũng nhằm mục đích xây dựng đó, tôi nghĩ không chỉ ở những nước của “cô dâu” mà cả ở những nước của chú rể” cũng cần có sự uốn nắn của dư luận xã hội đối với những quan niệm lệch lạc về hạnh phúc con người.
3.4. Về quản lý nhà nước đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay trước những vấn đề phức tạp đã và đang nảy sinh trong thực tế cuộc sống, quá trình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền khi các cá nhân đến đăng ký kết hôn cũng có một số tồn tại nhất định.
Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trình độ của các cán bộ Sở Tư Pháp tương đối đáp ứng được yêu cầu công việc. Số còn lại đặc biệt là ở những vùng nông thôn thì kiến thức của các cán bộ còn nhiều hạn chế , chưa kịp thời nắm bắt được sự thay đổi của tình hình xã hội. Việc quản lý về kết hôn có yếu tố nước ngoài rất khó để thực hiện vì phạm vi tác động của quan hệ này không còn nằm trong khuôn khổ của một quốc gia.
Do đó để vận dụng những quy định của pháp luật vào đời sống một cách hiệu quả, một trong những nhân tố quan trọng đó là khả năng của con người.
Trước hết, cần có sự phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước với nhau. Ngoài Bộ Tư pháp có trách nhiệm chính trong việc quản lý về tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài , các cơ quan khác như: Bộ Ngoại Giao, Bộ Công An, các tổ chức đoàn thể… sẽ có những hỗ trợ nhất định để giải quyết những vần đề phát sinh hiện nay. Bởi vì, mục đích chủ yếu và quan trọng trong hoạt động của các cơ quan này là đảm bảo trật tự xã hội.
Cụ thể khi tiến hành công nhận mối quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đòi hỏi phải có sự xem xét đầy đủ về điều kiện kết hôn của các chủ thể cũng như có những biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc thực hiện những nội dung này nếu chỉ đơn thuần do một cơ quan đảm trách sẽ không đạt hiệu quả và sẽ rất dễ dẫn đến sai sót.
Ngoài ra, cần có một chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn phù hợp để đảm nhiệm những công việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hôn nhân gia đình. Những người này phải đáp ứng những điều kiện về trình độ pháp luật, có những hiểu biết nhất định về pháp luật quốc gia cũng như tinh thần về Luật Quốc tế nói chung. Trên cơ sở đó việc áp dụng pháp luật sẽ được thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả hơn.
3.5. Hình thành và phát triển các khu Trung tâm tư vấn hôn nhân, bãi bỏ hoạt động môi giới.
Cơ sở pháp lý cho việc hình thành các trung tâm môi giới hôn nhân đã quy định rất cụ thể trong Nghị định số 68 của Chính phủ. Thông qua đó các Trung tâm này hoạt động chủ yếu theo hướng phi lợi nhuận với sự quản lý của Hội Liên Hiệp Phụ nữ. Trên thực tế khả năng thực hiện quy định này còn nhiều hạn chế.
Hiện nay mô hình các Trung tâm hỗ trợ kết hôn vẫn chưa được phổ biến, số lượng chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn và chủ yếu được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở những tỉnh khác thì rất ít. Một số ý kiến cho rằng việc giao độc quyền môi giới hôn nhân cho Hội Liên Hiệp Phụ nữ quản lý hoạt động khó hiệu quả. Quản lý nhà nước đối với hoạt động này cũng chưa chặt chẽ làm xuất hiện nhiều hiện tượng môi giới bất hợp pháp. Một số người đã lợi dụng vào việc hướng dẫn hỗ trợ kết hôn để kiếm lời từ khách hàng có nhu cầu. Nghiêm trọng hơn là hành vi buôn bán phụ nữ, lừa đảo ẩn sau việc đăng ký kết hôn là dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự
Để khắc phục những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra hiện nay và áp dung đúng nội dung của quy định pháp luật về hỗ trợ kết hôn thì trước hết cần thấy hai khái niệm môi giới và tư vấn có nội hàm không trùng khớp với nhau. Tư vấn chỉ mức độ đưa thông tin còn môi giới có thể tham gia làm trung gian.
Theo tôi trong quản lý nhà nước đối với vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài chưa có sự ổn định và chặt chẽ thì đối vớí hoạt động môi giới kết hôn nên bãi bỏ. Ở đây cần tập trung vào việc xây dựng các trung tâm Tư vấn hỗ trợ kết hôn. Do tính chất của công việc này không đòi hỏi khả năng hay trình độ chuyên sâu mà chủ yếu là hướng dẫn trợ giúp những thông tin cần thiết cho những người có nhu cầu kết hôn.
Để thực hiện có hiệu quả Hội Liên Hiệp Phụ nữ cần xem xét để có sự phối hợp trợ giúp từ các cơ quan nhà nước có chức năng liên quan như cơ quan Tư pháp, cơ quan Ngoại vụ, Đoàn Thanh niên, Trung tâm văn hóa thông tin… Tổ chức nhiều hình thức:
* Lớp học về văn hóa nước ngoài, về phong tục tập quán các nước đặc biệt là ngôn ngữ.
* Hỗ trợ về kiến thức pháp luật cho các cá nhân có nguyện vọng kết hôn thông qua các buổi sinh hoạt, phổ biến, các cuộc thi…
Đây là những trợ giúp mang tính chất “tiền hôn nhân”, là cơ sở để đảm bảo sự hòa hợp sau này.
Bên cạnh đó cần quan tâm hơn đến những đối tượng là phụ nữ. Một trong những đối tượng chịu hậu quả từ môi giới bất hợp pháp, ảnh hưởng đến dư luận, nhân phẩm và cuộc sống của họ.
3.6. Cần phải ký kết nhiều hơn nữa các Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia trên thế giới.
Đây là một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài nhưng rất cần thiết trong lĩnh vực pháp luật. Hoạt động tương trợ tư pháp giữ vai trò quan trọng trong tình hình đang có nhiều biến động hiện nay, đặc biệt là khi Tòa Án và các cơ quan Nhà nước giải quyết các sự việc phát sinh có yếu tố nước ngoài, trong đó có vấn đề kết hôn. Chủ yếu của hoạt động này là do các cơ quan Tư pháp của các quốc gia thực hiện nhằm mục đích hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong kết hôn có yếu tố nước ngoài thông qua việc đăng ký kết hôn các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại bất cập.
Cụ thể là việc xem xét tính hợp pháp của hôn nhân, điều kiện kết hôn của các chủ thể có đáp ứng được hay không, cũng như việc theo dõi cuộc sống sau hôn nhân. Vì đối tượng trong quan hệ này thường tồn tại trên những khu vực lãnh thổ khác nhau.
Đa số các vấn đề tiêu cực nảy sinh sau kết hôn, quyền và nghĩa vụ các bên bị xâm phạm, đặc biệt về phía người phụ nữ. Qua nghiên cứu xã hội về cuộc sống của các cặp nam nữ sau khi kết hôn có yếu tố nước ngoài phần lớn đều thiếu hạnh phúc và có khả năng dẫn đến ly hôn. Trong đó về người phụ nữ bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm mà không có sự hỗ trợ từ phía pháp luật. Pháp luật nước sở tại cũng như pháp luật Việt Nam vẫn chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài.
3.7. Luật hôn nhân và đình cần có quy định riêng về điều kiện kết hôn trong kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, chỉ có mỗi luật hôn nhân và gia đình (HNGĐ) là có quy định về các điều kiện kết hôn. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng lại ở các quan hệ hôn nhân trong nước và từ đó áp dụng chung cho cả các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Theo đó. Cần phải có những quy định riêng về các điều kiện kết hôn với người nước ngoài . Cụ thể, phải có đủ một số điều kiện (không chênh lệch quá về tuổi tác, có hiểu biết lẫn nhau) và mục đích hôn nhân phải là tự nguyện, tiến bộ.
KẾT LUẬN
Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, các vấn đề xã hội mới nảy sinh ảnh hưởng đến xu hướng phát triển chung của cả đất nước. Quy luật của Thị trường và sự vận động không ngừng của xã hội đòi hỏi bất kỳ một Quốc gia nào cũng cần có một chính sách cụ thể để điều tiết cho phù hợp. Chúng ta có thể đánh giá một nước phát triển dựa vào trình độ văn hóa nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của xã hội mà trọng tâm là vấn đề con người.
Gia đình là một tập hợp những con người có liên kết gắn bó với nhau về vật chất lẫn tình cảm. Do đó, khi thiết lập quan hệ hôn nhân đặc biệt là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài; một trong những mục tiêu quan trọng được xác định là phải xây dựng một gia đình no ấm, trên cơ sở tình yêu chân chính. Các hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài đã và đang làm biến đổi những giá trị truyền thống trong hôn nhân, làm ảnh hưởng đến lối sống và suy nghĩ của con người về gia đình.
Tình trạng kết hôn giữa công dân trong nước với người nước ngoài thường không dựa trên cơ sở tình yêu mà thay vào đó là những mục đích kinh tế để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. hôn nhân không còn giữ được những giá trị như ban đầu mà được thương mại hóa, quốc tế hóa từ nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội một phần cũng do những nguyên nhân khách quan từ thực tế, nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhận thức của con người.
Bài tiểu luận này thực hiện dựa trên cơ sở tìm hiểu những quy định pháp luật hiện hành (Điều 9 và Điều 10) của Luật Hôn nhân và Gia đình, thực trạng của việc áp dụng chúng và từ đó đưa ra những giải pháp đối với tồn tại trong tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay. Mặc dù đây chưa hẳn đã là những giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại nhưng tôi hy vọng rằng với việc nghiên cứu và đưa ra những giải pháp, tiểu luận này sẽ góp phần thiết thực, tạo ra những cơ sở nhất định cho việc xây dựng chiến lược lâu dài trong việc kết hôn có yếu tố nước ngoài này. Bởí trên thực tế đây là vấn đế mang yếu tố tâm lý tình cảm cần phải được tác động từ nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên phạm vi của tiểu luận này chỉ phản ánh ở một nội dung nhất định trong khi kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan bên ngoài thì pháp luật với vai trò là công cụ để nhà nước quản lý xã hội sẽ có những tác động tích cực lên quan hệ này để đảm bảo cho trật tự và ổn định xã hội nói chung.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét