máy ảnh - ống kính và cách bảo quản
Một vài cách bảo quản máy ảnh
Chào các bạn,
Trong chúng ta, những người yêu thích nhiếp ảnh, ai cũng sở hữu máy ảnh và một vài ống kính, và chắc ai cũng đều dành mọi ưu ái cưng chiều cho những thiết bị của mình, những phương tiện giúp chúng ta bắt lấy những khỏanh khắc đẹp.
Bảo quản máy ảnh và ống kính như thế nào cho tốt là một trong những điều mà ai cũng rất quan tâm.
Cá nhân mình cũng vậy, trước đây mình thường bảo quản thiết bị bằng hạt hút ẩm cho vào thùng kín, cách này cũng tương đối hiệu quả nhưng hiệu quả đến mức nào thì bản thân mình cũng không thể biết được vì không có cách kiểm sóat được độ ẩm là bao nhiêu? Sau khi tìm hiểu, tiếp cận và học hỏi các anh kỹ thuật viên ở một số trung tâm và anh Tấn ở đường Trần Hưng Đạo, một người đã làm nghề bảo dưỡng máy ảnh đã 8 năm, mình tổng kết một vài cách bảo quản máy ảnh và ống kính chia sẻ để các bạn tham khảo, mọi thông tin là do mình tổng kết và tự kết luận nên chỉ có giá trị cho các bạn tham khảo thôi nhé.
Hiểu thêm về nấm mốc
Như chúng ta đã biết, bệnh thường gặp của máy ảnh và ống kính là bị mốc do khí hậu ẩm và bảo quản chưa đúng hoặc sơ sài. Nấm mốc là một lọai vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm từ 60% trở lên. Nếu nấm phát triển trên thân máy thì sẽ làm cho các mạch điện do bị ẩm sẽ bị ăn mòn dẫn đến họat động chập chờn, lâu ngày có thể hư hỏng. Nếu nấm phát triển trên ống kính thì ống kính sẽ bị loang lổ như rễ tre làm cho ảnh bị giảm chất lượng, bị halo hoặc rất mờ.
Do là một lọai vi khuẩn nên ở môi trường thuận lợi chúng sẽ lan ra và có thể lây nhiễm cho các thiết bị khác nếu chúng ta để gần nhau. Khi tồn tại trên bề mặt thấu kính các dung dịch mà chúng tiết ra sẽ ăn mòn lớp hóa chất phủ ống kính, nếu lâu ngày thì dù có lau cũng không thể hết được vì lớp hóa chất này đã bị ăn mòn.
Khi thiết bị bị nấm mốc
Theo các KTV bảo dưỡng máy ảnh thì khi mới phát hiện máy ảnh hoặc ống kính bị nấm mốc chúng ta nên đem bảo hành hoặc bảo dưỡng càng sớm càng tốt, điều này sẽ tránh cho thiết bị của chúng ta bị hư hỏng nặng hơn hoặc lây cho các thiết bị khác. Tại các nơi này, các KTV sẽ tháo ống kính ra và vệ sinh sạch sẽ, nếu nấm mốc nhẹ thì chỉ cần lau sơ là sạch ngay, còn nếu bị nặng thì sẽ lau bằng hóa chất nặng hơn, khi bị nấm ăn mòn lớp phủ thì dù lau sạch nhưng bề mặt thấu kính sẽ vẫn bị tỳ vết như vết sẹo trên mặt người đẹp vậy. Giải thích về thắc mắc là khi lau như vậy có thể gây mòn lớp phủ? Anh Tấn nói rằng đó là nhận định sai lầm vì lớp này được phủ trên bề mặt rất chắc chắn và phân tích rằng nếu để lâu sẽ bị tác hại như phần trên mình đã trình bày. Anh cũng nói rằng các ống kính đời mới có lớp phủ tuy chất lượng cao hơn nhưng rất mỏng.
Có những thông tin cho rằng sau khi lau, ống kính sẽ dễ bị mốc lại. Điều này đúng vì khi lắp các thấu kính, nhà sản xuất có tráng một lớp keo mỏng ngòai viền ống kính để cố định và ngăn không cho bụi lọt vào, khi lau ống kính thì KTV chỉ gắn thấu kính vào vị trí cũ mà không có lớp keo nên không khí sẽ lưu thông dễ dàng và vi khuẩn mốc sẽ len lỏi vào theo dễ dàng hơn. Điều này cho thấy tác dụng của việc bảo quản để thiết bị đừng bị nhiễm nấm mốc là việc làm rất quan trọng.
Một vài cách bảo quản
Theo nhiều thông tin thì máy ảnh và ống kính phải được bảo quản trong môi trường có độ ẩm từ 45% đến 50%. Theo mình biết thì ở môi trường thông thường tại Tp HCM có độ ẩm từ 65% trở lên.
- Bảo quản bằng cách cho thiết bị vào thùng kín có gạo rang bên trong, gạo rang lên sẽ khô và háo nước nên sẽ hút hết hơi ẩm trong thiết bị, phương pháp này cũng tương tự phương pháp dùng hạt hút ẩm.
Ưu điểm của phương pháp này là rẻ tiền.
Hạn chế là không biết được độ ẩm là bao nhiêu, độ ẩm có đạt ở mức cần thiết hay chưa? Điều này có thể khắc phục bằng cách mua thêm một đồng hồ đo độ ẩm để theo dõi, khi độ ẩm vượt ngưỡng thì ta có thể thay mới hoặc rang lại.
- Bảo quản bằng cách sưởi bằng đèn trái ớt là cách mà nhiều người cũng hay sử dụng, bằng cách bỏ thiết bị vào tủ có một hoặc hai đèn trái ớt và sưởi ấm liên tục. Vì chưa dùng phương pháp này nên mình chưa có kinh nghiệm, nhưng tốt nhất cũng nên mua một đồng hồ đo độ ẩm để theo dõi.
- Bảo quản bằng cách sưởi bằng tivi, phương pháp này theo anh Tấn thì rất hiệu quả và cũng theo anh thì có thể tiêu diệt cả nấm mốc do khi tivi hoạt động thì CRT phát ra một lượng từ trường nhất định. Người ta làm một cái tủ nhỏ có đáy bằng lưới và để sát trên tivi, mỗi ngày tivi họat động sẽ có tác dụng sưởi ấm thiết bị. Mình chưa thực nghịêm phương pháp này nhưng nhận thấy phương pháp này cũng hay với điều kiện là ngày nào cũng phải có người xem tivi vài tiếng thì mới có tác dụng.
- Bảo quản bằng cách để thiết bị trong tủ chống ẩm, đây là phương pháp có vẻ khoa học nhất, vì có đồng hồ đo và nguyên lý họat động rõ ràng, và cũng tốn tiền nhất vì giá thành của tủ từ 100USD đến vài trăm USD. Nếu có điều kiện thì đầu tư cho 1 cái tủ cũng hợp lý vì với giá trị máy ảnh và ống kính lên đến hơn hàng ngàn USD thì đầu tư cho tủ chống ẩm 100USD cũng thích hợp. Khi cài đặt độ ẩm phù hợp thì tủ sẽ tự động duy trì ở độ ẩm đó nên chúng ta không bận tâm lắm cho việc theo dõi.
Tất cả các cách bảo quản trên đây chỉ có tác dụng để duy trì độ ẩm cần thiết để giữ khô thiết bị chứ chưa có phương pháp nào lọai trừ hòan tòan nấm mốc. Một số người khuyên rằng lâu lâu nên đem máy ảnh và ống kính ra phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt nấm mốc. Mình thấy cũng hợp lý nhưng khi phơi các bạn nhớ coi chừng trời mưa nhé.
Trên đây là một vài phương pháp để bảo quản máy ảnh do mình tự tổng kết và biên sọan nên không tránh khỏi sai sót, mong các bạn bổ sung thêm để có nhiều thông tin và nhiều lựa chọn nhằm mục đích giúp đỡ mọi người chọn phương pháp bảo quản máy ảnh và ống kính phù hợp với điều kiện của mình.
• Ống kính
Ống kính là một tổ hợp các lăng kính giúp lấy cự ly xa, gần, tạo sự thuận lợi để người chụp có được những bức ảnh sắc nét. Và do là bộ phận có thể tháo lắp nên ống kính không tránh khỏi tình trạng thường xuyên bị bám bụi, ẩm mốc làm cho ảnh chụp bị nhòe hay nổi đốm màu.
Những dòng máy DSLR thế hệ mới với các công nghệ hiện đại có thể tự động làm sạch bụi ống kính và sensor. Những máy không có công nghệ tự làm sạch bụi thì phải làm vệ sinh ống kính thủ công bằng tay. Thông thường, cứ khoảng 3 tháng, phải vệ sinh ống kính một lần.
Bạn có thể đưa đến cửa hàng hiệu để thợ có đủ dụng cụ chuyên nghiệp làm. Trong quá trình dùng, nên thường xuyên bảo quản máy bằng cách lấy khăn mềm lau nhẹ nhàng toàn bộ ống kính và thân máy trước khi cho máy vào hộp hút ẩm hoặc tủ sấy. Trường hợp mang máy ra biển thì hạn chế nước biển thấm vào bất kỳ bộ phận nào trên máy.
Chú ý, không để cát chui vào ống kính, làm kẹt vòng xoay zoom. Nếu không để ý, xoay mạnh tay, ống kính bị dính cát sẽ làm gãy các cần xoay bên trong. Khi chọn mua ống kính, bạn nên chọn loại có lớp UV bảo vệ.
• 2
Sensor
Ảnh chụp không rõ nét, ngoài nguyên nhân ở ống kính thì bộ cảm biến ảnh (sensor) cũng là tác nhân trực tiếp. Nằm sâu phía trong máy, tiếp giáp với ống kính nên bộ phận này rất dễ bị bám bụi bẩn trong khi thay đổi ống kính.
Bạn có thể kiểm tra sensor có bụi không bằng cách tháo ống kính ra, bật đèn sáng. Nhấn vào Menu, chọn Clean Sensor, nhấn Set, màn hình hiện lên, khi đó bạn sẽ thấy một "con" sensor màu xanh. Nếu thấy xung quanh sensor có nhiều vết lốm đốm thì nó đã đến thời kỳ làm sạch.
Đối với các thế hệ máy sau này, khi sensor bị bụi bẩn, đã có chương trình tự động làm sạch bụi. Tuy nhiên, đối với những máy thế hệ cũ, không thể tự động làm sạch bụi trong sensor, bạn cũng có thể tự vệ sinh sensor bằng cách dùng dụng cụ bóp hơi. Cách làm này bụi sẽ được thổi ra ngoài khi bạn bóp hơi thổi bụi nhẹ nhàng lần lượt theo chiều ngang sensor. Quá trình thổi nên úp máy xuống và thổi từ dưới lên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét