BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
BAN TỔ CHỨC - BAN TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ
Số 12 QĐ/TC-TTVH Hà Nội, ngày 09.01.2004
BAN TỔ CHỨC - BAN TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ
Số 12 QĐ/TC-TTVH Hà Nội, ngày 09.01.2004
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH TRÌNH ĐỘ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12 tháng 5 năm 1999 của Bộ Chính trị (khoá VIII), sau khi trao đổi thống nhất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Giáodục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương ban hành quy định về việc xác định trình độ lý luận chính trị như sau :
I. Quy định trình độ lý luận chính trị:
1. Đối tượng được công nhận có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
- Những người có bằng đại học chính trị, đại học chuyên ngành Mác-Lênin (Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Lịch sử Đảng), đại học chuyên ngành Tư tưởng - Văn hoá, đại học chuyên ngành Tổ chức.
- Những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến thuật - chiến dịch nhóm ngành Khoa học - xã hội và Nhân văn, Quản lý - Chỉ huy quân sự (Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị - Quân sự, Học viện Lục quân, Học viện Khoa học quân sự).
- Những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học chuyên ngành Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Đối tượng được công nhận có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
- Những người đã tốt nghiệp ở các học viện, trường đại học, cao đẳng của các trường thuộc chuyên ngành Kinh tế - Quản trị, kinh doanh, Khoa học xã hội và Nhân văn ở trong nước.
- Những người đã tốt nghiệp hoặc đã học xong chương trình trung học chính trị tại các trường chính trị tỉnh, thành và ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
- Những người đã tốt nghiệp hoặc đã học xong chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở cơ sở tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Những người tốt nghiệp hệ dài hạn (từ hai năm trở lên) không phải chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại các phân hiệu Nguyễn Ái Quốc và các trường Đảng khu vực (trước đây) và Phân viện Hà Nội, Phân viện Đà Nẵng, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền.
- Những người tốt nghiệp các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên đã bảo vệ thành công luận án TS và TSKH (PTS và TS cũ) ở trong nước và ở các nước XHCN.
- Những người có bằng thạc sĩ chuyên ngành khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên ngành Kinh tế - Quản trị, kinh doanh ở trong nước.
- Những người đã tốt nghiệp hệ dài hạn trường đào tạo sĩ quan, Quản lý - Chỉ huy quân sự, công an, các học viện đào tạo cán bộ cấp chiến thuật - chiến dịch ngành hậu cần, kỹ thuật.
3. Đối tượng được công nhận có trình độ sơ cấp lý luận chính trị:
- Những người đã tốt nghiệp ở các học viện, trường đại học, cao đẳng trong nước (trừ những trường được quy định ở điểm 2 tại văn bản này), những người tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp khối ngành kinh tế, những người tốt nghiệp các trường trung cấp quân đội, công an.
- Những người đã tốt nghiệp các học viện, trường quân đội cấp phân đội không thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, quản lý, chỉ huy quân sự, công an.
II. Phạm vi sử dụng:
- Việc xác định trình độ lý luận chính trị được áp dụng chung cho cả nước, ở các hệ thống đào tạo (hệ thống trường Đảng, hệ thống trường Nhà nước, trường lực lượng vũ trang, trường các đoàn thể).
- Người muốn học tiếp chương trình lý luận chính trị cao hơn phải có trình độ kế tiếp.
- Việc xác định trình độ lý luận chính trị được áp dụng để xem xét, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch cán bộ, công chức nói chung theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Riêng đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện và tương đương trở lên và cán bộ trong diện quy hoạch dự nguồn các chức danh nói trên nhất thiết phải được đào tạo theo chương trình đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hoặc các trường thuộc lực lượng vũ trang cùng cấp.
Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã và tương đương và cán bộ trong diện quy hoạch tạo nguồn các chức danh nói trên nhất thiết phải được đào tạo theo chương trình đào tạo cán bộ chủ chốt cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị) do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các bộ, ngành.
Hướng dẫn này thay thế các văn bản hướng dẫn trước đây và được thực hiện thống nhất kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc, phát sinh, kịp thời báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương để bổ sung, điều chỉnh.
KT/trưởng ban TT-VHTW KT/trưởng ban tổ chức TW
Phó trưởng ban Phó trưởng ban
Đã ký Đã ký
Phó trưởng ban Phó trưởng ban
Đã ký Đã ký
Đào Duy Quát Nguyễn Thị Kim Hồng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét